Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi tất cả các người Thánh hiến Dịp cử hành Năm của Đời sống Thánh hiến

Cha viết cho các con với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, người được Chúa trao cho nhiệm vụ củng cố anh chị em mình trong đức tin (x. Lc 22,32). Nhưng cha cũng viết cho các con với tư cách là một người anh em, giống như các con, được hiến thánh cho Thiên Chúa. 
TÔNG THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TẤT CẢ CÁC NGƯỜI THÁNH HIẾN DỊP CỬ HÀNH NĂM CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Anh chị em trong đời sống thánh hiến thân mến,

Cha viết cho các con với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, người được Chúa trao cho nhiệm vụ củng cố anh chị em mình trong đức tin (x. Lc 22,32). Nhưng cha cũng viết cho các con với tư cách là một người anh em, giống như các con, được hiến thánh cho Thiên Chúa. 

Ta hãy cùng tạ ơn Thiên Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi ta đi theo Chúa Giêsu qua việc ấp ủ trọn vẹn Tin Mừng và phục vụ Hội Thánh, và đã đổ vào lòng ta Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch của niềm vui và của việc ta làm chứng cho tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa trước mặt thế gian này.
Để đáp lại yêu cầu của nhiều người trong các con và của Bộ về các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Hội Đời Sống Tông Đồ, cha quyết định công bố Năm Đời Sống Thánh Hiến nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium, một hiến chế nói về các tu sĩ trong chương sáu và về Sắc Lệnh Perfectae Caritatis về việc canh tân đời tu. Năm này sẽ bắt đầu vào ngày 30. 11.2014, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc vào Lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh ngày 02.02.2016. 
Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ về các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Hội Đời Sống Tông Đồ, cha đã chọn làm mục đích của Năm này những gì thánh Gioan Phaolô II đề nghị cho toàn Hội Thánh khi bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba, khi lặp lại, theo một nghĩa nào đó, những gì ngài đã viết trước đây trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng, Consecrata Vita: “Các con không chỉ có một lịch sử oai hùng để tưởng nhớ và kể lại mà còn có cả một lịch sử vĩ đại vẫn chưa hoàn tất! Hãy nhìn về tương lai, nơi Thần Khí đang sai các con đi làm những việc lớn lao hơn” (số 10). 

I. NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1. Mục đích đầu tiên là nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn. Tất cả các hội dòng của ta đều thừa kế một lịch sử phong phú về đặc sủng. Tại cội nguồn của các đặc sủng ấy ta thấy được bàn tay của Thiên Chúa, Đấng trong Thần Khí của Người, vẫn luôn kêu gọi một số người đi theo sát Đức Kitô hơn, đưa Tin Mừng vào trong một lối sống đặc biệt hơn, đọc các dấu chỉ thời đại với con mắt đức tin và đáp trả cách sáng tạo các nhu cầu của Hội Thánh. Kinh nghiệm ban đầu này chín muồi và phát triển, khi đưa các thành viên mới vào trong các bối cảnh văn hóa và địa lý, và khơi lên những cách thức thực hành đặc sủng, khơi lên những sáng kiến và các cách diễn tả đức ái tông đồ cách mới mẻ. Như hạt giống đang mọc thành cây, mỗi dòng tu đều đã lớn lên và các cành lá vươn xa. 

Suốt Năm này, điều rất thích hợp là mỗi gia đình đoàn sủng suy nghĩ về cội nguồn và lịch sử của mình, để tạ ơn Thiên Chúa Đấng luôn ban cho Hội Thánh những ân sủng khác nhau, điểm tô và trang bị cho Hội Thánh để Hội Thánh làm được mọi sự tốt lành (x. LG 12).
Nhìn lại lịch sử là điều rất quan trọng để duy trì căn tính, củng cố sự hợp nhất với tư cách là một gia đình và cảm thức chung về việc được thuộc về. Hơn hẳn một bài tập trong khảo cổ học hoặc việc nuôi dưỡng việc hoài niệm quá khứ, việc nhìn lại này đòi phải theo sát bước chân của các thế hệ trước để am tường những lý tưởng cao cả, thấy rõ tầm nhìn và các giá trị đã gợi hứng cho họ, khởi đầu với các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi. Theo cách ấy, ta dần dần thấy được suốt dòng lịch sử đoàn sủng đã được sống ra sao, đã lóe lên sự sáng tạo thế nào, đã gặp phải những khó khăn nào và đã khắc phục các khó khăn ấy cụ thể ra sao. Ta cũng có thể gặp phải những trường hợp bất nhất, hậu quả của sự hèn yếu của con người và đôi khi gặp thấy cả việc từ bỏ những khía cạnh quan yếu của đoàn sủng. Nhưng mọi sự đều có tính xây dựng và nếu nhìn cách tổng quan, mọi sự đều hành động như một lời kêu gọi hoán cải. Kể chuyện của mình thì cũng là ca khen Thiên Chúa và tạ ơn Người vì mọi ân huệ Người đã ban. 
Cách đặc biệt, ta tạ ơn Thiên Chúa vì năm mươi năm Công Đồng Vatican II. Công đồng đã cho thấy một “hơi thở” của Chúa Thánh Thần trên Hội Thánh. Chính vì thế mà đời sống thánh hiến đã đảm nhận một cuộc hành trình có kết quả của cuộc canh tân, mà dẫu có mọi thứ bóng tối và ánh sáng, vẫn là thời của ân sủng, được đánh dấu bằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Tương tự, Năm Đời Sống Thánh Hiến này cũng là dịp để khiêm tốn thú nhận sự yếu hèn của ta, với sự tin tưởng vô biên vào Thiên Chúa Đấng là tình yêu (x. 1 Ga 4,8), và trong việc thú nhận ấy, ta cảm nghiệm được tình yêu khoan dung của Thiên Chúa. Ước gì Năm nay cũng là dịp để làm chứng cách hùng hồn và vui mừng cho thế giới này về sự thánh thiện và sống động hiện diện trong rất nhiều kẻ được kêu gọi theo Chúa Giêsu trong đời sống thánh hiến.

2. Năm này cũng kêu gọi ta sống giây phút hiện tại với niềm hăng say. Khi chăm chú lắng nghe những điều Chúa Thánh Thần đang nói với Hội Thánh hôm nay, việc tưởng nhớ quá khứ với lòng biết ơn luôn dẫn ta tới chỗ thực hiện cách trọn vẹn hơn những khía cạnh chủ yếu của đời sống thánh hiến của ta.
Từ khi khởi sự đời đan tu tới “các cộng đoàn mới” của thời đại ta, mọi hình thức của đời sống thánh hiến đều phát sinh từ lời Thần Khí kêu gọi đi theo Chúa Giêsu như Tin Mừng dạy (PC 2). Đối với các vị sáng lập, Tin Mừng là qui luật tuyệt đối, trong khi các qui luật khác chỉ được đề cập tới như một cách diễn tả Tin Mừng và như một phương thế để sống Tin Mừng cách viên mãn. Đối với các ngài, lý tưởng là Đức Kitô; các ngài tìm cách hợp nhất nội tâm với Người và như thế cũng có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn của các ngài đều được nhắm tới như cách diễn tả cụ thể tình yêu say đắm này.

Vấn đề ta phải tự đặt ra suốt Năm này là ta có mở ra và mở ra như thế nào để Tin Mừng thách thức ta; Tin Mừng có thực sự là “cẩm nang” cho cuộc sống hằng ngày của ta và cho những quyết định ta được mời gọi thực hiện chăng. Tin Mừng có tính đòi buộc: đòi phải được sống cách triệt để và chân thành. Đọc thôi (dẫu đọc và nghiên cứu Kinh Thánh là điều quan trọng) vẫn chưa đủ, suy gẫm (hằng ngày ta vẫn làm cách thích thú) vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu xin ta thực hành, đưa lời của Người ra thực hành trong đời ta. 
Một lần nữa, ta phải tự hỏi: Chúa Giêsu có thực sự là tình yêu duy nhất và đầu tiên của ta, như ta đã hứa như thế khi tuyên khấn không? Chỉ khi Người là tình yêu đầu tiên và duy nhất của ta, ta mới được ban sức mạnh để yêu mọi người ta gặp được trên đường trong sự thật và lòng khoan dung. Vì ta sẽ học nơi Chúa Giêsu ý nghĩa và việc thực hành tình yêu. Ta sẽ có thể yêu vì ta có được con tim của Người.

Các vị sáng lập của ta đã tham dự vào lòng xót thương của Chúa Giêsu khi Người thấy đám đông bơ vơ như chiên không người chăn giữ. Giống như Chúa Giêsu, Đấng nhẹ nhàng lên tiếng với lòng xót thương, Đấng chữa lành bệnh nhân, ban bánh cho người đói và hiến tế chính bản thân mình, các vị sáng lập của ta bằng những cách thức khác nhau cũng tìm cách phục vụ tất cả những ai đã được Thần Khí sai đến với mình. Các ngài phục vụ bằng các lời chuyển cầu, bằng việc rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, giáo dục, phục vụ những người nghèo khó và yếu đau… Tính sáng tạo trong đức ái thật bao la, có thể tìm được vô vàn cách thức mới mẻ để đem sự mới mẻ của Tin Mừng đến cho mọi nền văn hóa và mọi ngóc ngách của xã hội.

Năm Đời Sống Thánh Hiến thách thức ta kiểm xét lại lòng trung thành với sứ vụ đã được ủy thác cho ta. Các thừa tác vụ, các công việc và sự hiên diện của ta có phù hợp với những gì Thần Khí đòi hỏi các vị sáng lập của ta? Các thừa tác vụ ấy hiện có thực hiện trong xã hội và trong Hội Thánh, đúng như các thừa tác vụ và công việc của các ngài không? Ta có có được cùng một niềm mê say con người, ta có gần gũi họ đến độ tham dự vào niềm vui và nỗi buồn và như thế cũng thực sự hiểu được các nhu cầu của họ và giúp đáp ứng lại những nhu cầu ấy? Thánh Gioan Phaolô II nói: “Lòng quảng đại và việc tự hiến ấy này cũng phải gợi hứng cho các con, các con cái thiêng liêng của các con, để các con làm sống lại đặc sủng mà nhờ cũng một quyền năng của Chúa Thánh Thần Đấng đã thức tỉnh các ngài, vẫn không ngừng được làm cho phong phú và thích nghi, trong khi vẫn không được đánh mất một đặc tính đốc đáo nào của các ngài. Việc đưa các đặc sủng này vào việc phục vụ Hội Thánh và hoạt động cho Vương Quốc của Đức Kitô đến trong sự viên mãn hoàn toàn tùy thuộc các con.[1]

Việc nhắc lại cội nguồn của ta luôn tỏa sáng trên một khía cạnh khác của đời sống thánh hiến. Các vị sáng lập của ta bị lôi cuốn bởi sự hợp nhất của các Tông Đồ với Đức Kitô và bởi tình huynh đệ là đặc điểm của cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem. Trong khi thiết lập cộng đoàn riêng của mình, mỗi vị đều tìm cách tái tạo lại những khuôn mẫu của việc sống Tin Mừng này, một lòng một trí, hân hoan trong sự hiện diện của Chúa (PC 15).

Sống giây phút hiện tại với niềm hăng say có nghĩa là trở nên “các chuyên gia của sự hiệp thông”, “các chứng nhân và kiến trúc sưcủa ‘kế hoạch của sự hợp nhất’, là chóp đỉnh vinh quang của lịch sử nhân loại trong chương trình của Thiên Chúa”.[2] Trong xã hội bị phân cực này, nơi các nền văn hóa đang gặp phải khó khăn trong việc cùng sống với nhau, nơi những kẻ yếu thế gặp phải sự đàn áp, nơi đầy day những bất bình đẳng, ta được mời gọi đưa ra một khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn, một khuôn mẫu mà, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ những ân huệ riêng của mình, người ta có thể sống với nhau như anh chị em. 
Vì thế, các con hãy là những người hiệp thông! Hãy can đảm hiện diện giữa xung đột và căng thẳng, như một dấu chỉ đáng tin cậy của sự hiện diện của Thần Khí Đấng luônkhơi lên trong lòng người khát vọng muốn mọi người nên một (x. Ga 17,21). Hãy sống bí quyết của sự gặp gỡ, một bí quyết đòi hỏi “khả năng nghe, lắng nghe tha nhân; khả năng cùng nhau tìm kiếm những cách thức và phương tiện”.[3] Hãy sống dưới ánh sáng của mối tương quan yêu thương của Ba Ngôi (x. 1 Ga 4,8), khuôn mẫu cho mọi mối tương quan liên vị.

3. Ấp ủ tương lai với niềm hy vọng là mục đích thứ ba của Năm này. Tất cả chúng ta đều biết những khó khăn các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến đang có kinh nghiệm: ơn gọi giảm sút và các thành viên có tuổi gia tăng, nhất là tại thế giới phương Tây; những vấn đề kinh tế nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới; những vấn đề quốc tế hóa và toàn cầu hóa; những đe dọa do chủ nghĩa tương đối khơi lên và cảm thức về sự cô lập và sự không thích hợp về mặt xã hội… Nhưng chính vì những tình trạng không chắc chắn ấy, những tình trạng ta đang chia sẻ với nhiều người đương thời mà ta được kêu gọi thực hành đức cậy trông, hoa trái của đức tin vào vị Chúa của lịch sử, Đấng vẫn tiếp tục nói với ta: “Đứng sợ… Vì Thầy đang ở với anh em” (Gr 1,8). 

Đức cậy trông này không được cậy dựa vào các con số thống kê và những thành tựu mà vào Đấng nơi Người ta tin tưởng (x. 2 Tm 1,2), Đấng mà “đối với Người, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Đây là một đức cậy không làm thất vọng; là đức cậy có thể làm cho đời sống thánh hiến vẫn viết lên được trang sử hào hùng cho tương lai. Đó là một tương lai ta phải luôn hướng tới, vì ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn khích lệ ta để Người vẫn có thể cùng ta thực hiện những điều vĩ đại.

Vì thế các con đừng để bị cám dỗ nhìn các sự việc theo con số và sự hiệu năng, và đừng quá tin vào sức mạnh của mình. Trong việc kiểm tra các chân trời của cuộc sống mình và giây phút hiện tại, hãy thận trọng và tỉnh thức. Cùng với Đức Bênêđictô XVI, cha tha thiết xin các con đừng “gia nhập hàng ngũ các tiên tri buồn, những người công bố sự khánh tận và vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Hội Thánh của ta hôm nay; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và cầm lấy vũ khí của ánh sáng – như thánh Phaolô khích lệ (x. Rm 13,11-14) – hãy luôn tỉnh thức và canh thức”.[4] Ta hãy không ngừng bắt đầu lại cách mới mẻ, với niềm tín thác vào Chúa.

Cha đặc biệt muốn nói đôi lời với các bạn trẻ trong các con. Các con là hiện tại, vì các con đã đóng vai trò chủ động trong đời sống của hội dòng các con rồi, khi cống hiến tất cả sự tươi trẻ và quảng đại của “sự sẵn sàng” của các con. Nhưng đồng thời các con cũng là tương lai, vì sớm muộn gì các con cũng được mời gọi đảm nhận những vai trò lãnh đạo trong đời sống, trong việc đào tạo, phục vụ và sứ vụ của cộng đoàn mình.Năm này phải thấy các con tham gia cách chủ động vào cuộc đối thoại với thế hệ trước. Trong sự hiệp thông huynh đệ các con sẽ được phong phú nhờ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ, trong khi đồng thời các con cũng thành sự hứng khởi cho họ, nhờ nghị lực và nhiệt tâm của các con, để nắm bắt lại lý tưởng nguyên thủy. Theo cách này, toàn cộng đoàn có thể cùng nhau tìm ra những cách sống Tin Mừng mới và đáp ứng cách hiệu quả hơn nhu cầu làm chứng và loan báo.

Cha rất hạnh phúc biết rằng suốt Năm này các con sẽ có cơ hội gặp gỡ các tu sĩ trẻ của các hội dòng khác. Ước gì những cuộc gặp gỡ này trở thành một cách thế liên tục để nuôi dưỡng sự hiệp thông, sự nâng đỡ lẫn nhau và tình đoàn kết.

II. NHỮNG KỲ VỌNG ĐỐI VỚI NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Cha hy vọng gì trong năm hồng ân đối với đời sống thánh hiến này?

1. Cha hy vọng câu nói xưa sau đây lúc nào cũng đúng: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Ta được kêu gọi nhận biết và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể đổ hạnh phúc tràn đầy lòng ta; ta không cần tìm kiếm hạnh phúc ở đâu khác; tình huynh đệ đích thực tìm được trong các cộng đoàn ta bao giờ cũng gia tăng niềm vui; và việc hiến toàn thân trong việc phục vụ Hội Thánh, các gia đình và người trẻ, người già và nghèo khó bao giờ cũng đem cho ta một sự hoàn tất chính mình suốt đời. 

Không ai trong ta được buồn rầu, chán nản và bất mãn, vì “một môn đệ buồn là một môn đệ đáng buồn”. Như mọi người khác, ta cũng có những khó khăn, rắc rối, những đêm đen của linh hồn, những chán chường và yếu nhược, cũng có kinh nghiệm về sự chậm chạp khi tuổi tác gia tăng. Nhưng trong tất cả những thứ ấy ta vẫn phải có thể khám phá ra “niềm vui tuyệt hảo”. Vì chính tại những hoàn cảnh ấy mà ta biết cách nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống hệt như ta trong mọi sự và vui mừng nhận ra rằng ta đang được đồng hình, đồng dạng với Người, Đấng, vì yêu thương, đã không khước từ những khổ đau của thập giá.
Trong một xã hội đề cao sự tôn sùng hiệu năng, sự thích hợp và thành công, một xã hội coi thường người nghèo và loại bỏ “những người thua cuộc”, ta có thể làm chứng bằng chính đời sống mình về sự thật của các lời Kinh Thánh sau: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). 

Ta có thể áp dụng những lời của Đức Bênêđictô XVI, cha đã trích dẫn trong Tông Huấn Evangelii Gaudium: “Hội Thánh phát triển không phải vì đã thâu nạp được nhiều người theo đạo mà vì sự hấp dẫn” (số 14). Đời sống thánh hiến sẽ không triển nở do kết quả của những chương trình ơn gọi hoành tráng, mà vìngười trẻ ta gặp gỡ thấy ta hấp dẫn, vì họ thấy ta là những người hạnh phúc! Tương tự, hiệu quả của việc tông đồ của đời sống thánh hiến không tùy thuộc vào tính hiệu năng của các phương pháp mà tùy thuộc vào bằng chứng hùng hồn của cuộc sống các con, một cuộc sống tỏa ra niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin Mừng và đi theo Đức Kitô tới cùng. 
Như cha đã nói với các thành viên của các phong trào trong Hội Thánh vào Đêm Canh Thức Lễ Chúa Thánh Thần năm ngoái: “Cách căn bản, sức mạnh của Hội Thánh là việc sống nhờ Tin Mừng và làm chứng cho đức tin của ta. Hội Thánh là muối đất; Hội Thánh là ánh sáng trần gian. Hội Thánh được kêu gọi làm cho men của Nước Thiên Chúa hiện diện trong xã hội và Hội Thánh làm điều này trước hết nhờ chứng tá của mình, chứng tá của tình huynh đệ, của tình liên đới và của việc chia sẻ mình với những người khác (18.05.2013).

2. Cha mong các con “đánh thức thế giới này”, vì dấu chỉ đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ. Như cha đã nói với các Bề Trên Tổng Quyền: “Việc sống Tin Mừng cách triệt để không chỉ dành cho tu sĩ: đó là điều đòi hỏi hết mọi người. Nhưng tu sĩ theo Chúa cách đặc biệt, cách có tính ngôn sứ”. Đây là ưu tiên duy nhất hiện ta đang cần: “là ngôn sứ làm chứng cho cách thức Chúa Giêsu đã sống trên trần gian… tu sĩ không bao giờ được bỏ tư cách ngôn sứ” (29.11.2013). 

Các ngôn sứ đón nhận từ nơi Thiên Chúa khả năng xem xét thời đại mình đang sống và giải thích các biến cố: họ giống như các lính canh thức trắng đêm và cảm nhận được bình minh đang đến (x. Is 21,11-12). Các ngôn sứ biết Thiên Chúa và biết con người là anh chị em mình. Họ có thể nhận diện và kết án sự gian ác của tội lỗi và bất công. Vì họ tự do, nên họ không chịu ơn ai trừ Thiên Chúa và họ cũng chẳng thích ai ngoài Thiên Chúa. Các ngôn sứ có khuynh hướng đứng về phía người nghèo và yếu thế, vì họ biết chính Thiên Chúa cũng đứng về phía ấy.

Vì thế cha tin tưởng rằng thay vì sống trong một xã hội không tưởng nào đó, các con sẽ tìm được những cách tạo ra “những không gian xen kẽ”, nơi việc bỏ mình, tình huynh đệ, việc ấp ủ những khác biệt và lòng yêu thương nhau có thể phát triển. Các đan viện, các cộng đoàn, các trung tâm linh đạo, các trường học, bệnh viện, các gia đình – tất cả phải là nơi tình bác ái và sáng tạo nẩy sinh từ đoàn sủng của các con đã xuất hiện và xuất hiện với sự sáng tạo không ngừng, cũng sẽ phải tiếp tục xuất hiện. Những nơi ấy phải không ngừng làm cho xã hội được dậy men Tin Mừng, phải là “một thành phố trên cao”, làm chứng cho sự thật và quyền năng của lời Chúa Giêsu. 
Đôi khi, như Êlia và Giôna, các con có thể cảm thấy bị cám dỗ chạy trốn, từ bỏ nhiệm vụ ngôn sứ vì đó là một nhiệm vụ quá đòi hỏi, quá chán chường hoặc rõ ràng không có kết quả. Thiên Chúa đã đối xử với Giêrêmia thế nào, Người cũng khích lệ các con như thế: “Đừng sợ họ, vì Ta ở với con để giải thoát con” (Gr 1,8). 

3. Hệt như những người được hiến thánh khác, các nam nữ tu sĩ được gọi, như cha đã nói, là “những chuyên viên hiệp thông”. Vì thế, cha hy vọng rằng “linh đạo hiệp thông”, đã được thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh” sẽ trở thành hiện thực và các con sẽ đi đầu trong việc đáp lại “những thách thức lớn đang ở trước mặt ta” trong thiên niên kỷ mới này: “làm cho Hội Thánh thành nhà và thành trường hiệp thông”.[5] Cha tin chắc rằng trong Năm này các con sẽ tận dụng mọi nỗ lực để làm cho lý tưởng của tình huynh đệ các vị sáng lập của các con đã theo đuổi trải rộng khắp nơi, hệt như các vòng tròn đồng tâm. 

Hiệp thông được sống trước hết trong các cộng đoàn riêng của mỗi hội dòng. Cuối cùng, cha xin các con suy nghĩ về những nhận định thường xuyên của cha, đó là những cách hành xử như phê bình, chỉ trích, nói hành, nói xấu, ghen tỵ, tức tối, hận thù không được quyền có chỗ trong các nhà của ta. Khi ấy, con đường đức ái trước mặt ta sẽ mở rộng thênh thang, vì bao hàm việc chấp nhận nhau và quan tâm đến nhau, thực hành sự hiệp thông của cải cả vật chất lẫn tinh thần, việc sửa lỗi huynh đệ và tôn trọng những người yếu đuối… đây là “bí quyết để sống với nhau” một bí quyết làm cho đời ta thành “một cuộc hành hương thánh thiêng”.[6] Ta cần tự hỏi về cách ta liên hệ với những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau, khi các cộng đoàn của ta đang ngày một trở thành các cộng đoàn quốc tế. Ta có thể làm gì để mỗi thành viên có thể tự do nói lên những gì họ nghĩ, để họ được chấp nhận với những tài năng đặc biệt của họ và trở thành những người đồng trách nhiệm trọn vẹn? 

Cha cũng hy vọng sự hiệp thông cũng phát triển giữa các thành viên của các hội dòng khác nhau. Năm này có phải là dịp để ta bước cách can đảm hơn ra khỏi những nơi ở của các hội dòng riêng và làm việc chung với nhau, ở mức độ địa phương và toàn cầu, về những dự án liên quan tới đào tạo, phúc âm hóa và các hoạt động xã hội chăng? Điều này sẽ làm cho chứng tá có tính ngôn sứ có kết quả hơn. Sự hiệp thông và việc gặp gỡ giữa các đoàn sủng và ơn gọi khác nhau có thể mở ra một con đường hy vọng. Không ai đóng góp cho tương lai cách đơn độc bằng những nỗ lực riêng của một mình mình, nhưng bằng cách thấy mình như một phần của sự hiệp thông đích thật, của việc chăm chú lắng nghe và trợ giúp lẫn nhau. Sự hiệp thông ấy giữ ta khỏi bị tiêm nhiễm bởi căn bệnh chỉ biết mình.
Những người được thánh hiến cũng được mời gọi hợp tác đích thật với những ơn gọi khác trong Hội Thánh, bắt đầu với các linh mục và giáo dân, để “trải rộng linh đạo hiệp thông, trước hết trong đời sống nội tâm và sau đó trong cộng đoàn Hội Thánh và thậm chí còn vượt ra bên ngoài các ranh giới của Hội Thánh nữa.”[7]

4. Cha cũng kỳ vọng nơi các con điều cha đã xin mọi thành phần của Hội Thánh: ra khỏi mình và đi tới các vùng ngoại biên của cuộc sống. “Hãy đi khắp thế gian”; đây là những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với những kẻ theo Người và cũng là những lời Người đang tiếp tục nói với ta (x. Mc 16,15). Toàn thế giới này đang chờ đợi ta: những người đã mất hết hy vọng, các gia đình đang gặp khó khăn, các trẻ em bị bỏ rơi, những người trẻ không có tương lai, những người già cả, ốm đau và những người bị bỏ rơi, những người giàu có về vật chất nhưng nội tâm lại chẳng có gì, những người đang tìm kiếm mục đích trong cuộc sống, khao khát Thiên Chúa. 
Đừng khép mình lại, đừng để cho những cãi vã vụn vặt đè bẹp mình, đừng giam hãm mình trong những vấn đề của mình. Nếu các con ra đi và giúp người khác giải quyết vấn đề của họ và loan báo Tin Mừng, thì những vấn đề ấy sẽ được giải quyết hết. Cho đi sự sống mình, các con sẽ có được sự sống, cho đi niềm hy vọng, các con sẽ có được hy vọng, cho đi tình yêu, các con sẽ có được tình yêu. 

Cha xin các con làm việc cách cụ thể trong việc đón tiếp những người tỵ nạn, gần gũi những người nghèo khổ và tìm ra những cách thức sáng tạo để dạy giáo lý, loan báo Tin Mừng và dạy người ta cầu nguyện. Vì vậy, ta hy vọng rằng các con có thể sắp xếp các cơ chế cách hợp lý, những nhà lớn phải tổ chức lại để đáp ứng cách tốt hơn những đòi hòi của việc phúc âm hóa, và đức ái hiện nay và các việc tông đồ phải thích nghi với các nhu cầu mới. 

5. Cha hy vọng rằng mỗi hình thức của đời sống thánh hiến sẽ phải tự hỏi Thiên Chúa và con người đang đỏi hỏi mình điều gì? 
Các đan viện và các nhóm từ nguyên thủy đã là những nhóm chiêm niệm có thể gặp gỡ hoặc nói cách khác tham gia vào việc trao đổi kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện, về những cách thức đào sâu sự hiệp thông với toàn Hội Thánh, về việc nâng đỡ các Kitô hữu bị bắt bớ và đón tiếp, cứu trợ những người đang tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn hay đang cần sự nâng đỡ về luân lý hoặc vật chất. 

Những hội dòng dấn thân làm việc bác ái, dạy dỗ và phát triển văn hóa, những hội dòng dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng hoặc thực hiện các thừa tác vụ mục vụ cũng có thể làm những việc ấy. Các Tu Hội Đời, có các thành viên ở mọi ngóc ngách của xã hội cũng có thể làm như thế. Sự sáng tạo của Thần Khí vẫn luôn làm phát sinh các lối sống và các cách hoạt động đa dạng đến độ khó có thể liệt kê hết được hoặc khó có thể đưa vào những khuôn mẫu có sẵn. Vì thế, cha không thể nói với mỗi và mọi dạng thức đoàn sủng. Nhưng suốt Năm này không ai được miễn chước khỏi việc nghiêm túc kiểm xét lại sự hiện diện của mình trong đời sống Hội Thánh và khỏi việc đáp ứng lại những đòi hỏi mới vẫn không ngừng đòi hỏi ta, đáp lại những tiếng rên la của những người nghèo khổ.
Chỉ khi quan tâm như thế đến các nhu cầu của thế giới này và chỉ khi ngoan ngùy với sự can thiệp của Thần Khí, Năm Đời Sống Thánh Hiến này mới trở nên một thời ân sủng đích thật, một thời điểm ắp đầy ân sủng của Thiên Chúa, một thời biến đổi. 

III. NHỮNG CHÂN TRỜI CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1. Trong thư này, cha không chỉ muốn nói với những người được thánh hiến mà còn muốn nói tới giáo dân, những người đang chia sẻ với họ những lý tưởng, tinh thần và sứ vụ. Một số Hội Dòng có một truyền thống lâu dài theo lãnh vực này, trong khi những hội dòng khác chỉ mới có đây thôi. Quả thế, chung quanh mỗi gia đình tu trì, mỗi Hội Dòng Đời Sống Tông Đồ và mỗi Tu Hội Đời, bao giờ cũng có một gia đình lớn hơn, một “gia đình đoàn sủng”, bao gồm một số Hội Dòng tự đồng hóa với cùng một đoàn sủng và nhất là các tín hữu giáo dân, những người cảm thấy được gọi tham dự vào cùng một thực tại có tính đoàn sủng, với tư cách giáo dân. 

Cha khích lệ các con, với tư cách là giáo dân, sống Năm dành cho Đời Sống Thánh Hiến này như một ân huệ có thể làm cho các con ý thức hơn về ân sủng chính các con đã lãnh nhận. Các con hãy cử hành năm này với toàn “gia đình” mình để các con có thể lớn lên và cùng nhau đáp lại những can thiệp của Thần Khí trong xã hội hôm nay. Vào một số dịp khi những người được thánh hiến thuộc các Hội Dòng khác nhau họp lại, các con hãy sắp xếp để cũng có mặt với họ hầu làm bật lên ân huệ duy nhất của Thiên Chúa. Như thế, các con sẽ biết được những kinh nghiệm của các gia đình đoàn sủng và các nhóm giáo dân khác, và như thế các con cũng có cơ hội để nâng đỡ nhau và làm cho nhau phong phú.

2. Năm dành cho Đời Sống Thánh Hiến này không chỉ liên quan tới những người được thánh hiến mà tới toàn Hội Thánh. Vì thế, cha xin toàn dân Kitô giáo ý thức hơn về ân huệ này, đó là sự có mặt của nhiều người được thánh hiến, những người thừa tự của các vị đại thánh đã viết lên lịch sử Kitô giáo. Hội Thánh sẽ ra sao nếu không có thánh Biển Đức và thánh Basiliô, không có thánh Augustinô và Bernard, thánh Phanxicô và thánh Đaminh, thánh Ignatiô Loyola và thánh Têrêsa Avila, thánh Angelica Marici và thánh Vincent Phaolô. Danh sách này sẽ còn nữa, cho tới thánh Gioan Don Bosco và Chân Phước Têrêsa Calcutta. Như Chân Phước Phaolô VI cho thấy: “Không có dấu chỉ cụ thể này thì sẽ có một mối nguy là đức ái vẫn luôn làm sinh động toàn Hội Thánh sẽ trở nên lạnh giá, sự nghịch lý có tính cứu độ của Tin Mừng sẽ bị cùn nhụt và “muối” của đức tin sẽ lạt đi trong một thế giới đang trải qua quá trình tục hóa này” (Evangelica Testificatio 3). 

Vì thế cha mời mọi cộng đoàn Kitô hữu cảm nghiệm về Năm này trước hết như thời điểm tạ ơn Chúa và như một ký ức đầy lòng biết ơn về mọi ân huệ ta vẫn liên tục nhận được, tạ ơn sự thánh thiện của các vị sáng lập và từ sự trung thành với đoàn sủng của các ngài mà nhiều người được thánh hiến đã cho thấy, cha xin tất cả các con hãy lại gần những người ấy, gần hết mức có thể, để chia sẻ những khó khăn của họ và để trợ giúp họ hết mức có thể trong các thừa tác vụ và công việc của họ, vì những thừa tác vụ và những công việc ấy cuối cùng ra cũng là những thừa tác vụ và công việc của Hội Thánh. Hãy cho họ thấy tấm thịnh tình và sự ấm cúng mà toàn dân Kitô giáo đang dành cho họ. 

Chúng ta tạ ơn Chúa vì Năm Đời Sống Thánh Hiến xảy ra cùng lúc với biến cố Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Đời sống gia đình và đời sống thánh hiến là hai ơn gọi mang đến sự giàu có phong phú và ơn phúc cho tất cả mọi người. Cả hai đều là nơi chốn cho sự phát triển con người xảy ra qua các mối tương quan, và cả hai cũng đều là nơi chốn cho việc loan báo Tin Mừng. Ơn gọi này trợ giúp cho ơn gọi kia.

3. Trong lá thư này cha không ngần ngại nói với những người được thánh hiến và các thành viên của những hội và những cộng đoàn thuộc các Hội Thánh của các truyền thống ngoài truyền thống Công giáo. Lối sống đan tu là một phần di sản của Hội Thánh chưa bị phân chia và hiện vẫn rất sống động trong cả các Hội Thánh Chính Thống lẫn Hội Thánh Công giáo. Truyền thống đan tu và những kinh nghiệm khác sau này từ thời mà Hội Thánh tại phương Tây vẫn còn hợp nhất, đã khơi lên những sáng kiến tương tự trong các cộng đoàn Hội Thánh của truyền thống Cải Cách. Những cộng đoàn này vẫn tiếp tục sản sinh ra những cách diễn tả cộng đoàn và việc phục vụ đầy tình huynh đệ.

Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đời Sống Tông Đồ đã phác thảo một số sáng kiến làm cho các cuộc gặp gỡ giữa những thành phần của các hình thức đời sống thánh hiến và huynh đệ trong các Hội Thánh khác nhau. Cha hết lòng khích lệ những cuộc gặp gỡ ấy như phương thế để gia tăng sự hiểu biết, tôn trọng và hợp tác với nhau, để phong trào đại kết của đời sống thánh hiến có thể tỏ ra hữu ích cho cuộc hành trình lớn hơn tiến về sự hợp nhất của mọi Hội Thánh.

4. Ta cũng không thể quên rằng hiện tượng của đời đan tu và của các cách diễn tả khác nhau của tình huynh đệ tu trì vẫn luôn hiện diện trong mọi tôn giáo lớn. Có những ví dụ, một số tồn tại lâu đời, về cuộc đối thoại giữa các đan viện liên quan tới Hội Thánh Công giáo và một số các truyền thống tôn giáo lớn. Cha tin rằng Năm Đời Sống Thánh Hiến sẽ là cơ hội để nhìn lại tiến bộ đã làm được, để làm cho những người được hiến thánh ý thức về cuộc đối thoại này và để xét xem có thể có những bước nào tiến đến sự hiểu biết và hợp tác với nhau hơn trong nhiều lãnh vực chung của việc phục vụ đời sống con người.

Cùng đi với nhau bao giờ cũng đem lại sự phong phú và có thể mở ra những con đường mới đưa tới những tương quan giữa các dân tộc và các nền văn hóa, mà hiện nay có vẻ rất khó khăn.

5. Cuối cùng, cách đặc biệt, tôi muốn nói với các anh em giám mục của tôi. Ước gì Năm này là dịp để sẵn sàng và vui mừng chấp nhận các hội dòng của đời sống thánh hiến như nguồn vốn thiêng liêng đóng góp cho lợi ích của toàn thân mình Đức Kitô (x. Lumen Gentium, 43) chứ không chỉ là đóng góp cho gia đình tu sĩ. “Đời sống thánh hiến là một quà tặng cho Hội Thánh, phát sinh từ Hội Thánh, lớn lên trong Hội Thánh và hoàn toàn hướng về Hội Thánh”.[8] Vì lý do này, chính vì là một quà tặng cho Hội Thánh, nên đời sống thánh hiến không phải là một thực tại bị cô lập hoặc loại ra bên ngoài, nhưng là một phần của Hội Thánh cách sâu thẳm. Đời sống thánh hiến ở tại trung tâm của Hội Thánh, là một yếu tố quyết định của sứ vụ của Hội Thánh, vì đời sống ấy diễn tả bản chất sâu xa nhất của ơn gọi Kitô hữu và khát vọng muốn hợp nhất với vị Lang Quân duy nhất của Hội Thánh với tư cách là Hiền Thê. Như thế “đời sống ấy cách tuyệt đối thuộc về… đời sống thánh thiện” của Hội Thánh (LG 44).

Dưới ánh sáng này, tôi xin anh em, các vị Mục Tử của các Hội Thánh đặc biệt, hãy liệu sao để nâng cao các đoàn sủng khác nhau trong các cộng đoàn bất kể đã có từ lâu hay mới có. Tôi xin anh em làm việc này bằng sự nâng đỡ và khích lệ, bằng sự trợ giúp của anh em trong việc phân định và sự gần gũi dịu hiền và yêu thương của anh em đối với những hoàn cảnh đau khổ và yếu đuối, trong những hoàn cảnh ấy một số người được thánh hiến có thể đang gặp phải. Trước hết, anh em hãy làm việc này bằng cách dạy dỗ Dân Thiên Chúa về các giá trị của đời sống thánh hiến để nét đẹp và sự thánh thiện của đời sống ấy có thể chiếu tỏa trong Hội Thánh.

Cha ký thác Năm Đời Sống Thánh Hiến này cho Đức Maria, Trinh Nữ lắng nghe và chiêm niệm, người môn đệ đầu tiên của con yêu dấu mình. Ta hãy nhìn lên mẹ, người con dấu ái của Chúa Cha, đã được ban cho mọi ân sủng, vì là khuôn mẫu siêu vời cho mọi người đang theo Đức Kitô trong lòng yêu mến Thiên Chúa và phục vụ đồng loại mình. 
Cuối cùng, cha hợp nhất với các con trong niềm tri ân vì những ân huệ và ánh sáng, Chúa luôn muốn ban cho để ta được phong phú và cha đồng hành với các con với Phép Lành Tòa Thánh của cha. 
Từ Vatican, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Lễ Dâng Mình của Đức Trinh Nữ Maria.
Phanxicô
Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, chuyển dịch.

---------------------

[1] Apostolic Letter to the Religious of Latin America on the occasion of the Fifth Centenary of the Evangelization of the New WorldLos caminos del Evangelio (29 June 1990), 26.
[2] SACRED CONGREGATION FOR RELIGIOUS AND SECULAR INSTITUTES, Religious and Human Promotion (12 August 1980), 24: L’Osservatore Romano, Suppl., 12 November 1980, pp. I-VIII.
[3] Address to Rectors and Students of the Pontifical Colleges and Residences of Rome (12 May 2014).
[4] POPE BENEDICT XVI, Homily for the Feast of the Presentation of the Lord (2 February 2013).
[5] Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 43.
[6] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 87
[7] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata (25 March 1996), 51.
[8] BISHOP J.M. BERGOGLIO, Intervention at the Synod on the Consecrated Life and its Mission in the Church and in the World, XVI General Congregation, 13 October 1994.

[1] Tông Thư Los caminos del Evangelio, cho các Tu Sĩ Nam Nữ Châu Mỹ Latin dịp kỷ niệm 500 Năm rao giảng Tin Mừng của Tân Lục Địa (29.06.1990), 26.
[2] Thánh Bộ Các Tu Sĩ Và Các Hiệp Hội Tu Đời, Các Tu Sĩ Và Việc Thăng Tiến Con Người, ngày 12.08.1980, 24: trong Báo L’Osservatore Romano, Suppl. 12.11.1980,tr. I-VIII.
[3]Bài Diễn Văn cho các Viện Trưởng và các Sinh Viên các Học Viện Giáo Hoàng, và Các Nhà và Cơ Sở ở Roma (12.05.2014).
[4] Bài Giảng Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ(02.02.2013).
[5] Tông ThưNgàn Năm Thứ Ba Đang Đến(06.01.2001), 43.
[6] Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng(24.11.2013), 87.
[7] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới, Đời Sống Thánh Hiến  (25.03.1996), 51.
[8] Đức Cha J. M. Bergoglio, Bài Phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới về Đời sống Thánh hiến và sứ mạng của họ trong Giáo Hội về trên thế giới, Đại hội XVI, 13.10.1994.