Chúa Nhật V Phục sinh - Yêu Như Chúa Yêu


Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C
(Ga 13, 31-33a.34-35)
YÊU NHƯ CHÚA YÊU


 
"Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,34-35)

Bước vào Chúa nhật thứ V Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và suy gẫm về những lời di chúc của Chúa Giêsu, trước khi Ngài từ giã các môn đệ thân yêu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35) Chính Đức Giêsu đã làm chứng về tình yêu “agapê” này khi Người cúi xuống rửa chân các môn đệ và ra đi chịu chết cho các ông và mọi người. Đó là tình yêu quảng đại, hàm chứa sự tự hiến, sự hy sinh. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu các môn đệ phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.” (Ga 15,9) Tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Chúa Giêsu, đến các môn đệ và đến chúng ta, để chúng ta cũng yêu người khác như thế đó.

Thật ra giới luật yêu thương Chúa dạy không mới so với thời gian, nhưng mới ở chỗ yêu như Chúa yêu. Chưa có ai yêu đến độ hy sinh chính mạng sống mình như Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại. Cũng vì lẽ đó mà khi nói đến đạo Công giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo yêu thương. Chúa Giêsu nhấn mạnh Chúa Cha yêu thương Ngài và cho chúng ta biết: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.” (Ga 3,35) và “Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17,24) Chính Chúa Cha cũng xác nhận Người yêu Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,17). Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một là Chúa Giêsu, Đấng đón nhận cái chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15,13) 

Chúa Giêsu coi các môn đệ là bạn hữu ngang hàng với Ngài, để tâm sự và tỏ cho biết những ý định của Chúa Cha: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15) Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ không phải do các ông có tài năng và xứng đáng với tình yêu đó, nhưng Ngài đã yêu cách nhưng không. Ngài cất nhắc các ông lên thành bạn hữu của Ngài và hơn nữa còn hạ mình xuống để rửa chân cho các ông. Ngài nêu gương hy sinh quên mình phục vụ, không chỉ cho các các môn đệ mà còn yêu thương những người bé nhỏ nghèo hèn, ngay cả những người thù ghét muốn làm hại Ngài, Ngài cũng yêu thương tha thứ tất cả. Ngài đã sống yêu thương cách cụ thể khi chữa lành cho các bệnh nhân, để người mù được thấy, người điếc được nghe, người què đi được, người chết sống lại và tha thứ cho những người tội lỗi để họ hối cải sống đúng nhân phẩm của mình. Những lời từ biệt của Đức Giêsu cũng là những lời trọng tâm. “Yêu như Thầy đã yêu” là dám hy sinh cho người mình yêu. Có lẽ đây là nét đặc trưng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta cũng yêu nhau đến mức đó. Liệu chúng ta có dám hiến mạng sống mình như Ngài không? Làm sao chúng ta có thể yêu như Chúa đã yêu? Thật khó để thể hiện tình yêu đó, nhưng chúng ta có thể noi gương từ những việc nhỏ hàng ngày như làm cho nhau những cử chỉ đẹp, tha thứ bỏ qua cho những lỗi lầm thiếu sót. Nhất là chúng ta yêu như Chúa đã yêu qua những gì Ngài thể hiện trong Tin mừng diễn tả cuộc sống cao đẹp của Ngài. Chính “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng ta” (2Cr 5,14) sống tôn trọng, bác ái yêu thương hết mọi người trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. 

Tình bác ái là sự nối dài trong lòng ta tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta: “như Thầy đã yêu thương anh em”; và tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô: “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”
. Chúa Giêsu là mẫu gương và là sức mạnh giúp chúng ta sống: “yêu nhau như Thầy đã yêu” để giá trị cốt lõi của Tin Mừng được thể hiện và mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Chỉ khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta mới thực sự sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu đó mở ra luồng sinh khí làm cho vũ trụ nên phong phú, sinh động và tràn đầy sức sống. Chính tình yêu đó thanh luyện giúp chúng ta dần bỏ đi con người cư xử theo thói đời để vươn lên, sống hướng tha trong yêu thương, hiệp nhất và giúp nhau vượt qua những sóng gió cuộc đời. Chính tình yêu Chúa sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau để chung tay xây dựng Giáo hội và loan truyền tình yêu đó đến cho mọi người. Tình yêu đó không giới hạn nơi gia đình hay cộng đoàn mình nhưng lan toả đến những người nghèo khổ bất hạnh mà Chúa Giêsu đồng hoá: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 40)

Tình yêu của Chúa còn mời gọi chúng ta mở ra, cho đi và đón nhận. Khi chúng ta sống yêu thương, tha thứ, bao dung, quan tâm đến điều thiện hảo của người ấy, như chính Chúa Giêsu đã làm. Như thế, chúng ta sẽ làm cho Chúa Giêsu hiện diện cho nhau trong cái đặc điểm tiêu biểu của Người: tình yêu. Tuy nhiên, sống giữa xã hội hôm nay đôi khi chúng ta ngạc nhiên trước những thái độ cư xử thiếu tình người, chỉ vì bộc trực, dễ phản ứng, thiếu suy nghĩ, thiếu nhường nhịn mà dẫn đến to tiếng và có khi dùng bạo lực xảy ra những cuộc đụng độ thật đáng tiếc. Vì thế mỗi người cần luyện tập để sống đúng nhân cách làm người là tử tế với nhau, biết nhận lỗi và tha thứ cho nhau, để cuộc đời nhẹ nhàng, an vui và hạnh phúc. Về mặt siêu nhiên, chúng ta kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa để nghiệm ra cách Chúa Giêsu yêu thương người khác và từ đó chúng ta có thể yêu như Chúa đã yêu. Chúng ta phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và bằng việc yêu thương nhau, tất cả mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Giêsu.

Lạy Chúa, chính Chúa đã nêu gương và dạy chúng con sống yêu thương phục vụ, xin cho chúng con sống như Chúa để tôn trọng, yêu thương phục vụ hết mọi người, nhất là những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Giới luật yêu thương của Chúa mời gọi chúng con vươn lên, sống thanh cao, không bon chen với danh lợi thú trần gian, nhưng nâng đỡ, chia sẻ và cùng nhau làm chứng cho Chúa. Như thế mọi người sẽ nhận ra Tin Mừng yêu thương của Chúa được gieo vãi vào tâm hồn chúng con và lan toả đến mọi người. Xin cho chúng con khiêm tốn thực hiện lời di chúc của Chúa, chung tay xây dựng tình hiệp nhất yêu thương trong Giáo hội và xã hội, để cuộc sống ngày càng tươi đẹp và an vui hơn. Amen

Sr. Maria Kim Yến, MRP