Mặc cảm OEDIPE - Jorathe Nắng Tím


MẶC CẢM OEDIPE

Vấn đề tính dục ở em bé là đề tài được bàn đến nhiều từ sau nghiên cứu của Sigmund Freud, nhà phân tâm học người Đức. Sigmund Freud cho rằng ngay từ 4 tuổi, em bé đã biểu lộ một cách vô thức khả năng tính dục của mình và ông cắt nghiã khả năng này qua “mặc cảm Oedipe” lấy từ truyện thần thoại hy lạp của Sophocle. 

Câu chuyện như sau: Oedipe là một cậu bé bị cha mẹ bỏ từ lúc mới sinh. Người ta tiên đoán cậu là người chuyên gieo bất hạnh và sẽ giết cha để cưới mẹ mình. Lớn lên, Oedipe bỏ gia đình cha mẹ nuôi và trên đường, Oedipe gặp người đàn ông tên Jocaste và giết người này. Oedipe không biết người đàn ông này là cha ruột mình.  Sau đó, Oedipe lấy mẹ ruột làm vợ mà cũng không hay biết. Đến khi biết rõ sự thật, Oedipe đã tự đâm mù hai mắt.

Câu chuyện thần thoại trên được Sigmund Freud cắt nghĩa như hành động vô thức của con người trong tiến trình phát triển tính dục và đưa đến kết luận: bé gái  rất thích “quyến rũ” cha, không thích mẹ và ngược lại, bé trai  luôn “phải lòng” mẹ , ghét cha.  

Theo lý thuyết này: một cách vô thức, em bé ngay từ 4 tuổi đã biểu lộ khuynh hướng tính dục đối với chính cha mẹ mình: con trai thì thương mẹ, ghét cha, con gái thương cha, không thích mẹ. Quan sát bé gái thích được ba chiều và thích hôn miệng ba; cũng như bé trai thích sờ vú mẹ và mong được mẹ âu yếm, nhiều nhà phân tâm cho rằng: tính dục phát triển rất sớm nơi em bé và ảnh hưởng toàn bộ nhân cách của em sau này.

Nhiều người ủng hộ những phân tích của Sigmund Freud. Một khi ủng hộ, người ta sẽ đồng ý với ông về sự có mặt cùng một lúc của hai tình cảm đối nghịch: thương yêu và hận thù  nơi đứa bé đối với cha, mẹ mình. Nhưng cũng có nhiều người không hoàn toàn đồng ý với những phân tích của ông và cho đó là giải thích gượng ép về sự hình thành tính dục nơi em bé. Với những người không đồng ý với ông, sự gắn bó đặc biệt và những cử chỉ mang tính cách “tính dục ” nơi bé gái đối với cha, và bé trai đối với mẹ là do tính tò mò, muốn khám phá giới tính nơi người khác phái. Cũng như thái độ căng thẳng, không thiện cảm  của bé gái đối với mẹ, hoặc của bé trai đối với ba có thể đã do một bất công nào đó do cha hoặc mẹ đã gây ra. Chủ trương này còn cho rằng:  sở dĩ có những thái độ trái chiều là vì em bé đang cần hình thành trong em những  khuôn mẫu lý tưởng của nam  và nữ.

Dù đồng ý hay không đồng ý, dù thiên về Sigmund Freud hay đả phá ông, cha mẹ vẫn có thể chính mình quan sát diễn tiến của quá trình hình thành khả năng tính dục nơi con mình. Ở những nước phương tây, cha mẹ đặc biệt quan tâm đến phương diện tính dục của con cái và nhất trí những phương án hướng dẫn rất thực tế, thức thời:

a.   Không chọc quê hay trách móc bé, nếu bé có những cử chỉ quyến rũ và quá tình tứ với cha, hoặc mẹ; nhưng cắt nghiã cho bé biết: tình yêu giữa cha và mẹ không giống như tình yêu giữa cha mẹ và bé. Mỗi người có chỗ đứng của mình trong gia đình.

b.   Cắt nghiã cho bé sự khác biệt giới tính và cho bé biết: cha mẹ rất hãnh diện vì bé và tin chắc bé sẽ có người yêu sau này như ba có mẹ, như mẹ có ba.

c.    Tuyệt đối không la rầy, giận dỗi bé nếu bé không tỏ ra quấn quýt mẹ mà chỉ theo sát ba trong trường hợp bé là nữ, hoặc ngược lại nếu bé là nam.   

Để giúp em bé  trong việc phát triển tính dục, cha mẹ cần bén nhậy để nhận ra những biến đổi tính dục nơi con và kịp thời hướng dẫn. Những cử chỉ mang tính “tình dục” tuy vô thức, nhưng ảnh hưởng nhiều trên nhân cách và đời sống tính dục của em, nhất là khi em bước vào tuổi dậy thì. Những thói quen không được hướng dẫn ở tuổi thơ sẽ tạo thành những nếp “ phản ứng tình cảm” hằn sâu trong tiềm thức tạo nên những chấn động tâm lý bất bình thường sau này khi em bé ra khỏi tuổi thơ, bước vào tuổi niên thiếu. Có thể Sigmund Freud đã phần nào cường điệu ảnh hưởng của vô thức tính dục nơi em bé, nhưng ông đã có công phân tích và đem ra ánh sáng hiện tượng  tính dục ở tuổi thơ, một vấn đề mà đến bây giờ nhiều người vẫn  cho là  cấm kỵ, không nên bàn tới.

Nghề làm cha mẹ đòi biết tiên liệu: tiên liệu mọi rủi ro có thể xẩy ra trên đường con đi, tiên liệu mọi khó khăn, nguy hiểm đang chờ chân con bước tới. Tính dục cũng nằm trong danh sách những rủi ro, khó khăn, nguy hiểm đó. Và để tiên liệu đúng, không gì hay hơn là nhận diện chính xác vấn đề, những vấn đề có thể phát sinh rất sớm trong đời sống của con cái, như mặc cảm Oedipe trong tiến trình phát triển của tính dục.

Ước mong các cha mẹ ý thức vai trò quan trọng của tính dục trong hạnh phúc của con cái và hướng dẫn con cái một cách khôn ngoan để gia đình nào cũng là một gia đình hạnh phúc với cha mẹ và những đứa con hạnh phúc.

Jorathe Nắng Tím