Thứ Tư Tuần VII Mùa PS - Nên Một Với Chúa


24.5 Thứ Tư trong tuần thứ Bảy Mùa Phục Sinh
Cv 20:28-38; Tv 68:29-30,33-35,35-36; Ga 17:11-19
NÊN MỘT VỚI CHÚA

 

 
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha 3 điều: gìn giữ các môn đệ trong đức tin, che chở các ông khỏi thế gian, và thánh hiến các ông theo sự thật.

Chúa Giêsu tỏ lòng yêu thương các môn đệ, một tình yêu đặc biệt, như tình của thầy đối với trò, như tình của cha đối với các con cái. Thật vậy, bản thân Chúa phải đối diện với những giờ phút đau thương của thập giá, tử nạn và phục sinh; Ngài muốn lôi kéo các môn đệ vào hoàn cảnh cụ thể của mình, để cùng chung số phận của ngài.

Khi cầu xin cho các môn đệ được ơn gìn giữ, Ngài biết trước những khó khăn thử thách đời tông đồ của họ; Ngài cũng nhìn thấy trước những đau buồn, chán nản nơi các ông, và sợ các ông ngã lòng, nên Ngài đã xin Chúa Cha luôn gìn giữ họ, để họ được nâng đỡ trong đức tin, và luôn trung thành với sứ mạng Chúa trao phó cho họ.

Khi cầu xin cho các môn đệ được che chở các ông khỏi thế gian, Chúa Giêsu nhìn thấy trước những cám dỗ của thế gian, dễ lôi cuốn các ông, dễ làm cho các ông bị hư mất. Vì thế, Ngài muốn giải thoát các ông khỏi những cạm bẫy của thế gian, bằng sự bảo vệ, che chở của Chúa Cha: “Xin gìn giữ họ trong Danh Cha”, bằng sự che chở của Chúa Giêsu: “Con đã canh giữ để không một ai trong họ phải hư mất”,  và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Đấng Bầu chữa sẽ ở với và ở trong các môn đệ luôn mãi” (Ga 14,16-17).

Khi cầu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ hiểu rằng: các ông được thánh hiến, có nghĩa là các ông được Chúa tách ra khỏi thế gian tội lỗi, nhiều cạm bẫy, để từ nay các ông thuộc trọn về Chúa. Đồng thời, chính bản thân các môn đệ là những được Chúa chọn gọi làm tông đồ, thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng.

Khi suy niệm bài Tin Mừng này, mỗi người chúng ta cảm nghiệm tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Dù trong cuộc sống có nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách gian nan, chúng ta tin vào ơn của Chúa luôn nâng đỡ, bảo vệ chúng ta nhờ ơn của Chúa. Vì thế, chúng ta hãy luôn kết hiệp với Chúa, và năng cầu nguyện với Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Hơn nữa, chúng ta đã được Chúa thánh hiến qua Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái của Chúa, thuộc trọn về Chúa. Để giữ mãi hình ảnh và vẻ đẹp này, chúng ta phải không ngừng xin ơn đổi mới và canh tân bản thân, để gột bỏ con người tội lỗi, yếu đuối, và những thói xấu thế gian.

Cuối cùng, được thánh hiến, chúng ta cũng trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa. Chúng ta phải làm gì để cho Tin Mừng của Chúa được gieo vãi? Muốn làm chứng, chúng ta phải là ánh sáng, là men, là muối cho thế gian. Làm chứng cho Chúa là làm chứng về sự thật: Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, tác nhân chính cho công cuộc tông đồ của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ của mình được thánh hiến, tức là được “tách ra” để thuộc trọn về Chúa Cha như Đức Giêsu đã thuộc về Người. Thuộc về Chúa Cha, tức là thuộc về Chân Lý. Thuộc về Chúa Cha cũng là phó thác, tin tưởng vào tình thương của Người. Thuộc về Chúa Cha cũng là vâng nghe lời Đức Giêsu dạy dỗ.

Như vậy người môn đệ được hiện hữu giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Giữa sự ác, lọc lừa, nhưng không thuộc về chúng, mà ngược lại, các ông phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng. 

Quả thật, các môn đệ đã sẵn sàng làm chứng cho chân lý Tin Mừng như lời Đức Giêsu đã phán: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 26).

Lời Chúa hôm nay muốn nhắc cho mỗi chúng ta hãy nhớ đến Bí tích Thánh Tẩy ta đã lãnh nhận. Khi thuộc về Chúa qua Bí tích này, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên môn đệ của Người. Trở nên môn đệ cũng có nghĩa là trở nên chứng nhân. Vì thế, chúng ta không thể không làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Làm chứng cho Chúa, tức là từ bỏ Ma Quỷ và mọi việc, mọi sự sang trọng của chúng. Làm chứng cho Chúa cũng có nghĩa là đi ngược với những điều bất chính mà con người ngày nay bày ra.

Lm. Huệ Minh