Đường đến với anh em


ĐƯỜNG ĐẾN VỚI ANH EM

“Đường đi khó không khó vì năn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”
Trải qua đoạn đường khá dài thăm chị em đang truyền giáo tại các bon sóc ở vùng Tuy Đức thấy mà thương chị em tôi. Nghĩ về đoạn đường đã đi qua thấy mà nể chị em, và suy cho rốt ráo thì con người có khả năng vượt qua gian khổ bằng ý chí và nghị lực vươn lên, vươn lên từ chính mình để giúp người khác vươn lên từ chính bản thân họ. Từng người như thế sẽ cùng nhau vươn lên để xây dựng cộng đồng phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này, chỉ trừ những người có trái tim thật sự biết yêu và rung cảm trước nỗi khổ của người khác, chỉ có những người biết quên mình để nhớ người, yêu người. Và như thế, ngăn sông cách núi, đường đi cách trở sẽ được khắc phục mỗi ngày, các nhà truyền giáo ngày xưa cũng đã từng trải nghiệm biết bao cái khổ gấp trăm lần như thế, để đem Chúa đến cho con dân Việt Nam. Hôm nay, chị em tôi cũng đang từng bước vượt khó để đến với bà con bằng tấm lòng yêu thương như thế.

Đường xa không ngại cho bằng đường xấu, mà đường xấu không cũng không ngại cho bằng đường nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn khi gặp trời mưa. Thế mà chị em tôi vẫn cứ lên đường bất kể mưa gió bụi bặm, vì cuối đoạn đường xấu đó, biết bao con người đang khao khát được tham dự thánh lễ, học hỏi giáo lý, hát thánh ca...Những ngày mưa gió, chị em tôi phải có xích vào bánh xe mới có thể bò qua đoạn đường dốc, đường hẹp, đường ổ voi, đến chiếc cầu cũng thấy rợn da gà “Cầu lạch bạch” lạch bạch vì nó không vững, không chắc chắn cho nhiều xe lưu thông, chưa kể đến xe tải. Tôi thầm nghĩ, cứ như thế này thì không biết người hư trước xe hay xe hư trước người.
Đến các điểm có nhà nguyện như bon Phi-Lơ-Te, và ĐăkNgo rất tươm tất sạch sẽ, bàn thờ để dâng lễ khá đẹp, xứng đáng để cử hành thánh lễ, ban hành giáo họ chịu khó thay nhau chăm sóc nhà nguyện, cắt cử người lau dọn để là trung tâm qui tụ bà con tham dự giờ kinh nguyện và thánh lễ. Nhìn thấy thế mà ấm lòng.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng là tinh thần của chị em, nhiệt thành vui vẻ không nề hà khó khăn, luôn tìm cách vượt khó vượt khổ để đến với anh em, kiên nhẫn dạy lớp giáo lý xưng tội cho các em 20, 21 tuối, lắng nghe những vui buồn của bà con, tìm tòi và sáng tạo, giúp bà con những giờ canh thức, dâng hoa, sinh hoạt cho bà con và các em nhỏ niềm vui khi đến nhà Chúa. Lại còn những gia đình rối như tơ vò, nguội lạnh trong đức tin, trẻ em mù chữ, thanh niên mù chữ... bao nhiêu tâm huyết muốn giúp muốn dạy nhưng làm không xong vì mới học được vài buổi thì học sinh nghỉ học dần, được 3 tuần thì không còn học sinh nữa, “chữ thầy trả thầy”. Rõ là khổ, khổ vì lực bất tòng tâm, yêu người mà người không yêu cái chữ, thì cuối cùng đường ai nấy đi. Cũng có gợi ý cho chị em là soạn bài theo hoàn cảnh, trẻ đi chăn bò thì cho học chữ con bò, cây cỏ để “vừa học vừa làm” may ra còn có vài chữ sau này có làm lễ cưới thì cũng biết đọc. Trẻ đi nhặt điều thì học chữ “điều”, hơi khó nhưng chẳng lẽ nhặt được mấy bao điều mà không học nổi một chữ sao!
Chúng tôi đi có một buổi sáng mà đã mệt phờ, còn chị em tôi mỗi tuần vào một lần ở lại hai ngày, rồi còn các bon sóc khác nữa, chỗ nào cũng có niềm vui xen lẫn những gian khổ. Đúng là tình yêu đức Kitô thúc bách các chị, chỉ có nguồn động lực đó mới giúp các chị vượt qua và vượt thắng những cản trở từ phía chính mình và ngoại cảnh. Chỉ có Đức Kitô mà các chị chiêm ngắm hằng ngày mới xóa sạch những lớp bụi đường sưởi ấm mưa gió trên đường sứ vụ.
Ước mong chị em có một căn nhà bé nhỏ để ở, một cộng đoàn hiện diện để có thể thực hiện khát vọng truyền giáo của mẹ Giáo Hội. Trên mọi ước muốn là chị em ta hãy làm cho đặc sủng Dòng nẩy mầm và phát triển thành những cành cây mạnh mẽ để tỏa bóng mát cho mảnh đất tây nguyện nắng gió. Hãy lên đường, rong ruổi trên những con đường truyền giáo của giáo phận với tình yêu Đức Kitô đang vẫy gọi chị em Dòng Nữ Vương Hòa Bình. Sống và truyền rao Tin Mừng Hòa Bình của Chúa Kitô cho mình và cho người khác theo gương Mẹ Maria”.
Sr. Maria Lệ Nghĩa