Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục


Có một câu nói nổi tiếng được xem là của thánh nữ Têrêsa Avila : “Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong”. Đây là cảm nghiệm sự quan phòng, đưa dẫn của Đấng Tạo Thành đối với con cái Ngài, dù rằng dòng đời có chông chênh, xuôi ngược. Chúng tôi gặp cha Antôn Lê Quang Trinh (dòng Chúa Thánh Thần) - một vị mục tử với dáng người nhỏ nhắn, được dịp chuyện trò về sứ mạng cùng hành trình ơn gọi thăng trầm. Cha cũng xác tín Chúa đã vẽ cuộc đời mình, yêu thương chăm sóc bằng đường cong, để cùng đích, Ngài gọi cha lên bàn thánh sống chứng tá…
 

Với những người lần đầu tiên gặp gỡ, sẽ không thể nào quên sự thân thiện, cởi mở, đôi mắt hiền hậu lại là những điểm thu hút để khi có dịp thưa chuyện với ngài, khó mà từ biệt. Cha Trinh mang theo chứng cong vẹo cột sống từ khi còn rất trẻ, trong những hành trình: khi phải từ giã Đại Chủng viện trở về quê nhà do thời cuộc, khi sang tận Mỹ chữa chạy; khi tu học lại… Tất cả các giai đoạn đó, đã có lúc vui, lúc buồn, đã có lúc tưởng chừng gác bút nghiên lại để sống thầm lặng ở miền quê thôn dã. Bệnh tật như một thử thách lớn đeo bám cuộc đời đằng đẵng. Cuối cùng, “nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cha, ước mơ từ tấm bé đã trở thành hiện thực”, cha cảm nghiệm. Được truyền chức linh mục, suốt 16 năm nay, cha miệt mài trong sứ vụ mà dòng trao phó là tìm kiếm và đào tạo ơn gọi tại Việt Nam.

Có dịp hồi tưởng, ký ức đời tu cha sống lại, rõ mồn một. Cha sinh ra trong gia đình đông con ở miền quê Ô Môn, Cần Thơ. Năm 12 tuổi, nối gót người anh (nay là cha giáo Đại Chủng viện Thánh Quí Cần Thơ Phêrô Lê Quang Phú), cha vào học tại Tiểu Chủng viện Á Thánh Quí, Cái Răng. Việc học êm thấm cho đến khi cha nhập học Đại Chủng viện Thánh Quí được một năm thì do hoàn cảnh xã hội, Đức Giám mục giáo phận thuở ấy là Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang gởi các thầy trở lại giáo xứ quê tự đào luyện. Giữa thập niên 1970, chủng viện đóng cửa, việc học gián đoạn. “Lớp của cha, 12 anh đều phải rời bỏ trường để trở về”, cha kể. Về, trong ý nguyện phục vụ cộng đoàn và tự đào tạo, đợi ngày sẽ tiếp tục. Đối với cha  - người thanh niên 21 tuổi và bạn bè cùng lứa, về đợi…, đồng nghĩa chỉ biết phó thác, tin cậy ngày mai…

 
Cha Antôn Lê Quang Trinh giới thiệu về sự hiện diện của dòng Chúa Thánh Thần trên thế giới
 
Chúng tôi thắc mắc về sự tự đào tạo trong thời gian này. Cha cho biết, giống như các thầy ở Sài Gòn, Phú Cường… đến nông trường Lô 6 lao động, nhiều chủng sinh của chủng viện ở miền đất Tây đô cũng được bề trên đưa về giáo xứ. Đầu tiên, cha được gởi về phụ cho cha Đôminicô Nguyễn Thành Tính, người đang coi sóc họ đạo Bô Na và họ lẻ Hậu Bối. Cha Trinh chia sẻ đây là cơ hội quý để được cọ xát thực tế, hiểu biết đời sống đạo và cuộc sống hằng ngày của bà con: “Mình là thầy ở chủng viện nhưng khi được về sống cùng anh chị em giáo dân thì cần hòa nhập với mọi người. Những điều gì chưa quen, chưa biết thì tập làm rồi rành. Miền Tây chủ yếu là trồng lúa, làm ruộng. Bà con gieo lúa, đi cấy, nhổ cỏ, thì mình cũng làm. Tới vụ mùa, mình cũng cắt lúa, vác lúa xuống ghe như bao anh em”. Cuối tuần, cha tháp tùng cha sở Đôminicô dâng lễ ở họ lẻ, dạy giáo lý, chăm lo các việc đạo đức. Cứ thế, liên lỉ suốt hai năm rưỡi… Trong những năm tháng đó, cha vẫn nuôi ý nguyện trở lại chủng viện. Tuy nhiên, Chúa lại rẽ cuộc đời cha sang hướng khác theo cách mà nếu không có đức tin Công giáo mãnh liệt sẽ nghĩ là không may : cha mắc bệnh thấp khớp và chứng cong vẹo cột sống lúc nào chẳng biết. Chính cha cũng không hay cột sống có những biểu hiện bất thường cho đến một ngày về thăm gia đình, bà cố hốt hoảng hỏi lý do. Mang trong người bệnh tật, cha không thể ở lại giáo xứ và được đấng bản quyền gởi về xứ nhà tịnh dưỡng, điều trị. Một lần nữa, cha lại “trở về”. Lần này không do hoàn cảnh khách quan mà do sức khỏe bản thân. Dù vậy, ngày qua ngày, thầy Trinh vẫn âm thầm tới lui nhà xứ lo những việc kinh kệ.

Cha tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu. Lần trở về thứ nhất, người thanh niên đã có lúc không biết khi nào quay lại trường với bè bạn. Lần thứ hai, bệnh tật tưởng làm dừng hẳn ước nguyện dấn thân. Cha lý giải: “Có lẽ do những khi phải lao động vất vả cực nhọc làm ruộng mấy năm, mắc bệnh nhưng không cảm nhận được”. Và vóc dáng ấy khiến cha ở lại hẳn cùng gia đình. Cha tiết lộ: “Mình vẫn mong muốn đi tu, nhưng rồi cũng thấy khó khăn quá. Đã có nhiều lần muốn buông xuôi vì những thách đố vượt quá sức, và chỉ biết tin cậy, cầu nguyện…”. Suy nghĩ này càng lớn hơn khi các chủng viện được tái hoạt động, điều kiện sức khỏe cha Trinh không cho phép nên đã không thể nhập học. “Mình vẫn làm việc ở nhà thờ như một ông thầy, vì quen rồi và vì mình thích như vậy”, cha nói về thời kỳ đó. Bây giờ, khi kể về ngày cũ chuyện xưa, cha Trinh không ngần ngại thú nhận nhiều lúc muốn buông hay ý nghĩ lập gia đình riêng lóe lên trong tâm trí, tuy vậy, tình yêu Chúa đã níu giữ cha, trung trinh…

 
Viếng thăm và ủi an người bệnh tật
 
Nhưng rồi, như đáp đền cho những hy sinh thầm lặng cùng tình yêu mến dấn thân nồng nàn, Chúa sắp xếp cuộc đời cha đi đến cột mốc mới, nảy sinh từ chuyến sang Mỹ chữa bệnh cột sống vào năm 1994. Tại Mỹ, trong một dịp tình cờ, cha được gặp các linh mục truyền giáo thuộc dòng Chúa Thánh Thần. Trước lời mời gọi tu học tiếp tục, cha đã quyết tâm xin theo. Bấy giờ là năm 1998. Đến năm 2007, cha được chịu chức linh mục và nhận bài sai về Việt Nam lo đào tạo ơn gọi dòng. Lần trở về này, với cha mang niềm vui sướng, hân hoan, khác những lần “về” ở quá khứ là trong bồn chồn, lo lắng. Hiện cha phụ trách các thầy nhà tập tại Củ Chi. Trong việc tìm kiếm ơn gọi, vị mục tử luôn để tâm gọi mời và chọn lựa những người trẻ phẩm chất trổi vượt, có lòng yêu Chúa, yêu Giáo hội, đặc biệt “sẵn sàng đến với người nghèo”. Bởi, như cha chia sẻ, linh đạo truyền giáo đòi buộc các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần quên mình để phục vụ tha nhân, mang ánh sáng Tin Mừng đến nơi chưa biết Chúa. Để làm được, họ phải hết lòng yêu tha nhân, biết sống với người nghèo, vô vị lợi. Cha cho biết, dòng hiện tại có hơn 3.000 thành viên, hiện diện ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc. Riêng châu Á, các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần có mặt tại Ấn Độ, Đài Loan, Pakistan và Việt Nam (từ 2007). Cha Trinh cùng với 2 linh mục khác của dòng là những người đầu tiên thiết lập, gầy dựng cộng đoàn tại Việt Nam, mở rộng ơn gọi cho người trẻ Việt.

Nhìn lại một đường cong cuộc đời cùng sứ mạng của mình, cha cho rằng chính Chúa đã yêu thương và Chúa Thánh Thần làm việc, đỡ nâng cách huyền nhiệm. Ở tuổi 69, cha Trinh đang dành thời gian quý báu còn lại để đáp trả tình yêu đó qua đào tạo và qua những mục vụ được trao hằng ngày.

Hùng Luân