Sắc lệnh thiết lập Dòng Nữ Vương Hòa Bình


SẮC LỆNH THIẾT LẬP
DÒNG CHỊ EM ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH

 

I. SẮC LỆNH THIẾT LẬP

Qua lịch sử Giáo Hội, “nhờ ơn Chúa Quan phòng hướng dẫn, đã xuất phát muôn ngàn Hội Dòng khác nhau và đã giúp đỡ Giáo hội rất nhiều, để (…) Giáo hội có thể thi hành mọi việc từ thiện (1) và sẵn sàng làm mọi việc thuộc chức vụ để kiến tạo Nhiệm Thể Chúa Kitô” (2)(3). “Các tu sĩ do nếp sống riêng của họ, chứng tỏ một cách sáng chói và phi thường rằng: thế gian chỉ có thể biến hình và được hiến dâng cho Thiên Chúa trong tinh thần Tám Mối phúc thật”.(4)

Cho nên tin tưởng vào hiệu lực truyền giáo của đời sống tu trì trung thực, Ta đã xin phép Toà Thánh sáng lập một dòng nữ để xúc tiến việc truyền bá Phúc Âm trong địa phận mới Ta được trao phó. Dòng này lấy tên là DÒNG CHỊ EM ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH, THÂU NHẬN KHÔNG PHÂN BIỆT CÁC THANH THIẾU NỮ Kinh, Thượng. Nhà Mẹ, Nhà Tập và Nhà Đệ tử đều đặt tại Thị xã Ban Mê Thuột.

Mục đích chính của Dòng là làm sáng Danh Chúa và thánh hoá các phần tử. Mục đích riêng là góp phần xây dựng NƯỚC TRỜI trên miền Cao nguyên bằng cách dạy giáo lý, cổ võ học hỏi Thánh Kinh, và bằng cách thực thi những công tác bác ái, giáo dục, dục anh, huấn nghệ, cứu tế, y tế … Dòng cũng sẵn sàng lãnh nhận những trách nhiệm khác do Bề trên Địa phận trao phó, tuỳ nhu cầu của thời đại và địa phương.

Vậy nay LẤY QUYỀN GIÁM MỤC, theo Giáo luật khoản 492, 1, TA CHÍNH THỨCTHIẾT LẬP DÒNG CHỊ EM ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH THÀNH PHÁP NHÂN. Dòng trực thuộc Đấng Bản quyền Địa phận, có lời khấn đơn, tạm thời và trọn đời. Dòng chỉ có một bậc độc nhất.

Trong khi đợi chờ có những chị em có đủ khả năng điều khiển Dòng theo HIến pháp của Dòng, Ta tạm trao quyền điều khiển và Huấn luyện các Chị Em cho Dòng Thánh Phaolô.

Làm tại Ban Mê Thuột, ngày 31 tháng 5 năm 1969

Ngày kính Đức Maria Nữ Vương
Phêrô Nguyễn Huy Mai
Giám mục Banmêthuột
(đóng dấu, ký tên)

 II. ĐC PHAOLÔ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

NỘI DUNG BUỔI NÓI CHUYỆN
Với chị em Hội Dòng ngày 30 tháng 05 năm 2003
Của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà GMGP Nha Trang

 
Nhân dịp vừa công bố văn thư chuẩn bị TTN 2004, quí chị Ban Điều hành đã mời đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà GMGP Nha Trang, nói chuyện với chị em Hội Dòng khi ngài lên dự lễ khấn Dòng 31.05 (bản văn ghi lại nguyên văn từ băng thu, đã được đức cha xem và sửa).

Câu 1: Thế nào là “ưu tiên cho người Dân tộc” theo tinh thần của Hiến Chương?

Trong những năm cha mới về làm việc tại TGM Banmêthuột, làm tuyên uý cho Hội Dòng, cha đã soạn Hiến pháp vì thế cha nắm kỹ hơn. Khi đó cha soạn hai vấn đề: một là Hiến Pháp cho nhà Dòng, hai là soạn qui chế cho các chủng viện.

Sau này, đức cha cố Phêrô Nguyễn Huy Mai đã nhờ cha giúp soạn qui chế cho Chủng viện vì khi đó ngài phụ trách các Chủng viện trên toàn quốc. Cha nghĩ rằng, từ khi soạn cho tới ngày nay thì trải qua các giai đoạn Công đồng Vaticanô II, qua giai đoạn của Giáo Hội đổi mới, cho nên hai giai đoạn đó có ảnh hưởng trên Hiến Pháp Hội Dòng.

Vì thế có một số điểm cần phải tìm hiểu rõ: cha đã có hỏi các chị Phụ trách về tỉ lệ người Dân tộc trên Banmêthuột. có bao nhiêu phần trăm số người Kinh và bao nhiêu phần trăm là số người Thượng, nếu biết rõ điều đó sẽ giúp cho chúng ta tìm hiểu tốt hơn.

Trong những điều đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai viết có câu này:
“Cả ba tỉnh của Giáo Phận đều có thổ dân chậm tiến, Hội dòng cần phải luôn luôn dành ưu tiên lo cho những người này, vì họ là những người khó nghèo, bé mọn”.
Có thể nói được rằng những thắc mắc trên thì câu này gián tiếp trả lời:
Ưu tiên có nghĩa là không chỉ nguyên lo, khi phải lựa chọn thì có cái phải chọn trước có cái kia chọn sau. Ưu tiên không loại trừ những cái khác điều đó chúng ta cần phải hiểu cho rõ. Ưu tiên không phải là chỉ có một thứ, mà ưu tiên chỉ là khi chọn lựa thì phải chọn cái nào trước cái kia sau.

Ví dụ: khi ta có khả năng lập một cộng đoàn, mà trước mắt là có một xứ người Kinh và một xứ người Dân Tộc, thế là ưu tiên là ta chọn xứ người Dân tộc, ưu tiên là như vậy. Hay nếu ta có một chương trình, một trung tâm xã hội, và trước mắt có 2 hay 3 nhu cầu thì xem trong đó có nhu cầu nào dành cho người Dân tộc thì ta chọn cái đó trước, chứ ta không loạị trừ những cái kia, như thế gọi là ưu tiên, còn nếu không thì phải dùng một chữ khác.

Dùng một chữ khác có nghĩa là “Chỉ dành cho người Dân tộc mà thôi”.
Trong giải thích này thì không dùng chữ đó mà chỉ có chữ ưu tiên mà thôi. Chúng ta hiểu đúng chữ ưu tiên nó phải là như vậy.

Thế thì chữ ưu tiên này lại cắt nghĩa cho các bối cảnh là tỉ lệ người Dân tộc và người Kinh bao nhiêu, thì cái ưu tiên đó làm cho ta hiểu dù tỉ lệ người Dân tộc có ít hơn thì vẫn ưu tiên.

Nếu nó nhiều hơn thì ưu tiên là rất dễ hiểu, nhưng dù nó có ít hơn chăng nữa ta vẫn chọn. Khi dùng chữ ưu tiên này nó lại nảy sinh ra những chuyện tu đức, chuyện chuẩn bị … Chữ ưu tiên này nó đặt ta vào vị trí đúng, không quá về mặt này, hoặc không quá về mặt kia. Quá về mặt này chẳng hạn là chỉ làm việc đó mà thôi, rồi loại trừ những thứ khác như thế thì không đúng. Hai là coi nó ngang bằng như cái khác thì cũng không đúng. Chúng ta sẽ sắp xếp công việc đào tạo, công việc, phân phối các phương tiện theo nghĩa của chữ ưu tiên. Không phải mọi người đều phục vụ dân tộc hết, nhưng ta nên chọn cách nào để khi mình cần có người phục vụ dân tộc theo nghĩa ưu tiên thì có nhân sự.

Như thế ban Huấn luyện đào tạo của Hội dòng phải nghĩ cách chuẩn bị nhân sự trước, để khi cần là có nhân sự dễ dàng, chứ không thể nói chưa kịp chuẩn bị, hoặc chưa kịp học ngôn ngữ thì không được. Trong việc phân phối nhân sự như thế ta nên giữ đúng chữ ưu tiên, không phải chỉ nguyên như vậy, nhưng mà hễ phải lựa chọn trong nhiều cái thì cái đó chúng ta chọn trước. Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai có nói: “Khi những cộng đoàn đang phục vụ người Kinh, nhưng nếu có Dòng nào người ta làm thay thì mình sẵn sàng chấp nhận đi phục vụ người Dân tộc”, như thế gọi là ưu tiên. Chứ không bỏ hay tự dưng bỏ đi nơi khác thì không đúng, khi phải lựa chọn là ta chọn dân tộc trước.

Vào khoảng năm 60, khi Toà Thánh đặt hàng giáo phẩm Việt Nam, lúc đó các Giám Mục ngoại quốc chuyển giao các Giáo Phận sang cho Giám Mục Việt Nam, rồi các cha thừa sai giao các xứ đạo cho các linh mục bản xứ để nhận phục vụ những xứ Dân tộc. Người ta đã làm việc đó trong mức độ ưu tiên nghĩa là các giáo xứ người Kinh thì giao cho các linh mục Việt Nam coi sóc, các vị thừa sai rút để đi đến với người dân tộc.

Do đó chúng ta thấy trước khi rời bỏ Việt Nam trở về Âu châu thì các vị thừa sai đều đang ở xứ của người Dân tộc. Các linh mục ngoại quốc đã giải quyết vẫn đề thay đổi theo nghĩa ưu tiên.
 
Câu 2. Đặc sủng của Dòng

Đặc sủng là Đoàn sủng đặc biệt do Thiên Chúa. Ơn Chúa ban gồm 2 loại
Ân sủng là ơn để mỗi người lo cho cuộc sống thiêng liêng của mình
Đoàn sủng là ơn nhận được qua tập thể. Là ơn Chúa ban để lập một Hội dòng và ban cho Hội dòng có phương tiện để sinh hoạt thì đó gọi là Đoàn sủng.

Đoàn sủng của Dòng Nữ Vương Hoà Bình.
Khi cha giải thích những điều này thì cha căn cứ vào văn bản để có số, có chữ, không dám suy diễn, e rằng sai hướng. ví dụ như số 4 nói rằng:
“Mục đích chính của Dòng là làm sáng Danh Chúa, thánh hoá các phần tử.
Mục đích riêng là góp phần xây dựng Nước Trời bắt đầu trên giáo phận Banmêthuột”.

Và số 49 nói rằng: “Đặc điểm hay Đoàn sủng của Dòng là truyền giáo giữa anh em Dân tộc, dành ưu tiên cho những người này vì họ là những người khó nghèo và bé mọn”.
Để hiểu điều này cần biết tỷ lệ người Kinh và người Dân tộc, mà cụ thể tại Banmêthuột tỷ lệ người Dân tộc cao nên đó là nét tiêu biểu, là Đặc sủng của Dòng. Nhưng không vì thế mà loại bỏ những người khác.

Câu 3: Có nên tu chính Hiến Pháp không?

Công đồng Vaticanô II kết thúc năm 1965, nhưng mãi đến năm 1983 mới công bố Giáo luật. Sau đó, các Dòng tu đã theo Giáo luật mới mà soạn lại Hiến Pháp. Thế nên tuỳ Hiến pháp có hợp với Giáo luật mới hay không? Nếu không phù hợp thì mới sửa đổi cho phù hợp. từ năm 1983 đến nay Toà thánh vẫn tiếp tục đưa ra những nét mới cho đời tu. Hiến pháp phải dựa theo đó mà sửa đổi.

Câu 4: Vâng lời Giám mục nhân danh lời khấn?

HP 64 phải được bổ túc bằng những điểm Giáo luât: có lãnh vực thuộc quyền Giám mục, có lãnh vực không.
Vd: Việc cắt cử chị em phục vụ các nơi khác nhau, Giám mục không có quyền can thiệp. Điều 586 Giáo luật công nhận mỗi Dòng có quyền tự trị. Các Giám mục Giáo phận có trách nhiệm thăm hỏi quan tâm, nếu không quan tâm là thiếu sót, nếu can thiệp quá sâu là sai.

Phía nhà Dòng, muốn hỏi hay không phải tuỳ mỗi vấn đề. GL 537 đề cập đến một số việc phải xin phép, đó là những vấn đề liên quan đến mục vụ.
Ví dụ:
Dạy giáo lý theo chương trình của Giáo Phận
Mở cơ sở từ thiện, trường học, lập cộng đoàn mới phải xin phép.
Giúp các em xưng tội, rước lễ.

Câu 5: Khi thay đổi tu phục, Hội dòng có cần xin phép đức cha hay không?

Tu phục của Hội dòng là vấn đề riêng không cần bàn hỏi, trừ trường hợp khi lập lại Dòng, thì mới trình tu phục cho Giám Mục được rõ.

Câu 6: Khấn trong tay của chị Tổng Phụ Trách Hội Dòng là gì?

Vấn đề này đức cha đã hỏi Toà thánh, và được trả lời: trong bản văn thiếu yếu tố chị Tổng Phụ trách. Trong khi các quyền đã được giao cho chị Tổng Phụ trách. Giám mục Giáo phận hoặc vị đại diện không đủ thẩm quyền thay thế chị Tổng Phục Trách. Mẫu bản văn tuyên khấn này đã được Toà Thánh sửa đổi và được phổ biến tại Việt Nam.
 
Câu 7: Hội Dòng mang “bản chất truyền giáo” phải hiểu như thế nào? (HC đ.77)

Đây không phải là điều mới lạ, bởi bản chất này có từ khi con người lãnh bí tích rửa tội. Là Hội dòng truyền giáo nên Hội dòng nhấn mạnh để gây ý thức cho chị em. Điều này thật phù hợp với Hội dòng Nữ Vương Hoà Bình.
 

Ban Mê Thuột, ngày 5 tháng 5 năm 2003
Người ghi: M. Matta Nguyễn Thị Chánh