Chúa Nhật XVI Thường Niên - Cảm Thông - Sr. Maria Kim Yến


CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
Mc 6, 30 – 34

CẢM THÔNG



Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,34)

Các tông đồ sau hành trình truyền giáo trở về thuật lại cho Chúa Giêsu những hoạt động rao giảng của các ông, công việc bộn bề hầu như không có giờ để nghỉ ngơi và ăn uống. Chúa muốn các ông lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút, nhưng khi nhìn thấy đám đông dân chúng khao khát Lời Chúa và bơ vơ không người chăn dắt, Ngài đã chạnh lòng thương họ. 

Sau thời gian được sai đi truyền giáo nay các tông đồ trở về vui mừng kể cho Thầy nghe những thành công thất bại gặp phải trên bước đường sứ vụ. Khung cảnh thật dễ thương khi Thầy trò bên nhau, tay bắt mặt mừng. Chúa Giêsu tỏ lòng yêu thương chăm sóc các tông đồ khi bảo các ông hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút. Điều này nhấn mạnh rằng Chúa muốn các tông đồ tách hẳn đám đông dân chúng để có bầu khí tương giao mật thiết với Chúa và với nhau hơn. Ngoài ra, Chúa còn quan tâm chăm sóc đến chính bản thân các ông là những cộng sự viên của Ngài. 

Chuyến công tác truyền giáo của các tông đồ dường như có kết quả tốt, nên dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài: "kẻ đến người đi tấp nập". Chúng ta thấy hiệu quả của việc tông đồ là làm cho người ta thao thức đến với Chúa để được gặp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu không muốn các tông đồ ở lại trong sự thành công đó. "Các ngài xuống thuyền chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh". Ý định của Chúa Giêsu là muốn Thầy trò có bầu khí yên tĩnh, tránh sự ồn ào náo nhiệt của đám đông, để sống thân mật, dễ dàng nói chuyện và trao đổi tâm sự với nhau. Hơn nữa, Chúa cũng muốn các tông đồ có thời gian tĩnh dưỡng tinh thần, để cầu nguyện và nhận định lại những biến cố trong đời sống cũng như những công việc đã làm. Thật vậy, những buổi tĩnh tâm là những lúc chúng ta được trở về bên Chúa, với những khoảng lặng để cầu nguyện, xét mình về đời sống tâm linh và công việc tông đồ của mình, hầu kín múc sức mạnh từ Chúa để tiếp tục hành trình. 

Chúng ta thấy hình ảnh thật dễ thương khi Chúa Giêsu ra khỏi thuyền, Ngài thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương vì họ tha thiết theo Chúa, chẳng ngại đường xa, mệt mỏi, đói khát. Chính sự tha thiết này đã đánh động lòng trắc ẩn của Chúa. Chúng ta nhớ đến những lần Chúa đi rao giảng, khi gặp hai người mù van xin: “Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người” (Mt 20, 34) và khi thấy bà goá thành Naim có đứa con trai duy nhất qua đời, Chúa đã chạnh lòng thương và cho anh thanh niên được sống lại. (Lc 7, 13). Chúng ta cũng tỏ lòng khao khát Chúa bằng cử chỉ tha thiết đi tìm Chúa, lắng nghe Chúa giảng dậy, ở lại với Chúa trong những việc đạo đức, để cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa.

Phần chúng ta là những người đi theo Chúa, chúng ta cũng noi gương Ngài động lòng trắc ẩn đối với dân chúng qua công việc tông đồ của mình. Chúng ta nhạy bén nhận ra những nhu cầu của họ để đáp ứng cách cụ thể. Hẳn nhiên chúng ta không thể lo hết đời sống vật chất và tinh thần của họ, nhưng với những thiện chí giúp đỡ của chúng ta, Chúa sẽ cho họ được an ủi. Chúng ta cần tỏ thái độ cảm thông với nỗi đau của tha nhân như thánh Phao-lô đã mời gọi: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ. Thật đẹp biết bao khi các chủ chăn cũng chạnh lòng thương những đôi hôn phối gặp hoàn cảnh bất thường, để hướng dẫn, giúp họ có đủ điều kiện cử hành hôn lễ tại nhà thờ, hầu họ được an tâm sống đạo. Hơn nữa, các mục tử cũng sẵn sàng gặp gỡ các 
hối nhân xin xưng tội ngoài giờ quy định, dù không có hẹn trước, để ban Bí tích hòa giải cho họ, để họ được giao hòa với Chúa, hoặc đi kẻ liệt khi có người đau nặng vào giờ nghỉ trưa hay lúc đêm khuya, để cứu linh hồn họ vào giờ sau hết.

Chúng ta cũng nhìn đến Chúa Giêsu uyển chuyển trong khi thi hành sứ vụ, dù lý do muốn có thời gian ở riêng với các tông đồ là chính đáng, nhưng khi thấy dân chúng “như bầy chiên không người chăn dắt”, Chúa đã bỏ ý định đó để lo giảng dậy cho họ. Chúng ta cũng đặt ưu tiên trong việc lo cho phần rỗi các linh hồn, hy sinh ý riêng hay công việc riêng để lo cho công việc chung được thành toàn tốt hơn.  

Lạy Chúa, để chạnh lòng thương như Chúa đòi hỏi chúng con phải hy sinh chính mình rất nhiều. Chỉ khi chúng con kết hiệp thâm sâu với Chúa, trái tim chúng con được biến đổi nên giống Chúa thì chúng con mới dễ dàng cảm thông và chia sẻ nỗi đau với tha nhân. Xin cho chúng con thực sự trở nên khí cụ bình an của Chúa, để phục vụ mọi người với tình yêu của Chúa, không phân biệt đối xử, nhưng luôn nhạy bén, bao dung và nhân hậu, hầu dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Amen.

Sr. Maria Kim Yến - MRP