Chúa Nhật XXIV TN A - Tha Thứ Cho Nhau


Chúa Nhật XXIV TN A
(Mt 18,21-35)
Tha Thứ Cho Nhau


“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)

Lời Chúa của Chúa nhật tuần này tiếp nối lời dạy của Chúa Giêsu tuần trước. Sau khi mời gọi chúng ta chân thành sửa lỗi cho nhau, Chúa Giêsu muốn chúng ta tha thứ cho người khác vô giới hạn. Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18, 21). Theo Thánh Phêrô, bảy lần đã là nhiều, thế mà Chúa Giêsu trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Liệu chúng ta có tha thứ vô giới hạn như thế không? Chúng ta có kiên nhẫn và quảng đại để bỏ qua những sai lỗi, yếu đuối và bất toàn của người khác không? Khi tha thứ nhiều lần như thế, liệu chúng ta có dung túng cho người phạm lỗi không? 

Chúa Giêsu kể câu chuyện tên đầy tớ được tha nợ để nói lên lòng thương xót, tha thứ và rất mực khoan dung của Thiên Chúa trước sự hẹp hòi của con người. Tên đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng, số nợ quá lớn, vì một ngày công chỉ một quan tiền (Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ sấp mình van xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Tên đầy tớ được tha hết nợ lại cư xử trái ngược với người bạn chỉ mắc nợ y một trăm quan tiền. Y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Dù người bạn sấp mình van xin như y đã xin nhà vua, y vẫn bắt bạn tống giam vào ngục. Vua nghe biết sự việc liền bắt y phải trả hết nợ. Chúa Giêsu kết luận: “Vậy Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)

Biết bao lần chúng ta lỗi phạm trong lời nói, suy nghĩ và việc làm, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta qua Bí Tích Hòa Giải, để chúng ta bắt đầu lại trong tình yêu của Chúa. Chúng ta được Chúa thứ tha rất nhiều nhưng lại không muốn tha cho người khác. Vì sao? Phải chăng vì chúng ta chưa để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta. Phải chăng vì lòng Chúa bao la còn chúng ta thì hẹp hòi? Chúa yêu thương không giới hạn còn chúng ta yêu thương có giới hạn. Phải chăng vì “cái tôi” của chúng ta quá lớn, nên khó tha thứ cho những người gây tổn thương, xúc phạm chúng ta. Dù họ có xin lỗi, chúng ta cũng khó bỏ qua. Nhưng liệu khi không tha thứ cho người khác tâm hồn chúng ta có bình an được không?

Hẳn nhiên là không bình an vì những “vết thương lòng” vẫn còn đó, nhưng khi tha thứ cho người khác, chúng ta sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, trút khỏi gánh nặng buồn phiền bực tức. Khi dâng những tâm tư của mình cho Chúa, chúng ta được Chúa cho vơi đi ưu phiền: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7) Thánh Phaolô nói: “Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em?” (Rm 14,9-10). Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, để yêu thương như Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Dù vô tội, Chúa Giêsu bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị đóng đinh vào thập giá như một tội nhân. Trái tim Ngài rộng mở yêu thương cả những người xúc phạm nặng nề đến mình. Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta để chúng ta cũng tha thứ cho người khác: “Tội lỗi các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông.” (Is 1,18) 

Thánh Gioan mời gọi: “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,19) Sách Huấn ca cũng mời gọi chúng ta: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2). Chúng ta là những tội nhân trước mặt Chúa, chúng ta tha thứ cho những người xúc phạm đến mình để được Chúa thứ tha: Chúa dạy chúng ta đi bước trước ngay cả khi chúng ta không có lỗi: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24) Chúng ta nhẹ nhàng để Chúa hành động qua chúng ta hầu sống yêu thương tha thứ như Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xây dựng nền văn minh tình thương, vì chỉ có tình thương mới biến đổi quả tim chai đá của con người. Tự sức mình, chúng ta khó mở lòng tha thứ cho người khác, xin Chúa trợ lực và đồng hành với chúng ta, cách riêng trong năm củng cố sự hiệp thông này, để chúng ta vượt qua những yếu đuối của bản thân hầu sống yêu thương tha thứ như Chúa. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa biến đổi những quả tim chai đá, cứng cỏi, nóng nảy giận hờn của mọi người trên thế giới thành quả tim bằng thịt biết yêu thương tha thứ như Chúa. Mong sao tình thương Chúa khỏa lấp mọi hận thù, bạo lực để mọi người sống hạnh phúc an vui. Nếu mỗi người chúng ta thực thi lòng bao dung tha thứ như Chúa truyền dạy thì cuộc sống sẽ đẹp và chúng ta làm chứng về Thiên Chúa Tình yêu sống động trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa kể câu chuyện tên đầy tớ không biết xót thương để nhắc nhở chúng con là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Chúa tha cho chúng con món nợ lớn hơn rất nhiều so với người khác nợ chúng con. Mỗi khi chúng con ăn năn sám hối đến với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, Chúa đều tha thứ, thế mà chúng con lại khó tha thứ cho người khác. Xin cho chúng con khi đón nhận biết bao ân ban của Chúa thì cũng bao dung tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Đó là cách chúng con đáp đền ơn Chúa khi cư xử tử tế với người đồng loại. Ai cũng muốn được mọi người tôn trọng và yêu thương, xin cho chúng con năng chiêm ngắm Chúa trên thập giá, để học yêu thương tha thứ vô giới hạn như Chúa. Amen.
Sr. Maria Kim Yến, MRP