19.03. Thánh Giuse - Giá Trị Của Thinh Lặng


20.3 Thứ Hai Thánh Giuse Bạn Đức Mẹ Maria
Is 65:17-21; Tv 30:2,4,5-6,11-13; Ga 4:43-54

Giá Trị Của Thinh Lặng


          
Chỉ có Tin Mừng Mátthêu và Luca mới nói về thánh Giuse. Theo hai thánh sử, Giuse thuộc chi tộc Đavít: người được xem như dây liên hệ giữa dòng dõi Đavít với Đấng Mêsia.
          
Những chặng đường đời của thánh Giuse cũng được thấy rõ: thánh nhân là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là người sống thinh lặng, được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria. Người cũng được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.
          
Thánh nhân sống bao lâu, chúng ta không rõ. Lần cuối cùng chúng ta thấy người xuất hiện tại Giêrusalem là khi trẻ Giêsu lên 12 tuổi.
          
Giáo Hội Phương Tây chính thức tôn kính thánh Giuse vào thế kỷ XIV, XV. Thánh lễ hôm nay chỉ gặp được trong phụng vụ Rôma vào năm 1621. Đức Thánh Cha Piô XI công bố: Thánh Giuse là quan thầy của Hội Thánh.
          
Trong các sách Tin Mừng dù có nhắc tên Thánh Giuse đôi lần, nhưng không hề thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse. Có lẽ không phải vì vô tình mà Thánh Kinh không ghi nhận một lời nào của Thánh Giuse, nhưng muốn đề cao giá trị của sự thinh lặng.
          
Thánh Giuse khong được các thánh sử cho “phát biểu” một câu nào trong cả bốn Tin Mừng, chỉ thấy Ngài làm theo những gì được truyền: nào là bỏ ý định toan tính trốn; nào là dắt Đức Maria và Hài Nhi Giêsu đi “tị nạn” bên Ai-cập… nhất nhất cái gì cũng làm theo lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Sự vâng phục của thánh Giuse không phải là thứ vâng lời tối mặt, mù quáng. Để thực hiện sứ mạng, ngài không được Chúa ban cho sự can thiệp đặc biệt nào ngoài những lời báo tin của thiên thần. Thế nên phải thật khôn ngoan mưu lược, thánh Giuse mới hoàn thành sứ mạng đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài thoát khỏi vòng vây trùng điệp của binh lính Hêrôđê để sang tới Ai Cập. Sự khôn ngoan của thánh Giuse càng thể hiện rõ khi hồi hương từ Ai Cập, ngài đã đưa thánh gia về Nadarét thay vì Bêlem. Thánh Giuse vâng phục thánh ý Chúa cách tuyệt đối, không máy móc mà đầy khôn ngoan và sáng tạo.

Thinh lặng giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp.
 “…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…”
          
Trong bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ”, nhà thơ Hàn Mặc Tử kêu mời ta hãy lắng đọng tâm hồn trong cỏi riêng tư để cảm nhận sâu xa vẻ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế yêu thương ban tặng cho. Chỉ có thinh lặng, ta mới chìm sâu vào tận đáy lòng mình để nhận ra đáy nước hồ reo, nghe thấy nhịp rung của liễu tơ và nhận ra tình yêu của đất trời.
          
Chính đời sống thinh lặng, Thánh Giuse mới có khả năng nhìn thấu được phía bên kia của những biến động làm xáo trộn cuộc sống của ngài. Chính trong thinh lặng ngài mới thấu suốt và tin tưởng vào những vẽ đẹp của ơn Chúa ban trước những biến cố đầy sóng gió xảy đến cho gia đình mình.
          
Người đời thường nói: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc. Như thế thinh lặng được ví như một chuẩn mực của đạo đức, một tiêu chí của khôn ngoan thông thái.
          
Ông bà ta vẫn nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Người không biết thì lại lắm mồm vì tưởng người khác không biết như mình, người biết thì lại không nói vì nghĩ rằng mọi người đều biết”.).
          
Trong thinh lặng đầy khôn ngoan, Thánh Giuse đã âm thầm bảo vệ che chở Đức Maria và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trong bầu khí ấm êm của một gia đình hợp pháp. Cho nên Heidegger mới khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ hoà quyện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới.
          
Thinh lặng để thấu đạt được cái vô thường, cái bất biến, cái trường cửu của đất trời. Thinh lặng để thấu triệt được nội quan cũng như ngoại giới. Thinh lặng đễ thấy ta là nhỏ bé, là mong manh, là hạn hữu trong mênh mông, bao la, vô hạn giới của đất trời, của vũ trụ thường hằng và vô biên. Thinh lặng để chuyển tải nhiều hơn, thinh lặng để nói nhiều hơn, để nghe nhiều hơn, để thấu đạt nhiều hơn, có lẽ cũng đáng giá lắm thay sự thinh lặng ấy!
          
Trong chính sự thinh lặng của đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Vì thế ngài được gọi là “người công chính”: làm theo ý Chúa.
          
Giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, ta phải chọn lựa như thế nào? Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, ta biết đâu là đúng, đâu là sai? Có lẽ ta hãy học thinh lặng như thánh Giuse, để lắng đọng tâm hồn, bình tĩnh lắng nghe tiếng Chúa nói. Khi nghe được tiếng Chúa, ta phải cương quyết chọn lấy cho mình con đường. Đó là sống cho nền văn minh tình thương và văn hoá của sự sống theo gương Thánh Giuse.