Chúa Nhật III PS - Yêu Thương Phục Vụ


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- NĂM C
Ga 21,1-19
YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ



Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (Ga 21,13)

Ngay lúc các ông còn đang chìm trong thất bại, sau một đêm mệt nhọc mà không bắt được cá, Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra ân cần săn sóc các tông đồ. Người không bị chia cách khỏi các ông, nhưng vẫn liên kết với các ông với lòng thương mến. Tại biển Hồ Tibêria, Ngài hiện ra và cho các ông những chỉ dẫn chính xác: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21,6). Các ông đã vâng nghe Ngài nên đã đạt được một kết quả hết sức dồi dào. Kinh nghiệm cho các môn đệ thấy rằng họ đạt được kết quả không nhờ những vất vả mệt nhọc của họ, nhưng nhờ nghe lời Đức Giêsu. Con số gồm153 con tượng trưng cho tất cả các loại cá trong biển và cũng nói lên tính phổ quát của Giáo Hội Chúa. Qua mẻ cá lạ lùng, ông Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh: “Chúa đó” (Ga 21,7). Ông Phêrô liền mặc áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để gặp Chúa. Lên bờ các ông thấy có bếp lửa, bánh và cá mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các ông, Ngài muốn các ông cũng góp phần vào: “Đem ít cá mới bắt được tới đây” (Ga 21,10). 

Chúa Giêsu vẫn làm công việc của một người đầy tớ, phục vụ những người Ngài yêu thương, biết các tông đồ sau một đêm vất vả thả lưới nên đã dọn sẵn bữa điểm tâm cho các ông. Ngày nay, Ngài cũng yêu thương phục vụ dọn cho chúng ta bàn Tiệc Thánh mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ: “Bánh Chúa ban đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,33) và “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58). Ngài vẫn hiện diện với từng người chúng ta trong cuộc sống nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày đến ngày tận thế” (Mt 28,20). Những khi thuyền đời chúng ta bình an xuôi bến, chúng ta dễ nhận ra Chúa, hoặc như Phêrô đã mạnh mẽ dứt khoát lên tiếng: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33) nhưng khi gặp biến cố, chúng ta cũng không khác gì Phêrô đã chối Chúa ba lần. Chúa cũng tạo nhiều cơ hội để chúng ta chuộc lại lỗi lầm và nhận ra tình yêu của Chúa để thay đổi đời sống như Phêrô. 

Trước khi trao cho Phêrô trọng trách làm đầu Hội Thánh, Chúa hỏi ông về lòng yêu mến quảng đại của ông đối với Chúa: “Con có yêu Thầy hơn những người này không?” Phêrô nói yêu Chúa ba lần bù lại cho ba lần chối Thầy: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17). Phêrô bày tỏ tình yêu của mình một cách đơn sơ, chân thành và khiêm tốn. Ông biết rằng lúc này ông yêu Chúa nhưng tương lai ông sẽ như thế nào, chỉ có Chúa mới biết rõ mọi sự. Chúa Giêsu nhìn thấy thái độ khiêm tốn của ông và trao cho ông sứ mạng: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17). Để chăn dắt lãnh đạo đàn chiên của Chúa, hẳn ông sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách và Chúa cho ông biết ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa: “Khi con còn trẻ, con muốn đi đâu tuỳ ý, nhưng khi con về già, con sẽ giang tay và người ta sẽ dẫn con tới nơi con không muốn” (Ga 21,18). 

Chính Phêrô đã trải qua kinh nghiệm yếu đuối sa ngã của mình nên dễ cảm thông với những yếu đuối của người khác. Thay vì tự phụ và tin vào khả năng của mình, ông nhận nhận ra tình yêu Chúa dành cho ông lớn hơn cả tội lỗi ông đã phạm để trở về với ân sủng Chúa. Chúa đã tạo cơ hội để Phêrô chuộc lại lỗi lầm. Chúa cũng yêu thương, tha thứ và ban cho chúng ta những ơn cần thiết để sống tốt trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên chúng ta biết niềm tin của chúng ta không phải lúc nào cũng mạnh mẽ, có thể lúc này chúng ta nói yêu Chúa và làm chứng cho Chúa nhưng có lúc chúng ta cũng yếu đuối phản bội ân tình của Chúa. Chúng ta không dám tin vào sức mình để khẳng định tình yêu mình dành cho Chúa trước sau như một. 

Với vai trò chăm sóc đoàn chiên của Chúa, Thánh Phêrô chia sẻ kinh nghiệm về đức ái mục tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1Pr 5,2-4). Vị mục tử loan truyền tình yêu của Chúa cho mọi người để họ nhận biết, thờ phượng và yêu mến Chúa. Ngoài ra vị mục tử còn có trách nhiệm liên đới với phần rỗi của người khác để chăm sóc, hướng dẫn và đưa họ về hợp nhất trong đoàn chiên Chúa. 

Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phêrô và các Tông Đồ khác khi bị điệu đến trước Thượng Hội Đồng đã trả lời những người lãnh đạo dân Do Thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm…” (Cv 5,29). Dù khi nói điều đó, các ngài đã làm cho “họ giận điên lên và muốn giết” (Cv 5,33) các ngài nhưng các ngài vẫn can đảm làm chứng cho Chúa. Chúng ta là những người tin vào Chúa cũng không e ngại làm chứng cho Chúa theo gương các ngài, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Chính dòng máu tử đạo của các ngài đã viết lên trang sử hào hùng cho Giáo Hội Chúa và biết bao người đã nối tiếp minh chứng tình yêu của mình đối với Chúa. Chúng ta đặt Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu trong mọi sinh hoạt của đời sống chúng ta để mạnh mẽ sống niềm tin của mình. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm mình được đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Chúa, chúng ta mới yêu thương tha thứ và phục vụ những người khác cách quảng đại. 

Thánh Phêrô đã vượt thắng mọi yếu đuối để yêu mến và gắn kết đời mình với Chúa, Đấng “là Mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Giờ đây Ngài không còn hiện diện hữu hình nữa mà trao cho Thánh Phêrô trách nhiệm tiếp nối sứ vụ của Ngài để chăn dắt chiên của Ngài. Chúng ta cũng vượt qua những yếu đuối của mình để can đảm loan truyền tình yêu của Chúa cho mọi người. Chúa không đòi chúng ta phải khôn ngoan thông thái nhưng Chúa cần lòng mến để chúng ta làm mọi việc đẹp lòng Chúa. Yêu mến là thước đo để chúng ta về Trời với Chúa: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 13,13), Ngài muốn chúng ta thể hiện lòng mến đó qua những người xung quanh: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40).  

Kính lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa đã Phục sinh và lên trời vinh hiển, nhưng vẫn liên kết với các tông đồ với lòng thương mến, để ân cần săn sóc các ông, âu yếm dõi theo các hoạt động của các ông, và giúp các ông thắng vượt những thất bại. Ngày nay, Chúa đang hiện diện trong Giáo Hội và trong cuộc sống mỗi người chúng con. Chúa vẫn đang ở với chúng con qua mọi thăng trầm của cuộc sống, mọi nơi mọi lúc; như xưa Chúa đã tỏ mình cho các tông đồ bên biển hồ Tibêria. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm, không còn nhận ra sự hiện diện rất sống động của Chúa. Xin cho chúng con luôn tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, Chúa sẽ làm cho mọi việc được thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúa vẫn luôn chúc phúc cho công việc chúng con làm và mãi mãi Chúa vẫn là nguồn ban sự sống cho chúng con. Xin Chúa ban sức mạnh, tình yêu và ân sủng của để chúng con có thể sống tinh thần YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ, như Chúa đã nêu gương; để tất cả chúng con cùng nắm tay nhau trong năm hiệp hành này đạt tới sự hoàn thiện trong Chúa, nhất là cùng nhau xây dựng Hội thánh Chúa trên nền tảng của yêu thương, phục vụ, hiệp thông và phát triển. Amen.

Sr. Maria Kim Yến, MRP