Đừng Quên Con Nhé Sơ!

Họ cần Chúa, cần được TÌNH YÊU ôm ấp, vỗ về nơi đôi tay, nụ cười, ánh mắt của tôi vì tôi là hình ảnh, là nữ tu của Chúa, là “khí cụ bình an” của Người.
Có lẽ câu nói ấy sẽ theo tôi trên mọi nẻo đường truyền giáo!

 
Đó không phải là một tiếng kêu gào thảm thiết, không phải là một lời trách móc, kêu ca nhưng là một lời nhắn nhủ làm nhói lên trong trái tim tôi một nỗi niềm thổn thức vì bất chợt tôi thấy mình đã sống quá vô tình.

 
Buổi sáng chúa nhật hôm ấy, lần đầu tiên tôi cảm nghiệm thế nào là những chi thể đau khổ của Chúa Kitô. Những chi thể ấy chẳng xa xôi nhưng trái lại rất gần, chẳng sợ hãi mà lại quá thân thương! Họ không xa bởi lẽ chỉ cách tôi mấy vòng xe lăn bánh hay chỉ mấy trăm mét đi bộ ngắn ngủi. Ấy vậy mà nếu tôi không “đi ra”, họ và tôi đã cách xa nhau quá đỗi; nếu tôi ích kỷ trong cái cảm giác gọi là “Hạnh phúc sofa” thì những đau khổ của tha nhân đối với tôi mãi mãi chỉ là một mớ lý thuyết! Và nếu câu nói kia không bật ra chân thành trên đôi môi co rúm của một bà cụ thì không biết đến bao giờ tôi mới nhận ra rằng mình đang lãng quên họ: những con người đau khổ, già nua, bệnh tật và cô đơn!

 
Tôi không được sống gần ông bà, tôi không cảm nghiệm được những cung bậc của tình cảm ấy và tôi thấy họ đôi khi thật xa lạ, tôi đã không suy nghĩ nhiều về họ, không hiểu những tâm tư, nhu cầu của họ. Thế nhưng hôm nay, tôi đụng chạm đến họ trong cái thân xác teo gầy vì bệnh tật, hao mòn bởi cháu con mà thời gian lại chẳng xót thương ai bao giờ. Hôm nay, tôi đi và tôi đã thấy. Tôi thấy những cảnh đời éo le, những số phận nghiệt ngã, đau thương; tôi thấy những hình hài co quắp, những lớp da nhăn nheo xếp tầng, mềm nhão, bủng beo và có cả những con người cố gắng há miệng mà nói chẳng nên câu... Tôi đã thấy và bất giác tôi hiểu rằng họ cần tình thương biết bao: họ cần những lời kinh, cần những cái nắm tay thật chặt, những lời an ủi, chia sẻ, động viên…Họ mong mỏi những đôi chân dừng lại trước căn nhà của họ và đẩy cửa bước vào. Họ ước ao được nhìn thấy những nụ cười, ánh mắt có thể xoa dịu bao nỗi cô đơn, ngờ vực trong trái tim của họ…Và chắc chắn họ khát mong được nhớ đến: “ĐỪNG QUÊN CON NHÉ SƠ! ĐỪNG QUÊN CON!”. Có lẽ đó là nỗi sợ của họ: họ sợ bị lãng quên, họ sợ cô đơn trong một xã hội chật người mà dường như tình thương lại là một cái gì đó xa xỉ, khó tìm. Đó còn là nỗi sợ của tuổi già khi quá khứ níu kéo khiến họ hoài niệm, luyến tiếc và thậm chí trong lòng bàng bạc những nỗi đau tức tưởi. Qúa khứ là thế, hiện tại thì đây còn tương lai thì…

 
Cuộc đời là quán trọ. Xanh xao một lối đi về! Có khi nào họ nghĩ thế không!

 
Những ngày dán chặt trên giường bệnh trong nỗi buồn hiu hắt, đơn côi; có lẽ cũng ít nhất một lần họ suy nghĩ về cái chết. Tôi chợt nghĩ: “Họ có sợ không? Họ có bình an không?” Nhưng tôi không dám nói với họ về cái chết, về nỗi sợ hãi này vì đó là điều không ai có thể đối diện mà lại không bất an dù chỉ là khoảnh khắc. Tôi chỉ có thể nói với họ rằng Chúa đã đến và Người chúc bình an cho họ. Vâng, tôi chỉ nói được có thế bởi chính tôi cũng luôn khao khát bình an, tôi đi tìm và chinh phục, gìn giữ bình an cho cuộc đời mình. Trên hành trình ấy, hôm nay tôi gặp họ, những con người cần bình an hơn tôi tưởng. Họ cần Chúa, cần được TÌNH YÊU ôm ấp, vỗ về nơi đôi tay, nụ cười, ánh mắt của tôi vì tôi là hình ảnh, là nữ tu của Chúa, là “khí cụ bình an” của Người. Tôi sẽ nhớ họ như lời nhắc nhở chinh phục, gìn giữ và trao ban bình an trong một xã hội đầy hoang mang, xao xuyến và sợ hãi của thời đại này.

 
Xin được mượn lời của bài ca “Hòa bình” để dâng lên Chúa những tâm tình đơn mọn, chân thành cùng những con người đang đau khổ mà tôi đã gặp gỡ và tôi cũng muốn cầu xin Chúa một điều rằng từ nay xin Chúa đừng để tôi quên họ: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa (…), để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…”.

 

 
Loanphạmhb