Tư Duy Lớn, Hành Động Nhỏ - Nguyên Lí Cho Tu Sĩ Trẻ Trong Sứ Vụ



 
1. Bối cảnh
Sống trong cuộc đời ai cũng có ước mơ. Từ sâu thẳm tâm hồn, mỗi người đều có tầm nhìn về cuộc sống mà mình mơ ước và tin rằng mình có khả năng để tạo ra sự đổi khác, làm cho cuộc sống của mình và thế giới này nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên đối với nhiều người, những ước mơ ấy trở nên quá mờ mịt giữa những xô bồ, vất vả, thất vọng, với những vòng quay đều đặn đến tẻ nhạt của cuộc sống thường ngày. Nhiều người không còn thiết tha gắng sức để biến ước mơ thành hiện thực. Có người không dám ước mơ vì sợ không có khả năng, sợ thất bại, sợ không có tiền, không có môi trường- điều kiện, để thực hiện ước mơ. Có những người ước mơ, nhưng lại không biết định hướng rõ ràng, không có niềm tin và không chuyên chú tập trung, dồn năng lực để theo đuổi ước mơ. 
 
Là những tu sĩ trẻ, chúng ta thuộc về một xã hội truyền thống là Giáo Hội trong đó truyền thống ngự trị trong mọi khía cạnh chẳng hạn niềm tin, luân lý, phụng vụ, luật lệ nhưng lại đang sống trong một xã hội năng động, sáng tạo và thay đổi không ngừng1. Chắc chắn chúng ta quảng đại dấn thân, sẵn sàng được sai đi, thậm chí tới những nơi khó khăn nhất và khi được trao nhiệm vụ, chúng ta không ngại xả thân làm việc hết mình đến nỗi quên ăn quên ngủ. Thế nhưng chúng ta cũng phải chân nhận một sự thật rằng, công việc mục vụ của chúng ta đó đây vẫn chưa hiệu quả, vẫn gặp thất bại này đến thất bại khác. Lý do cơ bản không phải vì dân chúng không có đức tin, nhưng có lẽ là do chúng ta đánh mất đi sức mạnh của ước mơ, của sáng tạo - chúng ta đang giam hãm Thần Khí.2 
 
Trong đời tu, chúng ta thường quen với nếp sống khuôn phép, kỷ luật, chúng ta được đào tạo trong bầu khí được quyết định thay về nhiều thứ, đôi khi chúng ta nại cả đức vâng phục, chỉ dám làm theo sự sắp xếp của bề trên bề trên. Do đó, khi ra môi trường sứ vụ, chúng ta thiếu tự tin trong việc đưa ra những quyết định, thiếu sự sáng tạo trong công việc mục vụ. Ước mơ dường như trở nên xa xôi, viễn vông thậm chí chẳng bao giờ dám mơ tưởng đến một điều gì đó mới mẻ cho sứ vụ của mình. Đôi khi công việc mục vụ của chúng ta chỉ lặp đi lặp lại theo truyền thống, sao chép, tự động hóa. Chúng ta hài lòng với những trang hoàng bên ngoài hay những hiệu quả tức thời. Chủ nghĩa thành tích vẫn len lỏi một cách tinh vi trong các hoạt động mục vụ của chúng ta. Vấn đề của chúng ta là sẽ làm gì nơi môi trường mục vụ? Đâu là những ước mơ? Chúng ta đã thực sự nghiêm túc dành thời gian cho việc chuẩn bị cũng như cho việc thực hiện?
 
2. Tư duy lớn- hành động nhỏ: con đường thành công
Jason Jennings là nhà nghiên cứu và là một trong những tác giả viết về phong cách lãnh đạo và kinh doanh thành công nhất thế giới. Ông là nhà sáng lập của Jennings-McGlothlin & Company, hãng tư vấn truyền thông thuộc hàng tầm cỡ trên thế giới. Trong tác phẩm Think Big - Act Small, tác giả đã cho thấy có bốn loại tư duy và hành động trong kinh doanh: tư duy nhỏ và hành động nhỏ; tư duy nhỏ và hành động lớn; tư duy lớn và hành động nhỏ; tư duy lớn và hành động lớn, nhưng chỉ có mô thức tư duy lớn - hành động nhỏ mới là nguyên nhân của sự thành công.3
 
Một người có tư duy lớn, sẽ có khả năng sáng tạo và có năng lực để có thể đưa một điều mới mẻ thành hiện thực. Họ sẽ có một cái nhìn mới kèm theo sự đam mê và dấn thân hết sức mình đem đến cái mới mẻ và độc đáo. Tuy nhiên trong cuộc sống, có khi chúng ta lại thích chọn một cuộc sống an toàn hơn là mạo hiểm với những ước mơ. Chúng ta dễ tìm cho mình những con đường tắt, chưa đủ khiêm tốn và kiên nhẫn để khởi sự bằng những hành động rất nhỏ, có khi rất tầm thường. Hành động nhỏ hay nói cách khác “đi từng bước nhỏ” đồng nghĩa với việc chúng ta làm những gì chúng ta nên làm và bỏ qua mọi thứ có thể làm. Trong cuộc sống không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau, bởi đó chúng ta phải biết tìm ra những thứ giữ vai trò trọng yếu nhất. Đây là cách giúp kết nối hành động với ước muốn của chúng ta. Phần đông chúng ta đều nghĩ rằng thành công càng lớn thì phải tiêu tốn nhiều thời gian và phải làm thật nhiều việc bởi họ lầm tưởng rằng càng làm nhiều càng tốt nhưng cuối cùng kết quả chẳng ra sao. Ngược lại, thành công lớn thường đến từ khả năng “làm ít nhưng chất lượng”, bởi đó để thành công trong cuộc sống và trong công việc chúng ta phải tiến từng bước càng nhỏ càng tốt. Khi tiến từng bước chúng ta sẽ chú tâm vào điều quan trọng nhất.  ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận đã rất có lý khi nói: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài" (Đường Hy Vọng). Đại Đức Hae Min trong tác phẩm Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo, đã nói rằng: Thay vì một cuộc sống không vết nhơ vì không làm gì cả do lo sợ gây ra lỗi lầm, chúng ta hãy chọn cuộc sống mà chúng ta có thể trưởng thành giữa những thất bại và tổn thương. Helen Keller cũng cùng chung tư tưởng “Sống là dám chấp nhận phiêu lưu hoặc là không có gì cả”. 
 
Chính Đức Kitô, để thực hiện ước mơ của mình, Ngài cũng phải khởi đi từ những hành động rất nhỏ: từng bước dạy dỗ các môn đệ, từng ngày rong ruổi đi rao giảng, làm cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại…Trong những trang lịch sử về các nhà truyền giáo, chúng ta đã được truyền cảm hứng cách mạnh mẽ bởi nhiều nhà truyền giáo đã áp dụng nguyên lí này trong đời sống sứ vụ của các ngài. Chẳng hạn, Đức Cha Paul Leon Seitz, vị thừa sai Paris được sai đến Hà Nội - Việt Nam, năm 1939. Khi được bổ nhiệm phụ trách giới trẻ và khi phát hiện ra nhiều đứa trẻ mồ côi, hư đốn, sống trong cảnh bần cùng, bẩn thỉu, ít em có thể sống đến 5 tuổi vì thiếu vệ sinh, nước sạch, y tế sơ đẳng, Ngài đã ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em. Ngài suy nghĩ làm sao để tìm được một nơi để đào tạo giới trẻ và là trung tâm để tiếp đón, nuôi dưỡng các em nhỏ. Ước mơ đã thúc giục Ngài và khi phát hiện ra một dãy núi thuộc quyền sở hữu của chính quyền Đông Dương, Ngài đã lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Bắt đầu từ con số 0, đặt niềm tìn vào Chúa Quan Phòng, Ngài đi gõ các cửa, vận động, can thiệp về phương diện hành chánh, từng bước khai phá và xây dựng. Khó khăn tư bề nhưng không bao giờ Ngài dừng bước, bởi đối với Ngài, không thể chấp nhận nhắm mắt lại: đó là sự thoái thác trách nhiệm của con tim và của trí thông minh. Đối với nhiều người, ước mơ ấy thật không tưởng nhưng đối với Ngài, khởi đi từ những hành động rất nhỏ, Ngài đã biến ước mơ ấy thành hiện thực. Giới trẻ có nơi chốn để sinh hoạt, cắm trại, các em nhỏ có nơi để sinh sống, được giáo dục tri thức lẫn đức tin, được phát triển khả năng, nghành nghề của mình4. Hay Mẹ Têrêxa Calcutta, một người phụ nữ bình thường như bao người; nhưng nhờ ước mơ lớn lao của Mẹ, nhiều trung tâm tình thương đã được xây dựng để cưu mang, ấp ủ những người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật.
 
3. Áp dụng nguyên lí Tư duy lớn - hành động nhỏ trong đời sống sứ vụ.
 
Ước mơ lớn: 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên Chúa ngự trị trong những ước mơ của chúng ta”. Ngài thổi bừng lên trong trái tim chúng ta những ước ao thánh thiện, thu hút cuộc đời chúng ta đến với việc tôn vinh phụng sự Chúa5. Là những nhà truyền giáo trên cánh đồng sứ vụ, ước ao sâu xa nhất của chúng ta là ca ngợi, tôn thờ và phụng sự Chúa. Bởi đó, trong đời sống sứ vụ, chúng ta hãy để Chúa ước mơ trong mình6 hay nói cách khác hãy để cho ước mơ của chúng ta được hòa hợp với ước mơ của Thiên Chúa7. Những ước mơ sẽ làm cho chúng ta có một cái nhìn mới mẻ về sứ vụ. 
 
Ước mơ sứ vụ của chúng ta phải phát xuất từ khát vọng của bản thân để nó có thể tăng cảm xúc, tính sáng tạo và nâng cao tầm nhìn của chúng ta8. Ước mơ ấy phải làm nổi bật điểm mạnh, gieo vào lòng người khác niềm tin yêu hy vọng9. Chính khi chúng ta ước mơ, chúng ta biết mình đang muốn gì và sẽ có niềm tin để thực hiện ước mơ hay tư duy lớn của mình.
 
Chẳng hạn, khi chúng ta được sai đến với môi trường giáo dục, hay một lớp học giáo lý, ước mơ lớn của chúng ta là gì? Chúng ta sẽ tiếp tục với phương pháp truyền thống, nhồi nhét kiến thức hay chúng ta sẽ có ước mơ, sáng kiến, xây dựng và chọn lựa một phương pháp tiếp cận giáo dục tốt nhất cho đối tượng cụ thể nơi môi trường giáo dục của chúng ta? Khi chúng ta được sai đến một buôn làng nghèo đói, chúng ta ước mơ điều gì? Chúng ta chỉ loay hoay với việc cắm hoa - trang trí, đi thăm viếng, phát đồ từ thiện, những bài giáo lý đơn điệu; hay chúng ta nảy sinh ra một tư tưởng lớn rằng sẽ làm một dự án gì đó có thể giúp họ cải thiện cuộc sống, hệ thống giáo dục đức tin, tri thức?…Rồi những giá trị khác sẽ kéo theo. Khi chúng ta ở một nơi mà môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tư duy lớn của chúng ta là gì?
 
Hành động nhỏ:
Hành động nhỏ là chấp nhận và sống thực tại thân phận hữu hạn của con người giữa lòng tạo thành, với những qui luật tự nhiên tất yếu10. Khi đã đặt ra cho mình những ước mơ, chúng ta hãy để cho những khát vọng ấy bừng cháy trong tim chúng ta, đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng và tin rằng chúng ta sẽ làm được.
 
Có phải cứ đặt ra mục tiêu là sẽ thành công? Chúng ta hãy cụ thể hóa ước mơ thành mục tiêu và lên kế hoạch để thực hiện. Tư duy chính là quá trình đặt và trả lời các câu hỏi, bởi chúng sẽ định hướng trọng tâm chú ý của chúng ta. Khi chúng ta chú tâm, đặt trái tim vào điều gì thì sẽ đạt chính điều ấy11. Hãy dám đưa ra những quyết định, bởi càng thường xuyên đưa ra quyết định, chúng ta càng có những quyết định chính xác và “khi đưa ra những quyết định để thực hiện ước mơ, đừng để ý người khác nói gì mà hãy nghe theo lời của con tim” (Hae Min). Đồng thời xác định điều ngăn cản, chấp nhận thay đổi và thay đổi cách tiếp cận khi cần thiết. 
 
Khi đã có được một kế hoạch tốt, cùng với Chúa Quan Phòng, chúng ta hãy chăm chỉ làm việc, nghĩa là kiên định, toàn tâm toàn ý thực hiện tiệm tiến từng bước một.
 
Duy trì thái độ tích cực, luôn mỉm cười và luôn tận hưởng niềm vui trong khi thực hiện ước mơ của mình. “Đừng chỉ lo tập trung vào kết quả mà bỏ qua niềm vui quá trình mang lại” (Hae Min). “Đối với con, mọi sự đều khiến con vui, bởi tất cả những gì con làm được đều không do ý con mà là do ý Chúa. Lúc nào con cũng hài lòng, tràn đầy niềm vui và tiến lên hướng về vận mệnh mới. Con luôn giữ nụ cười trong mọi cảnh huống, tin điều mình làm và làm nhiệt tình”. (Đức Cha Paul Leon Seitz).
 
Để có thể thực hiện tốt nguyên lí Tư Suy Lớn - Hành Động Nhỏ trong đời sống sứ vụ, người tu sĩ trẻ cần được bề trên khuyến khích, tạo cơ hội cũng như sự tương trợ của cộng đoàn. Hơn thế nữa, cần phải liên tục học hỏi các nền thần học cũng như các phương pháp mục vụ mới, để luôn có một cái nhìn mới mẻ và làm gia tăng tính sáng tạo. 
     
 Everything starts with a dream. 
So never stop dreaming!!!
                                                                                                              
Meryt - NVHB

Jose Cristo Rey Garcia Paredes, CMF. Say Mê Thiên Chúa- Say Mê Con Người, Trịnh Minh Trí  dịch, NXB. Tôn Giáo, 2016, tr. 255.
[1] Ibid, tr. 257.
X. Jason Jennings, Suy Nghĩ Lớn, Hành Động Nhỏ, Thảo Nguyên dịch, NXB. Lao Động, 2019.

[1] Lm. Jean – Louis De Robien. Vị Thừa Sai Can Trường, Nhóm Dịch Thuật -Kontum, 2020,  tr. 83-102.
[1] Mark. E. Thibodeaux. Tiếng Chúa Trong Lòng Ta, S.J. Giang Trung Kiên, S.J và Đinh Minh Hiền dịch, Trung Tâm Linh Đạo Inhã- Đắc Lộ, tr. 247.
[1] Ibid., tr. 250.
[1] Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo Trình Luân Lý Phân Định, 2019-2020, tr. 102.
[1] Florence Littauer. Dám Ước Mơ,  Minh Trâm- Lan Nguyên-Ngọc Hân dịch, NXB Tổng Hợp Tp. HCM, tr. 23.
[1] Ibid., tr. 74.
10 [1]
Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo Trình Luân Lý Phân Định, 2019-2020, tr.
11 [1] Anthony Robbins. Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn, Tribookers biên dịch, NXB Tổng Hợp Tp HCM, 2016, tr. 122.