Yêu Thương Là Làm Cho Sống


YÊU THƯƠNG LÀ LÀM CHO SỐNG
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”



Một nhà tu đức nói, “Nếu bạn sống trong nghĩa địa quá lâu, bạn sẽ ngừng khóc khi ai đó chết! Cũng thế, nếu bạn sống trong ích kỷ quá lâu, bạn sẽ làm cho người khác ‘bớt người’ hơn, khi bạn yêu họ; đang khi với Chúa Giêsu, yêu thương là nâng cao, ‘yêu thương là làm cho sống!’”.

Kính thưa Anh Chị em,
‘Yêu thương là làm cho sống!’, Thánh Vịnh đáp ca và hai bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã yêu theo cách đó. Ngài nhân ái, thành tín, và yêu thương, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa sánh mình như một người chồng của dân Ngài; Ngài hứa hôn với dân, “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu; Ta sẽ lập hôn ước trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương!”. Chính Chúa Giêsu, hiện thân tuyệt vời của một Thiên Chúa làm người, cũng đã thể hiện trọn vẹn tình yêu tín trung này. Trong các Phúc Âm, Ngài từng ví mình là chàng rể; Phaolô gọi Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài, Đấng bày tỏ tình yêu của một Đức Lang Quân hiến mình đến chết trên thập giá. Từ kinh nghiệm sống, chúng ta biết, tình yêu đích thực luôn chết đi cho mình để mang lại sự sống cho người được yêu. 

Điều này tuyệt đối đúng nơi Chúa Giêsu. Tình yêu của Ngài mang lại cho những ai Ngài gặp gỡ khả năng để sống một cuộc sống viên mãn ở mức độ cao nhất. Tin Mừng hôm nay đan xen bởi hai con người được Chúa Giêsu cứu sống; một đứa bé khoảng 12 tuổi đã chết, và người phụ nữ hơn 12 năm băng huyết; Ngài trả lại sự sống cho cả hai. Bằng cách đó, Chúa Giêsu cho thấy, tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết. Vì thế, cả khi cái chết đến, chúng ta cũng sẽ đứng dậy khi thông phần vào Sự Sống Phục Sinh của Ngài. Tuy nhiên, ngay ở phía bên này của cái chết, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm sự sống yêu thương từ Chúa Giêsu; đó là sự hiện diện của Ngài qua Thánh Thể, qua Lời Chúa và qua tha nhân, mà trong họ, Ngài đang sống.

Như người phụ nữ, chúng ta có thể tiếp cận và chạm vào sự hiện diện của Chúa Giêsu ở đây và lúc này. Khác với sự công khai của viên trưởng hội đường, hành trình đến với Ngài của phụ nữ này là một hành trình rất riêng tư, bà đến ‘từ phía sau’. Bằng bất cứ cách nào khi đến gần Chúa, chúng ta sẽ thấy, Ngài luôn ở đó để tiếp nhận chúng ta. Nếu phó mình cho Ngài với đức tin của người phụ nữ, và đức tin của viên trưởng hội đường, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện chữa lành và cứu sống của Ngài; bởi lẽ, với Ngài, ‘yêu thương là làm cho sống!’. Với người phụ nữ, Ngài nói, “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu con!”.

Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Một định nghĩa thoạt nghe, có vẻ xa lạ về một Đấng Vô Hình; thế nhưng, lại trở nên cụ thể tuyệt vời, có thể thấy được, sờ được nơi con người Giêsu, trong hình hài của một phàm nhân! Ngài đến “cho trần gian được sống và sống dồi dào!”. Quả vậy, Chúa Giêsu không chỉ nắm lấy tay đứa bé để nó sống lại rồi lại chết; cũng không chỉ cho người phụ nữ chạm vào tua áo để được lành sạch, cao hơn thế bội phần! Ngài hiến mình làm lương thực tan biến trong máu thịt chúng ta, khiến chúng ta được thông dự sự sống thần linh, sự sống không làm chúng ta rồi đây, biến mất; nhưng được sống dồi dào, sống viên mãn hôm nay; và sống đời đời ngày sau! Vậy, mang lấy sự sống Thiên Chúa trong mình, chúng ta hãy sống như con cái Thiên Chúa. Đừng để ích kỷ trì kéo chúng ta xuống “quá lâu”; trái lại, sống cao thượng với một con tim đầy tràn tình yêu. Chính nhờ tình yêu vị tha và hy sinh như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm cho người khác, nhất là những người thân trong gia đình được sống. Nếu chúng ta tâm niệm ‘yêu thương là làm cho sống’, chúng ta thật sự đã trở nên một tạo vật mới và Thịt Máu Ngôi Hai đã thực sự biến hoá và biến đổi con người chúng ta! 

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim yêu thương như Chúa, ‘yêu thương là làm cho sống’. Xin chữa lành một phần nào đó trong tim con, vốn cũng đã chết; một phần nào đó trong linh hồn con, vốn cũng đang chảy máu!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)