Ngày 01/06: Trinh nữ Maria, Mẹ Hội Thánh


Câu chuyện

Vào ngày thứ sáu tuần thánh tại các nước châu Mỹ La Tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu: Các phụ nữ tập trung lại dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.

Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là “chia buồn”. Truyền thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo hội vào chiều thứ sáu tuần thánh: Mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ Sầu Bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ. Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.

Người phụ nữ mặc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của Người Con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của Con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người… (Theo R. Veritas).

Suy niệm

Cuộc đời Đức Maria là cuộc đời của Bà Mẹ sống trong trăm nghìn đau khổ nối tiếp. Chính trong đau khổ Mẹ sống đức tin thông phần mầu nhiệm cứu độ của Con Mẹ.

Mẹ sầu khổ khi bạn đời Giuse cùng thề hứa trinh khiết chưa hiểu Mẹ khi Mẹ mang thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,27-38) theo ý Thiên Chúa. Khi Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Chúa vào đền thánh theo Luật của Môisê, Maria lo âu khi cụ già Simêon nói tiên tri về Chúa Giêsu Con Mẹ, còn Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu hồn bà, nhờ vậy mà ý nghĩ trong những tâm hồn khác được phơi bày” (x. Lc 2,33-35).

Mẹ sợ hãi, lo lắng, khổ đau khi cùng thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập tránh sự truy bức của Hêrôđê (x. Mt 2,13-14). Mẹ càng đau khi Con Mẹ ở lại Giêrusalem, khi hai bậc phụ huynh Giuse và Maria cứ tưởng con mình đã bị lạc mất vất vả tìm kiếm đến ba ngày (x. Lc 2,41-50). Mẹ ngạc nhiên đau khổ tột bậc khi nhìn Con Mẹ vác thập giá tiến lên núi Sọ trong cuộc hành trình cứu độ nhân loại. Nhất là còn gì đau đớn hơn khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn Giêsu, Con Mẹ chết tả tơi, trần trụi trong tư cách tên tử tội (x. Ga 19,25-28). Khi hạ xác Con xuống khỏi cây thập giá, lòng Mẹ tan nát vì Mẹ chỉ còn ôm một cái xác lạnh ngắt, mình mẩy đầy vết thương bầm tím mà các bức tượng Pièta trong lịch sử đã diễn tả lại.

Khi Con Mẹ được các đồ đệ an táng trong huyệt đá, nấm mồ tuyệt vọng mang khoảng cách trời, đất (x. Ga 19,38-42) làm Mẹ cảm thấy mất tất cả…

Dưới chân thập giá Chúa Giêsu và trong mọi sầu khổ, Mẹ Maria ôm lấy tất cả mọi con cái nhân loại, tất cả đều được ủy thác cho Mẹ như Chúa đã uỷ thác Mẹ cho thánh Gioan (x. Ga 19,25-27). Mẹ đang đứng bên cạnh tất cả những ai đang đau khổ. Mẹ âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi khổ đau của từng người như thể của riêng Mẹ với tình liên đới và cảm thông trong đau khổ.

Mẹ đau khổ, nhắc nhở chúng ta: Ðời của người Kitô hữu gắn liền với thập giá của Chúa Giêsu: “Hạt giống có mục nát đi mới sinh nhiều hoa quả” (Ga 12,24). Cùng với Mẹ, chúng ta tin tưởng như thánh Phaolô xác quyết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 8,28).

Ý lực sống

“Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can” (Trích Ca Tiếp Liên Stabat Mater).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ