Chúa Nhật XXVI TN C - Giàu Nghèo


Chúa Nhật XXVI TN C
Lc 16, 19-31
Giàu Nghèo



“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.” (Lc 16, 19-31)

Đành rằng xã hội thời nào cũng có những người giàu sống bên cạnh những người nghèo nhưng làm sao để khoảng cách giàu nghèo không quá lớn. Dụ ngôn về “Người phú hộ và anh Lazarô” trong bài Tin mừng hôm nay cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn giữa hai người. Trong khi người nhà giàu “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” còn người nghèo Ladarô, “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16, 22). Người nhà giàu chỉ hưởng thụ cho riêng mình mà không biết chia sẻ cho người nghèo Ladarô. Hẳn nhiên người nhà giàu biết Ladarô đang cần được ăn và được chăm sóc nhưng tiện nghi vật chất đã đóng kín lòng ông. Ông thấy mà như không thấy cũng chẳng quan tâm đến nhu cầu của người khác. Giá như ông san sẻ một chút gì đó cho Ladarô thì hay biết mấy.

Thế rồi cuộc sống đời này qua đi, ông đã không cho người khác thì cũng chẳng ai cho ông giọt nước nào. Lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Quang thật ý nghĩa: “Đã là người mỗi người đều có một lần sinh ra, một lần chết đi, nên đừng uổng phí khi không có gì cho anh em mình.” Người phú hộ đã uổng phí những thức ăn từ yến tiệc linh đình của ông mà không giúp Ladarô đang cần được ăn. Ông sống sung túc đầy đủ trong không gian riêng mình mà chẳng cần biết đến Thiên Chúa cũng như tha nhân. Khoảng cách giàu nghèo lớn dần và kéo dài đến đời sau. Cuối cùng số phận thay đổi, người nghèo Ladarô được ở thiên đàng trong khi người giàu phải chịu cảnh hoả ngục. Thế giới hôm nay cũng không ít người giàu và người nghèo như thế. Khoảng cách giàu nghèo đã làm cho nhiều người trong xã hội hôm nay ít quan tâm đến người khác. Ngay cả những người láng giềng cũng ít thăm hỏi, chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho nhau. Thay vì của cải vật chất là nhịp cầu nối kết lại là bức tường ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. 

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại chính mình để biến đổi ngay từ lúc này chứ không đợi đến lúc quá muộn như người phú hộ. Ông muốn giúp cho năm anh em của mình còn đang sống không gặp cảnh như mình nên xin với Abraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này.” (Lc 16,27-28). Nhưng ông Abraham nói thật đúng: “Môisê và các ngôn sứ mà họ không chịu nghe, thì người chết sống lại họ cũng chẳng tin” (Lc 16,31). Chúng ta còn sống đây, liệu chúng ta có tỉnh thức và biến đổi mỗi khi nghe Lời Chúa không? Liệu chúng ta có mở rộng lòng đến với tha nhân, nhất là những người cùng khổ và bất hạnh đang sống quanh mình không? Chúng ta biết rằng khi còn sống ở đời này là chúng ta còn có thể lập công phúc được.

Vì người nhà giàu thiếu tình thương, vô tâm dửng dưng trước nỗi cùng khốn của người khác mà bị trầm luân địa ngục. Nếu giàu có về mọi thứ mà thiếu lòng mến thì cũng là nghèo. Thánh Phaolô viết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13, 2). Chúng ta liên tưởng đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraina hiện nay. Vì lợi ích cho nước mình mà Nga xâm hại đến quyền lợi của nước khác. Điều này gây ra thiệt hại đến nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của biết bao người khác. Vì không ai là một hòn đảo nên chúng ta liên đới nhau trong cuộc sống. Có thể chúng ta không giàu về của cải, nhưng giàu về sức khoẻ, khả năng, thời gian… chúng ta cho đi và giúp đỡ những người khác đang cần đến. Là những người của Chúa, chúng ta sống đạo đức, công chính và thực thi bác ái như Chúa mời gọi. 

Sự tương phản giữa giàu và nghèo được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu luôn yêu thương những người nghèo và đề cao tinh thần nghèo khó trong các mối phúc của Ngài. Tuy nhiên không phải những người nghèo là đương nhiên được hưởng Nước trời mai sau, cũng như không phải những người giàu bị đầy xuống âm phủ. Nếu nghèo do lười biếng làm ăn thì thật đáng trách vì họ như là gánh nặng cho người khác. Còn nếu giàu mà quảng đại giúp đỡ, cho đi thì thật đáng khen. Không như những người giàu trong bài đọc 1 mà ngôn sứ A-mốt tố cáo: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng…Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng…nhưng chẳng thấy đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ. Vì thế chúng sẽ bị lưu đày (Am 6,4-7). Nếu giàu mà chỉ biết hưởng thụ, không nhìn thấy nỗi đau của người khác để chia sẻ thì đáng buồn biết bao. 

Chính tình yêu của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta xoá đi khoảng cách giàu nghèo để sống bác ái yêu thương. Nói thì dễ dàng nhưng thực hành cụ thể trong cuộc sống thì không đơn giản. Đôi khi chúng ta phải phấn đấu vượt lên chính mình để thay đổi từng ngày. Điều quan trọng là chúng ta có sự thăng tiến hôm nay hơn hôm qua. Chúng ta tập luyện để có một trái tim nhạy bén biết cảm thương trước những cảnh ngộ bất hạnh. Nếu trước đây chúng ta còn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình, thì nay chúng ta nghĩ đến tha nhân để quan tâm, chia sẻ và liên đới với họ. Nếu trước đây chúng ta chỉ lo toan cho sự sống cho đời này thì nay chúng ta chuẩn bị cho sự sống đời sau, bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chỉ khi chúng ta hiệp thông liên đới với tha nhân ở đời này, chúng ta mới thực sự hiệp thông trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trên thiên quốc.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con nhiều ơn lành để chúng con vui sống ở đời này. Xin cho chúng trân trọng giữ gìn những ơn Chúa ban và chia sẻ cho những người cần đến để tình Chúa tình người được lan toả trong cuộc sống hôm nay. Xin cho chúng con mở lòng trước những nhu cầu của tha nhân để đáp ứng kịp thời. Nhất là chia sẻ tình thương cho những người thiếu thốn nghèo khổ, bất hạnh để phần nào họ được quan tâm an ủi. Xin Lời Chúa hoán cải chúng con mỗi ngày để chúng con sống đẹp lòng Chúa. Đừng để chúng con lãng phí ơn Chúa mà không biết chia sẻ cho những người đang cần đến. Xin giúp chúng con ý thức rằng những gì chúng con đang hưởng dùng là công khó, mồ hôi và nước mắt của bao người khác để trân trọng biết ơn và san sẻ cách quảng đại cho hết mọi người. Amen. 
Sr. Maria Kim Yến, MRP