Được Và Mất… Nơi Người Tu Sĩ - Maria Kiều Thương, MRP


ĐƯỢC VÀ MẤT… NƠI NGƯỜI TU SĨ


Thánh Phêrô trong Tin mừng Matthêu đã hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi: “Thưa Thầy, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”; có lẽ đây cũng là băn khoăn của phần đông những bạn trẻ hôm nay khi đứng trước chọn lựa căn bản của cuộc đời là đi tu, sống độc thân hay hôn nhân gia đình. Quả thật, câu hỏi đó cũng gợi lên trong tâm tư những người thánh hiến những cảm nghiệm giữa cái mất và cái được của đời tu, khi đã chọn lý tưởng sống là bước theo tiếng gọi của Thầy Chí Thánh. 
 
Người đi tu trước hết là người theo Chúa, trở nên môn đệ của Chúa. Khi tự nguyện theo Chúa, bất kỳ Tu sĩ thuộc Dòng nào cũng cần phải trải qua giai đoạn thanh luyện bằng việc từ bỏ dần dần, để rập theo khuôn mẫu đời sống Chúa Kitô. Thực vậy, bằng một cái nhìn chung bên ngoài, có vẻ như người Tu sĩ từ bỏ rất nhiều: bỏ gia đình và các tương quan bạn hữu; bỏ tài sản và những hoạch định tương lai của bao năm tháng đèn sách; từ bỏ để dứt khoát mọi dính bén tình cảm nam nữ; và quan trọng nhất họ bỏ những chọn lựa theo ý muốn và sở thích riêng, chắc chắc là mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã bám víu hay sở hữu. Tiên vàn, cần xác tín rằng sống đời tu, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Ki-tô làm mục tiêu đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế.
 
Được trải qua nhiều giai đoạn đào tạo trong đời tu, tôi xác tín rằng: Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn, và chọn lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh như lời bài hát “Hiến lễ tình yêu” của Nguyên Kha “Lạy Chúa, tình yêu là dâng hiến, lựa chọn là hy sinh. Con đây vì yêu Chúa, con đây vì lý tưởng, dâng Chúa trọn tuổi xuân…”; cùng với những cảm nghiệm rất riêng tư và những điều được học hỏi trong hành trình 14 năm “theo gương Mẹ sống tinh thần Hòa bình” trong ơn gọi của “người Nữ tu miền Thượng"; từ những bước chân chập chững đầu đời cho đến hôm nay, tôi thực sự xác tín rằng: Sống đời tu, Tôi được nhiều hơn mất.
 
Bạn thân mến,
Điều đó thật sự là một xác tín, vì chính Chúa Giêsu đã hứa với các Tông đồ trong Tin mừng Matthêu: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.”(Mt 19,29) Như thế, rõ ràng những điều mà người tu sĩ từ bỏ không là gì so với những ân ban nhưng không mà Thiên Chúa dành cho từng người: Người Tu sĩ rời bỏ một gia đình nhỏ bé để nhận lại được một đại gia đình - đó là những người chị em trong Hội dòng, những người mà họ tự nguyện chọn sống cùng, sống với. Tu sĩ bỏ vài mối tương quan bạn hữu, hay ngay cả chút tình cảm riêng tư để nhận được một kết nối mở rộng đến tất cả mọi người, những người nghèo, những người đau khổ và cả những tâm hồn xa lạ. Và như thế, họ bỏ một tình yêu nhỏ bé để nhận lại được một tình yêu lớn lao.
 
Tiếp đến, đặt bước chân vào đời tu là đồng nghĩa với việc người Tu sĩ tạm bỏ đi những suy nghĩ với những kế hoạch riêng không thích hợp với lý tưởng mà mình đã quyết chọn. Thế nhưng, những điều xem ra đã bỏ đi đó lại không là gì so với những gì được nhận lãnh. Hành trình đời tu đưa người Tu sĩ bước tới chân trời mới, đến những hiểu biết và khám phá mới, mà chắc chắn họ sẽ không thể có cơ hội nhận biết và chạm tới nếu cứ giam hãm mình trong dự tính riêng tư. 
 
Điểm cuối cùng, người tu sĩ khi bước vào đời tu có phải bị mất sự tự do hoàn toàn không? Đây là vấn đề mà rất nhiều người trẻ hôm nay cảm thấy nao núng khi phân định để chọn lựa bậc sống. Họ sợ đời tu sẽ lấy đi sự tự do, lấy đi sự thoải mái và thậm chí là đặt họ vào những chọn lựa hay quyết định mà họ không muốn. Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ, Người không hề lấy đi sự tự do của các ông, Người cũng không bắt họ phải theo một khuôn mẫu đã vạch sẵn, nhưng mời gọi họ tự nguyện bước theo Người. Cũng thế, đời tu tự bản chất đã là một lời mời gọi của Chúa Cha dành cho những ai mà Người muốn, để nhờ ơn Thánh Thần thúc đẩy, họ can đảm chọn lựa sống ơn gọi tu trì, giúp họ dám từ bỏ của cải vật chất, những tương quan, và cả những quyền lợi chính đáng, với chí hướng trung thành sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa trao. Tôi rất tâm đắc với những lời sau đây của Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ : “Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài. Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả ĐÓ LÀ CHÍNH GIÊSU”.
 
Thiên Chúa ban sức mạnh tình yêu làm cho khao khát nên trọn lành của mỗi chúng ta được no thỏa, chỉ với một điều kiện là: Ta hết lòng tin tưởng vào quyền năng Chúa và phó thác tất cả trong vòng tay yêu thương của Ngài. Lòng tôi cao dâng một niềm tri ân phấn khởi vì giữa các bạn, tôi được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới, dẫu rằng vẫn có đó những gợn sóng lăn tăn đôi khi cũng làm mình muốn chùn chân dừng bước. Nhưng “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9).
 
Vâng, bạn thân mến, 
Giữa một thế giới phát triển không ngừng về khoa học kỹ thuật, một thế giới mà con người có thể không cần phải “đi ra” mới có thể kết nối, gặp gỡ thì đời tu đích thật chính là một cuộc lội ngược dòng. Người tu sĩ có thể từ bỏ một gia đình, một tình yêu bé nhỏ nhưng đối lại, họ được nhận lại một đại gia đình thiêng liêng, một tình yêu đại đồng, vị tha và mở rộng không ngừng. Quyền tự do của người tu sĩ có thể bị giới hạn trong một mức độ nào đó, nhưng đó là sự tự nguyện mà họ đã cam kết, giúp họ có thể thanh thoát, sẵn sàng ra đi đến bất kỳ nơi nào Chúa muốn. Và trên hết, những sự từ bỏ mà xem ra người tu sĩ bị mất trên đường đời, họ có được lời hứa về sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Ở nơi đó, Thiên Chúa - Đấng là nguồn mạch mọi ân phúc sẽ trả lại cho họ tất cả những gì họ đã dâng hiến Chúa nơi trần gian này. Chắc hẳn mỗi người cảm nghiệm rất rõ về những gì mà mình đã và đang nhận được từ Thiên Chúa qua chính cuộc sống của mình. Chúng ta chẳng đánh mất gì cả; ngược lại, chúng ta nhận lại được nhiều hơn gấp bội. Qua các Tông đồ, Chúa cũng đang trả lời cho mỗi người chúng ta: không có ai từ bỏ mọi thứ mà theo Ta lại không được gấp trăm lần ở đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau.
Hãy an tâm tiến bước theo Chúa và quảng đại dâng hiến trọn vẹn đời mình cho Chúa, với niềm "thâm tín mình đã được chọn để yêu mến, ca ngợi và phục vụ" (VC 104).
 
Để kết bài suy tư này, tôi xin mượn tâm tình của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Tông huấn Vita Consecrata số 104: "Ai đã được ban hồng ân vô giá là theo Chúa Giêsu sát hơn - tất nhiên hiểu rằng Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian hay vài công việc. "Xức dầu thơm quý giá" là một hành động yêu thương nguyên tuyền, hoàn toàn ngoài mục đích cầu lợi, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi không tính toán; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc sống "được cho đi" mà không tính toán khiến cho cả nhà “sực mùi thơm”. Ngày hôm nay, không thua kém gì ngày hôm qua, nhà Thiên Chúa là Giáo Hội vẫn được trang điểm và thêm phong phú nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến“.
 
Lạy Chúa, đôi lúc con bước đi theo Chúa, nhưng lòng con còn dính bén nhiều thứ. Con chưa dám tự nguyện từ bỏ của cải vật chất, những tương quan, và cả những quyền lợi chính đáng. 
Xin cho khát vọng theo Chúa trên con đường tiến tới sự trọn lành, giúp con vượt thắng tất cả những kiếm tìm lợi lộc thế trần, để mai sau con cũng được vinh phúc như lời Chúa hứa. 
Xin thương gìn giữ con trung thành với ơn gọị và phụng sự Chúa không tính toán được mất.
Xin cho con hằng nhìn lên hy vọng bất diệt, để hồn con được hân hoan theo Chúa đến cùng. Amen.
 
Maria Kiều Thương, MRP