26.01 - Thánh Timôthêô và Titô, Gm


26.1 Thứ Năm Thánh Timôthêô và Titô, Gm
Dt 10:19-25; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Mc 4:21-25

Chiếu Sáng

          
Thánh Timôthê (c. 97?):
          
Những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôthê thì giống như của một Giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng Phúc Âm và chịu đau khổ.
          
Thánh Timôthê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô giáo. Sau đó, Timôthê được thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và thánh Phalô cùng sáng lập Giáo hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với thánh Phaolô, Timôthê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được thánh Phaolô gửi đi truyền giáo, thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà thánh Phaolô thành lập.
          
Khi Timôthê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôthê cũng bị tù (Dt 13,23). Và thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôthê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
          
Timôthê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. "Ðừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung," trong thư I thánh Phaolô viết cho Tm 4,12a). Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôthê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôthê: "Ðừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1Tm 5,23).
          
Thánh Titô (c. 94?):
         
Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas... Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia... Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách, xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Ti-tô đến..." (2 Cr 2,12a, 13; 7, 5-6).
          
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
          
Trong khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn mà nói với các môn đệ và dân chúng. Ngài thường dùng những hình ảnh rất cụ thể, gần gủi với đời sống thường nhật của họ mà dạy họ về chân lý. “Chiếc đèn và đấu đong” là hai hình ảnh rất bình dị mà Đức Giêsu đã dùng trong Tin mừng theo thánh Mác-cô hôm nay.
          
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”

          Chiếc đèn là vật dụng rất thân thuộc với người Do Thái, mà nó cũng rất thân thuộc với người Việt nam chúng ta, hầu như ai cũng biết và cần dùng đến. Khi bóng tối bao phủ, màn đêm buông xuống thì ánh đèn được đốt lên, người ta thường đặt nó trên đế, đặt nơi vị trí cao để ánh sáng của nó có thể lan tỏa đến mọi vật, chiếu sáng cho mọi người. Nếu đốt đèn lên mà đem dấu đi dưới cái thùng hay đặt dưới gầm giường thì quả là sai mục đích, là mâu thuẫn và uổng phí, thà nó tắt đi còn hơn, vì làm như thế là làm mất giá trị của chiếc đèn. Chúng ta công nhận với nhau rằng, công dụng của chiếc đèn là chiếu sáng cho mọi người, soi cho tỏ mọi vật, để nhờ đó ta có thể phân biệt mọi sự cách chuẩn xác và đúng đắng.

          “Chiếc đèn” trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nói đến ấy là Tin Mừng, “Tin Mừng ơn cứu độ” mà Ngài đã thắp lên nơi cõi lòng các môn đệ, thắp lên nơi tâm hồn những người đang nghe và đón nhận lời Ngài, Lời chân lý. Chiếc đèn ấy (Tin mừng ấy) không thể được dấu kín, nhưng phải lan tỏa ra cho hết thảy mọi người, hay nói cách khác, Tin mừng mới đầu chỉ một thiểu số biết thôi, nhưng theo thời gian Tin mừng đó cần được chiếu tỏa, phải được loan báo cho mọi dân tộc (x. Mc 13, 10).

          Khi đón nhận tin mừng cứu độ từ Chúa Giêsu Kitô, khi đón nhận ánh sáng phục sinh lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mỗi người Ki-tô hữu trở nên là ngọn đèn cháy sáng giữa muôn dân. Ngọn đèn đức tin ấy được lan tỏa đến mọi người qua đời sống “nên thánh” trong chân lý mạc khải, qua sứ vụ ngôn sứ của người tín hữu. Bằng đời sống cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa, qua cách sống chân thành, biết nêu gương lành trong gia đình – xã hội, biết thực thi tình bác ái giữa cộng đoàn, nơi mình đang sống, thì mỗi người chúng ta như ngọn hải đăng giữa biển đời, như ánh đèn chân lý giữa xã hội đầy giả trá đang kêu gào công bình sự thật.

          Tuy nhiên, chiếc đèn đức tin nơi ta sẽ không thể phát sáng nếu không đón nhận nguồn sáng nơi Chúa, nơi mẹ Giáo Hội qua Lời của Chúa Giêsu Kitô và các bí tích. Bởi thế, mỗi người chúng cần xin ơn trợ lực, để dám dùng những “cái đấu” (“cái đấu” là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận) thật to của để đón nhận ân sủng Chúa với lòng quảng đại trao ban lại cho những ai cần đến ơn Chúa. Lạy Chúa, ước gì mỗi người chúng con là một ngọn đèn cháy sáng giữa gia đình, nơi công sở, nơi thôn xóm, nơi đường phố… khi nhịp bước giữa đời. Để con biết làm mọi việc tầm thường, với tinh thần phi thường của Chúa.