Phụ Nữ Trong Tân Ước

30 năm kỷ niệm phong thánh cho 117 chân phúc tử đạo VN (ngày 19 tháng 6) và 30 năm ban hành tông huấn “Phẩm giá của người phụ nữ” (Mulieris dignitatem: MD ngày 8-12-1988). Cả hai biến cố diễn ra trong khung cảnh của Năm Thánh Mẫu. Tuần Tam nhật năm nay chúng ta mừng kỷ niệm tông thư MD, chú trọng đặc biệt đến các số 12-16, trong đó ĐTC trình bày các phụ nữ trong Phúc âm. Chúng ta không đi vào lý thuyết về phẩm giá của phụ nữ, nhưng chú trọng đến các khuôn mặt của những phụ nữ được gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu, được gọi đi theo Chúa từ lúc Người bắt đầu sứ vụ cho đến khi Người hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá và phục sinh. Chúng ta sẽ không tưởng tượng điều gì mới lạ: tất cả đều được nói đến trong Phúc âm. Duy có điều là xưa nay các ông chỉ chú ý đến những người nam; bây giờ từ khi các bà nghiên cứu Kinh thánh thì sự hiện diện của các phụ nữ mới được chú ý. Trong Phúc âm, người ta đếm được hơn 20 nhân vật đã được gặp gỡ Chúa Giê-su, trong số đó vài cuộc gặp gỡ đã để lại dấu ấn quan trọng cho lịch sử đức tin. Chúng ta chỉ chú ý đến những người liên quan đến mầu nhiệm Vượt qua.
PHỤ NỮ TRONG TÂN ƯỚC 
Tam nhật Vượt qua 2018
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Dẫn nhập
30 năm kỷ niệm phong thánh cho 117 chân phúc tử đạo VN (ngày 19 tháng 6) và 30 năm ban hành tông huấn “Phẩm giá của người phụ nữ” (Mulieris dignitatem: MD ngày 8-12-1988). Cả hai biến cố diễn ra trong khung cảnh của Năm Thánh Mẫu. Tuần Tam nhật năm nay chúng ta mừng kỷ niệm tông thư MD, chú trọng đặc biệt đến các số 12-16, trong đó ĐTC trình bày các phụ nữ trong Phúc âm. Chúng ta không đi vào lý thuyết về phẩm giá của phụ nữ, nhưng chú trọng đến các khuôn mặt của những phụ nữ được gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu, được gọi đi theo Chúa từ lúc Người bắt đầu sứ vụ cho đến khi Người hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá và phục sinh. Chúng ta sẽ không tưởng tượng điều gì mới lạ: tất cả đều được nói đến trong Phúc âm. Duy có điều là xưa nay các ông chỉ chú ý đến những người nam; bây giờ từ khi các bà nghiên cứu Kinh thánh thì sự hiện diện của các phụ nữ mới được chú ý. Trong Phúc âm, người ta đếm được hơn 20 nhân vật đã được gặp gỡ Chúa Giê-su, trong số đó vài cuộc gặp gỡ đã để lại dấu ấn quan trọng cho lịch sử đức tin. Chúng ta chỉ chú ý đến những người liên quan đến mầu nhiệm Vượt qua.

BÀI 1: (THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH)
NGƯỜI PHỤ NỮ RỬA CHÂN CHO CHÚA
NGƯỜI PHỤ NỮ MỜI CHÚA DỰ TIỆC
Chúng ta bắt đầu ngay từ trong buổi cử hành bữa Tiệc ly chiều nay. Có phụ nữ nào hiện diện hôm ấy không? Tại sao Chúa không truyền chức linh mục cho các bà? Xin thưa rằng chắc chắn là hôm ấy các bà hiện diện, ít là để dọn bữa ăn. Còn chuyện truyền chức thì tạm gác qua một bên vì đây không phải là lúc tranh luận. Khi cử hành việc Chúa rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, chúng ta nhớ đến một phụ nữ đã rửa chân cho Chúa và một phụ nữ đã dọn tiệc đón Chúa. Cả hai quang cảnh đều được thánh Luca ghi lại, và trở thành đề tài cho bài suy niệm chiều nay.
1/ Người phụ nữ rửa chân cho Chúa (Lc 7,36-50)
Trong quá khứ, người phụ nữ này được đồng hóa với bà Maria Madalena. Thật ra đây là một sự sai lầm đáng tiếc, bởi vì móc nối với bà Maria Madalena được nhắc đến ở đầu chương 8 của Luca, “được trừ bảy quỷ”. Mặt khác, việc xức dầu cho Chúa cũng dẫn đến sự lầm lẫn với bà Maria chị em ông Ladaro (tạm gọi là Maria Betania). Ngày nay người ta biết rằng Magdala và Betania là hai thị trấn cách xa nhau hơn 100 cây số. Nói cách khác, người phụ nữ tội lỗi ở đây khác với bà Maria Madalena và cũng khác với bà Maria Betania.
Khung cảnh: Chúa Giêsu dùng bữa tiệc tại nhà ông Simon. Nói cho đúng, bữa tiệc này không mấy thân thiện. Những người đồng bàn đang xoi mói Chúa Giêsu (khác với bữa tiệc mà chúng ta sắp nói đến của hai chị em Marta). Dù sao, trong cuộc đời sứ vụ, Chúa Giêsu đã nhiều lần ăn tiệc với những người tội lỗi (thâu thuế), và đã gây nhiều tai tiếng: Người bị tố cáo là tay ăn nhậu (Mt 9,10-11; 11,19); khác với ông Gioan Tẩy giả, nổi tiếng là khắc khổ!
Để hiểu câu chuyện đang bàn, cần biết phong tục Rôma (và các đại gia Do thái cũng bắt chước), đó là ăn nằm (nằm trên bộ phản để ăn). Đang lúc ăn, thì một phụ nữ tội lỗi bước vào (không biết tên bà là ai, nhưng bà không phải là kẻ vô danh, bởi vì mọi người đều biết bà là gái làng chơi). Bà đi vào nhà cách đột ngột. Không ai mời mà cũng tới.
Điều quan trọng muốn nêu bật ở đây là thánh sử mô tả những cử chỉ của người phụ nữ qua 6 động từ (6 động từ tượng trưng cho 6 công việc tạo dựng?): đứng đàng sau, sát chân mà khóc, lấy nước mắt mà tưới chân, lấy tóc mà lau, hôn chân, lấy dầu mà đổ lên.
Chiều nay, chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Đây là một cử chỉ phục vụ: các đầy tớ rửa chân cho chủ (chứ không ngược lại). Nhưng đối với phong tục Do thái, việc rửa chân còn mang một ý nghĩa khác nữa: dấu hiệu của tình yêu, đặc biệt khi diễn ra giữa người nam với người nữ. Sau khi vua Đavit đã ăn nằm với bà Bersabe khiến cho bà mang thai, vua ra lệnh triệu ông Urigia chồng bà từ mặt trận về, và bảo ông đi rửa chân (1Sm 11,8). Nhưng ông không về nhà, và đến hôm sau ông đi ra mặt trận. Ở đây “rửa chân” có nghĩa là quan hệ vợ chồng. Bà Rút nằm dưới chân ông Boot suốt đêm, và hôm sau được ông nhận làm vợ (R 3,4-15).
Trong bối cảnh văn hóa ấy, áp dụng vào câu chuyện đang bàn, người phụ nữ rửa chân cho Chúa Giêsu bằng nước mắt và đổ dầu: cả hai đều là cử chỉ của tình yêu. Đối với những người hiện diện, thì đó là cử chỉ ái ân, tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu lại nhìn bằng cặp mắt khác. Đó là những cử chỉ đón tiếp (mà ông Simon đã bỏ qua không làm), và nhất là của lòng biết ơn vì đã được tha thứ nhiều (“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”).
Đó chẳng phải là những tâm tình mà chúng ta cần có khi cử hành hy lễ Tạ ơn đó sao, tức là biết ơn vì đã được tha thứ?
Trong Tin mừng Luca, chúng ta đọc thấy dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharisiêu và một người thu thuế (Lc 18,9-14). Dụ ngôn ấy đã trở thành cụ thể nơi hai nhân vật trong câu chuyện này: ông Simon cho rằng mình là người công chính, phán đoán không những người phụ nữ mà kể cả Chúa Giêsu nữa. Thế nhưng ông lại bỏ qua những nghi thức tối thiểu nhất của việc tiếp khách. Còn người phụ nữ, bị coi là người mang nhiều tai tiếng, nhưng kỳ thực lại được nên công chính, được tha thứ, bởi vì bà đã yêu nhiều, hay đúng hơn bà đã cảm nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Còn ông Simon thì đóng cửa trước lòng khoan nhân.
2/ Bữa tiệc tại nhà hai chị em Marta ( Lc 10,38-42)
Như vừa nói trên đây, Chúa Giêsu nhiều lần nhận lời mời ăn tiệc, kể cả do người tội lỗi. Có lẽ Chúa không vui lắm tại bữa tiệc ở nhà ông Simon mà chúng ta vừa nghe, bởi vì nó chỉ là cơ hội cho nhiều người xoi mói bắt bẻ; nhưng mặt khác, phải nói là Người vui bởi vì đã mang lại ơn tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi. Bây giờ chúng ta bước sang một bữa tiệc khác, và lần này chắc chắn là Người vui hơn, vì được đón tiếp bởi hai chị em Marta và Maria. Thực ra, có hai trình thuật liên quan đến cuộc viếng thăm nhà này: một trình thuật theo Luca, và một trình thuật trong Tin mừng Gioan. Lần này chúng ta chỉ dừng lại ở trình thuật của Luca, còn trình thuật của Gioan thì được gác lại chiều thứ bảy (những phụ nữ tuyên xưng đức tin).
Từ thời Trung cổ, người ta thường đưa câu chuyện này để so sánh giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động, tượng trưng nơi hai bà Maria và Marta. Tuy nhiên, có lẽ đây không phải là chủ ý của Luca. (Nên lưu ý là trước đây, có người đồng hóa bà Maria Betania với bà Maria Magdala và người phụ nữ tội lỗi. Chúng ta đã nói rằng người phụ nữ tội lỗi không liên can gì với bà Maria Magdala, và cũng khác với bà Maria Betania; bởi vì Magdala nằm ở miền Bắc cách thủ đô Gierusalem khoảng 200 cây số, còn Betania chỉ là ngoại ô của thủ đô, cách trung tâm khoảng 3 cây số, tạm ví như Bảo Lộc với Gò vấp).
Điều thứ nhất nên ghi nhận là trong nhà chỉ có hai phụ nữ. Có lẽ là hai người độc thân. Quả là táo bạo khi họ mời Chúa Giêsu về nhà, bởi vì theo thói tục đời ấy, các bà phải lánh mặt khi có khách đến nhà (hơn kém cũng như ở Việt Nam xưa kia).
Điều thứ hai nên ghi nhận là câu chuyện mở đầu như thế này: “Đang khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Marta đón Người vào nhà” (câu 38). “Đang khi đi đường” nên hiểu trong văn mạch, từ cuối chương 9 (câu 51 trở đi), Luca mô tả sứ vụ của Chúa như là con đường lên Giêrusalem, nơi mà Người sẽ chịu tử nạn và phục sinh. Chúa không đi một mình, nhưng cùng đi với các môn đệ. Nhưng không rõ là các môn đệ có đi theo vào nhà không (Nên biết là Luca không kể ra tên làng: Bêtania là tên lấy từ Tin mừng của Gioan). Các ông mà đi theo thì chắc là ồn ào lắm!
Chúa vào nhà bà Marta, và hẳn nhiên là để ăn tiệc. “Bữa tiệc” khác với “bữa ăn thường”ở chỗ nào? Thường thì bữa tiệc có nhiều món (và món ngon) hơn bữa ăn thường. Ngoài đặc tính thịnh soạn, bữa tiệc cũng nói lên tính cách hân hoan. Chúng ta không gọi đám ma là bữa tiệc, cho dù ăn ngon mấy đi nữa! Dù sao, có lẽ đặc trưng của bữa tiệc đúng nghĩa là “tình bạn”. Hiểu theo nghĩa này, bữa ăn ở nhà ông Simon nói trên đây không phải là bữa tiệc; nhưng bữa ăn ở nhà bà Marta đáng gọi là bữa tiệc. Thế nhưng bữa tiệc này có vấn đề.
Đó là bà Marta lên tiếng phàn nàn vì cô em không chịu giúp bếp. Nên lưu ý là bà không trách thẳng cô em, mà lại nhờ Chúa nhắn lại cô em. Không ngờ Chúa lại bênh vực cô em. Tại sao? Nhiều lý do đã được đưa ra: 1/ Một lý do văn hóa. Thời ấy, các bà không được phép ra ngồi tiếp khách mà phải lẩn trốn trong phòng, hoặc là đi xuống bếp. Chúa Giêsu bênh vực bà Maria: phụ nữ cũng có quyền tiếp khách, và bàn chuyện nghiêm túc (như chúng ta sẽ thấy trong câu chuyện với phụ nữ xứ Samaria). Nói cụ thể hơn, trái ngược với phong tục Do thái, Chúa Giêsu chủ trương là các bà cũng có quyền được nghe lời Chúa. 2/ Lý do nhân bản. Khách đến nhà thì phải tiếp đón. Tiếp đón không phải bằng cách đãi các món ăn ngon nhất để trổ tài nội trợ, nhưng là nói chuyện với khách. Có lẽ bà Marta quên điều ấy. Ngược lại, bà Maria nhận ra vấn đề: đối với một người khách như Chúa Giêsu, thái độ đón tiếp nồng hầu nhất là lắng nghe Chúa dạy. Đừng quên rằng đây là một điểm mà Luca nhấn mạnh nhiều lần. Chẳng hạn như Đức Mẹ Maria được đề cao vì đã lắng nghe và nghiền ngẫm lời Chúa; đây mới là mối phúc thật sự, chứ mối phúc không tại chỗ đã cưu mang và cho bú mớm (Lc 11,27-28).
Mặt khác, chúng ta đừng nên đối chọi Maria với Marta, bởi vì đây Luca không có ý so sánh giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động, nhưng là tác giả muốn nhắc lại rằng tất cả mọi hoạt động đều bắt nguồn từ chỗ lắng nghe Lời Chúa. Thực vậy, chúng ta rất dễ rơi vào nguy cơ là hoạt động để thỏa mãn một nhu cầu nào đó của mình, chứ không phải do lòng mến Chúa thúc đẩy. Đối lại cũng có một thứ nguy cơ khác, đó là chỉ nghiền ngẫm Lời Chúa nhưng lại không diễn tả thành lòng thương cảm với đồng loại. Vì thế có tác giả đề nghị là ta nên liên kết đoạn văn này với đoạn văn liền trước đó (Lc 10,29-37: dụ ngôn về người Samari nhân hậu: ông ta hiểu được bài học về sự thương người, còn các kinh sư thì chẳng chịu đem ta thực hành), để duy trì một sự quân bình giữa hai mối tình. Cả hai đều cần thiết: lắng nghe lời Chúa và phục vụ tha nhân. Có chăng là phần của Maria được coi là “không ai lấy đi được”, bởi vì, theo sự chú giải của một vài giáo phụ, sau này khi lên trời thì chỉ còn ngồi lắng nghe Lời Chúa thôi, chứ không còn người nghèo để phục vụ nữa. Đó là nói cách tuyệt đối, chứ trên thực tế, chúng ta vẫn còn sống dưới đất, cho nên vẫn còn cần phải lắng nghe lời Chúa và phục vụ. Và chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng việc phục vụ lao tâm lao lực hơn nhiều.
Tóm lại, khi ôn lại hai câu chuyện của các phụ nữ nhân Thánh Lễ Tiệc ly, chúng ta học được bài học về sự biết ơn vì được tha thứ, cũng như bài học về việc lắng nghe Lời Chúa, để rồi diễn tả ra qua việc phục vụ anh chị em. Chúng ta đã nghe hoặc đã nói nhiều về những điều ấy, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực hành bao nhiêu. Chúng ta cầu xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta, sức mạnh của Thánh Linh tình yêu.

BÀI 2: SÁNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH
NHỮNG PHỤ NỮ ĐƯỢC CHỮA LÀNH VÀ THA THỨ
Phụng vụ ngày thứ 6 tuần thánh mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và đồng thời ăn năn thống hối (thánh vịnh 50). Chúa đã chịu đau khổ để chữa lành những vết thương của chúng ta. Tin mừng đã kể lại nhiều phụ nữ được Chúa chữa lành và tha thứ. Chúng ta suy gẫm vài trường hợp điển hình, được chia làm hai nhóm: thứ nhất là ba người được chữa lành bệnh; nhóm thứ hai là người phụ nữ ngoại tình.
A. Những phụ nữ được chữa lành bệnh
Chúng ta chọn lọc ba trường hợp, trích từ ba tác giả khác nhau của Tin mừng Nhất Lãm: người phụ nữ xuất huyết (Mc), người phụ nữ còng lưng (Lc), người phụ nữ xứ Cananea (Mt)[1].
1/ Người phụ nữ xuất huyết (Mc 5,25-34)
Việc chữa lành bà được thuật lại trong cả ba tác phẩm Nhất Lãm, nhưng Marco có nhiều nét dí dỏm hơn cả. Người phụ nữ này phải chịu đựng hai cái khổ: ngoài cái khổ về thể chất, còn thêm cái khổ tinh thần vì bị loại trừ khỏi xã hội (tương tự như những bệnh nhân phong hủi). Tuy nhiên, bà tỏ ra can đảm, và dám đi ngược lại những luật cấm thời đó.
Câu chuyện được lồng chung trong bối cảnh Chúa Giêsu được mời đi chữa bệnh cho em bé con ông Giairo là trưởng hội đường. Cô bé lên 12 tuổi, còn bà này cũng mang bệnh từ 12 năm rồi. Bà đã tìm mọi cách để chữa bệnh, nhưng chỉ tiêu tiền cho các ông lang mà không được ích gì (tiền mất tật mang).
Chúng ta đã biết cách thức mà bà đến gần Chúa Giêsu: ra như cách trộm vụng, chứ không dám lộ diện. Một đàng bà biết là luật cấm giao tiếp với người khác, nhưng đàng khác bà cứ làm liều. Bà chạm tới áo choàng của Chúa, và bà đã được chữa lành nhờ sức mạnh toát ra từ Chúa Giêsu. Chúa quay lại và hỏi: “Ai đã chạm vào áo của tôi?” Các môn đệ tỏ ra kinh ngạc, bởi vì đám đông đang chen lấn, làm thế nào biết được ai đã chạm tới ngài!
Thật ra tuy câu chuyện này xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng cốt lõi của nó lại là một sự gặp gỡ rất riêng tư: bà cảm thấy mình được lành bệnh; Chúa cảm thấy một năng lực từ trong người phát ra. Tất cả diễn ra trong thâm tâm kín đáo giữa Chúa với bà, chứ người ngoài không thấy điều gì khác lạ. Các môn đệ chẳng hay biết gì, chỉ có đương sự mới cảm nghiệm mà thôi. Khi Chúa quay mắt nhìn vào bà; bà kinh hãi sụp lạy xuống thú lỗi (vì đã vi phạm luật). Nhưng thay vì trách móc, Người lại trấn an: “Này con, đức tin của con đã cứu con, hãy ra đi bình an, và con được lành”.
Chính đức tin vào Chúa Giêsu mang lại ơn chữa lành. Bà tin vào Chúa đến nỗi dám vi phạm luật cấm của đạo cũ. Chính thái độ tin tưởng và đón nhận ấy đã mang lại ơn chữa lành cho bà. Ơn Chúa mời gọi sự đón nhận về phía chúng ta. Thiết tưởng điều này cũng được áp dụng cho chúng ta hôm nay. Chúng ta đang cử hành ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua thập giá của Đức Kitô. Nhưng liệu mỗi người có lãnh được ơn cứu độ ấy hay không?
2/ Người phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17)
Luca kể lại chuyện Chúa Giêsu chữa lành một phụ nữ còng lưng đã 18 năm vào một ngày sabat. Dựa theo quan điểm y học thời đó, tác giả cho rằng bệnh này là do ác thần gây ra. Bà này thật can đảm, bởi vì luật cấm các bà không được vào gian chính của hội đường: họ phải đứng ở cuối, hoặc ở một gian bên cạnh, có song chắn. Chúa Giêsu nhìn thấy bà, gọi lại và bảo: “Này bà (dịch sát bản văn là: người nữ ơi), bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa gọi bà là “người nữ” (chứ không phải là “bà”, như đại danh từ). Ra như qua bà này, Người muốn ngỏ lời với tất cả các phụ nữ. “Đứng thẳng lên” có thể hiểu là trả lại nhân phẩm cho bà: xưa nay, bà đi khom lưng, bây giờ bà được yêu cầu hãy đứng thẳng, xứng hợp với tư cách của con người tự do (chứ không lom khom như thú vật hay như thái độ của một nô lệ).
Câu chuyện trở nên phức tạp khi ông trưởng hội đường phản đối vì việc chữa lành trong ngày sabat. Ông không dám nói trực tiếp với Chúa, mà chỉ nói trống rằng: “Ai muốn chữa bệnh thì đến hội đường vào những ngày khác”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã bênh vực bà. Lý do không phải là vì ngày thường bà không thể tới hội đường được, nhưng bà này là con cháu Abraham, và xứng đáng được quan tâm (hơn là các thú vật mà người Do thái cởi trói để đưa đi ăn uống). Người phụ nữ này cũng cần được cởi trói khỏi ách nô lệ của tà thần.
Ngày nay, chúng ta không còn coi bệnh tật là hậu quả do tội lỗi gây ra, hoặc là do tác động của ma quỷ! Mỗi khi ai mắc bệnh, chúng ta kêu bác sĩ đến chữa, chứ không mời cha giải tội hoặc pháp sư. Quan niệm thời xưa thì khác, như chúng ta đã biết. Tuy vậy, sứ điệp của Tin mừng vẫn còn có giá trị: Chúa Giêsu là lương y của nhân loại; Người chữa lành cả những bệnh tật thân xác cũng như linh hồn. Sự tha thứ tội lỗi (mà chúng ta sắp nói) có thể coi như sự chữa lành linh hồn. Nhưng trường hợp đang bàn ở đây có lẽ gợi lên cho chúng ta một ý tưởng khác, đó là không phải về phía người phụ nữ còng lưng cho bằng về phía ông chủ hội đường: ông ta mới là người bệnh tâm thần, khi ông muốn loại trừ người khác nhân danh pháp luật cứng nhắc. Ông thiếu lòng cảm thương với đồng loại đau khổ. Phúc âm đã thuật lại rất nhiều trường hợp của những người Pharisiêu và kinh sư bị Chúa khiển trách: họ là những người mắc bệnh cứng lòng (trái tim cứng cỏi), và cần được chữa lành. Ai dám nói rằng chúng ta không mắc bệnh này?
3/ Người phụ nữ xứ Canaan
Câu chuyện thứ ba được Matthêu (15,21-28) kể lại tấm gương một phụ nữ cương quyết (Marco 7,24-30 cũng thuật lại chuyện này, nhưng Luca thì không nói đến). Bà là một người ngoại đạo. Bà xin Chúa thương cứu chữa con gái đang bị quỷ hành hạ.
Lúc đầu, Chúa không tỏ ra thiện cảm với bà (khác với trường hợp người phụ nữ còng lưng vừa nói trên đây). Người giả vờ không để ý đến bà. Nhưng bà cứ đi theo nằng nặc kể lể. Đến lượt các môn đệ phải năn nỉ xin Chúa giúp, kẻo bà cứ quấy rầy. Người trả lời: “Tôi chỉ được sai đến các chiên lạc của nhà Israel”. Theo học lý của dân Do thái, đấng Mêsia chỉ được phái đến cho nhà Israel. Thế nhưng bà này là người ngoại, cho nên không nằm trong kế hoạch ấy. Chúa Giêsu chỉ nhắc lại quan niệm cổ truyền, ra như để nhắc nhở các môn đệ về sự giới hạn của thành kiến.
Nghe vậy, bà không chịu thua, và sụp lạy khẩn nài: “Lạy Ngài xin giúp con”. Câu trả lời của Chúa thật là chua chát: “Không nên lấy bánh của con cái mà thảy cho chó con”. Lẽ ra bà phải tức giận lắm vì bị xúc phạm. Nhưng bà lấy lại lời của Chúa để vặn lại: “Quả đúng vậy, nhưng chó con cũng được ăn những mảnh vụn của bánh từ bàn rơi xuống”. Đến đây Chúa phải phục bà: “Này bà (phụ nữ), đức tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được như vậy”.
Thế là bà được toại nguyện, nhờ đức tin mạnh mẽ. Chúng ta nhận thấy rằng lòng tin của bà thật là mạnh bởi vì bà đã kiên trì kêu xin bất chấp hai trở ngại: thứ nhất, lúc đầu Đức Giêsu xem ra phớt lờ, chẳng quan tâm đến lời xin của bà; thứ hai, Đức Giêsu nói cho bà biết rằng chưa đến lúc phải mang ơn cứu độ cho dân ngoại. Thế nhưng, bất chấp hai trở ngại đó, bà cứ nài xin. Lòng tin của bà thật là mạnh, và đáng được ca ngợi. Vài độc giả có thể phê bình thái độ của Đức Giêsu là cứng cỏi. Chúng ta có thể giải thích như sau: tuy kế hoạch cứu độ mang tính cách phổ quát, dành cho tất cả mọi dân, nhưng được thực hiện cách tiệm tiến. Đức Giêsu muốn giới hạn hoạt động của Người trong vùng đất dân Israel; sau khi sống lại, Người sẽ sai các tông đồ mang Tin mừng đến với muôn dân. Câu trả lời của Đức Giêsu diễn tả chương trình tiệm tiến đó; thế nhưng lòng tin của bà Canaan mạnh mẽ đến nỗi đã làm cho Chúa đốt thời gian, tương tự như lời khẩn nài của Đức Maria tại tiệc cưới Cana. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đọc câu chuyện theo một viễn tượng khác. Đức Giêsu đang thử thách lòng tin của bà, huấn luyện cho bà từ lòng tin sơ khởi tới đức tin trưởng thành hơn. Đức tin của bà được ca ngợi là mạnh mẽ, bởi vì bà vẫn giữ vững niềm tin kể cả khi Chúa xem ra thinh lặng. Đức Giêsu cũng sẽ trải qua cảm nghiệm ấy trên thập giá, khi thốt lên “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Chính đức tin mạnh mẽ của bà mẹ đã cứu đứa con khỏi ma quỷ. Có lẽ đó là bài học mà các thánh sử muốn nói với chúng ta qua một người phụ nữ ngoại đạo.
B. Những phụ nữ được tha thứ
Bây giờ chúng ta chuyển qua nhóm thứ hai. Hôm qua chúng ta đã suy niệm người phụ nữ tội lỗi được Luca kể lại ở chương 7. Hôm nay chúng ta suy niệm người phụ nữ ngoại tình được Gioan kể lại ở đầu chương 8 (câu 1-11), nhưng có người cho rằng đoạn văn này là của Luca, dựa theo một vài thủ bản (chen vào chương 21, câu 38). Gioan còn kể lại một trường hợp nữa của phụ nữ tội lỗi, đó là người phụ nữ Samaria có 5 đời chồng, nhưng chúng ta để dành cho chiều thứ bảy (những phụ nữ tuyên xưng đức tin).
Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình không còn xa lạ gì với chúng ta. Chúa Giêsu đang ở trong đền thờ, giảng dạy dân chúng. Các kinh sư và Pharisêu dẫn một phụ nữ bị bắt quả tang tội ngoại tình, để xin Chúa xét xử. Theo luật, bà phải bị ném đá. Nhưng Chúa không nói gì, chỉ cúi xuống, lấy tay viết trên đất.
Dĩ nhiên, khá nhiều giả thuyết đã được đặt ra liên quan đến nội dung của những chữ viết này: Chúa Giêsu đã viết gì? Thực ra, suốt đời Người chỉ giảng chứ không viết một lá thư hay một cuốn sách nào hết. Tại sao bây giờ Người lại viết: viết cái gì? Có phải nhắc lại các điều răn của Thiên Chúa không? Hay là kê khai danh sách các tội mà người đời quen phạm nhưng không nhận ra? Chẳng ai biết! Tiếc rằng Người chỉ viết một lần trong đời, nhưng lại viết trên cát, để cho gió cuốn đi hết.
Trở về bản văn. Các nhà lãnh đạo tỏ ra sốt ruột, yêu cầu Chúa lên tiếng. Người ngẩng đầu lên và nói: “Ai là người vô tội, thì lấy đá ném trước đi”. Và họ lần lượt rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chúa Giêsu không bênh vực tội của người phụ nữ. Nhưng Người trách tất cả những người mạnh miệng tố cáo tội lỗi người khác, mà không biết nhận ra tội của mình. “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Hơn thế nữa, trong trường hợp này, xã hội tỏ ra bất công đối với phụ nữ. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình thì bị ném đá. Còn người kia thì sao? Bà đâu có phạm tội một mình? Tại sao chỉ mình bà chịu hình phạt?
Câu nói của Chúa Giêsu muốn nêu bật sự bình đẳng giữa người nam và người nữ, trong việc tốt cũng như việc xấu.
Kết luận câu chuyện. Rút cục chỉ còn lại bị cáo và Chúa Giêsu, bởi vì những người khác đã bỏ đi hết rồi. Người hỏi chị: “Họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao”. Chị thưa: “Dạ không”. Và Chúa nói: “Tôi không kết án chị. Hãy ra về bình an, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa không bênh vực tội của chị: tội là điều xấu. Nhưng chị là người đáng thương. Chúa thương chị, và Người khuyên chị đừng phạm tội. Điều này đã khiến thánh Augustinô phân biệt giữa “tội lỗi” và “tội nhân”. Ta phải ghét tội, nhưng phải yêu tội nhân, xét vì họ là con người.
Có người lưu ý rằng trong suốt cuộc tranh luận, Chúa Giêsu đã cúi xuống đất: xem ra đó là biểu tượng của việc Người đã từ trời xuống thế, để cứu vớt nhân loại, tiêu diệt tội lỗi. Sau đó, Người đã ngẩng đầu và đứng lên để nói lời tha thứ: đây là biểu tượng của cuộc Phục sinh, ban cho con người sức mạnh để chỗi dậy, và bắt đầu cuộc đời mới.
Chúng ta hãy đón nhận hồng ân Chúa ban: Người là Chúa của lòng khoan nhân, chứ không phải là quan tòa nghiêm khắc. Đồng thời chúng ta cũng hãy biết khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót của mình và thông cảm với người khác.

BÀI BA: PHỤNG VỤ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN THÁNH
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐI THEO CHÚA GIÊSU
Trong trình thuật cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, tất cả bốn thánh sử đều ghi nhận sự hiện diện của các phụ nữ dưới chân thập giá (đang khi mà các tông đồ đã bỏ chạy hết). Riêng Matthêu và Luca còn thêm một chi tiết nho nhỏ nhưng quan trọng, đó là các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilê để phục vụ Người (Mt 27,55; Lc 23,49). Xưa nay, các nhà chú giải nam giới không chú ý lắm đến chi tiết này; nhưng kể từ khi nữ giới bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh, thì ghi chú này trở thành quan trọng, và lật ngược tình trạng của những người đi theo Chúa Giêsu.
Thật vậy, trước đây, các nhà chú giải Kinh thánh chỉ nói đến việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đi theo Người (Phêrô, Anrê, Giacobê, Gioan, vv). Con số các môn đệ lên tới 72 người (Lc 10,1), và từ số ấy Người đã tuyển chọn 12 tông đồ (Lc 6,13). Các bà hoàn toàn vắng mặt! Nhưng giờ đây, khi nữ giới bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh, thì họ lưu ý những câu đầu của chương 8 theo Tin mừng Luca: “Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai, và mấy phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuđa quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,1-3). Điều quan trọng là các bà đã đi theo Đức Giêsu ngay từ đầu sứ vụ ở Galilê, và họ đi theo Người cho đến giây phút chót, khi Người tắt thở trên thập giá. Các bà đã đi theo Người khi được mai táng, và cũng chính các bà là chứng nhân của biến cố Chúa Phục sinh. Chúng ta chia bài này làm hai phần: phần thứ nhất nói đến những chặng đầu của việc đi theo Chúa; phần thứ hai nói đến việc theo Chúa trên đường Tử nạn.
I. Các môn đệ tiên khởi
Như vừa nói, trước đây, chúng ta vốn quen hình dung Đức Giêsu được vây quanh bởi một nhóm môn sinh. Điều này cũng nằm trong phong hóa thời bấy giờ: các rabbi có những môn sinh; các môn sinh này không chỉ học chữ hay học nghề, nhưng họ học cả cuộc sống của thầy. Vì thế họ theo chế độ “nội trú”, và đối với rabbi Giêsu thì họ cũng chia sẻ nếp sống lưu động. Tuy nhiên, các tác giả cũng không quên vạch ra những sự khác biệt giữa rabbi Giêsu với các rabbi khác. Trước tiên, chính rabbi kêu gọi các môn sinh đi theo mình, chứ không phải các môn sinh tự nguyện đến xin thụ giáo (x. những câu trả lời cho các ứng sinh ở Lc 10,57-62). Thứ đến, các môn sinh đã vào trường này thì sẽ giữ mãi tư thế học trò, chứ không trông mong mai ngày trở nên rabbi và tách ra lập trường riêng (Mt 23,8: Anh em đừng để ai gọi mình là rabbi vì anh em chỉ có một thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau).
1/ Điều cách mạng nhất của Chúa Giêsu là nhận cả các phụ nữ làm môn sinh nữa. Đây là một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống Do thái. Tại đây, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi: không những họ không được vào trong hội đường (họ phải ngồi ở gian dành cho dân ngoại) mà thậm chí không được kể đến khi tính dân số (thí dụ: trong các phép lạ hóa bánh, người ta không tính đàn bà và con nít: x. Mt 14,21; 15,28).
2/ Luca cho biết rằng các phụ nữ này “được Người trừ quỷ và chữa bệnh”. Thật khó biết rằng đó là bệnh gì. Trong thế giới cổ truyền, bệnh tật bao gồm nhiều tình trạng bất ổn về thể chất và tâm thần, và thậm chí kể cả những trường hợp quỷ ám. Nơi các bệnh tật, người ta đọc ra bàn tay của ác thần. Và điển hình là bà Maria Magdala được giải thoát khỏi bảy quỷ. Số 7 tượng trưng cho sự đầy đủ: như vậy là tất cả các quỷ đều xúm lại hành hạ bà ấy. Dù sao, chúng ta đừng dừng lại ở khía cạnh tiêu cực này, nhưng hãy nhìn khía cạnh tích cực của nó, đó là Chúa Giêsu đã đến chữa lành tất cả các tật bệnh của con người, giải thoát nhân loại mọi thứ xiềng xích. Thật vậy, các tác giả Tin mừng mô tả công việc cứu độ của Người như là một lương y. Điều này được chứng tỏ qua các phép lạ: trừ quỷ, chữa bệnh, cho kẻ chết sống lại, dẹp yên bão tố. Trong quan điểm cổ truyền, tất cả những sự xáo trộn ấy là do ma quỷ gây ra. Giờ đây, Chúa Giêsu đến để thiết lập vương quyền Thiên Chúa, qua việc lật đổ vương quyền của Satan. Những phụ nữ đang bàn ở đây được hưởng những ân huệ ấy: họ đã được giải thoát khỏi tình trạng yếu liệt, và có thể hành động cách tự do.
3/ Một dấu hiệu của sự tự do ấy được biểu lộ qua việc sử dụng tài sản để giúp đỡ Chúa Giêsu. Trong xã hội cổ điển, các bà phải lệ thuộc gia đình hoặc chồng trong việc sử dụng tài sản. Dù sao, việc sử dụng tài sản nhắm đến một mục tiêu cao hơn nữa, đó là các bà đã được Chúa gọi để “đi theo” Người. Cụm từ “đi theo Chúa” có thể được hiểu theo nghĩa đen (vật lý), nghĩa là khi đi đường, thì thầy đi trước, còn học trò lẽo đẽo theo sau. Nhưng trong Tin mừng, “đi theo” mang nghĩa chuyên môn là trở thành môn sinh của Chúa, đi theo lời Chúa dạy và đi theo Chúa cho đến cái chết trên thập giá (“Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” Lc 9,20). Như vậy, các bà cũng được mời gọi làm môn sinh cũng như các môn đệ. Họ “đi theo” và “phục vụ” Người ngay từ thời buổi đầu tiên của sứ vụ của Chúa. Và họ đã đi theo Người cho đến cùng (Mc 15,41).
II. Những người theo Chúa trên đường Khổ nạn
Như đã nói ở đầu, tất cả bốn sách Tin mừng đều nhất trí trong việc ghi nhận sự hiện diện của các phụ nữ vào lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá, tuy có vài khác biệt nhỏ về chi tiết sẽ được nói.
1/ Một chi tiết khác biệt liên quan đến sự hiện diện của các bà trong trình thuật Tử nạn. Trước hết, trong phiên tòa xử án, chúng ta thấy một tớ gái của thượng tế đã điểm mặt ông Phêrô, khiến cho ông này phải chối thầy! Điều này được tất cả bốn thánh sử ghi lại. Riêng Matthêu còn nói đến sự can thiệp của bà vợ ông Philatô, nhắn ông đừng nhúng tay vào vụ án oan uổng này (Mt 27,19).
2/ Trên đường vác thánh giá lên núi Calvariô, duy Luca nói đến các phụ nữ đi theo, vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Người quay lại phía các bà và nói: “Hỡi phụ nữ Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì, Có khóc thì khóc cho phần mình và con cái. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: Phúc thay người đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” (Lc 23,27-31). Nên lưu ý là không có chỗ nào nói đến bà Vêrônica lau mặt Chúa. Nhân vật này do lòng đạo đức bình dân thời Trung cổ thêm vào (và có khi đồng hóa với người phụ nữ xuất huyết đã được chữa lành khi chạm vào áo của Chúa)!
3/ Sự hiện diện của các bà trong giai đoạn cuối đời Chúa Giêsu mang tính cách “liên hoàn”, theo nghĩa là các bà có mặt vào lúc Chúa chịu chết, vào lúc Chúa được an táng trong mộ và vào lúc Chúa sống lại. Chỉ có các bà làm chứng cho sự kiện này, bởi vì các ông đã bỏ trốn hết (Mc 15,40), ngoại trừ người môn đệ yêu dấu theo Tin mừng Gioan. Chúng ta đừng nên quên rằng trong xã hội Do thái, chứng tích của các bà không có giá trị pháp lý (vì thế họ không được triệu ra tòa). Các tác giả Tin mừng nói đến sự hiện diện của các bà vì muốn nêu lên sự thật, chứ nếu phải bịa thì họ đã nghĩ đến các nhân vật khác có uy tín hơn.
Ở đây, chúng ta chỉ nói đến sự hiện diện của các bà dưới chân thập giá và lúc mai táng Chúa. Cuộc phục sinh thì để vào dịp khác.
4/ Dưới chân thập giá, người đọc có thể thấy sự khác biệt chi tiết giữa bốn tác giả Tin mừng như sau:
- Matthêu và Marco nói rằng các bà đứng “nhìn từ xa”. Quý danh của các bà là: Maria Magdala, Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôsep, và bà mẹ các con ông Dêbêđê (Mt 27,55-57). Thứ tự của Marco hơi khác: Maria Magdala, Maria mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxet, bà Salômê (Mc 15,40). Như vậy bà Maria Magdala đứng đầu danh sách, còn bà thứ ba thì mang tên là Salômê. Luca không kể tên các bà (Lc 23,49). Marco và Luca ghi chú thêm rằng các bà đã theo Chúa từ Galilê.
- Gioan thì đưa bà xích lại “gần thập giá”, nhưng thay đổi thứ tự tên tuổi: thân mẫu Đức Giêsu, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cleopat, bà Maria Magdala. Bà Maria Magdala đứng cuối danh sách, nhưng bên cạnh có thêm người môn đệ yêu dấu của Chúa (Ga 19,25-27). Đoạn văn này nêu bật vai trò của Đức Maria “Người Phụ nữ” điển hình mà chúng ta sẽ suy gẫm vào sáng mai.
5/ Vào lúc mai táng, chúng ta thấy sự xuất hiện của một người “môn đệ” ẩn danh, tức là ông Giuse Arimatea (Gioan thêm ông Nicôđêmô). Ông này lo liệu việc hạ xác Chúa và mai táng. Các bà thì đứng quan sát.
Số các bà giảm xuống còn hai người: Bà Maria Magdala và bà Maria khác (Mt 27,61); Bà Maria Magdala và bà Maria mẹ ông Gioses (Mc 15,47); Luca không kể tên (Lc 23,55-56). Gioan không nhắc đến các bà trong vụ này.
Trong danh sách các phụ nữ (đừng kể Đức Mẹ Maria), chúng ta nhận thấy bà Maria Magdala được xếp hàng đầu. Chắc hẳn trong Hội thánh nguyên thủy, bà là một nhân vật nổi tiếng, đến nỗi vào lúc Chúa Phục sinh, bà được nhắc đến cách đặc biệt.
Các phụ nữ khác cũng mang tên Maria, từ đó dễ gây ra ngộ nhận.
- Bà Maria mẹ của ông Giacôbê thứ và ông Gioses (căn cước lấy theo tên con), và có lẽ bà là vợ ông Alphêô (Mc 3,18).
- Bà Salômê là mẹ của hai anh em con ông Dêbêđê (Giacôbê và Gioan). Mt đã để lại một tích chuyện về bà này vì đã xin cho hai đức con của mình được ngồi bên tả và bên hữu trong vương quốc của Chúa (Mt 20,20-24) và đã nhận được một bài học đáng giá về sự phục vụ.
Có người đối chiếu ba phụ nữ ở trên núi Calvario với ba môn đệ thân tín của Chúa đã từng chứng kiến nhiều biến cố quan trọng (chẳng hạn lúc biến hình), đó là Phêrô, Giacôbê, Gioan: ba bà thay thế cho ba ông vào giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử nhân loại.
Dù sao, các bà đã để lại cho chúng ta tấm gương về sự trung kiên đi theo Chúa Giêsu. Các môn đệ đầu tiên ở Galilê có lẽ đã theo Chúa vì mơ mộng sẽ chia sẻ vinh quang khi Người thiết lập triều đại Mêsia. Vì thế mà họ tỏ ra sốc khi nghe Chúa loan báo (3 lần) cuộc khổ nạn. Trên thực tế, họ đã bỏ Người sau khi thấy mình vỡ mộng. Thế nhưng việc đi theo Chúa Giêsu đích thực đòi hỏi phải từ bỏ mình, chấp nhận con đường thập giá. Đường thập giá không chỉ có nghĩa là con đường hy sinh đau khổ, nhưng còn là con đường khiêm tốn, phục vụ, đang khi mà não trạng thế gian trọng danh dự, địa vị. Không ai dám bảo đảm rằng chúng ta đã được giải thoát khỏi não trạng ấy.

Trích: http://catechesis.net