Thứ Năm Tuần IV MC - Lời Chứng Về Chúa


23.3 Thứ Năm Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Xh 32:7-14; Tv 106:19-20,21-22,23; Ga 5:31-47

Lời Chứng Về Chúa


          
Sau khi Chúa Giêsu chữa lành một người trong ngày Sabát, những người Pharisêu chất vấn Ngài về thẩm quyền thần linh của Ngài và việc Ngài tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trả lời cho họ, Chúa Giêsu nêu lên các chứng cứ cụ thể và rõ ràng để làm chứng cho Ngài.
          
Lời chứng thứ nhất là lời chứng của Gioan Tẩy giả. Ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm chứng về ánh sáng thật là Chúa Giêsu (x.Ga 1,8-9). Ông đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai khi Thánh Thần ngự xuống trên Ngài : “Đây tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Nhưng người Pharisêu đã không đón nhận lời chứng ấy. Lẽ ra họ phải lấy làm lạ khi một người vĩ đại và thánh thiện như Gioan lại làm chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chúa Giêsu nhắc nhở họ về sự nghịch lý này: Dường như những người Pharisêu đều cho rằng ông Gioan là một ngôn sứ, nhưng họ lại không tin vào lời sấm quan trọng nhất của ông !
          
Lời chứng thứ hai là những công việc Chúa Cha giao mà Chúa Giêsu đã hoàn thành. Chúa nói : “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi”. Những việc Ngài làm, không chỉ về chính Ngài, nhưng chỉ về quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua Ngài. Lẽ ra người Pharisêu phải suy nghĩ khi thấy đám đông dân chúng lũ lượt tìm kiếm Ngài. Lẽ ra ra người Pharisêu phải thắc mắc khi thấy những người tội lỗi đã thay đổi đời sống và đi theo Ngài rất đông.
        
Lời chứng cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói : “Cha tôi, Đấng đã sai tôi, cũng đã làm chứng về tôi”. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh (c.39). Nhưng họ không giữ lời Chúa Cha ở trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Chúa Cha sai (c.38. 40).
          
Sau những lời chứng biện hộ của Chúa Giêsu, ta thấy khung cảnh như đảo ngược lại. Chúa Giêsu, người bị chất vấn buộc tội nay trở thành Đấng cáo tội : “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha Tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.” Người bị đưa ra trước toà giờ đây lại trở thành thẩm phán chất vấn lại chính những người đã đưa mình ra toà : “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?”
          
Có nhiều chứng từ về Chúa Giêsu. Nhưng có ít người tin vào Ngài. Trước khi chúng ta đứng lên phán xét sự vô tín của người đời, có lẽ chúng ta nên kiểm điểm chính mình. Ngoài những chứng từ vào thời Chúa Giêsu, chúng ta còn có Tân Ước, có hơn hai ngàn năm lịch sử Kitô giáo, có chứng từ của một Hội Thánh sống động trong ân sủng Chúa Thánh Thần, có chứng từ của những con người thánh thiện qua mọi thế hệ vẫn nỗ lực phác họa hình ảnh Thiên Chúa nơi chính đời sống của mình. Thế nhưng, chúng ta vẫn không nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu nơi tâm hồn chúng ta và nơi những người chung quanh. Biết bao lần chúng ta suy nghĩ và hành động như thể Chúa Giêsu vắng mặt, như thể Ngài chẳng liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta.
          
Lời cáo tội của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu cũng có thể dành cho chúng ta: Khi chúng ta không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ đi tìm hư danh cho bản thân mình. Khi chúng ta sống đạo chỉ nhắm đến tôn vinh mình mà không thực tâm mến Chúa. Khi chúng ta tôn vinh những gì thuộc về trần thế và bám vào nó như là cứu cánh. Khi chúng ta không thoát khỏi những thành kiến để đón nhận lấy sự thật. Khi chúng ta không dám ra khỏi những ích kỷ để tin vào tình yêu Thiên Chúa, để ra khỏi cái tôi chật hẹp để sống cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy tin vào Ngài, Đấng được Cha sai” đang là lời mời gọi thúc bách mỗi tín hữu. Hãy đến với Ngài để được sống và sống tròn đầy.
          
Qua Kinh thánh, Chúa Cha cũng làm chứng cho Chúa Con một cách đặc biệt. Đây là một chứng từ có tính cách trực tiếp và có giá trị đối với người Do Thái, vì mọi người Do Thái đều công nhận Kinh thánh là lời của Thiên Chúa .
          
Trong khi toàn bộ Kinh thánh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Và không phải Chúa Giêsu là người sẽ tố cáo họ về tội bất trung này, nhưng là chính Mô sê. Bởi vì qua lề luật, Môsê đã nói về Đấng Mêsia tức là về Chúa Giêsu, vậy mà về điểm căn bản này, họ cũng đã từ chối không chịu tin theo lời dạy bảo của ông.
          
Như vậy, điều cốt yếu để được cứu độ là tin vào Chúa Giêsu nhận ra hình ảnh và lời nói của Chúa Cha nơi Ngài. Có tin vào Chúa Giêsu, lời Thiên Chúa mới ở trong chúng ta. Trong Mùa chay này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa lưu lại trong chúng ta bằng cách năng suy gẫm Lời Chúa, để giữa cuộc sống của chúng ta và Lời Chúa biểu lộ khuôn mặt, tinh thần và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chúng ta hãy xin Chúa  ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn để có thể nhận ra và lắng nghe được tiếng nói của Chúa và luôn sống trong đường lối của Ngài.