Ngày 14/8: Thánh Maximilien Kolbe - Linh mục


Thánh Maximilien Kolbe - Linh mục, Tử đạo (1894-1941)


1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Lễ kỷ niệm thánh Maximilien qua đời ngày 14 tháng 8 năm 1941 tại Auschwitz, được phong thánh và công bố tử đạo năm 1982 do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhắc ta nhớ lại những trang hào hùng nhất trong cuộc thế giới chiến tranh thứ hai và tính cách man rợ của những người quốc xã nơi các trại tập trung.

Maximilien sinh ngày 7 tháng giêng năm 1894 tại Zundska-Wola, Balan, bố mẹ đặt tên là Raymond. Năm 1907, Ngài nhập dòng Phan sinh tu viện (Conventuel), nhận tên là tu huynh Maximilien. Ngài được gửi sang học triết lý và thần học tại Roma và thụ phong linh mục năm 1918. Trở về Balan, Cha Maximilien thành lập đội Đạo binh Đức Mẹ vô nhiễm. Năm 1927 Cha thành lập hội “thành đô Đức Mẹ vô nhiễm” (Nipokalanow). Hội “Thành Đô” nhanh chóng lan rộng ở Balan và nhiều nước khác, chỉ mười năm sau đã có tới một trăm sáu mươi hai tu sỹ thừa sai sang Nhật, cha lập vườn Đức Mẹ vô nhiễm ở ngoại ô Nagasaki. Trở về Balan năm 1936, cha phải chịu đựng cuộc bách hại của Gestapo (Mật thám Đức quốc xã), họ đã biến thành đô Đức Mẹ vô nhiễm của cha thành trại tập trung. Bị bắt lần thứ hai ngày 17 tháng 2 năm 1941, cha bị nhốt vào trại Auschwitz với số tù 16.670. Tháng 7 năm đó, sau vụ một tù nhân trốn thoát, mười người bị lên án để đói đến chết. Cha Kolbe xung phong chết thay cho một người cha gia đình, nên bị giam chung với những người bị kết án giam đói, trong một cái hầm boong ke. Người ta đã kết thúc mạng sống cha bằng một mũi chích ngày 14 tháng 8 năm 1941 lúc cha mới bốn mươi bảy tuổi. Nét mặt cha sau khi chết vẫn bình tĩnh và đẹp đẽ. Xác cha bị thiêu cháy tại lò thiêu ngay ngày hôm sau, ngày lễ Đức Mẹ Mông Triệu.

2. Thông điệp và tính thời sự

Kinh nguyện trong thánh lễ nhấn mạnh đến những nét tiêu biểu của cuộc đời vị thánh chết vì bác ái này.

Lời nguyện trong ngày nhắc tới việc tông đồ về lòng sùng kính Đức Mẹ Maria nơi thánh Maximilien, đấng sáng lập các “thành đô Đức Mẹ vô nhiễm” với mục đích “động viên mọi nỗ lực thành một phong trào bảo vệ Đức Kitô, chinh phục các linh hồn, đặt các trạm tiền tiêu, cắm cờ của Người trên nhà xuất bản các báo thường kỳ, định kỳ, trên các cơ sở in ấn, trên các ăngten truyền thanh, trên các viện nghệ thuật và văn chương, các rạp hát, rạp xi nê ... tắt một lời, trên khắp địa cầu”. Trong niềm phấn khởi phấn khích vì lý tưởng, cha toàn tâm toàn ý nhắm mục đích chinh phục cả thế giới cho Đức Kitô. Chính trong mục đích đó, cha đã sang truyền giáo ở Nhật Bản, đã triển khai nhiều nhà xuất bản, nhiều nhà dòng hầu trải công cuộc của mình ra khắp thế giới.

Lời nguyện trên lễ vật và lời nguyện tạ lễ nêu bật “ngọn lửa bác ái thiêu đốt thánh Maximilien và đã thúc đẩy Ngài hiến mạng sống vì anh em”. Các tù nhân thường gọi Ngài là “ông linh mục thân mến của chúng tôi”. Còn Ngài thì thường nói: “Ghét ghen không phải là luật sáng tạo, chỉ tình yêu mới sáng tạo”. Do tình bác ái thúc đẩy, cha đã không ngần ngại yêu cầu viên chỉ huy trại: “Tôi muốn chết thế cho người này (Francois Gajowniczed, bị chỉ định cho chết đói) vì anh ta còn có vợ con”.

Vị chứng nhân bác ái đó lúc còn ít tuổi, năm 1920, đã viết: “Tôi phải trở nên một vị thánh, thánh lớn hết sức có thể”, đã “mang lại chiến thắng bằng tình yêu và Đức tin trong một nơi được xây dựng để chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa và con người” (Đức Gioan Phaolô II).

Enzo Lodi