Đôi chân trần


ĐÔI CHÂN TRẦN
Ở thôn Giang Đông, xã Êa Dah, Huyện Krông Năng có lớp học của cô giáo H’Mông có khoảng 40 em mẫu giáo, phòng học tiếp nhận ánh sáng mặt trời và quạt gió qua kẽ hở của căn nhà làm bằng tre nứa, trong lớp có một số bàn ghế để các em ngồi học bài. Hầu hết các em đến lớp không mang dép, từ 3 cho đến 6 tuổi, những đôi chân trần bé xíu dẫm lên đá, rác rưởi, phân bò, hoặc vùi dưới đất, nhìn thấy mà xót xa. Sân chơi của các em có 4 cái xích đu cột ở cành cây gần lớp học, nói là xích đu cho có từ để nói, chứ đó là những cái váy thổ cẩm cũ của mấy bà già trong buôn lấy làm xích đu cho các em chơi, có còn hơn không, nếu không thì các em chỉ biết chơi với đất, với rác, trèo cây, lên rẫy bắt chim, bắt dế với bố mẹ thôi...
 
Đi loanh quanh ngôi làng khoảng 165 hộ, từ thanh niên cho đến người già, nhìn thấy họ tôi cảm nhận họ thiếu sức sống, sức trẻ, mà thiếu thì cũng đúng thôi, khi cây cối vốn trời sinh còn không sống nổi, đất đai khô cằn, con trâu con bò cũng gầy trơ xương, thậm chí con mèo tôi nhìn từ xa cứ tưởng con chuột, nó cũng lặng lẽ như chủ nó, khi tôi đụng đến, nó chỉ quay qua quay lại rồi bỏ đi như giận hờn tôi điều chi đó.
Người lớn thì thấy bao nhiêu cái cơ cực của cuộc sống, còn trẻ em thì biết gì mà lo, cho nên chúng cứ vui đùa với nhau, đói bụng thì đòi mẹ ăn chút gì đó, rồi tiếp tục chơi, đến lớp thì học vài ba con chữ, ê a, làm cho ngôi làng thêm phần sức sống. Sống khổ như thế nhưng họ vẫn không muốn “di dời” đi nơi khác để làm ăn, biết khổ, biết nghèo, nhưng không muốn khắc phục, điều đó thật đáng suy nghĩ. Lâu lâu họ xuống núi một lần đi bán gùi măng để mua gạo mua muối, cuộc sống còn lại thì phó mặc cho ông trời, rõ là khổ nhưng biết làm sao đây!
 
Đến mùa mưa bão, ngồi trong nhà cũng phải mang áo mưa, thức ăn hằng ngày chỉ có măng thay cho cơm gạo. Năm ngoái, gia đình anh A Giang có nuôi một con trâu, ban đêm nước lũ cuốn trôi mất con trâu, trong lúc anh đang ở bệnh viện nuôi vợ, sáng sớm không thấy con trâu, anh em của anh A Giang đi tìm, phát hiện trâu đã chết dưới chân đồi gần nhà. Kêu người mua trâu, họ trả giá 3 triệu, anh thấy rẻ quá, tiếc không bán, nên xin làng xóm mỗi người mua một ký ủng hộ, sau một năm anh vẫn chưa thu được đồng nào.
Một chuyến thăm Buôn Giang Đông đọng lại trong tôi nhiều hình ảnh khó quên, thương nhất là các em bé với đôi chân trần đi dưới trời mưa trời nắng, những đôi bàn chân ấy phải bám mấy ngón chân bé xíu đi lên đi xuống con dốc khỏi phải té ngã. Rồi các em cũng sẽ lớn lên thành những chàng thanh niên và cô thiếu nữ, rồi trở thành những ông bố bà mẹ, cuộc sống cứ thế nối tiếp, không biết cái khổ còn tiếp nối cho đến bao giờ ?
 
Nt. Maria Lệ Nghĩa