Sơ Livia Ciaramella phục vụ các tù nhân để tìm lại những người đã lạc hướng



 
Sau một thời gian truyền giáo ở Bờ Biển Ngà, sơ Livia Ciaramella được mời để linh hoạt các cử hành Thánh lễ trong một nhà tù ở Ý. Từ đó sơ không còn để các tù nhân bị đơn độc nữa.

Một thanh xà phòng, một cuộn giấy vệ sinh, một chiếc gối, khăn trải giường, một cái đĩa: đó là tất cả những gì những người tù sở hữu khi sơ Livia gặp họ lần đầu tiên.

"Đây, một tin nhắn: một người vợ tuyệt vọng vì không biết làm thế nào để gửi đồ cho người chồng bị bắt ngày hôm kia", sơ Livia vừa nói vừa nhìn vào một chiếc điện thoại di động cũ; "họ cũng có thể là những người rất giàu, nhưng một khi bị bắt và bị đưa đến nhà tù gần nhất, họ chỉ có bộ quần áo đang mặc và bộ đồ dùng trong tù." Và chính ở đó, sơ Livia Ciaramella, người phụ trách các chương trình giáo dưỡng trong trại "San Donato” của Pescara, thi hành sứ vụ của mình.

Sơ Livia sinh tại miền Abruzzo, nước Ý, thuộc Dòng các Nữ Tử Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria do Mẹ Eugenia Ravasco thành lập. Sau khi đi truyền giáo ở Bờ Biển Ngà, vào năm 2006, sơ Livia đã được cha Marco Pagniello, khi đó là tuyên úy của nhà tù, ngày nay là giám đốc Caritas Ý, mời làm linh hoạt viên của Thánh lễ.

Không bao giờ để tù nhân đơn độc

Kể từ đó, sơ không bao giờ bỏ các tù nhân đơn độc. Sơ chia sẻ: "Khoảnh khắc khó khăn nhất là khi họ đến nhà tù: tác động của nhà tù, khi họ không còn được ăn thức ăn ở gia đình và thay vào đó là ăn thức ăn trong tù, khi họ không còn gì cả; mất cơ hội nói chuyện với họ, lắng nghe họ trong khoảnh khắc rất tế nhị đó, có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn được."

Việc sơ luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và ánh nhìn yêu thương hoàn toàn cởi mở của sơ chỉ có thể là hình ảnh của một Tình yêu lớn hơn: trên thực tế, sơ có nhiều sáng kiến ​​thiêng liêng dành cho các tù nhân. Ngoài việc cử hành Thánh Thể và có thể xưng tội với cha tuyên úy, có những khoảnh khắc đặc biệt trong năm mà trí tưởng tượng của sơ Livia đã biết cách khai thác để biến chúng thành những giây phút cầu nguyện sốt sắng. Sơ kể: "Vào tháng Năm, tôi đặt lịch vào mỗi khu vực của nhà tù, các tù nhân đăng ký và tôi đến phòng giam của họ để đọc kinh Mân Côi với họ: ngày hôm kia tôi đã đọc kinh tại bảy phòng giam khác nhau. Tôi đến nơi, mang theo tượng Đức Mẹ Fatima, và tất cả chúng tôi cùng cầu nguyện."

Mang theo Chúa Giêsu đi gặp các tù nhân

Sơ Livia dành toàn thời gian sơ có để dấn thân phục vụ: sơ thức dậy lúc năm giờ sáng; sau khi cầu nguyện, sơ đi kiếm tí thức ăn từ những thứ được những nhà hảo tâm cung cấp cho bữa ăn nhẹ của các tù nhân, và sau đó đến nhà tù. Tại đây sơ hướng dẫn các công việc khác nhau để các tù nhân có thể sử dụng các kỹ năng thủ công của họ, thậm chí sản xuất các đồ vật nho nhỏ được bán trong các phiên chợ từ thiện do sơ tổ chức để cung cấp những thứ cần thiết cho những tù nhân mới đến. Mọi thứ được suy nghĩ chu đáo để đảm bảo rằng các tù nhân không bị mất phẩm giá của họ. Sơ nói: "Tôi gặp người đó nhưng khi gặp họ tôi mang theo Chúa Giêsu, để người đó cảm thấy được yêu thương và không bị phán xét."

Hiểu biết luật để giúp tù nhân

Kinh nghiệm giờ đây đã giúp sơ Livia hiểu rõ luật về hệ thống nhà tù và sơ sử dụng chúng để các tù nhân có cơ hội trải nghiệm tình người thực sự, bởi vì một tình yêu lớn lao như vậy không thể giới hạn trong các bức tường của nhà tù. Trên thực tế, nhiều sáng kiến ​​của sơ Livia được tổ chức ngay cả bên ngoài nhà tù với chính các tù nhân. Sơ giải thích: “Theo điều 21, với sự cộng tác với Unitalsi, nhiều lần chúng tôi đưa một số thanh thiếu niên đến phục vụ người bệnh ở Pompeii hoặc Loreto: họ phụ trách việc đẩy xe lăn và giúp bất cứ thứ gì những người bệnh cần."

Sơ cũng đặc biệt chú ý đến việc cử hành Thánh Thể, điều luôn được chuẩn bị hết sức cẩn thận:

"Theo điều 17, vào những dịp đặc biệt, ví dụ như lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh khi Đức Tổng Giám mục Valentinetti đến cử hành, tôi kêu gọi những người trẻ chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, để làm cho việc cử hành Thánh Thể trang trọng hơn: chúng tôi có một nhóm phụng vụ, mỗi Chúa Nhật chúng tôi đã biết ai sẽ phải đọc các bài sách Thánh hoặc làm các việc phục vụ khác."

Những kết quả quý giá

Biết bao chuyện đời đau khổ, biết bao gia đình tan nát đã tìm được một chiếc neo cứu sinh ở người nữ tu nhỏ bé khó biết đựợc tuổi đời này. Và điều này đem lại nhiều kết quả theo nhiều cách khác nhau, và trong số rất nhiều đó cũng có kết quả tốt đẹp nhất. Sơ chia sẻ: “Đôi khi có người yêu cầu tôi dạy họ cách cầu nguyện, thường đây là dấu hiệu khiến tôi hỏi liệu họ đã lãnh nhận bí tích rửa tội chưa. Nó có thể xảy ra là họ chưa lãnh nhận. Vì vậy, tôi nghĩ đến việc tổ chức các khóa học cho cá nhân, ngoài buổi giáo lý Thứ Bảy, để họ có thể lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo."

Vì nhà tù được đặt theo tên của một vị thánh, sơ Livia cũng đã thành công trong việc  đưa thánh Donato vào bên trong nhà tù: vào năm 2018, chiếc bình đựng thánh tích của thánh nhân từ Castiglione Messer Raimondo (PE) được đưa đến và được đưa vào nhà tù trong suốt một ngày cầu nguyện và cử hành Thánh Thể.

Chuẩn bị tương lai cho các tù nhân

Sơ Livia rõ ràng cũng lo lắng về những việc sau khi họ ra tù, đó là lý do tại sao có sự hợp tác liên tục với Cộng đoàn Giáo dục tù nhân, một dự án của Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII, lo việc cải tạo tù nhân: "Khi ra tù họ phải mạnh mẽ hơn trước, nếu không thì trại giam trở thành nơi giữ người ở trong đó."


Valentina Angelucci

https://www.vaticannews.va/