Chúa Nhật 31 TN B - Sống Được Chữ Yêu Chúa Dạy


CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B
Mc 12, 28-34
Sống Được Chữ Yêu Chúa Dạy




Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa–đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" (Mc 12, 28)

Theo truyền thống hội đường Do thái, lề luật gồm 613 điều (248 điều phải làm và 365 điều cấm đoán, kiêng kỵ). Có quá nhiều lề luật, nhưng luật nào là trọng tâm? Vị kinh sư đã tìm được một cơ hội để học hỏi về giá trị của lề luật ấy. Thấy Chúa Giê-su đối đáp hay, với sự trong sáng thành thật, ông đã hỏi Ngài xem điều răn nào trọng nhất: “Trong các giới răn, giới răn nào đứng đầu?” Chúa Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc duy nhất đơn giản: giới răn đứng đầu là mến Chúa yêu người – “hai trong một”.  

Hai điều răn được gói trong một động từ yêu. Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu. Chúa Giê-su đã trích trong sách Đệ Nhị luật (Đnl 6, 4-5): “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít–ra–en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Nếu mối quan tâm hàng đầu của chúng ta trong cuộc sống này là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta quan tâm thực thi lời Chúa dạy và tìm thấy hạnh phúc của người tin yêu Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14, 23). 

Với điều răn thứ hai là “yêu thương người thân cận như chính mình.” (Mc 12, 31). Chúa Giê-su trích dẫn giới luật từ sách Lêvi (Lv 19, 18) để dạy cách chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa là yêu thương người khác. Thánh Gioan viết: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20) Nhờ đức tin vào Lời Chúa dạy thì tha nhân chính là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Ngài đã tự đồng hóa mình với những người bé mọn yếu đuối: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Chỉ khi chúng ta nhìn ra hình ảnh Chúa nơi người khác, chúng ta sẽ yêu Chúa nơi họ.

Liệu chúng ta có yêu người thân cận như chính mình không?  Sinh ra trong đời, không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống được là nhờ mối quan tâm giữa ta và tha nhân. Nếu chúng ta ghét bỏ người, người sẽ ghét bỏ ta, còn nếu ta yêu thương người, người sẽ yêu thương ta. Tình yêu của Chúa tự hiến vì chúng ta như thế nào thì chúng ta cũng có sức mạnh để yêu thương và hiến mình như vậy. Tình yêu đó sẽ không bị giới hạn bởi dáng vẻ bên ngoài hay khuyết điểm của người khác, nhưng vượt lên trên tất cả, để chúng ta chỉ thấy những điều tốt đẹp nơi họ và yêu thương họ thật lòng. Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ. Thật vậy, với thân phận con người yếu đuối, chúng ta khó có thể yêu thương những người đối xử không tốt với ta hay những người khó ưa thường chỉ trích nói xấu ta. Thế nên, chúng ta cần có cái nhìn siêu nhiên để đón nhận mọi người là anh chị em cùng một Cha trên trời, để thanh luyện mình và yêu thương họ như chính Chúa đã yêu thương chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15, 13). 

Thánh Augustinô nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Khi chúng ta yêu thương người khác, chúng ta là con cái Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ để phân biệt con cái Thiên Chúa và con cái thế gian. Thế nên, chúng ta yêu thương những người đang sống gần bên. Chúng ta cần có những suy nghĩ, hành động và lời nói tích cực, cụ thể để thể hiện lòng yêu mến chân thành. Khác với tình thương chỉ trên môi miệng nhưng lòng dạ thì ghen ghét, chúng ta tập bằng lòng chứ không chỉ bằng mặt. Cuộc sống chúng ta, ai cũng cần tình yêu. Có thể chúng ta đã yêu thương người khác nhưng tình yêu của chúng ta còn giới hạn nơi những người chúng ta quen biết, gần gũi, dễ thương, dễ mến. Chúng ta chưa mở rộng tình yêu đến với những người khó ưa, xấu tính, xấu nết. Nếu chúng ta không yêu thương những người chúng ta trông thấy, thì chúng ta cũng không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không trông thấy. Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa chúng ta đến với người khác để yêu thương họ trong Chúa và yêu Chúa trong họ.  

“Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Nhìn vào thực tế của cuộc sống ngày hôm nay, sống trong thời đại kỹ thuật số, một số bạn trẻ gặp nhau, thương mến nhau qua những lần hẹn hò, tình cảm phát sinh và đưa đến hôn nhân thật sự. Họ nhận ra yêu là trao hiến, là hy sinh cho nhau để sống tình yêu chân thành. Nhưng cũng có nhiều người đến với nhau không dựa trên tình cảm chân thành, trong sáng, mà dựa trên vật chất, tiền bạc, danh vọng… dẫn đến nhiều đổ vỡ trong tình yêu. Nhiều giao ước tình yêu hôn nhân ban đầu thật đẹp khi đôi bạn đến trước tòa Chúa, cam kết sống yêu thương trọn đời, nhưng rồi rạn nứt và dẫn đến ly hôn chỉ vì chưa dành trọn tình yêu cho nhau. Mong sao mọi người đến với nhau trong tình yêu chân thành, thấu hiểu sự cao quý của tình yêu, để giữ gìn tình yêu chân thực, chung thủy với nhau suốt đời. Chỉ trong Chúa chúng ta mới có thể yêu thương đến cùng, quảng đại cho đi mà không tính toán hơn thiệt. Chỉ trong Chúa, chúng ta mới tôn trọng phẩm giá con người, dù đó là một thai nhi bé bỏng, một phạm nhân hay người mất trí. 

Tình yêu của Chúa hiển hiện rõ ràng mỗi khi chúng ta nhìn lên Thánh giá Chúa. Chúa Giêsu yêu cho đến cùng, Chúa sẵn sàng hy sinh mạng sống vì yêu thương nhân loại chúng ta. Nhưng để sống theo tình yêu ấy thật không dễ. Phải chăng vì chúng ta chưa sống triệt để mầu nhiệm tình yêu Chúa mời gọi trong gia đình, nơi cộng đoàn và ngoài xã hội? Phải chăng chúng ta chưa sẵn sàng cho đi và quảng đại tha thứ như Chúa đã yêu chúng ta đến cùng? Mỗi ngày chúng ta vẫn đọc kinh Lạy Cha để xin Chúa tha thứ lỗi lầm cho chúng ta nhưng chúng ta chưa tha thứ cho người khác được. Như các Thánh đã sống được đòi hỏi của tình yêu, nhờ được tình yêu Chúa thúc đẩy vượt lên trên những giới hạn của con người bình thường. 

Lạy Chúa, vẫn biết mến Chúa yêu người là cốt lõi của đạo thánh, nhưng chúng con vẫn chưa sống được chữ YÊU Chúa dạy. Chúng con muốn mình yêu và được yêu, nhưng chúng con lại hạn chế yêu thương những người chúng con chưa mấy thiện cảm. Xin giúp chúng con kính mến Chúa hết lòng, nhờ đó đời sống đức tin của tín hữu chúng con như một tương quan thân tình với Chúa chứ không phải chỉ là một bổn phận. Xin cho chúng con bao dung tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng con; và yêu thương họ như chính Chúa đã yêu thương. Như thế là chúng con chu toàn lề luật sống yêu thương nhau mà Chúa truyền dạy. Đó là lề luật Chúa đã khắc sâu vào tâm khảm chúng con. Xin Chúa thay trái tim chai đá bằng quả tim bằng thịt biết yêu thương, để chúng con bước đi vững vàng theo thánh ý Chúa, nhờ sống ơn gọi tình yêu cách hoàn hảo và trở nên giống Chúa là “Thiên Chúa Tình Yêu”. Amen

 Sr. Maria Kim Yến, MRP