Thứ Hai Tuần V PS - Yêu Mến


16/5 Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 14:5-18; Tv 115:1-2,3-4,15-16; Ga 14:21-26
Yêu Mến



Lời Chúa hôm nay nằm trong mạch văn ở phần của Tin Mừng Gioan,  một phần chính yếu với tựa đề : Giờ của Chúa Giêsu – Lễ Vượt Qua của Chiên Thiên Chúa. Phần này, tác giả mô tả và thể hiện lại những lời nói, hành vi mang đậm tính “ từ biệt” của Chúa Giêsu, khi Ngài thấy “ Giờ của Ngài” đã đến.

Tin Mừng hôm nay là một bài giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ… Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng phù trợ, là Cha Thầy mà Cha Thầy sẽ đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Thật vậy, khi một người thấy mình sắp lìa bỏ cõi trần này, họ thường cảm thấy cô đơn, trống vắng. Họ muốn có những người thân luôn ở bên cạnh để an ủi và lắng nghe họ. Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài qui luật thiên nhiên dành cho con người. Ngài cảm được Giờ của Ngài về cùng Chúa Cha đang gần kề, sứ vụ của Ngài sắp hoàn tất, khoá học sắp kết thúc, thế mà các Tông Đồ chẳng hiểu gì về con đường cứu độ của Ngài cả. Các ông vẫn tranh giành vương quyền, chức tước (Lc 22, 24-27 ). Ba năm theo Thầy giờ chỉ còn tranh chỗ ngồi bên tả, bên hữu… (Mt 20, 20 tt). Vì thế, Chúa Giêsu thấy giờ đây cần phải nhắc nhớ các môn đệ những  “ công thức” vắn gọn, dễ nhớ , dễ hiểu… mà chúng ta sẽ thấy Ngài cứ lập đi lập lại trong bài Tin Mừng Ga 14, 21-26 này.

Mở đầu câu 21 , Chúa Giêsu nói : “ Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Ở đây, chúng ta chú ý đến 2 động từ “ có” và “giữ”. Người yêu luôn có, luôn chiếm làm sở hữu những gì có nơi người mà họ hằng yêu mến. Họ thích những gì người kia thích ; họ tập ăn, tập nói, tập đi đứng… như người họ yêu vậy. Họ muốn nên giống y như người họ yêu ; họ muốn nên một với nhau, khi yêu ai, chúng ta thường nhớ và luôn làm theo những lời người ấy căn dặn. Đó là mực thứơc để đo tình yêu.

Khi chúng ta yêu Chúa Giêsu là chúng ta yêu mến cả Chúa Cha nữa. Vì : Chúa  Cha và Chúa Giêsu là một ; vì Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, vì lời của Chúa Giêsu chính là lời của Chúa Cha. Đây là một tình yêu trong tương quan liên hoàn : Tình yêu trao ban, Tình yêu truyền từ người này sang người kia và nó càng thêm dồi dào, phong phú. Và vì thế, “ Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Khi yêu nhau, ở trong nhau, thì  cả hai  sẽ biết rõ nhau hơn và càng yêu mến nhau hơn. “ Tỏ mình ra” có nghĩa là “ biết nhau”, “ biết” tường tận những gì người yêu mong ước đến nỗi họ cùng nhau chia sẻ vui buồn, sướng khổ. Âu sầu của người này là nỗi buồn  của người kia. Niềm vui của người kia là hạnh phúc của người này.

Khi Chúa Giêsu nói những lời ấy xong, không biết ông Giuđa có hiểu ý Chúa không, nhưng ông đã hỏi “ Sao Chúa tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” ( c.22 ). Nghe câu hỏi như có phần nào trách móc hay thiên vị một số người, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu nghe vang lên trong một nỗi buồn man mác, khi Ngài muốn giải thích lý do “ tại sao thế?” của ông Giuđa. Ngài khẳng định : “ Ai yêu mến Thầy, sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại nơi người ấy” ( c.23). Ở câu 23 này, Chúa Giêsu xác quyết lại những gì Ngài đã nói ở câu 21, nhưng thay vì nói “ tỏ mình”, Ngài dùng từ “ ở lại” nhằm giải thích cho Giuđa hiểu rõ ý Ngài hơn.  “Ở lại” cũng chính là “ nên một”. Nói đến đây, chúng ta nhớ lại sự “ ở lại” của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Qua việc Rước Lễ, Ngài muốn Nên Một với chúng ta, muốn lưu lại trong tâm hồn, trong cuộc đời chúng ta từng ngày, từng giờ, muốn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường ta đi trong cuộc sống. Hơn nữa, Chúa Giêsu lại tái khẳng định bằng một mệnh đề phủ định “ Ai không yêu mến Thầy, thì không tuân giữ lời Thầy” Ngài nói rõ Tình yêu của chúng ta đối với  Ngài là việc vâng nghe lời Ngài. Vì “ lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” ( c.24). Ở đây, Chúa Giêsu tỏ lộ ý muốn của Chúa Cha và Chúa Giêsu là con người đến thi hành ý Chúa Cha mà thôi. Vì “ Chúa chẳng thích tế phẩm hay lễ vật… con liền thưa.  “ Này con xin đến”. Trong sách chép về con : con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng…” (Tv 40,7-9).

Trong 2 câu cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc nhớ cho các môn đệ rằng : Điều vâng giữ Lời Chúa, Ngài đã nói khi Ngài ở với các ông và bây giờ Ngài về cùng Cha, thì Đấng Bảo Trợ là Ngôi Ba Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để dạy các ông và nhắc lại những điều Chúa đã dạy ( x.c.25-26). Nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ tất cả những gì các môn đệ phải biết mà Chúa Giêsu chưa nói. Chúa Thánh Thần cũng sẽ giúp các ông hiểu ý nghĩa của lời rao giảng và các dấu lạ của Đức Giêsu mà trước đây các ông chưa hiểu được.

Qua lời Chúa Giêsu đã khẳng định, con người chúng ta phải có thái độ tin hay không tin nhận.
Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình.
Từ chối không tin, con người tự kết án mình: không tin là sống trong bóng tối.

Theo thánh Philipphê, tin thì phải xem thấy Chúa Cha, nên Chúa Giêsu tuyên bố một chân lý quan trọng: Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa: “Thầy ở trong Chúa và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 11), để rồi “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).

Chúa Cha và Chúa Con hợp đồng công tác “Cha tôi làm việc liên lỉ, tôi cũng làm như vậy” (Ga 5, 17): xem những việc lành thì nhận ra Chúa nhân lành, như     Chúa đã giải thích cho dân Do thái: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10, 37-38).

Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ của Ngài đi lại con đường Ngài đã đi qua: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Giữ lời Chúa Giêsu cũng là yêu mến Thiên Chúa Cha. Vì lời Ngài là của Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Lời dạy của Chúa Giêsu là gì, nếu không phải là gì khác là biết quên mình vì Chúa và vì anh em, quên đi bản thân bằng cách dành cho Thiên Chúa và tha nhân một chỗ đứng ưu tiên trong tư tưởng và hành động.

Qua trang Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người chúng ta sẽ biết thể hiện tình yêu bằng lời dạy của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, anh em hãy làm cho sáng danh Chúa”