Bồ Câu Đưa Thư - Sr.Lệ Nghĩa


BỒ CÂU ĐƯA THƯ


Truyện “Bồ Câu không đưa thư” của Nguyễn Nhật Ánh lần đầu ra mắt độc giả vào năm 1993 không chỉ gây được sự chú ý và cảm tình của giới học sinh, áo trắng, mà ngay cả đối với những người đã trải qua thời áo trắng từ lâu cũng bồi hồi xúc động khi xem tác phẩm này. Trong số đó, có một bạn tâm giao của Nguyễn Nhật Ánh là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên – và thế là bài hát dành riêng cho tuổi áo trắng “Bồ Câu không đưa thư”đã ra đời. (Tri Kỷ Cafe)

Nghe lại bài hát, cảm xúc trong tôi dâng trào nhớ lại một thời áo trắng học trò. Chúng tôi cũng thường ngồi đàn hát với nhau vào những khoảnh khắc cuối năm học, niềm vui xen lẫn cảm giác man mác buồn khi phải chia tay. 
Ai cũng có một thời để nhớ để thương, kỷ niệm đẹp ấy sẽ không phai nhòa trong ký ức. Dù tuổi tác hay cuộc sống làm con người đổi thay, nhưng kỷ niệm đọng trong ký ức của tuổi đến trường thì không rơi vào quên lãng. Có những người đáng tuổi ông bà vẫn còn họp lớp để ôn lại “một thời để nhớ”.

Những kỷ niệm xưa rồi cũng đưa tôi về giây phút hiện tại, với những dòng suy tư, thao thức của hình ảnh Bồ câu hiện ra trước mắt. Như một cơ duyên nào đó, khi tôi đang mang nơi mình (Badge: phù hiệu trên áo dòng) biểu tượng chim bồ câu ngậm cành ôliu hướng về thập giá, tượng trưng cho sứ giả mang Tin Mừng hòa bình của Chúa Kitô đến cho mọi người, và những người trẻ sinh viên công giáo Ban Mê Thuột cũng có tên Sinh viên Bồ Câu Trắng. 
Tìm hiểu một chút về Bồ Câu Trắng tôi thấy mình có sự gắn kết với các bạn: “Chim bồ câu thông thường là loài bồ câu trắng, là loài chim biểu tượng của tình yêu, hòa bình và hạnh phúc hoặc như một vị sứ giả mang đến một thông điệp nào đó (bồ câu đưa thư). Chim bồ câu xuất hiện trong biểu tượng văn hóa của Do Thái giáo, Kitô giáo và Ngoại giáo, các tổ chức hòa bình và cả các tổ chức quân sự và phi quân sự” (Bách khoa toàn thư mở)

Và có lẽ nhóm sinh viên Công Giáo Bồ Câu Trắng cũng mang trong mình một sứ điệp gửi đến cho mọi người “Đàn bồ câu trắng mang tình yêu đến cho muôn người, mang hòa bình khắp nơi vui cười, ước mơ hòa bình thế giới” (Về Đây Bồ Câu).
Bài hát chủ lực của nhóm SV Công Giáo Bồ Câu Trắng Gp. Ban Mê Thuột như một sự nhắc nhớ “dù sống trong môi trường nào, dù bạn đã bay xa khỏi đàn bồ câu để đến một vùng trời mới, bạn vẫn sống ý nghĩa biểu tượng của bồ câu là mang tình yêu và hòa bình cho gia đình bạn, cho bạn bè và những người bạn gặp gỡ hằng ngày”. 

Thật ấm áp và hạnh phúc mỗi dịp lễ của gia đình bồ câu, các anh chị cựu hiện diện để tiếp thêm động lực cho các em. Sự hỗ trợ này giúp cho những chú bồ câu đang chập chững bước vào cuộc sống được thắp lên niềm hi vọng. Từ đó tình yêu và và hạnh phúc tiếp tục được lan tỏa đến nhiều thế hệ tương lai. “Đôi khi tôi bắt gặp những cây nhỏ xinh xinh, nhánh chúng hướng lên trời cứ vươn lên cao mãi, tựa như một bài ca hy vọng. Và rồi, sau một cơn bão tôi thấy chúng gục ngã và đã chết. Bởi thế tôi đau buồn khi thấy những người trẻ được gợi ý xây dựng một tương lai mà không có cội rễ, như thể thế giới mới chỉ bắt đầu hôm nay vậy.” (Tông Huấn Christus Vivit của ĐGH Phanxicô số 179)

Mỗi ngày các bạn vẫn tiếp tục là những chú bồ câu đưa thư với những nội dung hướng đến những giá trị cao đẹp là tình yêu, hạnh phúc, hòa bình qua cung cách và thái độ sống của một người bạn trẻ công giáo trong môi trường đa văn hóa và đầy những phức tạp về đời sống đức tin nơi trường học và môi trường sống. Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha sẽ giúp các bạn biết giữ mình giữa một xã hội chuộng hình thức bên ngoài hơn là yêu mến vẻ đẹp nội tâm bên trong  “Các bạn trẻ thân mến, đừng cho phép người ta lợi dụng tuổi trẻ của các con, đẩy các con đến một lối sống nông cạn đồng hoá cái đẹp chỉ với dáng vẻ bên ngoài.” (Tông Huấn Christus Vivit của ĐGH Phanxicô số 183).

Nếu bồ câu không đưa thư như lời bài hát thì các bạn thấy như thế nào?
Ước mong mọi thành viên dù đã hay đang và sẽ mang tên SV Bồ Câu Trắng  đều luôn hăng say, can đảm dấn thân cho lý tưởng phục vụ, yêu thương và gắn kết của mình, để Bồ Câu mãi mãi tỏa sáng trên bầu trời hòa bình, mang những cánh thư yêu thương cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Sr. Lệ Nghĩa