Mẹo bảo quản thực phẩm trong ngày Tết


Mẹo bảo quản thực phẩm trong ngày Tết được lâu
Vào những ngày Tết, lượng thực phẩm tồn trữ trong nhà bạn hẳn rất nhiều. Tham khảo các mẹo sau đây, để biết cách bảo quản một số thực phẩm trong ngày Tết được lâu và an toàn khi sử dụng nhé!

1. Bánh chưng
Bánh chưng sau khi luộc xong, bạn cần vớt bánh ra và rửa sạch bằng nước lạnh cho hết nhựa, sau đó để ráo nước. Tiếp theo, chúng ta xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để nước trong bánh thoát ra.

 

Sau đó, chỉ cần để bánh nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp là có thể giữ và dùng trong thời gian lâu hơn.

2. Giò chả
Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ nhớt. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất, nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại.


3. Thịt đông
Thịt nấu đông ăn với cơm nóng, chấm nước mắm nguyên chất với chanh ớt, ăn với dưa hành, dưa cải, củ kiệu… là món ăn được sử dụng trong ngày Tết và những ngày thông thường trong năm.


Với món này, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.

4. Dưa hành, củ kiệu
Khi cắt gốc, nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm. Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.


5. Các loại mứt
Các loại mứt thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước và nấm mốc. Muốn bảo quản mứt lâu hơn, chúng ta nên cho vào lọ hoặc túi nilon, phủ một lớp đường trắng lên trên (để hút ẩm bên trong) và gói kín lại.


Khi ăn, các bạn chỉ nên lấy ra một lượng nhỏ, tránh dồn những phần mứt còn thừa trở lại túi hay lọ. Đối với loại thực phẩm này, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài sẽ hút ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

6. Măng khô
Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đun tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch.


Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần, cứ 2 - 3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chỉ nên ngâm từng ít một, ăn trong 2 - 3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.

7. Thực phẩm tươi sống
Thịt, cá tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, bịch nilông, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá.


Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

8. Rau, củ, quả
Khi mua các loại rau, củ, quả, chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ...


Rau, củ, quả sau khi mua về, các bạn nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Chúng ta có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.

Đối với các loại rau, củ, quả như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… sau khi mua về, các bạn có thể để ở nơi thoáng mát là có thể bảo quản chứ không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Đối với cách này, các bạn không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa.

9. Thực phẩm đã nấu chín
Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín, nếu muốn bảo quản phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Nguyên nhân là do nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn. Các bạn nên cho vào hộp kín và đậy nắp lại để tránh bị ảnh hưởng từ các thực phẩm sống.
Nguồn: Internet