Thánh Thể Nguồn Mạch Sống Bát Phúc - Tác giả: Lê Loan, MRP
Lê Loan, MRP
Dòng Nữ Vương Hoà Bình
Chúng ta, những Kitô hữu, được diễm phúc lãnh nhận tấm bánh là chính Chúa Giêsu khi chúng ta tham dự Lễ Tạ Ơn, cũng được mời gọi chia sẻ tấm bánh ấy cho mọi người, như Chúa Giêsu đã dạy: “Chính chúng con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Vâng, hãy cho họ ăn, ăn tấm bánh là chính Chúa Giêsu, Đấng là qùa tặng của Thiên Chúa trong giao ước mới. Món qùa này được ban cho nhân loại bằng chính sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện và ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể.
Trong bí tích Thánh Thể, con người được đi vào huyền nhiệm của sự hiệp thông với Chúa Giêsu, được tháp nhập vào hy lễ thánh nơi Thiên Chúa muốn quy tụ tất cả nhân loại về với Người trong Chúa Giêsu. Trong đó, chúng ta được trở nên thân thể Chúa Kitô qua việc ăn và uống Mình và Máu Người. Trong đó, bản tính nhân loại của chúng ta được biến đổi, một sự biến đổi từ tình trạng bị xa lánh của nó vào trong tình trạng hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô. Sự biến đổi này là một cuộc vượt qua trong sự tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Được diễm phúc đón nhận niềm tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ niềm tin ấy cho toàn thể nhân loại. Đây là điều cấp thiết phải thực hiện. Hãy đem tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể vào mọi hang cùng ngỏ hẻm của cuộc sống đời thường, để những người đang sống trong cảnh nghèo đói, bất công, cô quạnh, bắt bớ, tù đày cũng được cảm nếm vị ngọt của tình yêu ấy. Được gặp gỡ Thiên Chúa làm người và được Ngài chia sẻ tấm bánh, như hai môn đệ làng Emmau, chúng ta không thể giữ lại niềm vui gặp gỡ Chúa chỉ cho riêng mình, nhưng phải mau mắn lên đường, chia sẻ tấm bánh và niềm vui mà chúng ta đã lãnh nhận cho anh chị em, như Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã mời gọi: “Được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Người, người ta không thể nào giữ riêng cho mình niềm vui đã cảm nếm. Việc gặp gỡ Đức Kitô, được vùi sâu thêm mãi trong sự hiệp thông Thánh Thể, sẽ khơi dậy trong Hội Thánh và nơi mỗi người sự cấp thiết phải làm chứng và phải loan báo Tin Mừng” (Mane Nobiscum Domine (MND), 24).
Để đáp lại lời mời gọi của vị cha chung: hãy “dấn thân vào một hoạt động cụ thể nào đó, … (để) giải trừ rốt ráo một trong muôn vàn hình thức túng nghèo đang hoành hành trong thế giới chúng ta” (MND, 28), bài chia sẻ này xin mạo muội gợi ý một vài nét sống mầu nhiệm Thánh Thể trong việc thực thi Bát Phúc như một gợi hứng cho chúng ta sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể một cách tích cực và cụ thể hơn.
SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
TRONG VIỆC THỰC THI BÁT PHÚC
Các sách Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta hai bộ các mối phúc (Mt 5,3-12; Lc 6,20-26). Bài chia sẻ này sẽ dùng bản văn của Thánh Matthêu. Bản văn này thường được dùng trong phụng vụ, và chung chung có lẽ là bản văn được biết đến nhiều hơn.
Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ
Trong bản văn của Thánh Luca, mối phúc này không có sắc thái của sự “nghèo khó trong tinh thần” và được diễn tả một cách thẳng thừng hơn: “Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi” (Lc 6,20). Điều này có ý nghĩa gì? Ẩn sâu trong cả hai mối phúc của Matthêu và Luca chúng ta tìm thấy lời dạy của Chúa Giêsu về cách Thiên Chúa nhìn xem thế giới loài người, đánh giá nó và cuối cùng quyết định ban tặng phúc lành cho “người nghèo”. Dường như trong đó sự nghèo khó vật chất là một phần của động lực. Tuy vậy, khía cạnh độc đáo và thú vị của mối phúc này là nghèo trong “tinh thần” hay “tâm hồn”. Tinh thần bao gồm sự nhận thức, suy nghĩ và lương tâm của con người. Nghèo trong tinh thần là cảm thức của một sự suy nghĩ có chủ tâm và ý thức xuyên qua những điều kiện thực tế của con người trong thế giới này. Đó là sự nhận ra những “thảm họa đói kém đang đày đọa hàng trăm triệu con người, những căn bệnh đang tàn phá các quốc gia đang phát triển, cảnh neo đơn của những người cao niên, cảnh sống bấp bênh của những người thất nghiệp, nỗi thống khổ của những người di cư…” (MND, 28) đang cứ tiếp diễn gây biết bao đau thương, đổ vỡ cho cuộc sống và tình yêu của biết bao người trong thế giới này.
Chúng ta cần nhận ra rằng trong khi chúng ta no ấm, có biết bao người đang đói khát; trong khi chúng ta sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, có biết bao nhiêu người đang phải sống ở đầu đường xó chợ. Chúng ta cần phải nhận ra rằng con người đã dùng quá nhiều tiền cho việc chế tạo, mua bán súng ống hơn là cho việc giáo dục hay cứu tế từ thiện. Nếu có tâm hồn nghèo khó, chúng ta phải nhận ra và ý thức về những sự bất công, bóc lột và sa đọa này.
Nếu có tâm hồn nghèo khó, chúng ta cũng sẽ nhận ra và ý thức về những cách cư xử bất công đang xảy ra hàng ngày như là một phần đời sống của mình. Chúng ta phải tham dự những cuộc họp hành trong đó người ta đưa ra những quyết định thật bất công; những quyết định tước đi quyền con người, từ chối trách nhiệm, che đậy những sai trái, lũng đoạn và bảo vệ cho những sự lãnh đạo kém cỏi. Chúng ta đang sống và làm việc trong những thể chế của con người, “trong nền văn hóa bị tục hóa… một nền văn hóa ám ảnh não trạng lãng quên Thiên Chúa” (MND, 26), nơi luôn có những sức ép liên tục, phảng phất hay mạnh mẽ, đang làm tiêu hao đi trong chúng ta ý chí, sự quyết tâm hành động một cách công bằng, thẳng thắn để bảo vệ cho những người yếu thế, thấp cổ bé họng, để dám nhận lấy những trách nhiệm, để dám lên tiếng bài trừ những “cách cai trị” lỏng lẻo và áp bức người dưới quyền. Thật đau buồn để nhận thấy những sức ép đang hoành hành trên những người vô danh tiểu tốt mà sự trông mong vào công lý của họ đã bị cướp mất. Trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, cần phải khiêm tốn để nhận ra rằng có thể chúng ta là một phần của sự lũng đoạn này trong sự thông đồng, cấu kết với nó bằng sự im lặng an hưởng đời sống của mình.
Và nếu có tâm hồn nghèo khó của tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể, thì trong khi phải yêu “bộ mặt” của sự xấu xa, bạo lực và bất công đó, chúng ta không được phép dung túng tội ác của họ. Trong Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để đối mặt với những sự đe dọa và chống đối. Như thế, chúng ta mới có thể không bị tàn phá, hao mòn đi bởi những bạo lực và bất công mà chúng ta phải sống chung với. Và nhờ đó, chúng ta sẽ biểu lộ cho thế giới tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa …, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang …, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Trong sự nghèo khó sâu thẳm, Chúa Giêsu đã chấp nhận một thế giới như nó là, với những khiếm khuyết bất toàn của nó, để đến sống giữa tất cả những bất công, gian ác, bàng quang, dửng dưng của nó; để yêu thương nó. Bất chấp những gì đã xảy ra, Chúa Giêsu vẫn ôm ấp thế giới chứ không bỏ mặc nó (Mt 16,21). Người đã cương quyết ôm trọn thế giới trong vòng tay yêu thương của Người và tìm cách giúp nó hoán cải và đổi mới.
Nhìn vào cộng đoàn, đất nước, thế giới chúng ta đang sống một cách rõ ràng như nó là, trần trụi không tô son điểm phấn, có nghĩa là chúng ta cũng phải có khả năng để nhìn vào chính mình trong một cách tương tự. Sự nghèo khó của tâm hồn đòi hỏi chúng ta lòng khiêm tốn thẳm sâu để nhận biết mình là hữu hạn và tội lỗi, và để nhận ra rằng thế giới đang sống trong cơn hiểm họa. Không lẩn trốn khi đối mặt với những điều này, nhưng thừa nhận rằng chúng có thật; có một mối liên hệ giữa điều chúng ta biết và điều chúng ta yêu. Càng hiểu về một điều gì thấu đáo, thì tình yêu của chúng ta càng được trải rộng ra.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp
Mối phúc này mở rộng mối phúc về sự nghèo trong tâm hồn hay tinh thần khó nghèo. Sự “hiền lành” và “nghèo trong tâm hồn” dường như cũng là một và giống nhau, với một sự thay đổi không đáng kể. “Hiền lành” không phải là nhút nhát, bẽn lẽn; cũng không phải là khúm núm và nhu nhược hay sự lánh mình, không thích xuất đầu lộ diện. Hiền lành là một thái độ sống hợp với đạo lý luân thường, đúng với nguyên tắc xử thế, đòi hỏi sự tăng trưởng, kỷ luật tự giác, và lòng khiêm nhường. Trong thời thượng cổ, các nhà hiền triết được coi là “hiền lành”, cùng với những nhà cầm quyền có đức hạnh và những người công chính. Các vị đó hiếm khi co cụm lại, nhưng mở ra với mọi người và ứng xử trong các tình huống rất khéo léo, tuyệt vời. Sự “hiền lành” của họ được biểu lộ ra trong sự chối từ tin tưởng vào bạo lực và trong sự chối từ việc được đền đáp. Họ đã kiếm tìm một đường lối mới để cư xử với anh em đồng loại, một đường lối được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn, yêu thương và hoà nhã.
Thánh Giacôbê, người không sợ hãi nói những lời thẳng thắn và dám can đảm bước vào những cuộc xung đột, đã khẩn khoản nài xin các Kitô hữu hãy sống “hiền lành”: “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan” (Gc 3,13). Đối với Matthêu, kiểu mẫu của một sự hiền lành tích cực và thiết thực là chính Chúa Giêsu: “Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức. Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn” (Mt 11,28-29).
Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “hiền lành” có nghĩa là “dịu dàng, hòa nhã”. Điều này được nhìn thấy trong đời sống của Chúa Giêsu, một đời sống luôn toả sáng sự hiền lành, hòa nhã, khiêm tốn, nghèo trong tâm hồn và tương tự, không lẩn trốn nhiệm vụ, gánh nặng trong công việc mở mang Nước Thiên Chúa. Cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là một ví dụ tuyệt vời của “sự hiền lành”: Người không cưỡi ngựa, một phương thức được ưa chuộng của các vị vua mang chiến thắng dựa vào bạo lực; nhưng Ngài đến trên lưng một con lừa con, một hình ảnh của sự chiến thắng trong bình an. Một ví dụ nữa, đó là Chúa Giêsu là con cừu non: “Bị tra tấn, ngài đã chịu đựng, và không mở miệng, như cừu bị dẫn tới lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng…Người công chính tôi tớ Ta sẽ giải án tuyên công nhiều người, và chính Ngài sẽ vác lấy tội vạ của chúng” (Is 53, 7,11).
Chúng ta được lãnh nhận ơn hiền lành khi đón nhận “cái ách” của Chúa Kitô, khi để mình ngụp lặn trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh thể và để Ngài biến đổi. Điều này bao gồm những việc lành mà Thánh Giacôbê ám chỉ đến: “hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng những hành động của anh em phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan” (Gc 3,13). Chúng ta thừa hưởng sự hiền lành của Chúa Giêsu ngay từ thế giới này, nơi chúng ta đang sống. Nhưng trong lúc này, thế giới của chúng ta đang “bị sở hữu” bởi những kẻ không hiền lành. Nó thuộc về những quyền lực thích bạo động hơn hòa bình, thích báo thù hơn tha thứ. Điều này có thể là một sự bạo lực và thống trị chuyên quyền nơi các nhà lãnh đạo các quốc gia; nhưng nó cũng bao gồm nơi một tổ chức, một thực thể mà chúng ta đang sống và làm việc trong đó: gia đình, công xưởng, giáo hội, cộng đoàn….
Dường như có một não trạng cho rằng con người có thể, bằng bất cứ cách nào, dùng “tự do” của mình để thống trị mọi thụ tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Thưa không phải như thế, sự thống lĩnh của con người là phải trở thành những “cộng sự” của Thiên Chúa, để gìn giữ và phát huy công trình tạo dựng của Người trong tình trạng tốt đẹp theo ý định của Người. Trong sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi xây dựng một thế giới như là kết qủa của sự hiền lành: đó là một thế giới được ngập tràn công lý của Thiên Chúa, một thế giới phản chiếu lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 28-29). Hơn bao giờ hết, thế giới này vẫn thúc giục chúng ta, những Kitô hữu, hãy học cho biết kinh nghiệm này: “Thánh Thể đúng là một trường học tuyệt đẳng” (MND, 27), nơi đó chúng ta được đào tạo để trở thành khí cụ gieo rắc yêu thương cho mọi người.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an
Mối phúc này mời gọi chúng ta hãy than khóc cho những bạo lực, áp bức, tàn phá, gian dối …, và những mất mát đau thương của những nạn nhân vô tội. Sống bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để tất cả những điều này chạm đến chính bản thân mình, gặm nhấm trái tim mình, và buộc những dòng lệ của mình tuôn chảy. Chúng ta có thể cảm nghiệm những điều này khi xem thấy những hình ảnh đau thương được trình chiếu trên ti vi, hay trong báo chí … Tin tức thường đi vào, luồn lách trong da thịt, đánh thức lòng trắc ẩn của chúng ta. Qua đó, chúng ta có thể tìm thấy mình gắn bó với người trong cuộc, hoặc từ một kinh nghiệm cá nhân hoặc đơn giản từ một sự đồng cảm giữa con người với con người.
Tiếng khóc than, sự đau buồn của chúng ta dành cho thế giới, cho những người anh chị em đồng bào, hàng xóm láng giềng … là rất quan trọng, vì chúng mở ra cho chúng ta một sự thấu hiểu về trái tim của Thiên Chúa. Hay nói một cách khác, sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ làm cho trái tim chúng ta mềm ra, tan chảy ra để biết rung cảm với những đau thương khốn cùng của những người sống quanh mình. Chúa Giêsu, khi đến trần gian, đã đồng hóa Người như một tiên tri mang tin mừng đến cho người nghèo, kẻ tù đày, người mù, và người bị áp bức:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.
(Lc 4:18-19)
Chúa Giêsu đã an ủi người sầu khổ bằng những hành động rất tích cực và thiết thực: chính Người đã đem niềm an ủi đến cho họ qua việc biểu lộ lòng thương xót và trắc ẩn. Bằng lòng xót thương, Người đã an ủi đám đông đang bơ vơ, chán nản vì không có chủ chăn (Mt 9,36). Bằng lòng trắc ẩn, Người đã xoa dịu nỗi đau của bà góa thành Naim (Lc 7,13). Hơn thế, Chúa Giêsu không chỉ an ủi những người cơ khổ bằng những cảm xúc, nhưng Người đã xoa dịu nỗi đau của họ bằng những hành động cụ thể. Nhìn thấy nỗi khốn cùng của đám đông, Chúa Giêsu đã cho họ ăn (Lc 9,12-17), đã chữa lành (Lc 5,12-14), và chính từ những việc này, Người đã loan báo cho họ về Nước Thiên Chúa, vốn đã được hứa ban cho họ (Mt 20,29-30; Lc 17,13). Ở đây chúng ta được mời gọi, hãy cùng với Chúa Giêsu an ủi người sầu khổ, trong tâm hồn cũng như thể xác, bằng “sự dấn thân làm cho Tin Mừng lan tỏa và làm cho xã hội được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo.” (MND, 24)
Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy
Mối phúc này không đề cập đến những người nghèo đói khát cơm bánh. Nhưng những người nghèo này không ở ngoài sự quan tâm của mối phúc; những cơn đói khát tuyệt vọng của họ là một động lực ẩn giấu đằng sau mối phúc. Lời tuyên bố thách thức chúng ta một nghị lực để đương đầu với nền luân lý xã hội của thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta có đang khát mong những điều tốt lành cho xã hội không? Có khát mong cho những người nghèo được có cơm no áo ấm, được có nguồn nước sạch cho những nhu cầu tối thiểu; các trẻ em thất học được đến trường; người nông dân lam lũ được hưởng những công quả do tay mình làm ra; cho sự thật được tôn trọng; cho bản thân chúng ta cũng như cho mọi người đừng chạy theo thành tích nữa …
Ở đây, chúng ta đang bị hạch hỏi về tình trạng trái tim của mình, về sinh khí tinh thần của mình. Có thể có một linh đạo Kitô nào mà không khát khao một thế giới, một xã hội được điều khiển trong đường lối của Thiên Chúa, trong đó cảnh không nhà không cửa chỉ còn là một ký ức xa vời, và trong đó nhân quyền được tôn trọng không? Mối phúc này được gởi đến cho tất cả mọi Kitô hữu, cả người giàu lẫn người nghèo: Điều gì đang đốt cháy trái tim chúng ta?
Hình ảnh của sự đói và khát rất quan trọng. Sự đói và khát luôn luôn tác động đến con người. Chúng kéo dài liên lỉ. Và chúng chỉ có thể được làm dịu bớt bằng đồ ăn, thức uống thực sự. Lại một lần nữa các mối phúc mời gọi mỗi chúng ta “hãy dấn thân vào một hành động cụ thể nào đó…” (MND, 28). Chúng ta có đói khát làm giảm đi những đau khổ của người khác? Có đói khát nhìn xem những bất công được xóa bỏ đi không? Vì thật là bất xứng khi cùng tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mà lại dửng dưng với cảnh đói nghèo bất công đang xảy ra quanh mình.
Chúng ta “muốn tôn vinh thân mình Đức Kitô phải không? Đừng phớt lờ Người khi Người trần truồng. Đừng chỉ tôn vinh Người trong đền thờ được trang hoàng bằng nhung lụa, mà quên mất Người đang lạnh lẽo và ăn mặc rách rưới ở ngoài đường” (Thánh Gioan Chrysostom). “Chúng ta không thể dối lòng mình được đâu: chỉ nhờ tình yêu hỗ tương, và nhất là, nhờ vòng tay rộng mở chúng ta dành cho những anh chị em đang sống trong cảnh túng bấn, chúng ta mới được nhìn nhận là những môn đệ chân chính của Đức Kitô (Ga 13,35; Mt 31,21-46). Đó là tiêu chỉ dùng để lượng định xem các cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta đã chân thực hay chưa.” (MND, 28)
Chính Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ làm cho sự khao khát công chính của chúng ta được no thỏa. Chính Người sẽ dạy chúng ta biết khao khát công lý của Thiên Chúa, và khao khát sự công lý của Người được thực hiện trong cộng đoàn, trong xã hội nơi chúng ta đang sống. Chỉ trong Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta mới cảm thấy cơn đói khát của mình đang bắt đầu được thỏa mãn khi chúng ta nỗ lực quan tâm làm sao cho những bất công được xóa bỏ đi, làm sao cho kẻ đói được có của ăn, kẻ rách rưới có tấm áo mặc, kẻ tù đày, cô đơn, đau yếu được thăm viếng … (Mt 25,31-46).
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương
Mối phúc này mời gọi chúng ta phải có lòng nhân từ, xót thương: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Lòng xót thương bao hàm một sự đáp trả chất chứa đầy ắp sự xúc cảm. Nó bao gồm lòng trắc ẩn trong trái tim và một sự nhẹ nhàng ôn hòa trong thái độ sống. Các tác giả Do Thái đặc biệt rất quan tâm về lòng thương xót dành cho người nghèo, những kẻ bị bỏ rơi ngoài lề xã hội: “Khinh rẻ tha nhân thì mắc tội, nhưng xót thương kẻ nghèo là có phúc” (Châm Ngôn 14, 20-21)
Đối với người Kitô hữu, lòng xót thương quan trọng hơn xét xử nghiêm khắc: “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2,13). Tác giả tiếp tục liên kết lòng thương xót với sự khôn ngoan và công chính của Thiên Chúa: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3, 17-18). Có thể chẳng ngạc nhiên chút nào để nói rằng khi Thánh Giacôbê nói về thanh khiết, hiếu hòa và khoan dung là ngài đang nói về sự “hiền lành”. Dường như ngài đang tóm gọn các mối phúc trong hai câu nói vắn gọn vừa được đề cập đến.
Xót thương, tuy vậy, không thể chỉ là một sự đáp trả của trái tim hay chỉ là tiếng gọi của sự công chính, nhưng là chính những hành động cụ thể. Để thương xót là phải biểu lộ ra lòng xót thương. Đó là phải tha thứ, làm việc lành phúc đức, bố thí, giúp kẻ nghèo, nâng đỡ kẻ bị bỏ rơi. Hơn thế, lòng xót thương phải vượt qua sự báo thù: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; và nếu ai kiện để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài” (Mt 5, 39-40), và phải được mở rộng ra để yêu thương cả kẻ thù nữa: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Nếu xót thương thật lòng, chúng ta sẽ được lòng thương xót chỉ dẫn. Nếu không, sự xót thương của chúng ta chỉ là một sự giả vờ của lòng trắc ẩn. Càng cho phép lòng xót thương trở thành một phần của đời sống mình trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, thì chúng ta càng trở nên quảng đại hơn, càng có thể mở lòng ra với những nỗi đau và nỗi khốn cùng của thế giới hơn. Lòng xót thương trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ là một lời đáp trả rõ ràng cho những điều kiện của con người. Nó cũng thức tỉnh chúng ta nhận ra những thất bại và những lần được tha thứ của mình. Hãy nhớ lại xem lần cuối cùng một người nào đó đã cho chúng ta thêm một cơ hội để chỗi dậy là khi nào? Có phải chúng ta đã quên mất những nghĩa cử cao đẹp, nhân hậu ấy, những nghĩa cử mà nhờ đó, chúng ta đã vượt ra khỏi những khó khăn, khủng hoảng, hay cho phép chúng ta chộp lấy một cơ hội mới? Trong khi biểu lộ lòng xót thương, chúng ta được nhắc nhớ lại về lòng trắc ẩn đã được tỏ lộ ra cho chúng ta trong muôn vàn cảnh huống của cuộc sống, đặc biệt khi những thất bại của chúng ta được gặp gỡ với lòng nhân từ, khoan dung.
Chính trong sự nhận thức này mà lòng xót thương của chúng ta phải tỏa sáng. Trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể chúng ta bị đòi hỏi phải mở lòng mình ra không chỉ cho những người nghèo khó, không có quyền lực gì, nhưng cho cả những người đã chống đối, lăng nhục và gây đau thương cho mình nữa. Trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc sống của chúng ta phải phản chiếu lại lòng quảng đại của Thiên Chúa, và sự cộng tác của chúng ta trong các việc từ thiện bác ái phải biểu lộ được sự quảng đại của Thiên Chúa. Nếu chúng ta từ chối lời mời gọi hãy xót thương như Chúa Giêsu, lòng xót thương sẽ biến chúng ta thành gì?
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa
Mối phúc này dường như phức tạp hơn những mối phúc trên đây. Có một dòng chảy mạnh mẽ về tư tưởng cũng như hành động trong những ý nghĩ về sự “trong sạch trong tâm hồn”. Ở đây sự trong sạch được nhấn mạnh nơi tâm hồn hơn là với những tiêu chuẩn bên ngoài:
Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
Được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng
(Tv 24, 3-5)
Lời thỉnh cầu để có một tâm hồn trong sạch, được tìm thấy trong thánh vịnh 51: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51,12). Và một dẫn chứng được tìm thấy trong thư thứ hai của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timôthê: “Anh em hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hòa cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2Tm 2,22). Dường như những hành động công chính, niềm tin và tình yêu được gắn chặt với một tâm hồn trong sạch.
Sự chúc lành từ đời sống với một trái tim trong sạch và được đổi mới là gì vậy? Tâm hồn trong sạch sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Theo Tin Mừng thánh Matthêu, chúng ta chỉ có thể bước vào ngưỡng cửa thiên đàng để chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa sau khi chết, nếu chúng ta đã làm những việc tốt lành và tâm hồn của chúng ta được điều khiển trong ý định của Thiên Chúa. Những hành vi bên ngoài, ngay cả những hành vi có tính cách tôn giáo, chẳng hạn như nói tiên tri, kêu cầu danh Chúa, và trừ quỷ, cũng sẽ không đủ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ qủy, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’” (Mt 7, 21-23). Những kẻ bị đuổi ra sẽ không được xem thấy Thiên Chúa.
Tuy vậy, sự trong sạch của tâm hồn có thể có một phần thưởng ngay ở đời này, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thông điệp Ecclesia De Eucharistia (EDE) đã mạc khải: “Thánh Thể là … một sự nếm trước niềm vui viên mãn mà Đức Kitô đã hứa (x Ga 15,11); theo một nghĩa nào đó, đó là hưởng trước Nước Trời … Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay ở đời này” (EDE, 18). Hệ qủa của sự chúc phúc của việc “xem thấy” Thiên Chúa là sự kiện “nó thúc đẩy chúng ta tiến bước trong lịch sử, và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng sống động trong những dấn thân hằng ngày để chu toàn nhiệm vụ của chúng ta … và làm gia tăng ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay” (EDE, 20). Có một lời mời gọi dành cho chúng ta ở đây. Càng tìm kiếm để có một trái tim trong sạch, chúng ta càng có thể nhận ra ánh sáng và sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể trong thế giới, và nhờ đó sẽ thấy những công việc của Thiên Chúa đang được thực hiện. Hay nói một cách khác, càng để Chúa Giêsu Thánh Thể tinh luyện tâm hồn mình nên tinh sạch, thì chúng ta càng dễ dàng nhận ra những nhu cầu cấp bách để “góp phần xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hòa hợp trọn vẹn với kế hoạch của Thiên Chúa” (EDE, 20), vì “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta (Eph 2,10).
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa
Có một sự khẩn thiết, cấp bách phải hành động trong mối phúc này. Người xây dựng hòa bình phải sống hòa bình cách tích cực, trước tiên trong chính cuộc sống của họ. Họ phải tìm kiếm để giải quyết sự xung đột và phục hồi lại hòa bình giữa người với người. Có những sự hiểu biết khác nhau về hòa bình. Theo truyền thống khôn ngoan Do Thái, cá nhân, gia đình, cộng đồng và dân tộc sẽ sống trong hòa bình khi đời sống của họ hòa hợp với trật tự mà Thiên Chúa, Đấng tạo hóa, đã định hình cho thế giới và muôn loài sống trong đó. Hòa bình sẽ được thực hiện khi sự chuộc lỗi, bồi thường được trao trả lại cho những vật đã bị đánh mất trật tự. Hòa bình, vì thế, được đặt một cách chắc chắn trong đường lối mà Thiên Chúa nhìn xem thế giới và tất cả thụ tạo.
Việc xây dựng hòa bình rất đa dạng. Những Kitô hữu sơ khai nhấn mạnh đến việc hàn gắn những mối liên hệ đã bị tan vỡ và sự tha thứ, chứ không phải sự kết án. Chúng ta cần dừng lại để tự vấn xem bằng cách nào, với tư cách là những Kitô hữu, là thành viên của Giáo Hội, chúng ta đã xây dựng hòa bình, một việc xây dựng có thể làm vinh danh cho công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa? (Gen 1,1-2,4) Chúng ta có muốn tìm kiếm những lựa chọn cần thiết thay thế cho bạo lực không? Có muốn tất cả nhân loại được chia sẻ cách công bằng những phúc lợi của trái đất không? Có thấu hiểu và tìm kiếm để xoa dịu những bạo lực mà chúng ta đang gây ra cho những loài thụ tạo trên trái đất này không? Bất cứ Kitô hữu nào hôm nay, đều cần phải chú ý đến “nghĩa vụ của họ là nhờ ánh sáng Tin Mừng, góp phần xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hòa hợp trọn vẹn với kế hoạch của Thiên Chúa” (EDE, 18). Nếu biết nhìn trái đất và vũ trụ như là món qùa của Thiên Chúa, thì với tư cách là người xây dựng hòa bình, chúng ta sẽ phải làm một điều gì đó để sự tốt đẹp của trái đất này được triển nở trong trật tự của Thiên Chúa. Và nếu chính trong đức tin mà chúng ta được mời gọi trở thành những người thợ xây dựng hòa bình, thì chúng ta phải để Chúa Giêsu Thánh Thể dạy cho chúng ta biết phải xây dựng hòa bình như thế nào, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi:
Người Kitô hữu tham dự Thánh Thể thì nhờ Thánh Thể mà học biết trở thành những người kiến tạo sự hiệp thông, hòa bình và liên đới trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hình ảnh về một thế giới của chúng ta bị xé rách, một thế giới đã khai mạc thiên niên kỷ mới với cảnh khủng bố và bi kịch chiến tranh, hơn bao giờ hết, thế giới ấy vẫn thúc giục người Kitô hữu hãy học cho biết kinh nghiệm này: Thánh Thế đúng là một trường học tuyệt đẳng về hòa bình, nơi đây các thiện nam tín nữ, tùy theo mức độ đảm nhận trách nhiệm trong đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, đang được đào tạo để trở thành những người kiến tạo bầu khí đối thoại và hiệp thông. (MND, 27)
Và rồi khi đã được đón nhận “đời sống mới” trong Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người chúng ta hãy thực sự trở nên như một “khí cụ bình an”, tung gieo niềm vui và sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho những người chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc và chung sống. Hãy để con tim chúng ta được tràn đầy tình Chúa, tình người. Hãy để khối óc chúng ta thanh thản trong những suy nghĩ rộng lượng, bao dung. Và hãy để đôi môi chúng ta thốt lên những lời nói chan hoà yêu thương, thông cảm. Một khối óc, một con tim dí dỏm sẽ giúp đôi môi chúng ta tung gieo những sứ điệp làm rộn lên tiếng cười đong đầy hạnh phúc, được bắt đầu trong cộng đoàn, trong gia đình, trong khu xóm, và từ đó lan rộng đến mọi miền trên trái đất này. Hãy cho nhau niềm vui và bình an.
Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ
Mối phúc này dẫn chúng ta trở lại với mối phúc thứ nhất. Cả người nghèo trong tâm hồn lẫn người công chính, những người bị bách hại, đều được ban tặng phần thưởng Nước Trời. Hai mối phúc này kéo theo những mối phúc khác; các mối phúc được kết thúc với sự mở ra kinh nghiệm của sự bị bách hại. Tại sao Matthêu lại đưa ra những suy nghĩ nghiêm chỉnh như thế về sự bách hại ở đây? Câu trả lời nằm trong mạng sống các Kitô hữu của thế hệ đầu tiên. Khi thánh Mathêu hình thành trình thuật của mình, ngài cũng chỉ nhận thức rằng những thính gỉa của ngài, một cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đã trải qua những cơn bách hại vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Nazareth của họ. Câu đầu tiên của các mối phúc phản ảnh những lời dạy của Chúa Giêsu xuyên qua một lăng kính của sự đau khổ và những khó khăn mà cộng đoàn của Matthêu đã trải qua. Sự bách hại không phải là một lý thuyết suông đối với họ, nhưng là điều rất thật và rất kinh hãi. Các mối phúc không phản chiếu một quan niệm trừu tượng, nhưng chúng là thực và cụ thể.
Tại sao người công chính lại bị bách hại? Sự khôn ngoan của truyền thống Do thái diễn tả một nghịch lý về sự cần thiết phải tống khứ những người làm điều lành:
Ta hãy gài bẫy tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không thi hành lễ giáo. Nó tự hào là mìmh biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa. Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta không chịu nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn. Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may, hậu vận của người công chính. Nó huyênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha (Kn 2,12-16).
Ở đây, người công chính có thể là một sự “đụng chạm” không thể chịu đựng được, và có một khuynh hướng nghiêng về sự tự cho mình là công chính. Tuy vậy, có những đánh giá nghiêm chỉnh ở đây. Để thực hiện thánh ý Chúa có nghĩa là chúng ta phải thẳng thắn lên tiếng chống lại những điều sai trái. Để sống theo đường lối Chúa có nghĩa là cách sống của chúng ta sẽ không được hùa theo những bất công, tham tàn. Để sống trong vương quyền của Thiên Chúa có nghĩa là những hành vi, thái độ dễ mua chuộc và ích kỷ phải bị lột bỏ và vất đi. Hệ qủa là những người thi hành thánh ý Thiên Chúa lôi cuốn bạo lực: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hòa làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào” (Kn 2,19). Hình ảnh người công chính bị bách hại được tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu, Đấng bị ngược đãi vì đã giảng dạy về tình yêu của Thiên Chúa, vì đã chữa lành kẻ ốm đau, và vì đã dám lên tiếng phản đối những thói gỉa hình, những hành động sai trái của các người Pharisiêu và của các nhà lãnh đạo. Đối với Matthêu, những người theo Chúa Giêsu không nên kỳ vọng để được đối xử tốt hơn thầy của mình: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.”
Ở đây chúng ta nhận thấy có một tiếng dội lại cách mãnh liệt về sự bách hại được kinh qua bởi cộng đoàn mà Matthêu đã viết cho. Họ đang cảm nhận một sức nặng của sự nhạo báng, bạo lực và gian dối. Tuy vậy, có một điều quan trọng được thêm vào. Mối phúc chỉ liên quan đến sự bách hại vì danh Chúa Giêsu mà thôi. Một điểm tương tự được phản chiếu trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4,14). Mối phúc chỉ có ý nghĩa khi hành động của chúng ta là những hành động mang danh Chúa Giêsu Kitô và những thái độ của cộng đoàn chúng ta phản ánh những mối quan hệ trong nước Thiên Chúa.
Thay lời kết
Các mối phúc được đem lại gần nhau trong một sự trộn lẫn giữa niềm vui và sự bách hại. Những lời mời gọi đầy thách đố để trở nên nghèo trong tâm hồn, để than khóc, để trở nên hiền lành, để đói khát sự công chính, để xót thương, để trong sạch trong tâm hồn, để bị bách hại, và để xây dựng hòa bình sẽ được gặp gỡ với niềm vui. Các mối phúc đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống và thực thi công lý của Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo trên trái đất này. Lúc này đây, mỗi chúng ta được mời gọi hãy trải rộng tình yêu của mình ra và “đưa dự phóng Thánh Thể vào cuộc sống thường ngày,” đến bất cứ nơi nào chúng ta sống và làm việc: gia đình, cộng đoàn, trường học, xí nghiệp, công xưởng, đồng ruộng … Và lúc này đây, ước mong mỗi chúng ta sẽ “nỗ lực dấn thân hơn nữa để làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới! Chúng ta đừng sợ nói về Thiên Chúa và hãy dạn dĩ nêu lên những chứng từ cho niềm tin của mình” (MND, 26).
* THÁNH THỂ NGUỒN MẠCH SỐNG BÁT PHÚC: Bài viết này đã được đăng trong Chia Sẻ 45 (tháng 3/2005), với một số hiệu đính.
Tài Liệu Tham Khảo
Betz, Hans Dieter. The Semon on the Mount: A Commentary on the Sermon on the Mount including the Sermon on the Plain (Mt 5,3-7,27 and Luke 6,20-49), Hermeneia Series edited by Adela Yarbrro Collin, Minneapolis: Fortress Press, 1995.
Gioan Phaolô II. Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia (Thứ năm tuần thánh, 2003).
Gioan Phaolô II. Tông Thư Mane Nobiscum Domine (2004).
Moore, Gerard. The Beatitudes and Justice, Catholic Social Justice Series, No.52 (November, 2004).
O’Loughlin, Frank. Christ Present in The Eucharist. Sydney: St Pauls, 2000.