Các Nhà Truyền Giáo Giáo Tại Việt Nam Gặp Khó Khăn Do Nho Giáo Hơn Hay Do Đạo Ông Bà

Truyền giáo là mệnh lệnh cấp thiết mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ. Vì thế Ngài đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM
GẶP KHÓ KHĂN DO NHO GIÁO HƠN HAY DO ĐẠO ÔNG BÀ?


I. Dẫn nhập

Truyền giáo là mệnh lệnh cấp thiết mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ. Vì thế Ngài đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền này đã được trao cho các môn đệ, các môn đệ lại trao lại cho những vị thừa sai, để họ ra đi loan báo Tin Mừng cho “mọi loài thọ tạo”. Và Việt Nam cũng đã được các vị thừa sai loan Tin Mừng đến ngay từ rất sớm. Thế nhưng, trong quá trình truyền giáo, các vị thừa sai đã gặp rất nhiều những khó khăn thử thách.
Vậy đâu là những vấn đề khó khăn mà các nhà truyền giáo tại Việt Nam gặp phải? Khó khăn do Nho giáo hơn hay do Đạo ông bà?

II.  Nội Dung

1.    Định Nghĩa Nho Giáo và Đạo Ông bà
•    Trước tiên, ta hiểu thế nào là Nho Giáo? Nho giáo là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán Tự từ Nho gồm từ nhân (người) đứng cận chữ Nhu (cần, đợi, chờ). Nho Giáo còn gọi là nhà nho, người đọc sách thánh hiền, được thiên hạ trọng dụng để dạy bảo người đời, ăn ở cho phù hợp với luân thường đạo lý.
•    Kế đó, ta hiểu thế nào về Đạo ông bà- hay còn gọi là thờ cúng tổ tiên? Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ Tết (1).  Đó là hình thức tín ngưỡng cơ bản và phổ biến của người việt.
2.    Bối Cảnh Truyền Giáo Tại Việt Nam Từ Năm 1533 đến năm 1960
-    Thời kỳ những nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt nam:
Căn cứ theo tài liệu Lịch Sử Dân Sự Quốc Gia Khâm Ðịnh Sử đã một lần ghi nhận: "Năm Nguyên Hòa nguyên niên, tức đời vua Lê Trang Tôn, năm 1533 đã có người Tây tên  là Inekhu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ huyện Giao Thủy". Rất tiếc là những chi tiết liên hệ tới Inekhu (có lẽ được phiên âm từ Inigo - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Inhaxiô) ngày nay không còn được ghi nhớ, và do đó không ai biết rõ về tông tích, cũng như về công cuộc truyền đạo của vị thừa sai thứ nhất này.
- Thời kỳ truyền giáo của các linh mục dòng tên: 
Rồi đến lượt các Linh Mục Dòng Tên: theo chân thánh Phanxicô Xaviê truyền đạo tại Nhật Bổn (1549), bị Hoàng Ðế Daifusama trục xuất khỏi đất Phù Tang năm 1614, kéo nhau về tập trung tại trụ sở Macao (khác nào như một đầu cầu thành lập từ năm 1564). Làm sao kìm hãm được sự hăng say của những nhà truyền giáo. Ngày 15/1/1615 hai Linh Mục Buzomi và Diego Carvalho cùng ba thày giúp việc tới Ðà Nẵng. Sau đó ngày 15/1/1627 - nhằm ngày lễ kính thánh Giuse - Linh Mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) đã cập bến Cửa Bạng (Thanh Hóa) tiếp tay cho các bạn đồng nghiệp. Và từ đó phát triển sự nghiệp truyền đạo không những bằng mục vụ thường xuyên, nhưng nhất là bằng cách hoàn bị việc thành lập chữ Quốc Ngữ -  chúng ta đang có ngày nay - để phổ biến sự truyền bá Ðức Tin, và tổ chức Nhà Ðức Chúa Trời (1629), tức là tập trung khắp nơi từng nhóm thanh thiếu niên (hay cả người đã đứng tuổi) thiện chí, sống đời độc thân và cùng với các Linh Mục - trong giáo xứ hay là trong các nơi xa xôi hẻo lánh - chia sẻ việc truyền đạo, nhất là chuyện dạy giáo lý cho dân chúng.
Các Linh Mục Dòng Tên ở lại Việt Nam cho tới năm 1788. Vắng bóng đi trong một thời gian lâu 169 năm (1788-1957). Nhưng rồi Giáo Hội Việt Nam yêu cầu các ngài trở lại năm 1957, để ngày 13/9/1958 nhận trách nhiệm điều khiển Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Ðà Lạt, đồng thời khuyếch trương nhiều hoạt động khác nhau trong lãnh vực văn hóa xã hội.
- Thời kỳ truyền giáo của Hội thừa sai Paris: 
Ngày 3/7/1645 Linh Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) rời Việt Nam về giáo đô Roma báo cáo cho Tòa Thánh về những tiến triển mau chóng trong việc truyền đạo tại Việt Nam, nhất là xin gửi một số Giám Mục đến cánh đồng phì nhiêu này để củng cố nền móng Giáo Hội. Ngài được Roma cho phép rảo khắp đất Pháp đi tìm những ơn kêu gọi, tìm những Linh Mục sẵn sàng xung phong và tiếp tục công việc đã khởi sự với nhiều thành quả may mắn: tại đây mới có Hội Thừa Sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và được chấp nhận năm 1664 đời Ðức Giáo Hoàng Alexandrô VII. Cũng vị Giáo Hoàng này đã ký sắc lệnh bổ nhiệm hai Giám Mục đầu tiên cho Viễn Ðông: Ðức Cha Phanxicô Pallu và Ðức Cha Lambert de la Motte.
- Thời kỳ truyền giáo của Dòng Đaminh:
Theo lời mời của Ðức Cha Phanxicô Pallu vì những đòi hỏi rất khẩn trương tại Việt Nam: số tín hữu tân tòng tiếp tục gia tăng, Linh Mục Giám Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo Felipe Pardo, O.P., từ Manila đã phái hai Linh Mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona đi lối Trung Linh (Bùi Chu) lên Phố Hiến (Hưng Yên) ngày 7/7/1676. Các ngài vẫn hoạt động chung với Hội Thừa Sai Paris cho tới thập năm 1659 Ðức Alexandro VII ban sắc lệnh thành lập hai Giáo Phận đầu tiên: Ðàng Trong và Ðàng Ngoài (Nam và Bắc: lấy con sông Gianh làm biên giới).
Năm 1679 Ðức Innocenxio XI lại chia Giáo Phận Ðàng Ngoài thành hai: Tây Ðàng Ngoài (từ sông Hồng Hà tới ranh giới Ai Lao) trao cho Hội Thừa Sai Paris dưới quyền quản nhiệm Ðức Cha de Bourges, và Ðông Ðàng Ngoài (từ tả ngạn sông Hồng Hà chạy ra biển): lúc ban đầu cũng do Giám Mục Deydier của Hội Thừa Sai Paris phụ trách. Năm 1693 Giám Mục Deydier qua đời, Ðức Cha De Bourges xin Tòa Thánh trao giáo phận này cho Dòng Thánh Ða Minh, vì từ 20/8/2679 tất cả số nhân sự của Dòng đã tập trung về đây.
Ðồng thời, Cha Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo sát nhập các cơ sở truyền giáo của Hội Dòng tại Bắc Việt hồi đó vào Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Mân Côi tại Phi Luật Tân. Từ Nhà Tổng Quyền S. Sabina (tại Roma) cha Raimondo Lezoli, O.P., được Thánh Bộ Truyền Giáo đề cử sang tiếp tay với cha Juan de Santa Cruz hồi đó đang ở Trung Linh, về sau Tòa Thánh yêu cầu ngài chính thức lãnh trách nhiệm tất cả miền Ðông. Ngày 2/2/1702 tại Kẻ Sặt cha Raimondo Lezoli được thụ phong Giám Mục tiên khởi của Dòng Ða Minh tại Bắc Việt. Nền móng vững chắc Ða Minh đã được xây dựng trên mảnh đất Việt Nam, và một trong những hạt giống Dòng Thuyết Giáo đã gieo sâu trong lòng dân tộc bản xứ, tức là sự tôn sùng tràng hạt Ðức Mẹ Mân Côi vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Ngày 18/3/1967, tức 291 năm sau (1676-1967), Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez tuyên bố: đã tới thời gian tách rời Việt Nam ra khỏi Phi Luật Tân, và thành lập Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo riêng biệt với danh hiệu Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
- Thời kỳ bách hại- tử đạo: 
•    Trịnh – Nguyễn 1745 và 1773 (2 vị)
•    Cảnh Thịnh 1798 (2 vị)
•    Minh Mạng 1820- 1840 (50 vị)
•    Thiệu Trị 1841- 1847 (3 vị)
•    Tự Đức 1847- 1862- 1883 (58 vị)
3.    Quan Niệm Nho Giáo Và Đạo Ông Bà Tại Việt Nam
3.1. Quan Niệm Nho Giáo Tại Việt Nam

•    Nguồn gốc: Nguồn gốc Nho giáo đã có từ lâu, từ trước khi Khổng tử ra đời. Khổng Tử chỉ là người dịch, tổng hợp lại tư tưởng Nho giáo. Khổng Tử sinh 27/08  năm Canh Tuất, tức năm thứ 21 đời Vua Linh Vương Nhà Chu. Khổng Tử san định Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, kinh Xuân Thu còn gọi là Lục Kinh. Ông dạy người ta những điều: Hiếu- Đễ- Trung- Thứ- Tu- Tề- Trị- Bình. Trong đó, Hiếu để thờ kính cha mẹ; Đễ để hòa thuận với anh em; Trung để hết lòng với Vua với nước; Thứ để ở với người cho hợp lẽ; Tu để tự sửa nết mình; Tề để quản trị gia đình; Bình để yên thiên hạ. Tám điều này là tôn chỉ của Khổng Tử cũng như của Nho giáo.
•    Lý Thuyết: lý thuyết của Nho giáo gồm hai điều: về Vũ trụ và về con người. Về vũ trụ: Trời và đất là cha mẹ chung, loài người là an hem và các vật khác là bầu bạn. Về con người: mọi người đều sinh ra với một bản thể toàn thiện. Con người phải sống theo tính toàn thiện ấy để tập nhân đức.
•    Luân lý Nho giáo: Nho giáo chú trọng tới việc giáo dục con người (2). 
•    Ảnh hưởng của Nho giáo tại Việt Nam: Nho giáo truyền sang nước ta từ thời Bắc thuộc, khi nhà Hán đô hộ nước ta, bởi các ông Tích Quang và Sĩ Nhiếp (từ năm 187- 226) (3).  Trải qua gần 2000 năm du nhập vào Việt Nam, Nho giáo đã có ảnh hưởng tuy không rầm rộ nhưng vững chắc trong mọi tầng lớp dân chúng Việt nam. Vậy những ảnh hưởng đó là gì?
-    Thứ nhất, ảnh hưởng về tôn giáo. Ngày nay, qua mọi tổ chức gia đình và xã hội Việt nam ta đều thấy ảnh hưởng Nho giáo và rõ rệt nhất là về tế tự. Chẳng hạn: “trước khi cho con đi học, bố mẹ đã cáo gia tiên và đã có sửa lễ ra văn từ hoặc văn chỉ ở làng để khấn đức Thánh và các vị Tiên Hiền cho con được đi học và xin các ngài phù hộ cho đứa bé thông minh sáng láng. Đứa bé cũng phải lễ trước bàn thờ (4). 
-    Thứ hai, ảnh hưởng xã hội- chính trị. Do chính trị và cho chính trị. Nho giáo rõ ràng được vun trồng trên đất nước này do các nhà cai trị. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã nhận xét: “Nho giáo được đưa vào nước ta dưới ngọn cờ xâm lược của đế quốc phong kiến Trung Hoa và mặt khác lại gò bó con người vào “tam cương, ngũ thường”, vào trật tự đẳng cấp chặt chẽ cho nên khó thâm nhập vào nhân dân, khó dung hòa với văn hoa dân gian hơn là Phật giáo, Đạo giáo. Nhưng giáo lại có ích thiết thực hơn Phật giáo và đạo giáo trong việc xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc tổ chức cai trị và quản lý đất nước… do đó, từ thế kỷ 15 trở đi, Nho giáo được nhà nước đưa lên địa vị cao nhất trong tam giáo (5). 
-    Thứ ba, ảnh hưởng trong nhân dân. Theo Toan Ánh, Nho giáo đã ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội, chính trị nước ta. “Hằng ngày, trong mọi hành động, người ta đều giữ gìn để khỏi phạm tới luân lý, tức là những điều đã vạch ra bởi ngũ thường (6). 
3.2.     Quan Niệm Đạo Ông Bà Ở Việt Nam
Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, đạo ông bà- thờ cúng tổ tiên là loại hình tồn tại phổ biến nhất và lâu bền nhất. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong khi các tôn giáo, tín ngưỡng khác chịu cảnh long đong, bị kết tội “mê tín dị đoan” nhưng với đạo ông bà- thờ cúng tổ tiên đã và vẫn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần con người.
Nguồn gốc: Đạo ông bà- thờ cúng tổ tiên xuất hiện khi nào? Nó hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc, cùng với những ảnh hưởng của văn hóa Hán. Nó hình thành như thế nào?
Thứ nhất, từ quan niệm “vạn vật hữu linh”- mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình.
Thứ hai, kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho việc xuất hiện tín ngưỡng đa thần. Xét về phương diện kinh tế, làng xã Việt nam đã gần như một đơn vị đọc lập và tương tự như thế, là tế bào của nó- hộ gia đình nhỏ. Hình ảnh “chồng cày vợ cấy con Trâu đi bừa” mang tính chất điển hình cho nền kinh tế tiểu nông của người việt. Điều này là nhân tố quan trọng gắn bó các thành viên trong gia đình cùng một thế hệ và giữa các thế hệ.
Thứ ba, hình thức tổ chức xã hội. Đạo ông bà- thờ cúng tổ tiên gắn bó với thời kỳ phụ hệ ở giai đoạn thị tộc phụ quyền, người đàn ông nắm giữ quyền hành quản lý gia đình và có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế.
Thứ tư, ý thức về tổ tiên, về mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu được dựng thành lý thuyết và “lễ thức hóa” ở thời điểm muộn hơn. Chính hệ tư tưởng Nho giáo đã “có công thổi vào quan điểm bản địa mộc mạc này một triết lý, một tổ chức, một nghi thức, một niềm tin sâu sắc” (7). 
Như vậy, đạo ông bà- thờ cúng tổ tiên ở Việt nam đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh cũng như một nền tảng kinh tế- xã hội- tư tưởng khá vững. Những yếu tố tâm linh có tính bản địa và mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và ủng hộ của các vương triều, nhờ vậy nó được bảo tồn và ngày càng phát triển (8). 
Bản Chất: thờ cúng tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo mà là lòng thành và biết ơn của con cháu đối vơi người đã khuất (9).  Có nghĩa đây chỉ là một phong tục có tính đạo lý . Cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi phân vân “nó gần như một thứ tôn giáo” (10).  Còn giáo sư Đặng Nghiêm Vạn khẳng định đó là “tôn giáo chính thống của người Việt nam” dù rằng theo ông nó “không có tổ chức chặt chẽ, nhưng dường như toàn bộ cộng đồng quan niệm tiến hành các lễ thức giống nhau và tâm linh chủ yếu của cộng đồng là lực hút các yếu tố ngoại sinh hay là những yếu tố gia nhập vào các tôn giáo khác (11).  Ở Miền nam nước ta, thờ cúng tổ tiên được nhân dân gọi là đạo ông bà.
Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang con người không thể sống biệt lập, đơn đọc. Theo chiều dọc: thờ cúng tổ tiên là tiếp nối liên tục các thế hệ ông bà- cha mẹ- bản thân. Theo chiều ngang: Gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ, họ cha, họ mẹ, họ vợ. Với tư cách một tập thể: gồm cả người đang sống và người đã chết- gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên trong làng xã.
Thờ cúng tổ tiên có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn. Bởi thế nó dễ dàng được thế tục hóa trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống (12). 
Quan niệm chung: Qua việc thờ phụng tổ tiên, tại Việt nam, người đã khuất và người còn sống luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh. Đối với người Việt, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt. Tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc sống ở cõi âm như cuộc sống của người trần thế. Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được. Tục cũng tin rằng vong hồn người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu lúc cần thiết (13). 
4. Những Khó Khăn Của Các Nhà Truyền Giáo Tại Việt Nam    
4.1. Những Khó Khăn Đến Từ Nho Giáo

Chủ yếu đến từ quan niệm “tam cương”, “ngũ thường” của Nho giáo. Bên cạnh  đó do yếu tố chính trị, các Vua muốn thâu tóm quyền hành trong tay, Vua- thiên tử- con trời. Do đó, khi đạo mới vào, dường như phá đổ mọi thứ của Nho giáo. Vì vậy các Vua, quan ra các sắc chỉ cấm đạo. “Không ít người cho rẳng, những kẻ theo đạo Hoa Lang tuy vẫn còn sống trong xã hội Việt nam, nhưng đạo mới đã dẫn đưa nhóm này vào nhiều quan niệm tôn giáo ngoại lai, kèm theo phần nào lối sống có thể gây chia rẽ nhân tâm, làm rạn nứt nếp sống và cơ cấu xã hội Việt nam ngay từ hạ tầng xã hội là đa số đồng bào… Đặc biệt, dân ta còn phải sống dưới chế độ quan chủ độc tài, nếp sống gò bó nhiều mặt, kể cả trong cái tam tòng như đã được đúc sẵn theo khuân mẫu từ bao nhiêu thế kỷ. Vua chúa cứ theo khuôn mẫu đó mà cai trị, mà thống nhất nhân tâm và hành động vì ích lợi của tổ quốc, của triều đại, đạo pháp và xã hội. Nay một đạo mới lạ du nhập vào xã hội Việt nam, sẽ làm vua chúa khó thống nhất nhân tâm, xã hội hơn (14).  Như vậy ta thấy rằng đạo mới du nhập vào sẽ chia rẽ xã hội Việt nam. Bên cạnh đó, với quan niệm trung quân của Nho giáo, khi đạo mới du nhập vào gặp khó khăn. Vì khi theo đạo Hoa Lang thì dân không còn trung thành với Vua chúa nữa, do dó đã bị các Vua chúa coi như là đạo “bất trung với vua chúa”. Ngoài ra, với quan niệm “đa thê” của Nho giáo, họ cho phép một người đàn ông có nhiều vợ. Nhưng khi đạo mới du nhập vào, chỉ được phép một vợ một chồng. Điều này làm cho các Nho sĩ và nhất là các vua chúa, quan quyền không chấp nhận. Vì theo họ, nếu chỉ có một vợ, dân số sẽ ít hơn, không đủ cho việc bảo vệ và phát triển đất nước. Do vậy, các vua chúa đã cấm cản không cho các vị thừa sai truyền đạo. Cụ thể Trịnh Cán đã ban sắc lệnh như sau: “ các giáo si, các ông đang loan truyền đạo nào trong vương quốc ta? các ông truyền lệnh cho thần dân ta chỉ được phép có một vợ, nhưng ta lại muốn dân ta có nhiều vợ, để dân ta cũng có nhiều con cái phải trung thành với ta. Vậy từ nay trở đi các ông không được truyền bá đạo đó nữa: nếu các ông không tuân lệnh, ta sẽ dễ dàng ra lệnh chém đầu các ông và ta sẽ tìm mọi cách ngăn cản các ông tiếp tục làm cái điều ta cấm” (15). 
4.2.     Những Khó Khăn Đến Từ Đạo Ông Bà
Thứ nhất, do hiểu lầm về lễ nghi. Với người Việt nam, cúng vái tổ tiên là việc làm cần thiết và rất quan trọng. Nhưng từ khi đạo mới- Hoa Lang du nhập vào, người theo đạo Hoa Lang không được cúng vái tổ tiên, vì thời đó họ quan niệm cúng vái tổ tiên là hình thức mê tín dị đoan. Chính vì thế, khi các nhà truyền giáo đến truyền đạo thì họ không theo. Bởi nếu họ theo sẽ không được thờ cúng tổ tiên, tức là từ bỏ tổ tiên và khi đó, họ sẽ là kẻ bất hiếu. Tội này theo luật Hồng Đức sẽ bị chém đầu. “hủy bỏ thần chủ của tổ tiên, coi như hủy thi hài cha mẹ, chiếu theo luật chém” (16). 
Thứ hai, quan niệm sai về đạo- coi đạo Hoa Lang là đạo chết người. Tại sao vậy? vì người ta thấy một số bệnh nhân đã chết liền sau ít giờ linh mục đến gặp bệnh nhân. Vì nhiều người theo đạo Hoa Lang, sẵn sang chết để bảo vệ đức tin của mình. Chính vì sự hiểu lầm này mà người ta gán cho đạo Hoa Lang là tà ma, và các nhà truyền giáo là những tay phù thủy đáng sợ (17). 
Thứ ba, quan niệm độc tôn của đạo Hoa Lang. Đời sống tín ngưỡng của người Việt nam pha trộn nhiều hình thức của các đạo khác. Khi đạo Hoa Lang vào Việt nam trở thành một thứ đạo “không đội trời chung” với các đạo khác, nhất là với đạo ông bà. Vì giáo lý của đạo Hoa Lang nói rằng chỉ tôn thờ duy nhất một mình Thiên Chúa mà thôi. Do vậy, khi các nhà truyền giáo đến giảng đạo gặp sung khắc với các đạo khác, mà cụ thể là đạo ông bà.
Thứ tư, với hình thức sống đạo của các thừa sai truyền giáo, người ta coi là mộ đạo mọi rợ, vì theo quan niệm tục lệ của người Việt nam là “Nam nữ thọ thọ bất thân”; thế mà những người theo đạo khi tập họp trong nhà thờ, hoặc khi rước lễ, xưng tội lại đi gần nhau, nói chuyện riêng trong tòa giải tội… các cha khi ban phép rửa tội, lại có những cử chỉ kỳ cục, dơ bẩn, như nhổ nước bọt, bôi vào tai, vào miệng, hà hơi… còn về phái giáo dân, khi theo đạo- nhận lãnh bí tích rửa tội, người tân tòng trở về nhà, đạp phá bàn thờ phật, tổ tiên tại nhà. Đôi khi đạp phá cách công khai. Đây là xúc phạm nặng nề nhất đối với tín ngưỡng tại Việt nam, từ đó người ta kết án: đi đạo là bỏ ông bà (18). 
Như vậy, qua những gì đã phân tích ở trên, ta thấy rằng các nhà truyền giáo tại Việt nam gặp khó khăn do Đạo ông bà hơn là do Nho giáo. Vì, Đạo ông bà đã ăn sâu trong tư tưởng, tâm khảm của người dân. Giờ đây, khi các nhà truyền giáo đến bảo họ bỏ Đạo ông bà, thì họ không thể bỏ được. Điều này được chính Giáo sư Insun Yu nhận xét như sau: “Người Việt nam không tiếp nhận đạo cơ đốc (Ki-tô) vì đạo này khác biệt với đạo đức truyền thống. Không chỉ vì đạo này chống chế độ đa thê mà chính vì việc thờ cúng tổ tiên và thờ thành hoàng- mà họ đã tin tưởng một cách sâu sắc- đã bị đạo mới coi như tục thờ ma quỷ và mê tín dị đoan” (19).  Chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng thuật lại rằng: “Chính tín ngưỡng dân gian Việt nam là điều trở ngại cho việc cải đạo ở đây”. Bên cạnh đó, các giáo lý của đạo Ki-tô so với các tôn giáo khác, mang tính cực đoan, chặt chẽ nhất. Chỉ đức Chúa là vị thần duy nhất được thờ phụng. Ki-tô giáo đã đả phá thuyết đa thần và coi các tôn giáo khác là “tà đạo”, người nào theo các tôn giáo tín ngưỡng khác sẽ bị “rút phép thông công”. Sự cứng rắn, không khoan nhượng về giáo lý và đức tin của đạo Ki-tô trong lịch sử Việt nam, đã dẫn đến sự chuyển hướng từ những xung đột giữa hai dòng văn hóa sang xung đột về chính trị. Vương triều Nguyễn đã nghiêm khắc cấm đoán đối với đạo Hoa Lang (ki-tô) trước hết bởi tính “bất hiếu” này. Đây cũng là lý do khước từ chủ yếu của đông đảo cộng đồng người Việt (20).  Bởi vậy, trong suốt nhiều thế kỷ, sự phát triển của đạo Ki-tô ở Việt nam khá chậm chạp.

 III. Kết Luận

Tóm lại, qua những gì đã trình bày trên ta nhận thấy rằng những nhà truyền giáo tại Việt Nam gặp khó khăn do Đạo ông bà hơn là do Nho giáo. Bởi Đạo ông bà đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, nó như hơi thở, nhịp sống của người dân. Do đó, bảo họ bỏ ông bà để đi đạo mới thì họ không thể bỏ.
Hiểu được những khó khăn của công việc truyền giáo tại Việt nam, mà cụ thể là về vấn đề đạo ông bà, mỗi chúng ta- những nhà thừa sai tương lai ý thức sâu xa về tầm quan trọng của đạo hiếu, từ đó hiểu, trân trọng và tìm cách dung hòa giữa ki-tô giáo và Đạo ông bà, từ đó mang Chúa đến cho mọi người, nhất là những người chưa tin Chúa ngõ hầu làm cho nước Chúa trị đến.
Jos. Nguyễn Văn Sơn
Chú thích:
 1. Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam (quyển thượng) (NXB.TpHCM 1992), 23.
  2. Idid., 248- 263.
  3.Ibid.,268.
  4.Ibid.,282.
 5. Nguyễn Thế Thoại, Tôn Giáo Học và Các Tôn Giáo Lớn Ở Việt Nam, 372.
 6. Ibid.,282.
  7. Đặng Nghiêm Vạn, Điểm Qua Tình Hình Tôn Giáo Hiện Nay Trong Những Vấn Đề Tôn Giáo Hiện Nay (NXB. KHXH, 1994), 29.
  8. Ngô Đức Thịnh, Tín Ngưỡng Và Văn Hóa Tín Ngưỡng Ở Việt Nam (NXB. Trẻ, 2012), 24-57.
  9.Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam,282.
  10. Nguyễn Đổng Chi, Sự Tồn Tại Quan Hệ Thân Tộc Trong Làng Xã Việt Nam Trong Nông Thôn Việt Nam Trong Lịch Sử tập 2 (NXB. KHXH, 1987).
  11. Đặng Nghiêm Vạn, Điểm Qua Tình Hình Tôn Giáo Hiện Nay Trong Những Vấn Đề Tôn Giáo Hiện Nay, 29.
  12. Ngô Đức Thịnh, Tín Ngưỡng Và Văn Hóa Tín Ngưỡng Ở Việt Nam, 30-57.
  13. Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam, 24.
  14. Đỗ Quang chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam (NXB. Tôn Giáo 2008), 28.
 15.  Đỗ Quang chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam, 48.
  16. Hồng Đức  Thiện Chính Thư, số 153, Nguyễn Sĩ Giác dịch, (Sài gòn 1959), 65.
 17.  Đỗ Quang chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam, 44.
  18. Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử  Giáo  Hội Việt Nam quyển 2 (lưu hành nội bộ, 1994), 200.
 19. Insun Yu, Luật Và  Xã Hội Việt Nam Thế Kỷ 17-18 (NXB. KHXH, 1994).
 20.  Ngô Đức Thịnh, Tín Ngưỡng Và Văn Hóa Tín Ngưỡng Ở Việt Nam, 42.