Văn Hoá Sự Sống


VĂN HOÁ SỰ SỐNG



“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”
 

Tại một ngôi làng trong rừng Bornes, các nhân viên y tế đã phun DDT trong các túp lều để diệt muỗi, nguyên nhân của sốt rét. Những con thằn lằn sống trong vách đất của những túp lều đã hấp thụ một lượng lớn DDT và chết; những con mèo lần lượt ăn những con thằn lằn hấp hối này, và chính chúng cũng chết; những con mèo chết, dẫn đến sự xâm nhập của chuột. Cái chết của thằn lằn khiến những con sâu rơm, vốn là thức ăn của thằn lằn, tự do sinh sôi nảy nở. Và cuối cùng những con sâu ngấu nghiến cả những mái tranh của bộ tộc; chuột bọ nhiều, lại dẫn đến dịch hạch!

Kính thưa Anh Chị em,
Câu chuyện làng Bornes nói đến cái chết thể lý dây chuyền của những con vật tác hại đến môi trường; câu chuyện Tin Mừng hôm nay không nói đến cái chết thể lý, nhưng nguy hại hơn, một cái chết tinh thần. Thật bất ngờ, Lời Chúa cho thấy sự đối nghịch của hai nền văn hoá! Những người biệt phái sống theo văn hoá sự chết; Phaolô và Chúa Giêsu làm theo ‘văn hoá sự sống!’.

Trước những người biệt phái, vốn tự cho mình là cam kết với đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vô cùng lo lắng cho sự lầm lạc của họ; họ cho rằng, luật của Thiên Chúa cấm làm điều lành ngay cả trong ngày Sabbat. Luca cho biết, Chúa Giêsu đặt thẳng vấn đề, “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Dĩ nhiên, câu trả lời của họ sẽ là, làm điều dữ là phạm luật; nhưng ngay cả điều lành cũng không được phép! Họ từng bảo, “Có sáu ngày người ta phải làm việc; vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong các ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat!”. Đó là những người sống theo văn hoá sự chết, họ đã bóp nghẹt cốt lõi yêu thương trong việc tuân giữ luật Chúa.

Đang khi ấy, trong cái nhìn của Chúa Giêsu, điều tốt có thể được thực hiện bất kể ngày nào, bất kể lúc nào, bất kể người khác nghĩ gì, và bất kể chống đối nào Ngài có thể đối mặt. Đó là luật của Tin Mừng, luật của tình yêu; và Ngài đến để kiện toàn luật đó. Chẳng hạn như việc Ngài không ngần ngại chữa lành cho người bại tay hôm nay, dẫu chung quanh đang có nhiều kẻ chực chờ để tố cáo Ngài; thế nhưng, không gì có thể ngăn cản Ngài thực hiện hành vi tốt lành này. Tin Mừng nói, “Đưa mắt nhìn mọi người, Ngài bảo người ấy, “Anh hãy giơ tay ra!”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành”. Chúa Giêsu sống và làm theo ‘văn hoá sự sống’ vậy!

Phaolô hôm nay trong thư Côlôssê cũng nói đến ‘văn hoá sự sống’ ngài đang sống, “Tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Ngài được nhờ”. Phaolô chấp nhận đau khổ, thiệt thòi cho người khác và cho chính Hội Thánh; nhờ ngài, Hội Thánh ‘được lớn lên’. Đó cũng là tâm tình tạ ơn của Thánh Vịnh đáp ca, “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang!”. Phải, chỉ với ân sủng của Thiên Chúa, con người mới được cứu độ; và nhờ đó, đủ sức để sống nền ‘văn hoá sự sống’, một nền văn hoá cho nó khả năng đạt đến vinh quang đích thực.

Anh Chị em,
Suy nghĩ và cách hành xử của Chúa Giêsu, của Phaolô trái ngược với suy nghĩ và cách hành xử của các biệt phái, và có lẽ cũng đang rất trái ngược với tinh thần thế tục ngày nay. Điều này đặt chúng ta trước một chọn lựa! Tôi đang theo hướng nào? Luật của Tin Mừng hay thói đời thế tục? Hãy làm như Phaolô, chịu thiệt thòi cho người khác được sống. Trong những ngày hôm nay, số tử vong vì dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam vẫn gia tăng; ấy thế, vẫn có những linh mục, tu sĩ và thiện nguyện viên tiếp tục ghi danh, để đến phục vụ trong các khu cách ly. Vâng, chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới đẩy chúng ta đến chỗ dám sống và dám chết cho nền ‘văn hoá sự sống’. Chúa Giêsu không chỉ truyền cảm hứng, Ngài còn trao quyền để chúng ta làm những điều tốt đẹp như Ngài. Hãy bắt chước Ngài, bất chấp những thiệt thòi liên luỵ. Muốn được vậy, hãy học từ Ngài cách thức trở thành những ngọn hải đăng của ánh sáng và sự sống, giữa một nền văn hoá ích kỷ và chia rẽ; một nền văn hoá sự chết, vốn đang xây dựng một nền văn minh không có tình thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đọc được trái tim con như đọc tâm hồn những người biệt phái. Xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa, để con dám sống và dám chết cho nền ‘văn hoá sự sống’ như Ngài, như bao nhiêu anh chị em tốt lành khác”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)