Đâu là niềm hy vọng cách chung Kitô Giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

Đối với những người sống đời sống như một mầu nhiệm sự chết và sự sống với Đức Kitô, thì sự chết là thông phần ơn cứu độ được khởi sự với đức tin và các Bí tích. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, “ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô” 

ĐÂU LÀ NIỀM HY VỌNG CÁNH CHUNG KITÔ GIÁO
TRONG MẦU NHIỆM SỰ CHẾT CỦA CON NGƯỜI?

 
Cái chết là cả một mầu nhiệm! Mọi con người đều phải đối mặt với cái chết! Mọi người đều phải chết! thế nhưng trong trần thế này, không có từ nào làm cho người ta sợ sệt bằng từ “chết”. Không ai dám nói tới; và nếu bắt buộc phải nói, người ta cũng tìm cách nói xa nói gần. Dù là người tôn giáo hay không tôn giáo đều phải suy nghĩ về cái chết.[1]

Vậy chết là gì? Người ta quan niệm về cái chết như thế nào dưới nhãn quan triết học, các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo? Và đâu là niềm hy của người Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người?

  1. Chết là gì?

Chết: không còn tồn tại (động vật).
Theo nghĩa phổ thông, sự chết xảy ra khi thân xác con người vĩnh viễn ngưng hoạt động, chấm dứt cuộc sống trần gian.
Theo Kinh Thánh, sự chết là hậu quả của tội: sự chết phần xác và sự chết phần hồn (x. Rm 5,12; 8,5-6).[2]
Hiểu được chết là gì, vậy tư tưởng triết học quan niệm như thế nào về sự chết?

  1. Tư tưởng triết học về sự chết

2.1.Tư tưởng Đông Phương về sự chết

Tư tưởng Đông Phương không diễn đạt cách mạch lạc về sự chết, nhưng cách diễn tả xoay quanh cái chết luôn có một niềm hy vọng rằng chết không hết, chết không là điều cùng tận của con người, nhưng sau cái chết, còn có một đời sống mới mẻ nào đó mà con người sẽ bước vào.[3] Vậy những tư tưởng đó được thể hiện như thế nào?

Thứ nhất, quan niệm sự chết trong văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam. Người Việt thường bảo rằng: “Sinh thuận tử an”, “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nên trong thâm tâm, họ có một niềm tin về một tương lai. Do đó, với họ chết không phải là hết. Vì thế họ bảo rằng sinh ký tử quy – sống gửi thác về. Như vậy, trong niềm tin – tín ngưỡng người Việt, chết không hết nhưng là quy thiên.[4]
Thứ hai, tư tưởng Ấn Độ Giáo và Phật Giáo. Cả hai quan niệm rằng chết không hết, nhưng con người bị ràng buộc bởi vòng luân hồi sinh tử. Sau khi trải qua cái chết, người ta bước vào kiếp sống khác: linh hồn nhận được một thân xác mới trong mỗi lần tái sinh; kiếp sống mới tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn kiếp này tùy thuộc những gì người ta đã sống. Thuyết luân hồi nghiệp báo mở ra cho người ta cánh cửa hy vọng: nếu người ta trót lỗi lầm hay làm điều ác đời này thì đời sau còn có cơ hội chuộc lại tội lỗi đó.[5]

2.2.Tư tưởng Triết học Tây Phương về sự chết

Tư tưởng Hy Lạp cổ đại. Có ba quan điểm khác nhau về cái chết. Trước tiên, tư tưởng của Epicure cho rằng người ta cần sống an hòa với cuộc sống hiện tại của mình mà không cần nghĩ đến cái chết; bao lâu còn sống thì không có cái chết; còn khi cái chết xảy đến thì người ta không còn nữa, nên nói đến cái chết khi người ta đang sống là vô nghĩa. Thứ đến, Pythago thì cho rằng linh hồn là yếu tố linh thiêng, bất tử không lệ thuộc vào thân xác phải chết; cái chết chỉ đụng chạm đến thân xác chứ không đụng được đến linh hồn, nên không cần phải lo ngại cái chết. Bên cạnh đó, Platon thì quan niệm khác với Pythago khi ông bảo rằng khi còn ở trong thân xác hay hư hoại, người ta không bất tử. Chỉ khi chết, linh hồn người ta mới đạt tới tình trạng bất tử.[6]

Tư tưởng Tây Phương hiện đại. Thời Trung Cổ, tư tưởng Tây Phương chịu ảnh hưởng của Kitô giáo về số phận con người trước cái chết. Nhưng sang thời hiện đại, Triết học Tây Phương có khuynh hướng tách khỏi ảnh hưởng của Kitô giáo. Cụ thể, với Jean Paul Sartre, ông chủ trương rằng cuộc sống con người là một hành trình từ hư vô tiến đến hư vô. Người ta bị ném vào giữa cuộc đời này và bị đe dọa bởi những thực tại xung quanh họ. Ngược lại, Martin Heidegger và Karl Jaspers thì khác, họ cho rằng mỗi ngày con người ý thức mình sẽ chết nên con người sống tròn đầy trong từng giây phút của cuộc đời mình. Chính khi sống trọn ý nghĩa cuộc sống trong từng giây phút như vậy, con người bước tới huyền nhiệm của cái vô hạn mở ra trước mắt họ sau ngưỡng cửa sự chết.[7]

  1. Sự chết trong nhãn giới Kitô Giáo

Ta vừa lướt qua các tư tương Đông Phương cũng như Tây Phương về sự chết. Vậy sự chết dưới nhãn giới Kitô Giáo như thế nào?

3.1.Sự chết dưới ánh sáng của Mạc Khải

Trước tiên, sự chết dưới ánh sáng Cựu Ước. Những trang đầu của Sách Sáng Thế cho thấy rằng Thiên Chúa dựng nên con người để sống trong ân nghĩa với Ngài. Thế nhưng, vì bất tuân lệnh Chúa, cho nên con người bị kết án phải chết. Thiên Chúa truyền rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi phải chết” (St 2, 17). Cái chết không do Chúa làm ra: Ngài không vui thích gì khi thấy sinh vật phải chết (x. Kn 1, 13-14). Thiên Chúa dựng nên con người bất hoại, nhưng sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. Kn 2, 23-24).[8] Như vậy, cái chết chính là hình phạt của tội.

Tiếp theo, sự chết dưới ánh sáng Tân Ước. Tân Ước cũng diễn tả cách rõ ràng nguồn gốc của sự chết đó là hậu quả của tội và hình phạt đối với tội. Điều này được Thánh Phaolô nêu rõ:

Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm (Rm 5, 12-14).
 
 Bên cạnh đó, Tân Ước cho thấy Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa mới cho cái chết. Ngài đã dùng cái chết của mình để diễn tạ sự vâng phục đối với Thiên Chúa (x. Mt 26, 42; Mc 14, 32-42; Lc 22, 39-46). Ngài cũng biến đổi giá trị của cái chết như án phạt của tội thành hành vi diễn tả tình yêu: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Không những thế, cái chết của Ngài còn có giá trị cứu chuộc nhân loại. Thật vậy, nếu cái chết của Ađam xưa là hình phạt vì tội lỗi, thì cái chết của Đức Giêsu – Ađam mới, đem lại ơn giao hòa giữa nhân loại với Thiên Chúa. Ngài đã vượt thắng cái chết bằng chính cái chết của riêng Ngài (x. 1 Cr 15, 25-26). Ngài đã tước bỏ quyền lực của sự chết (x. 2 Tm 1, 10), khiến cho ác thần, chúa tể cái chết trở nên bất lực (x. Dt 2, 14; Rm 6, 9); Do vậy, Ngài cai trị cả người sống cũng như kẻ chết (Dt 14, 9). Như vậy, kể từ khi Chúa Giêsu mang lại giá trị cứu chuộc ngang qua cái chết của Ngài, thì các Kitô hữu không còn phải kinh hãi đối diện với cái chết nữa. Giờ đây họ tin rằng cùng chết với Chúa thì họ cũng được sống lại với Ngài (x. Rm 6, 8) và với cái chết của Đức Kitô, cái chết không còn là tận cùng của đời người nữa, nhưng nó trở thành ngưỡng cửa dẫn đưa con người vào cõi sống đời đời.[9] Cõi sống đó chính là niềm hy vọng cho họ, ngõ hầu họ sống ý nghĩa và tròn đầy hơn.

  1. Niềm hy vọng Kitô Giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

Với cái chết cứu độ của Đức Giêsu, đưa con người vào cõi sống đời đời. Giờ đây họ không còn sợ chết, cái chết không còn là niềm đau thương, nhưng là niềm hy vọng để bước vào đời sống mới, sống cùng và sống với Đức Giêsu. Vậy niềm hy vọng đó được thể hiện như thế nào?

Trước hết, cái chết – một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Sự sung mãn của sự gặp gỡ này được tìm thấy trong sách Sáng Thế Ký: như thể chiều chiều Thiên Chúa tản bộ trong vườn để gặp gỡ hàn huyên với con người (St 3, 8). Thế nhưng chính tội lỗi của con người đã cắt đứt mối tương quan gặp gỡ này. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương muốn nối lại cuộc gặp gỡ với con người. Ngài đến gặp gỡ chúng ta ở mọi giai đoạn của cuộc sống. Ngài đến qua ân huệ đức tin và phép rửa chúng ta lãnh nhận (Rm 6, 3), cách riêng trong Bí tích Thánh Thể là lời tiên báo và hoa quả đầu mùa của cuộc gặp gỡ tối hậu, khiến chúng ta thông dự vào cái chết và phục sinh. Ngài còn đến từng ngày để giúp người Kitô hữu thực hiện cuộc Vượt qua thường nhật từ xác thịt sang Thần Khí.[10] Trong các cuộc gặp gỡ ấy, cuộc vượt qua cuối cùng – giờ chết là cao điểm của cuộc gặp gỡ. Đó không thể là giờ cô đơn của người tín hữu vì Chúa Kitô đang đến, đợi chờ cho cuộc gặp gỡ “Ngài đứng ngoài và gõ cửa” (Kn 3, 10).[11] Điều này cũng được Công Đồng Vaticanô II nêu rõ: “Đức Kitô, Đấng phục sinh của ngày chung thẩm, đứng trên bờ của lằn ranh cõi vĩnh hằng để đón chờ, cho họ ăn và để nhận họ trước mặt Thiên Chúa.[12] Vậy, ai là người chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này? Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị để con người có cuộc gặp gỡ này. Do vậy, Bắt đầu đời sống là con người bắt đầu một cuộc hành trình và niềm tin Kitô giáo chỉ ra cho chúng ta biết cuộc sống trần gian chỉ là căn nhà trọ vì: “Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (Pl 3, 20). Và khi chúng ta chưa được gặp Ngài, thì lòng luôn khắc khoải như thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, và hồn con mãi khắc khoải cho tới ngày nghỉ yên trong Chúa”.[13] Đức Kitô trở thành “địa chỉ”, là “nơi chốn” để con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Như vậy, đối với người tín hữu, cái chết không còn là một sự kết thúc vô nghĩa, cái chết không còn mang dáng dấp gớm ghiếc của Tử thần, nhưng đó là cuộc hội ngộ của Chúa Kitô với những kẻ yêu mến Ngài. Và khi đó, người tín hữu cũng có thể mong ước như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1, 23).[14]

Thứ đến, cái chết của Kitô hữu là chết với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Điều này được Phaolô nêu rõ: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người” (2 Tm 2,11). Nơi cái chết của mình, Đức Kitô ôm ấp tất cả sự chết của con người: “Ngài ban cho họ được cùng chết vào Chúa Cha với Ngài”.[15] Như vậy, trên cuộc hành trình đi từ miền thâm u của sự chết vào trong sự sống, chúng ta được nhập cuộc với cái chết của Đức Kitô. Và cái chết đó của Đức Kitô trở thành một hiến lễ tinh tuyền đẹp lòng Chúa Cha. Từ đó, đối với chúng ta, nơi cái chết của mỗi người, là lúc hoàn thành của lễ là chính mình, hiệp với của lễ của Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha. Nhờ được tháp nhập vào cái chết của Đức Kitô, từ nay, cái chết còn mang tính chất cứu độ ở trong Đức Kitô. Vì thế, đối với người tín hữu, điều quan trọng là có ở trong Đức Kitô hay không ?[16] Tóm lại, chết với Đức Kitô là hoàn tất nơi cuộc đời mình ơn cứu độ của Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta qua Đức Kitô. Vậy chết trong Chúa Kitô là gì? Chết trong Đức Kitô là hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Đấng đã chứng tỏ Người là Đấng ban sự sống và sự phục sinh như Người đã làm đối với Đức Kitô. Đức Kitô chấp nhận chấm dứt đời sống trần thế vì Người tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống. Cũng vậy, người tín hữu chấp nhận cái chết với niềm tin tưởng vào các lời hứa mà Thiên Chúa đã dùng Đức Kitô mà mặc khải cho chúng ta (x. Mt 16, 24-25). Như vậy, chết trong Đức Kitô là hiệp thông với cái chết của Ngài, để cùng Ngài làm nên của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha trong một niềm tin tưởng phó thác hoàn toàn. Còn chết cho Đức Kitô thì như thế nào? “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết là chết cho Chúa” (Rm 14,7-8). Vì Đức Kitô đã yêu thương tự hiến, chấp nhận cái chết để cứu chuộc mỗi người chúng ta trong lúc chúng ta còn là tội nhân (Rm 5,8 ; Ga 1.24), đó là tình yêu cao cả nhất (Ga 15,13) mà Đức Kitô thể hiện vì yêu chúng ta (Gl 2,20 ; Ep 5,2.25), và vì vậy, đời sống người tín hữu không còn sống cho chính mình, mà là sống đời sống mới của Đức Kitô (Rm 14,8) trong chính đời sống mình[17]. Vậy khi ta chết với Chúa, trong Chúa và cho Chúa, thì ta sẽ được hiệp nhất với Ngài.

Hơn nữa, cái chết hoàn tất mầu nhiệm hiệp nhất của người tin với Đức Kitô. Cái chết không chỉ là kinh nghiệm của đau khổ mà người tin trải qua để được Thiên Chúa thanh luyện và tăng thêm sức nhằm kháng cự tội lỗi, nhưng ngang qua cái chết, người tin được nên giống Đức Kitô và kết hiệp với Ngài. Điều này được thánh Phaolô miêu tả rõ: “đồng thừa kế với Đức Kitô, vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 17). Thánh Phêrô cũng thêm: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4, 13). Sự hiệp nhất với Đức Kitô trong đau khổ tột cùng của thân phận nhân loại đó là người tin nên một với Ngài trong cái chết. Nói như thánh Phaolô: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3, 10 -11).[18] Khi được hiệp nhất với Đức Kitô, chúng ta sẽ hưởng đời sống vĩnh cửu cùng Ngài.
Đặc biệt, cái chết là cửa ngõ đi vào đời sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô diễn tả đời sống trong thân xác này như một cuộc lưu lạc xa Chúa (1 Cr 5, 6). Vì thế, ngài ước ao được gặp gỡ Thiên Chúa, được “ra đi” để tham dự “cuộc hội ngộ của con cái Thiên Chúa” (Dt 12, 22-23). Đối với Ngài, cái chết là ngưỡng cửa đi vào sự sống vĩnh cửu nhờ vào cuộc Vượt qua của Đức Kitô. Cái chết trở nên điều kiện cần để người tín hữu bước vào cuộc vượt qua này mà đi vào bàn tiệc cánh chung Nước Trời (Mt 26,29). Đây là điều mà niềm tin Kitô giáo luôn tuyên xưng:

Đức Kitô khơi dậy nơi chúng con niềm hy vọng sống lại vinh hiển, để dù có buồn sầu vì số phận phải chết, chúng con vẫn được ủi an bởi Cha đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt. Vì lạy Chua, đối với chúng con là những tín hữu, sự sống này thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.[19]

Và, Giáo lý Công Giáo cũng khẳng định: “Đối với Kitô hữu, ý nghĩa sự chết được mạc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Đấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất”.[20] Như vậy, Kitô giáo không coi cái chết như là một dấu chấm hết, nhưng là một bước đệm cần thiết để thụ tạo tương đối được bước vào vĩnh cửu tuyệt đối của Đấng Tạo hóa. Cái kết thúc của cuộc sống đời này không phải là một sự triệt tiêu vĩnh viễn, nhưng là cửa ngõ mở vào đời sống chung cuộc của con cái Thiên Chúa. “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt cuộc đời trần thế duy nhất này, chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác”.[21] Và khi đó, ta có thể khẳng định như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Tôi không chết, nhưng bước vào cõi sống”.[22]

Cách riêng mỗi lần hiệp lễ là chúng ta thông hiệp vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, đặc biệt là khi rước Mình thánh Chúa như “của ăn đàng”, bí tích vượt qua từ cõi đời này sang đến nhà Cha trên trời.[23] Tóm lại, cái chết trở nên một điều kiện bất khả phân ly đối với con người trên đường đi vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Con người chỉ có thể bước vào đời sống mới sau khi đã kinh qua cái chết, một cái chết không chỉ là định mệnh, nhưng còn là một sự hoàn tất Bí tích cứu độ nơi mỗi người.

Cuối cùng, cái chết là sự hoàn tất Bí tích cứu độ nơi người tín hữu. Đối với những người sống đời sống như một mầu nhiệm sự chết và sự sống với Đức Kitô, thì sự chết là thông phần ơn cứu độ được khởi sự với đức tin và các Bí tích. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, “ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô” (Rm 6,3), chịu đóng đinh với Người, được mai táng và sống lại với Người. Khi ta bước ra khỏi giếng rửa tội cũng là khi ta sinh ra từ trong mồ chôn: một con người mới được sinh ra - con người được thanh tẩy, tái sinh, sống nhờ ân sủng và ân huệ của Thần Khí.[24] Nhờ Bí tích Thánh Thể, ta loan truyền cái chết của Đức Kitô là sự chết với sự sống của ta. Nếu ta loan truyền Đức Kitô là “Đấng bị trao nộp vì ta” thì Bí tích Thánh Thể phải thực hiện nơi ta cái chết của Người.[25] Nhưng con người cũ của ta vẫn còn đó, khiến điều tốt ta muốn thì lại không làm, còn điều dữ không muốn thì lại cứ làm (x. Rm 7,15). Như vậy, có một sự giao tranh giữa sống theo Đức Kitô và chết cho tội lỗi không ngừng diễn ra nơi mỗi người. Chính Bí tích Giao hòa làm cho người Kitô hữu sống liên tục trong biện chứng ân sủng này[26] và “thực hiện một cuộc phục sinh thiêng liêng đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con Thiên Chúa”.[27] Người Kitô hữu còn tập chết mỗi ngày khi bước vào đời sống gia đình do Bí tích Hôn Phối đem lại (Gl 12,25). Nhờ Bí tích Xức Dầu, trong giờ lâm tử, ta có đủ sức mạnh để đối phó với thử thách cuối cùng của cuộc đời, và, như thế, ta có thể hành động nơi mình cách hoàn toàn tự do: chết trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Bí tích Xức Dầu còn “hoàn tất điều Bí tích Thánh Tẩy đã khởi sự là người tín hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu chết và sống lại”.[28] Đặc biệt đối với một số người, khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức, họ mặc nơi chính con người mình Đức Kitô Linh mục thượng phẩm[29] và như Đức Kitô, họ tập chết đi mỗi ngày trong con người mình để hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.[30] Như vậy “đối với Kitô hữu, chết là kết thúc đời sống Bí tích, là khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh đã bắt đầu nơi Bí tích Thánh Tẩy, là nên ‘giống’ hoàn toàn với ‘hình ảnh Con Thiên Chúa’ nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự Bàn Tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong Bí tích Thánh Thể”.[31]

Tạm Kết

Tóm lại, chết là hậu quả của tội. Mỗi tư tưởng triết học, tôn giáo đều có quan niệm khác nhau về cái chết, nhưng hầu như các tư tưởng đều cho rằng chết không phải là hết, mà sau cái chết, còn có một đời sống mới mẻ nào đó mà con người sẽ bước vào. Đặc biệt, với Kitô giáo, cái chết không còn là tận cùng của đời người nữa, nhưng nó trở thành ngưỡng cửa đưa người tín hữu bước vào cõi trường sinh, là sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa; là chết với Chúa, trong Chúa và cho Chúa. Và khi đó, người Kitô hữu được hiệp nhất với Chúa, được đi vào đời sống vĩnh cửa với Chúa và hoàn tất Bí tích cứu độ.

Hiểu được ý nghĩa, niềm hy vọng của mầu nhiệm sự chết, mỗi chúng ta – những người Kitô hữu cần làm gì để sống trọn mầu nhiệm sự chết? Thiết nghĩ, chúng ta cần luôn biết đọc và nhận ra sứ điệp Chúa gửi tới trong cuộc đời, nhất là biết đón nhận tất cả những đau khổ trong cuộc đời trong tinh thần vâng phục và phó thác nơi Thiên Chúa, luôn sống tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng. Sống trọn vẹn trong từng phút giây trong cuộc đời như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi. Ngõ hầu, khi cái chết đến, ta không sợ, không hối tiếc vì những gì đã qua. Vì khi đó, ta biết chắc rằng, ở bên kia cái chết, ta sẽ có sự sống mới – sự sống vĩnh cửu với Đức Kitô.
 

Jos. Nguyễn Văn Sơn

                                     


[1] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học (Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2000), 74.
[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo (Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2016), 127.
[3] Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R, Cánh Chung Học (Học Viện Thánh Anphongsô, 2017), 110.
[4] Ibid., 111.
[5] Ibid., 111.
[6] Ibid., 112.
[7] Ibid., 113.
[8] Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học (Tp.HCM: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2003), 258-259.
[9] Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R, Cánh Chung Học, 115-116.
[10] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết (NXB. Médiapaul & Paulines), 14-16.
[11] Ibid.
[12] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Piô X chuyển dịch (Đà lạt, 1972),  # 15.
[13] Augustinô, Tự Thuật, I,1,1.
[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2011), # 1011.
[15] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết, 20.
[16] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, 97.
[17] Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học, 265.
[18] Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R, Cánh Chung Học, 121.
[19] Ủy Ban Phụng Tự Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nghi Thức Thánh Lễ (Hà nội: NXB.Tôn Giáo, 2005), 67.
[20] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, # 1681.
[21] Ibid., # 1013.
[22] Ibid., # 1011.
[23] Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học, 266.
[24] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, # 1214.
[25] Ibid., # 1404.
[26] Ibid., # 1425.
[27] Ibid., # 1468.
[28] Ibid.# 1523.
[29] Ibid., # 1581.                                                  
[30] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục, # 13.
[31] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, # 1682.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh. Cánh Chung Học (Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2000).
 
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ Điển Công Giáo (Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2016).
 
Antôn Nguyễn Văn Dũng. Cánh Chung Học (Học Viện Thánh Anphongsô, 2017).
 
Phan Tấn Thành. Cánh Chung Học (Tp.HCM: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2003).
 
Durrwell. Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết (NXB. Médiapaul & Paulines).
 
Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Piô X chuyển dịch (Đà lạt, 1972).
 
Augustinô. Tự Thuật.
 
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 1999).
 
Ủy Ban Phụng Tự Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nghi Thức Thánh Lễ (Hà nội: NXB.Tôn Giáo, 2005).
 
Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục.