Nổi Tiếng


NỔI TIẾNG



“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”

“Let Us Live”, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất thế giới. Thi sĩ Latin Catullus viết, “Hãy để chúng ta sống; hãy để chúng ta yêu, hãy để chúng ta xét lại mọi đồn thổi của những con người đứng tuổi đi trước mà giá trị chỉ đáng một xu. Mặt trời có thể lặn rồi mọc dậy; nhưng với con người, khi ánh sáng ngắn ngủi chìm xuống, chúng ta phải ngủ một đêm dài vĩnh viễn bất tận!”.

Kính thưa Anh Chị em,
Mọi lời đồn thổi, huyễn danh, hay sự ‘nổi tiếng’ của một con người rồi cũng chỉ đáng một xu! Sẽ khá bất ngờ khi tư tưởng của nhà thơ La Mã cổ đại được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay! Cách nào đó, hai bài đọc đều nói đến sự ‘nổi tiếng’; ‘nổi tiếng thế gian’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’.

Trước hết, Êzêkiel nói đến sự ‘nổi tiếng thế gian!’. Tirô, một con người giàu có; cậy mình lắm của, sinh lòng kiêu ngạo; vua tự cho mình là thần. Và Thiên Chúa đã để ngoại bang đánh phá tơi bời và vua đã chết thê thảm giữa trùng khơi. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa phán, Ta là Đấng cầm quyền sinh tử!”. Với bài Tin Mừng, sau câu hỏi của Phêrô, “Chúng con sẽ được gì?”, Chúa Giêsu nói, “Đến thời tái sinh, các con sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel”; Ngài nói đến sự ‘nổi tiếng’, nhưng sự ‘nổi tiếng’ Ngài nói là ‘nổi tiếng thiên đàng!’. Và Chúa Giêsu kết luận, “Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Câu nói của Ngài cho thấy sự mâu thuẫn giữa ‘thành công thế gian’ và ‘thành công thiên đàng!’.

“Nhiều kẻ trước hết”, họ là ai? Để hiểu điều này, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa “thế gian” và “Nước Trời”. Thế gian luôn luôn đề cao sự ‘nổi tiếng!’: thành công, uy tín, hư danh, và những thứ tương tự đi kèm. Thật ra, ‘nổi tiếng’, tự nó chẳng có gì là xấu, nhưng say mê nó đến độ bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả, thì đó là cạm bẫy kìm chân chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân. Đương thời, Chúa Giêsu cũng rất ‘nổi tiếng’; từ khắp nơi, người ta tuôn đến với Ngài, thậm chí bắt Ngài, tôn làm vua. Đang khi ma quỷ, chúa thế gian, luôn tìm cách bang trợ những ai phục vụ ý muốn của nó, kể cả Chúa Giêsu! Một khi mắc mưu ma quỷ, chúng ta để mình bị lôi kéo đến mê muội vào việc tìm kiếm sự ‘nổi tiếng’ này; và xu hướng chung, ai cũng thích nó. Chúa Giêsu cho biết, ai bị cuốn hút vào lối sống này, sẽ là người “sau hết” trong Nước Trời!

Tương phản với những con người “sau hết” này là những người “trước hết” trong Nước Trời. Đó là những linh hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh bởi người đời; một số có thể được nhìn nhận và thế giới tôn vinh họ, chẳng hạn, Mẹ Têrêxa. Nhưng rất thường, không ai biết đến họ; họ bị hạ thấp, bị coi là lập dị. Vậy tại sao chúng ta không muốn bắt chước Chúa Giêsu và những con người thánh thiện để làm người ‘nổi tiếng’ trong việc yêu mến Chúa và âm thầm phục vụ tha nhân? Thật ra, người ‘nổi tiếng’ theo cách này thì lặng lẽ, khiêm hạ và với thế gian, họ là những kẻ “sau hết”; nhưng với Thiên Chúa, họ là “trước hết!”.

Anh Chị em,
“Nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Câu nói nghịch thường này hoàn toàn đúng nơi Chúa Giêsu. Ngài là “phiến đá thợ xây loại bỏ trở nên đá tảng góc tường”; là “kẻ bị khinh thị, không ai thèm để mắt” nhưng lại là Đấng đánh bại thần chết và phục hồi sự sống cho nhân loại. Ngài là “kẻ sau hết đã nên trước hết!”. Ai nổi tiếng bằng Chúa Giêsu? Vậy với bạn, điều nào quan trọng? Bạn thực sự thích một điều gì đó cho đời đời hay thích những gì ‘nổi tiếng’ nhưng rất đỗi phù du? Bạn muốn được mọi người nghĩ tốt trong cuộc sống này ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến giá trị và sự thật? Hay bạn đang dán mắt vào Chúa Giêsu, sự thật và phần thưởng vĩnh cửu? Đừng để những ước muốn thế tục này thống trị hoặc ngăn bạn để mắt đến sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng’, như một điều đáng ao ước! 

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con gạt bỏ mọi lo lắng thế tục về sự ‘nổi tiếng’ thế gian; cho con chỉ tìm cách làm đẹp lòng Chúa và thao thức cho sự ‘nổi tiếng thánh thiện’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)