Chúa Nhật XXVIII TN C - Lòng Biết Ơn


Chúa Nhật XXVIII TN C
Lc 17, 11-19
Lòng Biết Ơn



Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? " (Lc 17,17-18)

Dù đang bước trên hành trình lên Giêrusalem, Chúa Giêsu nán lại chữa lành mười người phong hủi vì họ đón chờ Ngài và van xin “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13). Người phong cùi vốn bị coi là người tội lỗi và ô uế và ai gặp họ đều bị ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng xã hội. Chúa Giêsu gặp gỡ tiếp xúc với bệnh nhân phong nhưng không mắc bệnh phong để phá vỡ thành kiến ô uế thời đó. Ngài thể hiện lòng thương xót, hiệp thông và bác ái để nối kết họ với với cộng đồng. Ngài bảo họ đi trình diện các tư tế, vì chỉ những ai được sạch bệnh phong mới được công nhận hoà nhập với mọi người. Dù chưa được sạch nhưng họ tin và đi trình diện các tư tế, và đang khi đi thì họ được sạch. Nhưng chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn Chúa, mà đó lại là người ngoại Samari. Anh vội vã quay lại tri ân Chúa với lòng biết ơn chân thành: “Lễ toàn thiêu và lễ xóa tội, Chúa không đòi. Con liền thưa: Này con xin đến” (Tv 39,7-8). Anh trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, và Ngài lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin cho anh. Như thế, cảm ơn lại là cơ hội để anh được nhận thêm ơn. 

Hẳn nhiên Chúa Giêsu không làm phép lạ để được biết ơn, nhưng Ngài mong chín người kia trở lại để gặp họ và trao cho họ chính con người của Ngài. Thánh Luca thuật lại câu chuyện khi thấy người Samari trở lại cảm ơn, Chúa Giêsu nói với anh: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Ngoài ơn được chữa lành, anh còn được ơn đức tin. Anh biết Chúa Giêsu là người đã thi ân và chữa lành cho anh nên anh “sấp mình dưới chân Ngài mà tạ ơn” (Lc 17,16). Anh công nhận Ngài là Chúa và phục lạy Ngài. Thay vì đi trình diện tư tế nơi đền thờ đạo cũ, anh thờ lạy Chúa Giêsu là đấng thật sự ban ơn cho anh. Như Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria bên giếng Giacop: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4,23). Lòng biết ơn của người Samari biểu lộ niềm tin của anh. Trong bài đọc 1, chúng ta cũng thấy tướng Naaman, vua nước Aram, sau khi khỏi bệnh đã đến cảm ơn ngôn sứ Elisa và dâng lễ vật tạ ơn Chúa. Cả hai lương dân đều thể hiện lòng biết ơn Chúa cách cụ thể. Đức tin của chúng ta cũng cần được diễn tả bằng hành động cụ thể như thế. Chính những người ngoại này giúp chúng ta sống niềm tin của mình cách sống động hơn, để chúng ta đến với Chúa và tăng tưởng lòng tin, cậy, mến. 

Tại sao chín người Do Thái cũng được Chúa chữa lành nhưng họ không quay lại cảm ơn Chúa? Chúa Giêsu nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18) Chúa mang ơn cứu độ đến cho cả Do Thái lẫn dân ngoại, thế mà chỉ có dân ngoại nhận ra và thờ phượng Chúa. Còn những người Do Thái sống niềm tin của mình theo thói quen và tập quán mà không nhận ra Đấng đem đến ơn cứu độ. Có thể chúng ta cũng như chín người kia, vì quá quen với những ơn Chúa ban nên thấy những gì mình có được là chuyện bình thường. Tất cả vũ trụ này Chúa đã dựng nên và ban tặng cho chúng ta cách nhưng không. Thế nên những gì chúng ta đang có từ vật chất đến tinh thần như sức khỏe, khả năng, thời gian cho đến gia đình ông bà, cha mẹ… đều là ân ban của Chúa để chúng ta sống sung mãn ở đời này. Liệu chúng ta có biết tạ ơn Chúa và bày lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta không? Đó là chưa kể đến những công sức của nhiều người khác giúp chúng ta được lớn lên và phát triển mọi mặt. 

Cuộc sống của Chúa Giêsu trải dài tâm tình tạ ơn Chúa Cha từ lời nói cho đến hành động của Ngài. Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Ladarô sống lại: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.” (Ga 11,41-42); trước khi Ngài làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11); trước khi Ngài lập Phép Thánh Thể: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này.” (Mt 26,26-27). Chúa Giêsu không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Mỗi thánh lễ chúng ta tham dự là tâm tình tạ ơn về lễ tế là chính Chúa dâng trên bàn thờ để thành của ăn nuôi dưỡng hồn xác chúng ta. Mỗi lời cầu nguyện của chúng ta cũng thấm đẫm lời tạ ơn không ngừng về biết bao ân huệ Chúa thương ban từ tình Chúa tình người. Cả đời sống chúng ta là lời tạ ơn để chúng ta cũng đáp trả như là quà tặng dâng lên Chúa. Chúng ta rước Chúa Giêsu vào lòng và kết hiệp với Ngài để cùng Tử Nạn, Phục Sinh và lên trời với Ngài. 

Chúng ta thể hiện lòng biết ơn qua niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta, để như thánh Phaolô chúng ta mạnh mẽ xác tín: “Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2Tm 2,10). Do đó, lòng biết ơn không chỉ thể hiện khi ta được điều may lành nhưng dù “chịu khổ và phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2Tm 2,9), chúng ta vẫn đem lời Chúa đến cho mọi người. Đức tin của chúng ta cần được thăng tiến mỗi ngày để nhận ra Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành. Khi chúng ta nhận ra những gì chúng ta có được là do ơn ban của Chúa và công khó của bao người, chúng ta sẽ sống tâm tình biết ơn như người Samari. Lòng biết ơn thể hiện qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta, không chỉ là lời nói cảm ơn bên ngoài mà còn là cách sống chia sẻ những ân ban đó cho nhiều người khác. Một khi chúng ta đón nhận những ân ban từ Chúa và người khác, chúng ta cũng biết cho đi cách quảng đại qua việc dấn thân phục vụ mọi người. 

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ của Chúa đan xen nối tiếp nhau. “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1,16). Cũng có những ơn đến từ người khác vì chúng ta liên đới với nhau trong cuộc sống này. Tâm tình tạ ơn Chúa hay lời nói “cảm ơn” chân thành với tất cả những gì chúng ta đón nhận là cử chỉ thể hiện niềm tin của chúng ta vào Chúa và làm cho chúng ta trưởng thành hơn. Đó cũng là những nghĩa cử đẹp điểm tô cho cuộc sống thắm đượm tình Chúa tình người. Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1Cr 15,10). Ngài nhận ra ơn Chúa và cảm ơn tất cả những ai đã giúp ngài trong công việc mục vụ. Trong năm hiệp hành, chúng ta được mời gọi cùng hiệp thông, tham gia vào sứ vụ truyền giáo để bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người. Sống trong mối hiệp thông chia sẻ, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh nơi anh chị em trong cộng đoàn để vững tin vào Chúa, hầu trở nên khí cụ bình an của Chúa cho mọi người.

Lạy Chúa, tất cả đều là ân ban của Chúa nhưng đôi khi chúng con lãnh nhận mà thiếu tâm tình tạ ơn. Chúng con thường coi mọi sự là đương nhiên mình được hưởng từ vũ trụ, không khí, thức ăn cho đến sức khoẻ, khả năng… Đời sống của chúng con được bao bọc bởi muôn vàn ân sủng của Chúa nhưng chúng con chưa nhận ra đó là ơn Chúa ban. Có khi chúng con còn so sánh với người khác và đòi hỏi những ơn như họ, nhưng Chúa biết những gì là cần thiết và tốt đẹp cho chúng con. Xin cho chúng con vững tin vào tình yêu của Chúa để nhận ra những gì chúng con có là đủ cho chúng con sống tốt ở đời này. Xin cho chúng con khiêm tốn đón nhận những ân ban từ Chúa và người khác hầu sống có tình có nghĩa, thể hiện lòng biết ơn và quí trọng những ân ban đó, để đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Nhất là chúng con biết dùng những ân ban đó để phục vụ mọi người cách thiết thực hầu cho danh Chúa được nhiều người biết hơn, tin hơn và yêu mến hơn. Ước gì chúng con luôn sống tâm tình ta ơn và ca vang lời Thánh vịnh: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 135,1). Amen. 

Sr. Maria Kim Yến, MRP