Ngày 22-07: Thánh Maria Madalena


Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.
 
Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc 7, 36-39).
 
Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc 7, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, ngài đã nhận ra Đấng Phục Sinh mà thoạt đầu ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).
 
Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu ngài tới gặp "Thầy". Ít ngày sau, ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).
 
Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các Giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.
 
Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Lazarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên "Maria" buổi sáng Phục Sinh.
 
Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, ngài đã từ trần và được mai táng ở Êphêsô. Năm 889, Hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý 

Nguồn:Truyền Thông Giáo Phận Phú Cường