Hòa Bình Theo Kinh Thánh


HÒA BÌNH THEO KINH THÁNH

Nicolò M. Loss

I. Vấn đề từ ngữ “hòa bình” trong Kinh thánh: 1. Hòa bình theo các ngôn ngữ Kinh thánh: a) Ba khía cạnh của hòa bình; b) Tiếng Hip-ri và tiếng Hy-lạp; 2. Ý nghĩa của hòa bình theo Kinh thánh.

II. Những khía cạnh của hòa bình theo Cựu ước: 1. Hòa bình trong lãnh vực cá nhân; 2. Hòa bình chính trị và xã hội; 3. Các ngôn sứ và hòa bình; 4. Hòa bình trong niềm hy vọng cánh chung: a) Hòa bình chung cục, b) Hòa bình chung cục như là hòa bình của vị Mêsia, c) Hòa bình chung cục và suy tư của các văn phẩm Khôn ngoan.

III. Hòa bình trong Tân ước: liên tục và mới mẻ. 

IV. Những khía cạnh của hòa bình trong Tân ước: 1. Hòa bình toàn diện và chung cục; 2. Hòa bình với Thiên Chúa và với con người: a) Sự công chính hóab) Sự hòa giải, c) Hoạt động cho hòa bình.

Chú thích của người dịch. Các từ Pax, paix, peace của các ngôn ngữ châu Âu được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ: hòa bình, bình an, thái bình; đó là chưa kể những từ tương đương: bình thản, giao hòa, hòa thuận, hòa hợp, v.v… Trong ngôn ngữ phụng vụ, “bình an” thường được dùng để ám chỉ trạng thái nội tâm; còn “hòa bình” ám chỉ tình trạng xã hội. Trong bài này, chúng tôi dùng từ “hòa bình” để duy trì sự thống nhất từ ngữ theo chủ đề của số báo, nhưng tùy theo mạch văn, đôi khi chúng tôi cũng sử dụng danh từ “bình an”. - Viết tắt: HB = hòa bình.

Nguồn: Mục từ “Pace”, in: Nuovo Dizionario di Teologia biblica, a cura di P. Rossano – G. Ravasi – A. Ghirlanda, Cinisello Balsamo (MI), Paoline, 2001, 1056-1064

 

  1. VẤN ĐỀ TỪ NGỮ “HÒA BÌNH” TRONG KINH THÁNH
     

Chủ đề HB trong Kinh thánh rất phong phú và phức tạp, bao trùm nhiều lãnh vực. Danh từ shalom trong tiếng Hip-ri được sử dụng với một ý nghĩa rộng hơn là các danh từ tương đương trong tiếng Hy-lạp (eirénê) hoặc Latinh (pax), đặc biệt bởi vì nó bao hàm cả khía cạnh tôn giáo. Các bản dịch sang các ngôn ngữ lại gán thêm cho danh từ HB nhiều ý nghĩa mới vốn có sẵn trong truyền thống của mình.
 

  1. HÒA BÌNH TRONG CÁC NGÔN NGỮ KINH THÁNH
     

Các từ ngữ trong tiếng Hip-ri, Hy-lạp, Latinh của Cựu ước và Tân ước đã gói ghém những ý nghĩa căn bản sẽ được khai triển sang các bản dịch sinh ngữ về sau này.

a) Ba khía cạnh của HBNhận xét đầu tiên là ba danh từ shalom, eirénê, pax, đã nói lên ba khía cạnh căn bản của hòa bình, gắn liền với tâm thức của văn hóa Hip-ri, Hy-lạp và La-tinh. Shalom nói lên hạnh phúc toàn diện xét về khách thể cũng như chủ thể; eirénê nói lên tình trạng và thời gian không có chiến tranh; pax nói lên sự chắc chắn dựa trên những thỏa ước được ký kết và chấp thuận. Đây là một nhận xét có thể áp dụng khi đối chiếu các bản dịch Kinh thánh cổ xưa, và vào việc đào sâu thêm nhiều đề tài khác nhau, chẳng hạn như: lề luật, công chính, thánh thiện, vv.

b) Tiếng Hip-ri và tiếng Hy-lạp. Cách riêng, bản LXX, thường chuyển dịch danh từ shalom thành eirénê (hơn kém 250 trường hợp; còn 25 trường hợp thì dùng 15 từ khác). Đây là một dấu hiệu cho thấy các người dịch hiểu về “một tình trạng yên ổn vững chắc”.

Thực vậy, theo nghĩa nguyên thủy, slm (Hip-ri) ám chỉ một hành vi “bổ túc” hoặc “kiện toàn” cho cái gì đó vẫn còn thiếu sót, và có thể áp dụng cho việc hoàn thành đền thờ (1V 9,25), bồi thường thiệt hại (Xh 21,27) hoặc chu toàn một điều khấn hứa (Đnl 23,22). Như thế bản dịch slm được hiểu như là “hoàn trả” (khoảng 50 lần) và “sửa chữa” (khoảng 30 lần). Một điều tương tự như vậy đối với tính từ salem, thường được dịch là “hoàn tất, trọn vẹn”, còn danh từ selem/selamim (trong lãnh vực phụng tự) được dịch là sóterion “hy lễ vẹn toàn” (x. Lv 3).

 

  1. Ý NGHĨA CỦA HB THEO KINH THÁNH
     

Như vậy, xem ra bản LXX hiểu danh từ shalom như là tình trạng bền vững toàn diện nhờ hành động được diễn đạt qua nguyên gốc slm, nghĩa là hiểu được về tình trạng khách thể của một thực tại (kể cả chiến tranh: 2Sm 11,7[1]) cũng như về điều kiện thỏa mãn, hài lòng vì không còn thiếu thốn chi. Tóm lại, shalom nói đến “tốt đẹp”, “an lành”. Nói cách khác, shalom mang một nghĩa rất rộng rãi: nó không chỉ có nghĩa là sự chắc chắn về thỏa ước được bảo đảm như pax tiếng La-tinh, hoặc tình hình không có chiến tranh như eirénê tiếng Hy-lạp, nhưng nó còn gắn liền với khía cạnh yên ổn, hài hòa của cộng đồng loại và của mỗi người với Thiên Chúa, với thế giới vật chất, với các cộng đồng, với chính mình, được dồi dào sức khỏe, giàu sang, yên ổn, danh dự, chúc lành của Thiên Chúa; tắt một lời, nó là “sự sống”[2].

Nếu muốn tìm cách định nghĩa cách vắn tắt HB theo nghĩa vừa nói: chúng ta có thể lấy định nghĩa của ông Boêtiô về sự vĩnh cửu như sau: “Omnium bonorum comulata et secura possessio”. (Sự sở hữu vững chắc tất cả mọi điều tốt lành). Chúng ta không muốn phân tích chi tiết câu định nghĩa này, nhưng chỉ muốn nêu bật rằng HB không chỉ giới hạn về của cải vật chất cũng không bị giới hạn trong thời gian. HB nhắm tới “sự sống” theo nghĩa toàn diện, dĩ nhiên là sự sống ở trên đời này, nhưng mở rộng đến chiều kích vĩnh cửu. Không lạ gì mà theo Kinh thánh, hòa bình giữ địa vị rất quan trọng.

II. NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA HB TRONG CỰU ƯỚC

Khái niệm về HB trong Kinh thánh rất rộng rãi, bao gồm toàn thể con người với những tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa, trong thời gian và vượt lên trên thời gian. Vì thế, đôi khi khó nắm bắt được ý nghĩa chính xác của nó. Tuy vậy, có thể xếp đặt lại các ý tưởng khác nhau theo một thứ tự nào đó, để khám phá ra một sợi chỉ xuyên suốt. Thiết tưởng có thể khởi đi từ khái niệm “HB là một ân huệ của Thiên Chúa”, (cũng tương tự như khái niệm về sự sống).

 

  1. HB TRONG LÃNH VỰC CÁ NHÂN
     

Trên bình diện cảm nghiệm cá nhân và thường nhật, HB đặc biệt có liên quan tới sức khỏe thể chất và hạnh phúc gia đình. Đó là một hồng ân do Chúa ban: Cựu ước nói rất rõ về điểm này: HB trong gia thất là phản ánh của “hòa bình được đổ xuống nhà Israel” (Tv 127); đến nỗi nếu thiếu điều này thì con người sẽ băn khoăn và thậm chí chất vấn Thiên Chúa, như trường hợp ông Gióp. Chính vì thế mà công thức chào hỏi thông dụng hằng ngày là shalom!, một công thức rất gần gũi với công thức “Cầu xin Chúa ở với bạn” (Tl 6,1; R 2,4; x. Tv 129,7-8). Cũng với ý tưởng ấy mà người ta hỏi thăm nhau xem “có được bình an không” (St 43,27; 2Sm 18,32). Lời tạm biệt cũng nằm trong bối cảnh ấy: “Anh hãy đi bình an” (Ex 4,18; Tl 18,6; 1Sm 1,17). Hơn thế nữa, sự chết và mai táng cũng diễn ra “trong bình an” (St 15,15; 2V 22,20), bởi vì sự chúc lành và che chở của Thiên Chúa luôn đồng hành suốt đời sống của con người trên dương gian này. Quả vậy, đang khi “bọn bất lương không có bình an” (Is 48,22), thì người công chính được “bình an dạt dào” cho bản thân và cho con cháu (Tv 37, 11.37).
 

  1. HB CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
     

Không chỉ cá nhân và gia đình, mà cả họ hàng dân tộc cũng có thể hưởng HB hoặc mất nó. Đối với dân tộc, HB không chỉ bao hàm việc không có chiến tranh bên ngoài, mà còn được thoát khỏi nguy cơ đó nữa. Israel đã có lúc được hưởng tình trạng ấy vào một thời điểm của lịch sử nhờ vị lãnh tụ tuyệt vời là vua Đavit (2Sm 7,1), và điều này còn là đặc trưng của triều đại Salomon (l Sbn 22,9: hòa bình trong nước và ngoài nước; x. 1V 5,1-8). Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các bản văn không đơn thuần đồng hóa HB với tình trạng không có chiến tranh, nhưng coi đó như là một điều kiện của HB, thường được bảo đảm bằng việc ký kết một giao ước (berît: l V 5,26).

Yên ổn bên ngoài chưa đủ; HB được coi như một giá trị chân chính khi được yên ổn bên trong nữa, và điều này có thể gây ra sự xáo trộn khi không tôn trọng công bình. Đến đây ta cần phải ghi nhận sự đóng góp của các ngôn sứ vào đề tài HB dưới hết mọi khía cạnh.

 

  1.  CÁC NGÔN SỨ VỚI HB
     

Các ngôn sứ không bao giờ tách rời khía cạnh chính trị xã hội ra khỏi khía cạnh tôn giáo. Họ coi HB như sự khẳng định chủ quyền của Thiên Chúa và cần sự ân cần đón tiếp[3]. Chính vì lý do đó các ngôn sứ đồng thanh tố cáo các hiệp ước quốc tế giả trá cũng như sự lỗi công bình trong những tương quan nội bộ trong dân chúng và việc phụng tự rỗng tuếch chỉ chú trọng đến vẻ phô trương. Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện của Mikêa con ông Yimlá (IV 22), hoặc đoạn mở đầu sách ngôn sứ Amós (Am 1,3-2,16), hoặc những chương đầu tiên của Isaías, hoặc những lời tố giác của Giêremia và Edekiel.

Cuộc tranh đấu của các ngôn sứ gặp phải sự kháng cự từ tứ phía: về phía các nhà lãnh đạo chính trị vì những ý đồ đen tối của họ (Isaia với vua Acaz: Is 7; Giêremia với vua Sedecías: Gr 37-39); về phía các phú gia chỉ lo làm giàu; về phía các tư tế đầu hàng các người có quyền lực (Gr 20,1-6); về phía nhân dân, dễ chạy theo những của cải hão huyền và dễ tin theo các ngôn sứ hứa hẹn HB giả tạo. Đó là trường hợp của ông Mikea ben Yimlá (1V 22), ông Mikea de Moreset (Mk 3,5-8), Giêremia (liên miên, nhất là trong cuộc đụng độ với Ananía ben Azur: Gr 28) và Edêkiel. Đó là những ngôn sứ rao giảng điều may lành khi mọi sự tốt đẹp và rao giảng tai họa khi bị trừng phạt; họ nói “hòa bình, hòa bình nhưng chẳng có hòa bình chi cả (Gr 6,14). Trái lại, các ngôn sứ đích thực biết chắc rằng Thiên Chúa có những “kế hoạch HB chứ không phải tai họa” dành cho dân Ngài (Gr 29,11); tuy nhiên đây là thứ HB đi đôi với công bình, điều mà các đối phương cũng đã biết. Mối liên hệ giữa “tìm kiếm điều tốt” và đạt được “sự sống” (x Am 5,14) được trình bày như là sự liên hệ giữa “công bình” và HB: “Từ công bình nảy sinh HB” (Is 32,17). Đề tài này được khai triển đặc biệt nơi phần thứ hai và phần thứ ba của Isaia.

Thế nhưng qua con đường này, ta thấy có bước nhảy vọt trong quan điểm về HB. HB không chỉ là yên ổn, cũng không phải là hạnh phúc; nó là một điều thiện hảo cao cả không thể nào bị đóng khung trong thời gian chật hẹp của nhân loại.

 

  1. HB TRONG HY VỌNG CÁNH CHUNG
     

Xét như là một ân huệ của Thiên Chúa, HB theo nghĩa sung mãn chỉ có thể là một quà tặng do Ngài ban. Ngay từ thuở xa xưa, con người Cựu ước đã tin rằng Thiên Chúa có quyền năng để hứa hẹn và thực hiện quá mức chúng ta tưởng nghĩ và cầu xin (x Ep 3,20). Duy chỉ dựa trên niềm tin ấy, ta mới hiểu được lập luận của thánh Phaolô về niềm tin của ông Abraham vào sự phục sinh người chết (Rm 4,16-22).

a) HB vào thời cuối được diễn tả như thế nào. Sau nhiều lần thất vọng chua cay trong lịch sử, dân Israel, qua các ngôn sứ, mới dần dần phát triển một niềm tin tưởng và hy vọng chỉ có thể thành tựu “vào thời cuối”. Chính vì thực tế cụ thể của HB vĩnh viễn ấy vượt quá kinh nghiệm trực tiếp, cho nên các bản văn chỉ đả động cách quanh co và xem ra rời rạc về chi tiết, nhưng luôn giữ vẻ huyền nhiệm của nó.

Hẳn nhiên, khái niệm này bao hàm việc hoàn toàn chấm dứt chiến tranh giữa các dân tộc (Is 2,1-5; Mk 4,1-4; x. Is 9,1-6), nhưng đó mới chỉ là khía cạnh tiêu cực. Khía cạnh tích cực nằm ở chỗ muôn dân sẽ quy tụ về Giêrusalem, ngai tòa của Thiên Chúa ở giữa dân Israel. Ngoài hai đoạn văn đầu tiên vừa trích dẫn, đề tài này được nêu bật nơi phần thứ ba của Isaia, ở đoạn đầu và đoạn cuối (Is 56,1-9; 66,18-21), như là nền tảng của cuộc canh tân toàn thể vũ trụ (Is 66,22-24), ngoài ra còn được khai triển trong một bài thơ huy hoàng đặt ở trung tâm của phần này (Is 60-62).

Kế đó khi muốn diễn tả HB của thời cuối ra hình ảnh hữu hình, thì hoặc người ta sử dụng đến cảnh thái bình thịnh trị trong nước (Mk 4,5-6), hoặc thêm vào đó lời loan báo khôi phục vương quốc hoang tàn với hình ảnh canh nông phong phú của miền đất “chảy sữa và mật ong” (Am 9,11.15), hoặc trở về với biểu tượng của HB trong vườn địa đàng (Is 11,6-9). Tuy nhiên đừng để chất liệu hình ảnh che lấp đạo lý của bản văn.

b) HB vào thời cuối như là HB của vị Mêsia. Đến đây chúng ta nên lưu ý đến đạo lý gắn liền HB vào thời cuối với thân thế và sự nghiệp của vị Mêsia. Bản văn của Mk 5,4 (được thánh Phaolô giải thích trong Ep 2,14) viết về vị Mêsia như sau: “Chính người sẽ là HB”. Tuy nhiên mối liên hệ chặt chẽ giữa HB với vị Mêsia được gặp thấy rõ rệt nhất nơi tác phẩm của Isaia. Danh xưng của Người – nghĩa là thực chất của Người – đã gói ghém niềm tin rằng “Thiên Chúa ở với chúng ta” (Is 7,8), và mang tước hiệu long trọng là “Thái tử HB”, và triều đại của Người được đánh dấu bằng “HB bất tận” (Is 9,5-6, có lẽ Mk 5,4 đã lấy lại đoạn văn này). Nhờ sự hiện diện của “Thần khí Chúa” nơi bản thân, Đấng Mêsia đã thể hiện được lý tưởng của các vĩ nhân trong lịch sử, đó là thiết lập công lý, nhờ đó mà hòa bình ngự trị (Is 11,1-9). Trong cương vị là “Tôi tớ của Chúa” nhờ sự trút đổ “thần khí” vừa nói, Người sẽ mở rộng công lý khắp muôn dân (Is 42,1-4), mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất (Is 49,6). Người thực hiện tất cả những điều đó nhờ sự phục tùng Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi một sự hy sinh hoàn toàn, được định nghĩa như là “hình phạt vì HB của chúng ta” (Is 53,5). Nhờ sự hiện diện của “thần khí Thiên Chúa” ngự trên mình, nghĩa là nhờ một sự xức dầu (động từ masah, từ đó có từ masiah, được xức dầu) Người sẽ được tấn phong làm “kẻ loan báo tin mừng cho những người nghèo” (Is 61,1). Đây là phác thảo cho đề tài “tin mừng HB” được gặp thấy ở các nơi khác nữa (Nk 2,1; Is 52,7).
c) HB vào thời cuối trong suy tư của các văn phẩm Khôn ngoan. Trong chiều hướng suy tư về niềm hy vọng cánh chung, các văn phẩm Khôn ngoan đã đóng góp vào việc tìm hiểu ý nghĩa của sự đau khổ của người công chính, trong đó nhiều đề tài nổi lên: điều thiện điều ác, sự công bình của Thiên Chúa trong thời gian và vượt trên thời gian, sự sống trên trần thế và sau khi chết, sự thưởng phạt. Nếu người chất vấn đặt ra câu hỏi về “sự an lạc của kẻ bất lương gây ra cớ vấp phạm (Tv 73,2-3), lời giải đáp chỉ tìm thấy ở chỗ người công chính được thông dự vào sự thiện hảo của Thiên Chúa; hơn thế nữa, thông dự vào chính điều thiện là Thiên Chúa (Tv 73,23-24). Nơi Thiên Chúa, người công chính tìm thấy sự “an bình cao cả” (Tv 119,165): HB đích thực và vĩnh viễn.

Về phần mình, các văn phẩm Khôn ngoan cũng đi theo một viễn tượng tương tự liên quan đến số phận tận cùng của người công chính bị bách hại: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa … họ được hưởng an bình” (Kn 3,1-3). Có ý kiến cho rằng Cựu ước không biết đến “HB nội tâm” dưới khía cạnh thâm sâu và cá nhân bởi vì Cựu ước chỉ chú trọng đến khía cạnh công cộng (cộng đồng) và bề ngoài (an vui); tuy nhiên có lẽ lối phân tích như thế mang nặng tính lý thuyết chứ không đi sâu vào thực chất của vấn đề. Thực vậy, khi nói rằng người công chính được “bình an” cho nên có thể kết luận được rằng vào lúc phán xét tận cùng, “họ sẽ đứng vững vàng (Hy-lạp, parrhésía) trước mặt những kẻ áp bức mình” (Kn 5,1). Sự “vững vàng (hoặc “bạo dạn”) hàm ngụ một sự an tĩnh chủ quan dựa trên sự hiệp thông với Thiên Chúa, và do đó, giả thiết một sự bình an trong linh hồn. Tình trạng cánh chung, được bản văn nói đến, là kết luận chín muồi của lòng tín thác mà người công chính đặt nơi Thiên Chúa trong suốt cuộc đời dương thế, niềm tín thác chắc hẳn mang lại sự an bình nội tâm.

III. HB TRONG TÂN ƯỚC: LIÊN TỤC VÀ TIẾN TRIỂN

Công trình mà Thiên Chúa thiết lập trật tự mới trong tương quan với nhân loại, nhờ Đức Kitô, được sách Tông đồ Công vụ định nghĩa như là “loan báo tin mừng HB” (Cv 10,36); và thánh Phaolô nói về Đức Kitô như là “người loan báo tin mừng HB” cho kẻ ở xa và cho người ở gần (Ep 2,17). Thánh Phaolô cũng định nghĩa sứ điệp Kitô giáo, mà các tín hữu phải luôn sẵn sàng loan báo, như là “Tin mừng HB” (Ep 6,15). Vì thế, đề tài HB đã chiếm một chỗ đứng quan trọng trong Cựu ước, nay trở thành trọng tâm trong Tân ước. Tân ước không chỉ tiếp tục chiều hướng an lạc / hạnh phúc / cứu độ nằm trong đề tài HB của Cựu ước, nhưng còn đào sâu thêm nhờ việc chuyển hướng căn bản qua việc đề cao khía cạnh tinh thần của nó.

Không những thiên sứ loan tin việc ra đời của Đức Giêsu như là niềm vui khôn xiết, vì hôm nay Vị Cứu tinh đã sinh ra (Lc 2,10-11), và các thiên sứ khác hòa ca “vinh quang trên trời, HB dưới thế” (Lc 2,14), nhưng lời loan báo nguyên thủy về công cuộc cứu độ, hàm chứa ngay trong danh xưng Giêsu, đã xác nhận rằng Người sẽ “cứu dân khỏi tội lỗi” (Mt 1,21). Chắc hẳn đây là lời loan báo HB, nhưng HB tiên vàn được hiểu như là công trình mà Thiên Chúa “ban ơn công chính” cho nhân loại khi “giao hòa” họ với Ngài. Tất cả HB trong Tân ước xoay quanh ý tưởng chủ chốt này, tuy dù ta còn gặp nơi một vài bản văn, ý nghĩa của eirénê theo văn hóa đương thời; chẳng hạn như Đức Giêsu khẳng định rằng Người không đến để “mang lại HB cho thế giới” (HB hiểu theo nghĩa là không có chiến tranh: Mt 10,34; Lc 12,51); hoặc khi thánh Phaolô nói đến trật tự trong các buổi họp của các tín hữu rằng: “Thiên Chúa là Chúa của HB chứ không phải của hỗn loạn” (1Cr 14,33); hoặc khi lặp lại công thức chào hỏi, tuy rằng HB cũng mang tính chất tôn giáo chứ không chỉ thuần túy xã hội. Riêng về công thức chào hỏi của các lá thư, đừng nên quên rằng vào thời điểm ấy, nhiều lối nói hoặc thành ngữ tuy lấy từ văn hóa đương thời nhưng đang trên đường biến đổi ý nghĩa. Chẳng hạn như danh từ cổ điển eirénê của lời chào mở đầu được ghép với kharis (ân sủng), mang thêm một ý nghĩa mới; một cách tương tự như vậy, các công thức chào hỏi ở cuối thư đôi khi kèm theo những lời nguyện chúc nữa.

IV. NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA HB TRONG TÂN ƯỚC

Chúng ta có thể tóm lược nội dung vấn đề bằng cách khẳng định rằng ý nghĩa phổ thông và căn bản nhất của eirénê trong Tân ước là nó liên kết từ ngữ này với quà tặng toàn diện, vĩnh viễn và tột đỉnh mà Thiên Chúa ban cho loài người nhờ Đức Giêsu Kitô[4]. Chính vì thế mà Thiên Chúa cũng như Đức Kitô được định nghĩa như là “Thiên Chúa của hòa bình” (Rm 15,33, và sáu lần khác trong các thư Phaolô; Dt 13,20) và “Đức Chúa của hòa bình” (2Tx 3,14). Một cách tượng hình hơn nữa, dựa theo lối văn của Mikhêa (5,4), thánh Tông đồ nói rằng Đức Kitô là “hòa bình của chúng ta” (Ep 2,14); và cũng trong cùng mạch văn, Người được gọi là Đấng “tạo hòa bình” bằng việc “tuyên bố hòa bình” (Ep 2,15.17).

 

  1. HB TOÀN DIỆN VÀ CÁNH CHUNG.
     

Những bản văn vừa trích dẫn đủ cho thấy tính cách sung mãn của HB dựa theo chiều hướng căn bản của tất cả Tân ước. HB không nằm trên bình diện chính trị hoặc chỉ ở bên ngoài. Thậm chí chiến tranh vẫn tiếp tục trong dòng thời gian (Mt 10,34). Chính Đức Kitô đã quả quyết rằng “HB của Người” không loại trừ sự xao xuyến mà các môn đệ sẽ gặp trên đời; đây là một thứ HB mà các môn đệ chỉ tìm gặp “nơi Người” mà thôi (Ga 16,33). Đó là thứ HB bao gồm sự chắc chắn hoàn hảo của ơn cứu độ mà không thể nào đạt được “trong thế gian” nhưng chỉ nhận được sự bảo đảm do chính Thiên Chúa; HB ấy vĩ đại đến nỗi nối liền đất (bài ca các thiên sứ: Lc 2,14) với trời (lời tung hô của các môn đệ khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem: Lc 19,38 thay thế tiếng tung hô tiếng Hip-ri “Hoan hô trên các tầng trời” được ghi lại trong các sách Tin mừng khác bằng lời giải thích bằng tiếng Hip-ri “Hòa bình trên trời cao! Hoan hô Thiên Chúa chí tôn!”).

Qua các bản văn vừa trưng dẫn, HB mang một ý nghĩa rất súc tích và hiệu nghiệm. Các sách Tin mừng đã nhiều lần đặt từ ấy trên môi miệng của Chúa Giêsu trong các lời chào vào nhiều cơ hội khác nhau: từ lời chúc cho một phụ nữ bị xuất huyết “Con hãy đi bình an!” (Mc 5,24 và song song) và cho người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,50), cho đến lời chúc “Bình an cho các con” của Đấng Phục sinh dành cho các môn đệ (Lc 24,36; Ga 20, 19.21.26). Chúa Giêsu cũng muốn đặt lời cầu chúc loan báo và truyền thông ơn cứu độ ấy trên miệng các môn đệ khi các ông ra đi loan báo Tin mừng: đây không phải là một lời chúc suông, nhưng là một lời công bố và cống hiến ân huệ HB của vị Mêsia. Ân huệ ấy biến thành cụ thể đến độ nó “ngự xuống” những ai sẵn sàng tiếp nhận, và đối với những ai khước từ thì nó xa tránh và “quay về” với các môn đệ (Mt 10,13; Lc 10,5-6).

Đó là “HB của Thiên Chúa, vượt trên mọi sự hiểu biết” và sẽ “giữ gìn lòng trí của anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,7), tức là “HB của Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn anh em” (Cl 3,15).

Trong Rm 8,6 HB này được liên kết với “sự sống” (zóé), xét vì nó là sự cứu độ đã hoàn tất, vì thế nó đối lại “sự chết” (thánatos). Thật vậy, nhờ nó mà nơi người Kitô hữu trổi lên sự sống đích thực nảy sinh bởi “Thánh Linh”. Ta cần đọc công thức “Thiên Chúa của HB” được đặt ở kết thúc của vài bức thư. Đặc biệt cần ghi nhận Rm 16,20, khi thánh Phaolô khẳng định rằng “Thiên Chúa của HB” sắp sửa ban cho các tín hữu sự chiến thắng toàn diện (“Người sẽ dày đạp Satan dưới chân anh em”). Đó là HB chứa đựng “mọi sự tốt lành” (Dt 13,20-21) và “tất cả mọi tài sản phong phú” (1Tx 5,23). Chúng ta nên hiểu từ HB theo chiều hướng đó, khi nó được gắn kết với “ân sủng” ở đoạn kết của các bức thư; vài thư khác xuất hiện từ “khoan dung” đi kèm theo (lTm 1,2; 2Tm 1,2; 1Pr 1,3; 2Ga 2; Gđ 2).

 

  1. HB VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI LOÀI NGƯỜI
     

Xét về mặt văn chương, HB trong Tân ước được gắn với nhiều đề tài khác, và có thể phát biểu cách cơ bản như sau: HB là một hồng ân của Thiên Chúa ban, nhờ Đức Kitô, phá tan ngăn trở của tội lỗi và tất cả những gì liên kết với nó.

a) Sự công chính hóaVì tội lỗi, con người trở thành những kẻ “bất tuân phục” Thiên Chúa và “nổi loạn” chống lại Ngài (Rm 11,30; Ep 2,2; Cl 3,6), đối tượng cho cơn “thịnh nộ” của Ngài (Rm 1,18 tt) và do đó, trở thành những “kẻ thù” của Thiên Chúa (Rm 5,10; Cl 1,21). Đây là tình trạng chung của dân ngoại (Rm 1,18-32) cũng như của dân Do thái (Rm 2,1-3,20). Không còn một giải pháp nào khác cho loài người ngoài việc thông ban sự “công chính” mới mà Thiên Chúa thực hiện trong Đức Kitô; và ơn ấy chỉ có thể được lãnh nhận nhờ đức tin (Rm 3,21-26). Sự công-chính-hóa này làm cho con người được “bình an với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta” (Rm 5,1). Đây không phải là một tình trạng tĩnh nhưng là một tiến trình của trao hiến và sinh sống, từ đức tin và đức cậy, cho đến đức mến, bắt nguồn từ “Thánh Linh được ban cho chúng ta” (Rom 5,5).
b) Sự hòa giải. Cuộc tàn phá do tội lỗi gây ra không chỉ làm hư hỏng những tương quan của con người với Thiên Chúa mà còn ảnh hưởng đến những tương quan giữa con người với nhau (Rm 1,26-32), đến nỗi kể cả điều mà Thiên Chúa đã thực hiện để bắt đầu tiến trình cứu độ dân Israel, tức là lề luật, vì tội lỗi mà không những nó trở thành nguyên nhân của cái chết đối với kẻ ở dưới lề luật (Rm 7,13), mà đối với kẻ ở ngoài lề luật nó cũng trở thành bức tường chia rẽ với Israel và lý do của sự “thù nghịch” (Ep 2,14-15). Công trình của Đức Kitô hủy diệt tội lỗi cũng phá tan hàng rào của lề luật, và dẫn đến sự “hòa giải” loài người với Thiên Chúa, và giữa loài người với nhau, tức là “HB”: HB với Thiên Chúa, nhờ sự “công chính hóa” (Rm 5,1), và HB toàn diện với Thiên Chúa và giữa loài người trong cuộc “hòa giải” phổ quát (Rm 5,10; 2Cr 5,18; Ep 2,16; Cl 1,20-22). Đoạn văn trình bày đạo lý này một cách tổng hợp hơn cả có lẽ là chương hai của thư gửi Ephêsô: sau khi nhắc đến công trình cứu chuộc khỏi tội lỗi và mang lại sự sống, sự phục sinh và vinh quang (2,1-10), tác giả đề cập đến cuộc hòa giải loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau (dân ngoại với dân Do thái: 2,11-18) trong hòa bình (câu 14-17), nhờ vậy tất cả chúng ta trở nên một “con người mới” duy nhất (câu 15) để hợp thành một tòa nhà duy nhất “trong Thánh Linh”, nơi mà Thiên Chúa đặt chỗ cư ngụ bền vững (câu 19-22).

Tuy nhiên, việc hòa giải này, được Thiên Chúa ủy thác cho các môn đệ của Đức Kitô (2Cr 5,18-19), giả thiết sự hợp tác, nghĩa là, về phía những người đã được hòa giải, sự đáp ứng đối với Thiên Chúa và trong nội bộ cộng đoàn (2Cr 5,20). Điều này được diễn tả cụ thể nơi việc “duy trì sự đoàn kết tinh thần bằng sợi dây HB” (Ep 4,3). Qua con đường này, khiêm tốn và nhã nhặn (bản văn nói đến “khiêm tốn, đại lượng, hiền từ, kiên nhẫn” với nhau), tác giả dẫn đưa vào bài ca hiệp nhất Hội thánh (Ep 4,4-6), là phản ánh nơi nhân loại của sự hiệp nhất khắng khít của Thiên Chúa, được bổ túc với đề tài sự da dạng hữu cơ của thân thể duy nhất là Hội thánh (Ep 4,7-16), nơi xuất hiện những chiều kích tuyệt vời của cơ cấu Kitô giáo. Đạo lý về “sự hiệp nhất của Thánh Linh” được xác nhận trong bản văn nổi tiếng về “hoa trái Thánh Linh” (Gl 5,22), làm nổi bật sự kiện là HB nội tâm của Kitô giáo không phải là một điều gì riêng tư thầm kín, nhưng là một bước đưa đến sự hiệp thông huynh đệ toàn diện và chân thật. Điều này cũng gặp thấy ở những chỗ khác, đặc biệt là Cl 2,12-15. Nói khác đi, người Kitô hữu không phải là người chỉ hưởng ân huệ HB do Chúa ban, nhưng còn trở nên kẻ cổ võ hoặc hành động cho HB, theo đường hướng mà thánh Giacôbê đã vạch ra (Gc 3,17-18): “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên thanh khiết, hiếu hòa (eiréniké), khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt… Người xây dựng hòa binh thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính”.

c) Hoạt động HB. Việc thực hành HB trong cung cách người Kitô hữu tiên vàn mang khía cạnh nội tại trong đời sống, diễn tả qua một thái độ phát xuất từ ý muốn sống hòa bình với những người khác. Thái độ này được nói đến trong vài bản văn kèm theo động từ eiréneúó; động từ này được dùng trong câu nói của Chúa Giêsu được ghi lại ở Mc 9,50, trong bối cảnh của “muối” khiến ta nhớ tới câu nói quen thuộc của Mt 5,13 (“Anh em là muối đất”): “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau”. Lời khuyên này cùng với một động từ như vậy xuất hiện trong giáo huấn các thánh tông đồ khi bàn về đời sống cộng đồng (x. 1Tx 5,13: “Hãy lấy tình bác ái và hết lòng tôn kính những người lãnh đạo. Hãy sống hòa thuận với nhau”; 2Cr 13,11: “Hãy vui mừng và gắn nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em”), cũng như trong tương với mọi người nói chung (x.Rm 12,18: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người”).

Một khía cạnh khác, mang tính cách xây dựng hơn, đã được gợi lên trong Gc 3,18 (với thuật ngữ eirénén poiéó), hệ ở chỗ “cổ võ HB” (eirénopoiéó). Điều này đã được thực hiện cơ bản do Chúa Kitô trong công trình hòa giải phổ quát (Cl 1,19-20); x. Ep 2,14-18, với thuật ngữ eirénén poiéó)Dĩ nhiên ta phải hiểu chân phúc nói ở Mt 5,9 theo nghĩa ấy: “Phúc thay những người xây dựng hòa bình (eirénopoioí), bởi vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Ta thấy báo trước ở đây nội dung của lời khuyên yêu thương và trọn lành toàn diện (yêu thương cả kẻ thù nữa), “ngõ hầu anh em được làm con của Cha trên trời … anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em ở trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,45.48).

Dĩ nhiên khung cảnh HB của Tân ước hàm chứa viễn cảnh cánh chung, nhưng không hẳn xa vời như người ta vốn nghĩ; thực tại cánh chung đã hiện thực rồi, cho dù sự thể hiện hoàn toàn vẫn còn là đối tượng của những người còn đang sống trong thời gian.
 
Thư mục: BEA A., L'idea della pace nel VT, in AA.VV., XXXVI Congreso Eucarístico Internacional, Barcelona 1952, 49-59; BÜCHSEL Fr., Allássó (thay đổi / hòa giải), in GLNT I, 673-696; FOERSTER W., eiréné (hòa bình), in GLNT III, 191-244; GERLEMAN G., slm- có đủ / hòa bình, in DTAT II, 830-845; HARRIS D.J., Shalom. The Biblical Concept of Peace, Becker, Grand Rapids 1970; LEON-DUFOUR X., Pace, in Dizionario di Teología Bíblica, Marietti, Torino 19765, 656-660; ID, Pace, in Enciclopedia della Bibbia V, LDC, Torino 1965, 334-338; MIRANDA J. DE (e coll.), Pace, Riflessioni bibliche, AVE, Roma 1971; ROUX H., Pacein ALLMEN J.J. vonVocabulario bíblico, AVE, Roma, 1969, 253-254; SCHIMID H.H., Shalóm. La pace nell'Antico Oriente e nell'AT, Paideia, Brescia 1977; VOOT E., Pax hominibus bonae voluntatis, in "Biblica" 34 (1953) 427-429.
 

[1] 2Sm 11,7: Vua Đavit hỏi thăm ông Urigia về “shalom” của chiến tranh.

[2] Như vậy, đối lại với shalom không phải là “chiến tranh” nhưng là tất cả những gì làm tổn hại cho sự an lành của cá nhân, của cộng đoàn, và tương quan với Thiên Chúa.

[3] Shalom xuất hiện 29 lần ở Isaia, 31 lần ở Giêremia, 27 lần ở các Thánh vịnh.

[4] Eiréne xuất hiện 91 lần trong Tân ước: 24 lần trong các sách Tin mừng (4 lần ở Mt; 1 lần ở Mc; 13 lần ở Lc; 6 lần ở Ga), 7 lần trong Tông đồ Công vụ, 43 lần trong các thư thánh Phaolô (đặc biệt là 10 lần ở Rm và 8 lần ở Ep), 11 lần trong các thư mục tử, 4 lần trong Dt và 2 lần trong Khải huyền.