Ngày 14/9: Lễ Suy Tôn Thánh Giá


Hôm nay Thánh giá Chúa Kitô có còn là niềm vinh hạnh của những người tin, là vinh quang của các tín hữu, là dấu hiệu hữu hình cho người thuộc về Chúa và quyết bước theo Người trên con đường thập giá không?

Thánh giá ở khắp nơi.

Thánh giá thánh thiêng. Thánh giá hiện diện trong mọi nhà thờ, trên các vật dụng thánh dùng trong phụng vụ, trong tư gia các tín hữu và như món “trang sức thánh” trên cổ các tín hữu để nhắc nhớ Đấng cứu chuộc và noi gương Người luyện tập mọi nhân đức.

Dấu Thánh giá mà các tín hữu quen dùng khi dùng bữa, kinh nguyện, làm việc, ngủ nghỉ, đi xa… như dấu hiệu và lời nhắc nhở sự “thuộc về” và tôn thờ Chúa Giêsu Kitô trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh.

Thánh giá có Chúa Kitô chịu đóng đinh từng là dấu hiệu ghê sợ của sự trừng phạt của luật pháp con người, là án tử kinh khủng, hành hạ người ta trong đau đớn cho đến chết. Thánh Phaolô nói: “Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên thập giá” (Gl 3,13), kẻ treo trên thập giá là “hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5,21).

Nhưng hôm nay không còn những cuộc hành hình như thế, nên thập giá không còn mang dáng vẻ ghê rợn kinh khiếp nữa. Vì vậy, hình ảnh Đức Giêsu chịu trên trên Thánh giá cũng không còn là biểu tượng cho chiến tích oai hùng, toàn thắng trên sự chết và tử thần, là ngai của Vua Kitô vinh hiển bước vào Trời, là nơi Con Thiên Chúa Tình yêu hiến mình, để phát sinh ơn Cứu Chuộc vô giá cho con người.

Dấu Thánh giá là phép lành của Hội thánh là dấu của ân huệ Chúa ban, là khởi sự những giờ khắc đầu tiên và kết thúc một ngày sống, của các buổi cầu nguyện, học hỏi và công việc phụng thờ Chúa.

Dấu Thánh giá có uy lực xua trừ quỷ ma, là dấu tạ ơn trên của ăn Chúa ban, là dấu các tín hữu nhận ra nhau là anh chị em trong Chúa Kitô…

Không phải có Thánh giá là có bình an, Thánh giá còn là dấu của sự kỳ thị, bách hại trong những lúc Hội thánh gặp gian nan khốn khó vì đức tin, bị bôi nhọ, khinh khi và vu cáo bằng đủ điều xấu xa.

Đã qua rồi thời Thánh giá là của riêng người Công giáo. Hôm nay Thánh giá có khi trở thành mốt của thanh niên, giới nghệ sĩ và cả những người ăn chơi sa đọa. Thánh giá được móc trên tai, vẽ trên áo, dán trên xe, làm móc khóa, xâm trên thân thể… Nhiều khi Thánh giá được coi như một thứ bùa chú hộ mệnh, đem lại may mắn.

Vì những ý nghĩa của biểu tượng Thánh giá bị lu mờ, nên hôm nay Thánh giá Chúa Kitô có còn là niềm vinh hạnh của những người tin, là vinh quang của các tín hữu, là dấu hiệu hữu hình cho người thuộc về Chúa và quyết bước theo Người trên con đường thập giá không?

Từ thập giá đến Thánh giá.

Trên đồi Golgotha xưa có ba cây thập giá, nhưng chỉ có một cây trở thành Thánh giá, thành giá chuộc tội, thành cây quả phúc cứu độ.

Thập giá Đức Giêsu là những đau khổ có tính cứu rỗi. Vì Người là Con Thiên Chúa vô tội đã gánh tội thay cho loài người, đã tự hiến mình để đền bù tội lỗi và chịu chết để hóa giải án phạt cho nhân loại.

Thập giá Đức Giêsu là sự tôn vinh Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót, “đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)

Cùng là một dấu nhưng thập giá khác Thánh giá. Sự đày đọa của thập giá khác giá trị cứu rỗi của Thánh giá, như sự khác biệt giữa thánh nhân và phàm nhân là một sự nhận chân, một xác tín, một thái độ sống, một sự lựa chọn, nhiều khi chỉ là sự “giác ngộ” như anh trộm lành hoặc sự cố chấp trong tội như người “trộm dữ” cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu trên thập giá xưa.

Chất Thánh ấy là Tình yêu hiến mình, là chấp nhận chịu đau khổ vì đức tin, chịu chết để nên giống với Đức Kitô, với hy vọng sẽ được vinh quang như Người.

Thánh giá là tiếng nói yêu thương muôn đời của Thiên Chúa.

Đó là lý do sau hơn 2000 năm và cho đến tận thế, dù Đức Giêsu đã phục sinh lên trời vinh hiển, Hội thánh luôn giữ biểu tượng Thánh giá, vì Thánh giá là tiếng nói yêu thương muôn đời của Thiên Chúa. Và Thánh giá như lời mời gọi đến muôn đời sự đáp trả như thánh Phaolô, đã chẳng muốn biết điều gì, chẳng hãnh diện về điều gì, chẳng ngoài thập giá Đức Kitô (Gl 6,14). Ngài còn muốn mang những thương tích còn thiếu nơi cuộc thương khó của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh. (Cl 1,24)

Vì thế đời sống Kitô hữu không thể thiếu vắng bóng Thánh giá. Vẫn biết vác được thập giá mình theo Chúa là điều quá sức, cần nhờ ơn Chúa luôn, nhưng không vì thế mà thập giá mất đi sự nặng nề. Biết bao người tín hữu đã vì sợ khổ, ngại khó mà từ khước. Do vậy, Đức Giêsu trong Hội thánh vẫn còn phải chịu những đau khổ, vẫn còn phải chịu đóng đinh.

Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô hôm nay, ta thấy vinh quang hay tủi nhục?, hãnh diện hay hổ thẹn?, cứu thoát hay đày đọa?, để chọn lựa sự nên thánh hay mãi mãi là phàm nhân?, trở nên giống Chúa hoặc không bao giờ?

Ngô Văn Kha CSsR
Nguồn: 
http://dcctvn.org