Khấn Dòng Thời Covid


KHẤN DÒNG THỜI COVID


Covid thực sự đã và đang làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt cũng như mọi dự tính của nhiều người, nhiều tổ chức. Nó không chỉ ảnh hưởng “ngoài đời” mà còn cả “trong đạo” nữa. Chẳng thế mà không ít giáo phận, hội dòng đã phải huỷ các kế hoạch dự tính trừ trước, hoặc thay đổi kế hoạch theo nghĩa không tổ chức “hoành tráng” như dự định. Lễ khấn của các hội dòng là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi đó.

Quả thật, có những hội dòng đã lên chương trình cho lễ khấn một cách tươm tất đâu vào đó trước cả tháng trời. Nào là thiệp mời. Nào là trang trí. Nào là tiệc mặn, tiệc ngọt. Nào là khách khứa… Hơn hết, tâm hồn những khấn sinh chắc hẳn cũng khấp khởi vui mừng vì sắp được nói lên lời tuyên khấn trước sự chứng kiến của bao người, vì sắp được gặp người thân sau một thời gian không liên lạc trong bộ áo dòng còn nếp nhăn… Bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu hy vọng của những khấn sinh gói trọn trong ngày khấn dòng sắp tới. Thế rồi Covid tới. Thiệp mời không được gửi đi. Khách khứa bị hạn chế. Thậm chí ông bà cố cũng không được mời tham dự. Buồn và chán nản đó là tâm trạng chung của nhiều khấn sinh. Lúc này tâm hồn người khấn sinh chẳng khác gì như cánh diều đang ngất ngây trên trời cao bỗng cơn mưa đá ập tới làm rơi cái “bụp” xuống mặt đất. Nghĩ cũng đúng, vì khi người ta càng hy vọng bao nhiêu nhưng lại không đạt được điều hy vọng thì càng thất vọng bấy nhiêu. 

Mặt khác, nỗi buồn đó không chỉ riêng khấn sinh, nhưng còn lan tới cả người thân của họ nữa. Bởi chưng có không ít người thân của khấn sinh cũng đang trông mong từng ngày, từng giờ để được tham dự lễ khấn của người con, người cháu mình. Niềm tự hào và vui mừng dường như đang chất chứa trên khuôn mặt, trong tâm trí những người thân đó và đang chờ để bộc lộ ra trong ngày khấn của con, của cháu mình.

Và như một điều tất nhiên, hình ảnh nhộn nhịp với những cái bắt tay chào hỏi, tặng hoa, chụp hình thường thấy trong các lễ khấn dòng xem ra giờ vắng bóng trong thánh lễ khấn dòng thời Covid. Thay vào đó là một khung cảnh bình lặng và giản dị đến lạ thường mà trước giờ hiếm thấy trong các thánh lễ khấn dòng. Chính điều này đã làm nhiều người buồn tủi và không mấy dễ dàng chấp nhận. Thế nhưng, đôi khi chính trong khung cảnh của những lễ khấn dòng thời Covid như thế này lại càng giúp người tu sĩ nói chung, khấn sinh nói riêng nhận ra được ý nghĩa sâu sắc hơn của đời tu. 

Thật vậy, hẳn là ít nhất một lần trong đời chúng ta đã từng hát hoặc từng được nghe ca khúc Chúa là gia nghiệp đời con với những ca từ:“Chúa là gia nghiệp đời con. Xin Ngài bảo toàn thân con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc và ở nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui, Chúa là gia nghiệp đời con”. Những ca từ đó như muốn khẳng định rằng chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc, chỉ có Chúa là gia nghiệp của đời mình mà thôi. Và nếu như tất cả mọi Kitô hữu đều chân nhận điều đó thì cách riêng người tu sĩ sẽ phải cảm nghiệm sâu hơn và xác tín hơn về khẳng định đó. Như vậy, cội nguồn đích thực của đời tu là chính Chúa, là tìm kiếm hạnh phúc nơi Người chứ không phải từ những hào nhoáng bên ngoài, từ những bó hoa hay sự chúc mừng của người khác. 

Như vậy cách nào đó khung cảnh khấn dòng thời Covid là cơ hội tốt để khấn sinh có thể lắng đọng, cảm nghiệm và khám phá cội nguồn ơn gọi của mình qua lời tuyên khấn. Bởi lẽ khi đó khấn sinh không còn vướng bận với những suy nghĩ về khách khứa, trang trí, tiệc tùng… là những thứ bên ngoài nhưng xem ra ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trí bên trong của khấn sinh.

Hơn nữa, qua lời khấn dòng, khấn sinh trở nên thành viên của hội dòng. Chính khung cảnh bình lặng và giản dị chỉ với sự có mặt của những thành viên trong hội dòng càng làm cho khung cảnh của gia đình hội dòng ấm cúng hơn. Và như một chất xúc tác nó giúp tân khấn sinh cảm thấy thuộc về và gắn chặt hơn với gia đình mới của mình, gia đình mang tên hội dòng. Chẳng thế mà có không ít tân khấn sinh rơi nước mắt vì cảm động và những tiếng nấc nghẹn như nói lên quyết tâm sống chết với hội dòng của mình.

 

Đặc biệt hơn, nếu như việc không có người thân tham dự lễ khấn dòng thời Covid được cho là một sự cô đơn, buồn tủi thì điều đó như muốn ngầm hiểu người tu sĩ cũng sẽ có những lúc phải đối diện với sự đơn côi, tủi buồn trong đời tu. Tuy nhiên, cho dù có những lúc phải đối diện với cô đơn, buồn tủi thì chính khung cảnh của lễ khấn dòng thời Covid khẳng định rằng người tu sĩ không bao giờ cô độc, vì họ vẫn luôn có Chúa đồng hành, vẫn luôn có anh em hay chị em trong hội dòng song hành. Đồng thời, điều đó ít nhiều cũng cho người tu sĩ hiểu thế nào là xin vâng theo thánh ý Chúa. Có thể trước giờ chúng ta vẫn thản nhiên nghêu ngao bài hát “Xin vâng”, nhưng khi đối diện với nghịch cảnh chúng ta mới thấm thía giá trị của lời xin vâng và hiểu rằng chấp nhận lời “Xin vâng” không dễ dàng chút nào. Và như thế qua đó khấn sinh càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Chỉ có cầu nguyện mới làm cho khấn sinh được bình an. Chỉ có cầu nguyện mới làm cho khấn sinh được mạnh mẽ để nói lời xin vâng.

Tắt một lời, những điều tích cực vẫn có đó trong bối cảnh khủng hoảng do Covid mang tới. Và như thế câu nói của thánh Tôma Aquinô: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra nếu không vì một sự thiện nào đó tốt đẹp hơn” lại càng giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa trong khoảng thời gian này. Vấn đề là chúng ta nhìn nó như thế nào dù rằng ước mong một thánh lễ khấn dòng được tổ chức quy mô và có sự hiện diện của người thân là một mong ước chính đáng của khấn sinh và người thân cũng như của hội dòng. 

 

Antôn Hoàng Văn Phúc, OP