Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C


 Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG C
Lời Chúa: Br 5,1-9; Pl 1,4-6, 8-11; Lc 3,1-6

 

1. Sa mạc

Phân tích
Thánh Luca viết đoạn Tin Mừng này nằm 3 ý:

1. Muốn cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bởi thế Luca liệt kê những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,
  - Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.
  - Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.
Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).

2. Khi kê khai những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người do thái mà còn cho mọi dân tộc.

3. Và Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền họ dọn đường cho Ngài.

Suy gẫm

1. Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời cao đã xuống trần gian, đi vào lịch sử loài người. Nghĩa là Ngài muốn chia sẻ thân phận con người. Còn tôi, tôi có muốn chia sẻ cuộc đời tôi cho Ngài không?

2. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại. Thế mà đã sau 20 thế kỷ và sắp bước vào thiên niên kỷ thứ ba mà còn rất nhiều người chưa nhìn nhận Ngài. Do đâu? Tôi có phần trách nhiệm nào trong sự thiếu sót này không?

3. Trách nhiệm của tôi có lẽ là đã không quan tâm đến việc “dọn đường”. Ngày xưa Đấng Cứu Độ cần có Gioan dọn đường, thì ngày nay cũng vẫn thế. Việc này ngày nay được gọi là “Tiền Phúc âm hóa”. Việc “tiền Phúc ấm hóa” tạo những điều kiện thuận lợi cho mãnh đất, để khi hạt giống phúc âm gieo xuống thì mọc lên ngay. Vậy tôi sẽ làm công việc tiền phúc âm hóa này cho những ai? Và làm bằng cách nào?

4. Gioan Tẩy giả được kêu gọi là ngôn sứ cho Chúa trong khung cảnh lịch sử thời ông. Chúa cũng gọi tôi làm chứng cho Ngài trong khung cảnh lịch sử và xã hội cụ thể của tôi. Tôi phải trình bày Đức Giêsu như thế nào để cho người đương thời thấy được rằng Ngài là một Đấng rất gần gũi với họ và có thể cứu họ?

5. Gioan được kêu gọi “trong sa mạc”, nghĩa là trong một khung cảnh thinh lặng. Tôi cũng chỉ có thể gặp Chúa và nghe được tiếng gọi của Ngài nếu tôi biết đi vào “sa mạc” bằng tĩnh tâm, cầu nguyện và không để mình bị xáo trộn bởi những lo lắng sự đời.
6. Chẳng những tôi phải dọn đường cho Chúa đến với anh chị em tôi, mà cũng phải dọn con đường tâm hồn tôi để cho Chúa đến với tôi nữa. Vậy, hiện tại con đường tâm hồn của tôi thế nào: những chỗ quanh co là gì? lồi lõm là gì?

2. Mở đường cho Chúa

Khi Gioan Tẩy giả đuọc sai đi loon báo Đấng Messia, ông mở đầu hoạt động bằng kêu gọi dân chúng mau mở đuòng đón Ngài: "Hãy sửa đuòng của Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu. Hãy bạt mọi núi đồi. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa? Lời thúc giục của Gioan lúc nào cũng thích hợp với người Kitô hũu: Hãy mở cho Thiên Chúa một con đuòngvào chính lòng mình.

Thế nào là mở đường cho Chúa?

Các nhà kinh tế và chỉnh trang lãnh thổ đều đồng ý rằng: Muốn phát triển những miền rừng rậm, hoang dã thì việc đầu tiên phải làm là mở đường. Đường mở tới đâu thì cảnh âm u, tiêu điều sẽ bị đẩy lùi dần tới đó. Dân chúng kéo đến lập nghiệp, sự sống bừng lên, văn minh lan tới. Nhờ giao lưu với những vùng đông dân cư, chấm dứt được tình trạng cô lập

Người Kitô hữu cũng phải làm một việc tương tự: mở đường cho Chúa đến với chính mình.

Chấm dứt tình trạng cô lập

Chúng ta là Kitô hữu mà nhiều lúc chúng ta sống như thể không có Chúa, hoặc không cần đến Chúa. Mình tự cô lập mình. Nhiều người sống trong tâm trạng: có Chúa cũng chẳng thêm gì, mà không có Chúa cũng chẳng thiếu gì. Vẫn sống được. Cuộc đời mình cứ việc diễn ra bên ngoài Chúa. Mà như vậy lại càng hay, bởi vì mình có thể sắp đặt cuộc đời mình theo ý mình muốn, sống như ý mình thích. Có Chúa nhúng tay vào thêm rắc rối, mình sẽ bị trói tay. Sống như vậy sẽ thật buồn thảm.

Thật ra thái độ cô lập đó là một sự tự sát. Con người không thể sống thiếu dưỡng khí. Thiên Chúa chính là dưỡng khí của con người Kitô. Thiếu dưỡng khí thì chết ngạt. Thiên Chúa chính là sự sống và là nguồn cứu độ của ta. Không có Chúa, sự sống của ta chỉ là sự chết trá hình và cuộc đời của ta chỉ là một cơn hấp hối kéo dài.

Để cho ánh sáng và sự sống của Chúa tràn tới. Chúa đến để giải thoát chứ không phải để trói buộc. Có Chúa thì mình mới sống thật tự do, thật viên mãn; vì chúng ta đã được Kitô hóa.

Chuyển hướng đời mình

Nếu chưa có đường thì phải mở đường cho Chúa. Nếu đã có đường nhưng đường còn quanh co, gồ ghề thì cần sửa lại. Cuộc chuyển hướng này sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.

Trước hết hãy can đảm thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi. Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi lâm vào tình trạng bế quan tỏa cảng nói trên, nhưng có thể lại mắc kẹt nhiều cách khác. Mình muốn đón Chúa, thấy cần đón Chúa, nhưng lại chưa sẵn sàng đoạn tuyệt với tội lỗi. Biết rõ tình trạng bắt cá hai tay đó không ổn, nhưng còn luyến tiếc lối sống cũ, chưa quyết tâm dứt bỏ. Còn bị giằng co, do dự giữa hai tiếng gọi trái nghịch. Như vậy là đã có sẵn một con đường, nhưng chỉ là một con đường mòn chật hẹp, quanh co, lầy lội, đầy trở ngại.

Đối với tình trạng giằng co này, lời Gioan Tẩy giả trong đoạn Tin Mừng thật rất thích hợp: Hãy uốn nắn đường cho ngay thẳng, bạt chỗ cao, lấp chỗ trũng... để Chúa có thể đến được.

Bước tiếp theo là cần khơi lửa mến lên trong lòng mình. Sạch tội đã là một bước tiến đáng kể, nhưng cũng vấn chưa đủ Có biết bao người sạch tội nặng, nhưng lòng vẫn nguội lạnh, hững hờ. Không xa Chúa hẳn, nhưng cũng chẳng gần Ngài bao nhiêu. Còn thiếu một nỗ lực tích cực hướng tới sự thánh thiện, còn sống đạo theo thời vụ, mưa nắng đan xen, chưa thấy Thiên Chúa là niềm khao khát lớn nhất của đời mình, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng vô tận của mình.

Trong những điều kiện như vậy chúng ta vẫn còn phải mở rộng đường cho Chúa đến, càng ngày càng rộng. Càng ngày càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn. Được tràn đầy Thiên Chúa bao nhiêu càng thêm khao khát bấy nhiêu. Như vậy cuộc đời sẽ được biến đổi thành một Mùa Vọng trường kỳ và liên tục.

Sau khi kêu gọi dân chúng dọn đường cho Chúa đến, Gioan còn nói thêm “Và mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ.

Nếu chúng ta thật lòng tìm kiếm và quyết tâm mở đường cho Chúa thì chính chúng ta cũng sẽ được thấy ơn cứu độ, nghĩa là gặp được Thiên Chúa.

3. Hãy dọn đường

Trận bão tuyết trên dòng cỏ Cansas phủ một lớp tuyết dầy từ 1,5 m đến 2 m trên đường đi. Chuông điện thoại reo trong nhà bác sĩ. Vợ của ông Yohn Lang sắp sinh một em bé. Nhưng bác sĩ không thể vượt qua những đồng tuyết dầy đó. Ông John kêu gọi lối xóm: “Xin các bạn giúp bác sĩ tới” tức thời, tứ phía, đàn ông, con trai tay cầm cuốc, xẻng ùa tới, họ làm việc tận lực trong hai tiếng đồng hồ, thế là bác sĩ kịp thời để giúp em bé Lang chào đời.

Hôm nay, lời kêu gọi của một người cha khác, người cha trên trời đến với chúng ta: “Hãy dọn đường cho Chúa” Con của Ngài sẽ sinh ra một cách đăc biệt trong ít tuần lễ nữa. Lời kêu gọi từ sứ giả Isaia của Chúa Cha, được vị tiến bộ người bà con của Chúa hài đồng nhắc lại: “Hãy dọn đường sẵn sàng”.

Chúng ta được mời gọi, không phải để dẹp những đống tuyết, nhưng để dẹp bỏ những khinh khi, những biếng nhác, những tội lỗi và những gì làm Chúa Hài đồng không thể đến trong con tim chúng ta.

Để dọn đường, chúng ta phải nghĩ tới ý nghĩa của lễ Giáng Sinh, chúng ta phải xin Người ngự đến trong con tim của mọi người, chúng ta phải làm những gì đẹp lòng Người. Hãy tử tế với mọi người, giúp đỡ kẻ thiếu thốn, quên mình để giúp người khác thoải mái, hạnh phúc và mến chuộng hơn.

Có nhiều thứ chuẩn bị vật chất cho ngày Chúa đến: quà tặng, thiệp mừng, đồ trang trí, thực phẩm, chương trình, chuẩn bị cho ngày lễ gia đình, những cái đó tốt đẹp, nhưng phải hơn thế nữa chúng ta phải dọn lòng trí cho thanh sạch. Hơn nữa, chúng ta dọn đường Chúa cách tập thể. Trong câu chuyện một nhóm người lối xóm dọn dẹp tuyết, cho chúng ta ý tưởng chúng ta phải dọn đường thế nào cho Hài nhi Belem đến trong lòng chúng ta cũng như họ, chúng ta cùng làm việc với nhau.

Giáng Sinh là một lễ của cộng đoàn. Hầu hết chúng ta - tôi hy vọng tất cả chúng ta - Giáng sinh là một lễ của gia đình. Tất cả gia đình cần phải tham dự, cần giúp nhau chuẩn bị, cần góp sức với nhau.

Trong gia đình họ đạo, chúng ta cũng cần sát cánh với nhau. Mỗi người có phận sự của mình trong nghi lễ ngày sinh nhật Chúa, người giúp việc, người giải thích, người đọc sách, người dọn máng cỏ, người trang hoàng bàn thờ và tất cả chúng ta cùng ca hát, và cầu nguyện trong mùa thánh này.

Hãy để ý những lời cầu nguyện trong thánh lễ, chúng ta thường dùng từ ngữ “chúng ta”, “chúng con” như: “chúng con dâng lên Chúa, chúng con cảm tạ Chúa”. Chúng con ca tụng Chúa. Hãy làm cho chúng ta xứng đáng, nhất là trong lời kinh chính Chúa Giêsu đã dậy chúng ta: “Lạy cha chúng con... lương thực chúng con... tội lỗi chúng con”

Với Chúa, mỗi người chúng ta đều quí giá. Chúng ta càng quí hơn khi chúng ta cầu nguyện với nhau, ca hát với nhau, dâng lễ với nhau, chịu lễ với nhau, làm việc với nhau, ước gì mọi người chúng ta cùng nhau dọn đường Chúa đến trong tâm hồn, như một gia đình riêng, như một gia đình họ đạo và như một gia đình rộng lớn của Chúa. Amen.

4. Dọn đường cho Chúa

Trong những trận bão lụt tại miền Trung nước Việt, nhiều làng bị nước ngập; nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn đi hay bị sạt lở, xe cộ không đi lại được… Dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn xử dụng được nữa. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Bạn thân mến, Con đường vật lý đã cần, nhưng “con đường thiêng liêng” còn cần hơn…Con đường thiêng liêng có thật tốt mới giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa và nhất là đón nhận chính Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được Ngài vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

  - Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

  - Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh lợi, thú vui dục vọng

  - Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

  - Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy sửa chữa con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta cho tốt đẹp hơn để đón Chúa đến

Hãy bạt đi những thói kiêu căng tự mãn; tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đầy những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà; những đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề độc ác; những câu nói hành nói xấu trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa, đổi mới một con đường bằng cách lấp đầy những hố sâu, uốn thẳng những khúc quanh thì thật dễ, dọn dẹp cho sạch sẽ một con đường thì dễ hơn… Nhưng đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường thiêng liêng trong tâm hồn thì không dễ chút nào. Để chuẩn bị cho ngày Con Thiên Chúa lại đến, xin ban ơn giúp sức cho con trên con đường phấn đấu bản thân, để mỗi ngày con biết "bắt đầu lại" công việc dọn dẹp đổi mới con đường thiêng liêng trong tâm hồn con. Amen.

Lm. Đan Vinh