Thứ Tư Tuần XIV TN - Gọi Để Ra Đi


Thứ Tư trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm
Hs 10:1-3,7-8,12; Tv 105:2-3,4-5,6-7; Mt 10:1-7
GỌI ĐỂ RA ĐI



Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Họ không có của cải, không có học thức cao, không có địa vị trong xã hội. Họ được chọn từ trong dân gian, những người chỉ làm việc thường, không được giáo dục đặc biệt, không có lợi thế xã hội. Người ta nói Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường. Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ. Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.

Chúa Giê-su nói với các Tông đồ rằng: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã gần đến…” Chúng ta loan báo Tin Mừng như thế nào trong thời đại văn minh khoa học, Lời Chúa yêu cầu các môn đệ lên đường làm việc cho Chúa không mang theo gì cả vì chính Chúa làm gương trước trong niềm tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa Cha. Công cuộc loan báo Tin Mừng được tiếp diễn cả ngàn năm, mỗi thời đại là mỗi hình thức khác nhau không ngừng mời gọi tha nhân nhận biết về Chúa.

Nước Chúa luôn mở rộng để ơn Cứu độ lan truyền rộng rãi không giới hạn trên khắp vũ trụ là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu, theo Giáo Hoàng Phanxicô 2014: “Sứ mệnh của Giáo Hội không thể thực hiện được mà không có giáo dân. Họ là những người kín múc sức mạnh từ Lời Chúa, từ các Bí tích, và từ lời cầu nguyện. Họ phải sống đức tin giữa lòng gia đình, trường học, công ăn việc làm, phong trào quần chúng, các đoàn thể, các đảng chính trị và chính phủ, bằng cách làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng.”

Đối tượng được mời gọi ngày nay gồm nhiều thành phần trong xã hội, việc truyền giáo thực hiện trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận tiện khi cùng làm chung nhiệm vụ, khi chờ đợi ở các trạm xe… Trích thư thứ 2 của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô …, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người.” (2 Cr 3,3).

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.

Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô.

Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.

Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ “dân chủ” cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật.

Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.

Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: Matthêu người thu thuế. Tất cả mọi người đều coi Matthêu là người phản quốc (làm việc cho ngoại bang), như một người làm tay sai cho những chủ nhân chiếm xứ mình để cầu lợi. Trái ngược với Matthêu, một người ái quốc thương dân là Simon (người nhiệt thành). Nếu Simon người cuồng tín đó gặp Matthêu tại một nơi nào khác ngoài tập thể của Chúa Giêsu, thì chắc chắn giữa hai ông sẽ xảy ra án mạng.

Rồi một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói. Và một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao. Tại dây có một chân lý trọng đại là những người thù ghét lẫn nhau lại có thể thương yêu nhau, khi cả hai đều mang sứ điệp Tin Mừng. Trái lại trong bài đọc một gia đình tổ phụ Giacob chúng ta thấy: Anh em trong nhà lại ám hại nhau.

Sự chọn gọi các môn đệ của Chúa Giêsu là có chủ đích: Đó là để sai đi, công bố Tin Mừng Nước Trời, cùng với sứ mạng, các môn đệ được trao cho quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là dấu chỉ của thời đại Nước Trời đã đến, Tin Mừng thắng được sự dữ, Tin Mừng đến để phục vụ, để cứu chữa.

Lệnh sai đi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn hiệu lực cho Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu có bổn phận đến với muôn dân, mang Tin Mừng của Chúa đến bằng sự phục vụ, yêu thương và cứu chữa. Như trong bài đọc một. Giuse nhận ra kẻ thù là anh em, sẵn sàng chia sẻ khi anh em gặp khốn khó, cấp dưỡng khi anh em bị bỏ rơi.