Chúa Nhật XXIII TN A - Sửa Lỗi Cho Nhau


Chúa Nhật XXIII TN A
(Mt 18,15-20)
Sửa Lỗi Cho Nhau


“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15) 

Lời Chúa hôm nay nói lên mối tương quan giữa người với người trong cuộc sống chung. Nhân vô thập toàn, mỗi người đều có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi cho nhau để cuộc sống mỗi ngày nên hoàn thiện hơn. Điều quan trọng là sửa lỗi trong sự tôn trọng, ban đầu là nhắc nhở riêng cá nhân người đó, nếu vẫn còn lỗi phạm mới đưa thêm một hay hai người nữa và nếu chưa có kết quả, sau đó mới đưa đến cộng đoàn. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh đến mối hiệp thông với nhau trong cầu nguyện vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Chúa, thì có Chúa hiện diện. 

Chúng ta ý thức rằng đã là người ai cũng sai lỗi. Thánh Gioan viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” (1Ga 1,8-9). Điều quan trọng là chúng ta nhận ra mình sai lỗi để khiêm tốn và thông cảm trước những lỗi phạm của người khác. Hơn nữa, chúng ta tạ ơn Chúa Giêsu vì Ngài bầu cử cho chúng ta trước tòa Chúa: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1b). 

Chúng ta liên đới với tha nhân và có trách nhiệm xây dựng cuộc sống ngày càng trong sạch lành mạnh. Do đó, chúng ta không dửng dưng làm ngơ trước lầm lỗi của anh chị em xung quanh, nhất là những lầm lỗi gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Chúng ta cảm thông với yếu đuối của tha nhân, nhưng không bỏ qua sự xấu trong cộng đoàn. Sách luật viết: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.” (Lv 19,17-18) 

Chúng ta ý thức mình còn nhiều thiếu sót để nhường nhịn tha thứ cho người khác như Chúa mời gọi: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận” thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4). Nhưng nếu người đó vẫn sai lỗi ảnh hưởng đến cộng đoàn, chúng ta nhắc bảo để họ sửa đổi thăng tiến. Thay vì bực bội, buồn phiền và nói sau lưng, chúng ta gặp gỡ trực tiếp, đúng nơi đúng lúc để góp ý chân thành. Những lời nói nhã nhặn, ôn tồn, đối thoại trong yêu thương, xây dựng sẽ đổi mới cuộc đời. Tránh những la lối, va chạm hay lên mặt dạy đời làm người khác phản kháng mất bầu khí an hoà cảm thông. Chúng ta can đảm nói cho nhau sự thật để giúp nhau sửa đổi “cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.” (Ep 4,13) 

Đặt mình vào vị trí của người được nhắc bảo, chúng ta khiêm tốn đón nhận góp ý xây dựng của người khác để chỉnh đốn bản thân. Nhất là chúng ta nhận ra mình sai lỗi để xin lỗi và cố gắng uốn nắn sửa đổi nên tốt hơn. Có can đảm nhận lỗi chúng ta mới sửa đổi được. Nếu những lời nhắc bảo của người khác chưa đúng, chúng ta lắng nghe, đối thoại và lấy đó làm kinh nghiệm cho mình. Còn nếu lời góp ý đúng, chúng ta cảm ơn họ vì nhờ họ mà chúng ta nên người. Nhà hiền triết Tuân Tử nói rằng: “Kẻ khen ta mà khen thật là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta chỉ làm hại ta mà thôi.”

Những hành vi sai trái thường gây gương mù gương xấu cho người khác. Đôi khi những người đó nói hay làm những hành vi sai trái không nghĩ những điều đó xúc phạm đến người khác. Chúng ta là những người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô, anh chị, Giáo lý viên... có bổn phận sửa lỗi để người vi phạm ý thức chỉnh đốn lại lối sống cho phù hợp. Điều cần thiết là sửa lỗi thế nào và với cách thế nào để người nghe đón nhận. Nếu thiếu tôn trọng và tế nhị đôi khi còn tạo khoảng cách giữa người gây lỗi và người sửa lỗi. Thật không dễ để một người nhận mình có lỗi vì họ thường tìm lý do để biện minh cho lời nói và việc làm sai trái của mình. 

Trong bài đọc một trích sách ngôn sứ Edêkiel, Chúa nói chúng ta phải có trách nhiệm cảnh cáo người gian ác từ bỏ con đường xấu xa, nếu không thì chúng ta phải trả lẽ về điều đó. Ngược lại: “Nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Edêkien 33,9). Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13,8). Thật thế, khi yêu thương, chúng ta luôn muốn điều tốt cho người khác: không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không ham muốn điều bất chính. Khi yêu thương anh em, chúng ta sẽ có sáng kiến để nhắc nhở sửa lỗi cho nhau trong Chúa cách chân thành mà không tự ái hay ghen ghét. 

Sau cùng, chúng ta cùng hợp nhau cầu nguyện để xin ơn Chúa biến đổi chúng ta và anh chị em xung quanh như Chúa mời gọi: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20). Xin Chúa hiện diện, thánh hóa và biến đổi những yếu hèn sai lỗi của chúng ta nên tốt lành thánh thiện. Việc sửa lỗi huynh đệ này đem lại lợi ích cho họ và cho chính mình, như Thánh Giacôbê viết: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Gc 5,20)

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi để giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người và làm con Chúa. Xin cho chúng con trước tiên khiêm tốn nhận ra những yếu đuối lỗi lầm của mình và sửa đổi. Sau đó mới chân thành góp ý sửa sai người khác cách khôn ngoan, kín đáo và tế nhị, hầu giúp họ thay đổi đời sống nên hoàn thiện hơn. Với tình yêu thương, xin cho chúng con ý thức rằng ai cũng có khiếm khuyết lỗi lầm để thông cảm bỏ qua cho nhau. Ước mong sao qua cầu nguyện, kiên trì đối thoại và góp ý chân tình, nhiều người hoán cải trở về với Chúa. Xin Chúa hiện diện giữa chúng con khi chúng con cầu nguyện nhân danh Chúa trong niềm tin và tình yêu để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành hơn. Amen.
Sr. Maria Kim Yến, MRP