Tìm hiểu về chứng chuột rút khi tập thể dục và chuột rút chân vào ban đêm



Thiếu chất điện giải là nguyên nhân chủ yếu của chuột rút khi tập luyện trong khi nguyên nhân gây chuột rút về đêm nghiêng về giả thuyết phản xạ thần kinh gây giãn cơ.

Chuột rút cơ được phân thành 2 loại: chuột rút xảy ra khi tập thể dục và chuột rút chân vào ban đêm, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không liên quan đến tập thể dục.

Chuột rút cơ thường xảy ra vào ban đêm khi bạn đang ngủ, nhưng cũng có thể xảy ra khi bạn vận động mạnh khiến cho cơ bị rách. Hiện tượng này còn xảy ra khi bạn giữ một chân ở tư thế không thuận tiện quá lâu, chẳng hạn như ngồi trên ghế với một tư thế trong thời gian dài.

Chuột rút xảy ra khi tập thể dục

Thiếu chất điện giải là nguyên nhân phổ biến gây chuột rút cơ khi tập luyện. Điện giải là những khoáng chất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, bao gồm natri, kali, canxi, bicarbonat, magie, clorua và photphat. Nồng độ natri (muối) trong máu thấp là một nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất của chứng chuột rút cơ.

Khi uống nước lọc (trước và sau lúc tập thể dục), những người chạy bộ có nguy cơ bị chuột rút cao hơn so với khi uống dung dịch chất điện giải. Điều này có thể là do nước làm loãng nồng độ chất điện giải trong cơ thể và không thay thế những gì đã mất qua mồ hôi. Các cuộc kiểm tra sử dụng một thiết bị đặc biệt để kích thích cơ bắp chân của những người này đã được tiến hành nhằm gây ra chuột rút. Những người chạy bộ được uống nước lọc bị chuột rút cơ bắp ở tần số kích thích điện thấp hơn nhiều so với uống dung dịch chất điện giải.

Ngoài ra, mất nước là một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây ra chuột rút. Chuột rút thường dễ xảy ra hơn trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc khi tập thể dục cường độ cao đòi hỏi phải co cơ nhanh. Vì cả hai trường hợp này đều gây mệt mỏi cơ sớm hơn do thiếu điện giải.

Những kết quả này cho thấy rằng thiếu chất điện giải dễ gây ra chuột rút hơn thiếu nước.

 
Thiếu chất điện giải dễ gây ra chuột rút hơn thiếu nước (Ảnh: Pixabay)

Chuột rút chân vào ban đêm

Có đến 60% người trưởng thành ở Bắc Mỹ thỉnh thoảng bị chuột rút chân vào ban đêm. Chuột rút chân biểu hiện giống như một cơn co thắt đột ngột thường xảy ra ở các cơ bắp chân và có thể kéo dài từ vài giây đến 10 phút hoặc lâu hơn. Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra những cơn chuột rút này là gì. Nhưng chuột rút vào ban đêm phần lớn không phải do mất nước hoặc thiếu khoáng chất.

Giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân gây bệnh cho rằng hầu hết chuột rút chân vào ban đêm là do thiếu phản xạ thần kinh bình thường có tác dụng giãn cơ.

Vì vậy, nếu bạn bị chuột rút chân tái phát vào ban đêm, hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra những vấn đề sau:

* Tất cả các tình trạng có thể gây tổn thương thần kinh, bao gồm: thiếu vitamin B12 và bệnh tiểu đường
* Tất cả các tình trạng có thể gây tổn thương mạch máu như xơ cứng động mạch
* Tắc nghẽn mạch máu
* Chèn ép dây thần kinh vùng hông lưng
* Tổn thương cơ
* Nồng độ điện giải bất thường
* Nồng độ hormone bất thường chẳng hạn như tuyến giáp thấp
* Bệnh thận
* Viêm khớp
* Mất nước
* Sử dụng một số loại thuốc như: statin, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, steroid, thuốc điều trị bệnh hen suyễn như albuterol, raloxifene, naproxen, hoặc teriparatide

Dự phòng chuột rút chân vào ban đêm

Nếu không có nguyên nhân nghiêm trọng, bạn thường có thể ngăn ngừa chuột rút về đêm bằng cách:

* Triệt tiêu phản xạ căng cơ trước khi đi ngủ bằng cách kéo căng cơ bắp chân (nhờ các bài tập chống đẩy lên tường hoặc bài tập tương tự)
* Sử dụng đệm sưởi ấm chân trong 10 phút trước khi ngủ
* Bắt đầu một chương trình tập thể dục có giám sát thường xuyên để tăng sức mạnh cơ bắp chân. Nếu bạn là người không thích tập thể dục, tôi khuyên bạn nên đạp xe tại chỗ.

Loại thuốc duy nhất đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chuột rút ở chân vào ban đêm là quinine. Nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã ngừng khuyến cáo sử dụng quinine mà không cần kê đơn vì lo ngại tác dụng phụ gây ra nhịp tim không đều. Các bác sĩ vẫn có thể kê đơn thuốc quinine để giảm chứng chuột rút ở chân. Tuy nhiên, quinine có thể gây dị tật bẩm sinh và sảy thai nên phụ nữ mang thai tuyệt đối không được dùng thuốc này. Quinine cũng có thể gây ù tai, nhức đầu, buồn nôn, rối loạn thị lực, đau ngực, hen suyễn và các vấn đề khác. Ngoài ra, các thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như amlodipine hoặc Carisoprodol (thuốc giãn cơ ngăn chặn cơn đau) có thể làm giảm triệu chứng chuột rút ở một số người.

Điều trị chứng chuột rút

Khi bị chuột rút, hãy dừng bất kỳ việc gì bạn đang làm và cố gắng nhẹ nhàng đi lại trong khi xoa bóp cơ bị co cứng bằng tay. Lưu ý rằng, không bao giờ được đè nặng lên cơ đang co cứng vì bạn có thể làm rách các sợi cơ. Nếu tình trạng chuột rút vẫn tiếp tục, hãy chườm lạnh để làm giãn cơ và giảm đau, đồng thời tiếp tục nhẹ nhàng xoa bóp cơ.

Một vài lời khuyên của bác sĩ Gabe Mirkin

Hầu hết các trường hợp chuột rút chân là không đáng ngại, nhưng chuột rút cơ thường xuyên có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn bị chuột rút chỉ khi tập thể dục, hãy ăn thức ăn mặn hoặc uống các dung dịch điện giải trước và sau khi tập thể dục. Nếu không hiệu quả, bạn cần phải được kiểm tra y tế đầy đủ. Hoặc những người thường xuyên bị chuột rút chân vào ban đêm và không đáp ứng với các phương pháp đơn giản ở trên cũng cần đến cơ sở y tế để được thăm khám chi tiết.

Bài viết này được xuất bản lần đầu tiên tại DrMirkin.com.
Nguồn: https://www.epochtimesviet.com/