Người Trẻ Sống Mùa Chay 2021 Giữa Đại Dịch



Năm ngoái, năm 2020, phải nói là một năm cực kỳ khó khăn và đau khổ khi mà thế giới trải qua đại dịch Covid-19 khủng khiếp, khiến bao nhiêu đất nước phải rơi vào tê liệt, khốn đốn. Đó là một năm đầy dẫy những bi kịch, một năm của mất mát, của đau thương, của nước mắt và sợ hãi.

Hình ảnh bao nhiêu người mất việc làm, biết bao nhiêu trường học đóng cửa và tiền bạc cũng cạn kiệt, tưởng chừng đã qua, nhưng không, nó vẫn đang tồn tại, đe dọa kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, 2021.

Thế giới, đặc biệt nơi con người, trong những mối giao tiếp xem ra trở nên nhạt nhẽo, nghèo nàn vì mất đi những cái ôm hôn, những cái bắt tay, những cử chỉ thân thiết dành cho những người chúng ta yêu mến. Người ta bắt đầu thấy thèm khát những cử chỉ âu yếm...nhưng lại không thể. Trong đại dịch, nhiều người đã ra đi mà không có người thân bên cạnh. Hay những đứa con, đứa cháu, người anh, người chị, người em không thể nắm lấy tay ông, tay bà, tay cha tay mẹ, tay anh chị em trong giây phút cuối cùng. Những buồn thương ấy khiến bao người cảm thấy đau nhói tận trong tim, mà có lẽ, trong suốt cuộc đời còn lại, sẽ mãi là những nỗi ám ảnh, chẳng thể quên.

Tưởng đã êm, tưởng đã thoát đại dịch!

Nhưng không, đại dịch đau thương lại quay trở lại, ở mọi nơi, và tại Việt Nam này, một năm 2021 lại khởi đầu với biết bao lo lắng khi những ca nhiễm trở lại, khiến bao người phải đón một cái Tết xa cha mẹ, trong buồn tẻ, cô đơn và lo lắng.

Và chúng ta lại đang sống trong một mùa Chay nữa, Mùa Chay 2021 giữa đại dịch, mà có những nơi, Thánh Lễ khởi đầu Mùa Chay với Thứ Tư Lễ Tro cử hành không đông người tham dự trực tiếp.

Mùa Chay năm nay lại thật đặc biệt khi cho chúng ta thời gian và không gian để suy tư về cách thức mới của đau khổ do đại dịch Covid-19 gây nên. Vẫn với những thực hành đạo đức truyền thống như cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái giúp chúng ta kết hiệp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Đức Kitô, nhưng năm nay, một năm tiếp nối với đại dịch, có lẽ, mọi người, đặc biệt là những người trẻ sẽ tự hỏi mình:

Chúng ta cần sống Mùa Chay 2021 giữa đại dịch như thế nào?

CẦU NGUYỆN, chắc chắn là phải có. Nhưng liệu bạn đã có kế hoạch và sẽ dành bao nhiêu thời gian cho cầu nguyện giữa những thử thách, cụ thể trong thời gian này. Chỉ sợ bạn chỉ có khái niệm, nghĩ đến nhưng lại chẳng thực hành.

Nhiều người trẻ Công Giáo ngày nay dường như cảm thấy việc cầu nguyện như là một hoạt động xa lạ, chẳng liên quan gì mấy đến việc sống còn đời mình. Các bạn có thể tiêu tốn hằng giờ để lướt điện thoại, hay cùng nhau chơi game “liên quân”, …nhưng khó để mà dành 10 phút để đọc kinh sáng, tối, để ngồi lặng thinh, hay nói ra một lời cầu nguyện tự phát. Đó là một dấu hiệu đáng lo, đáng buồn về đời sống người trẻ hiện nay. Bởi nếu không cầu nguyện, những người trẻ ấy sẽ không thể có sức mạnh để kiên vững giữa đại dịch, giữa những thách đố của mất việc làm, hay khi bị lây nhiễm căn bệnh đang hoành hành, khi bị tẩy chay, bị lên án nếu lỡ chẳng may trở thành F1, hay F0 nào đó…và cũng sẽ chỉ biết than, mệt mỏi, mà không có được hy vọng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Thế nên, càng ở giữa đại dịch, và nhất là khi Mùa Chay đang đến, người trẻ cần phải dám đặt mình vào trong kế hoạch cầu nguyện, tập cầu nguyện và sống đời cầu nguyện. Nhất là vào thời điểm mà việc thờ phượng cùng nhau vào Chúa Nhật hằng tuần, hay ngay cả trong các Thánh Lễ Tuần Thánh – có thể không an toàn hoặc không còn được như trước đây, thì việc cầu nguyện với Chúa, đời sống cầu nguyện với Chúa ngay tại gia đình, vào một thời điểm thích hợp, một không gian an toàn và tĩnh lặng, sẽ là cơ hội để người trẻ làm mới lại mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Như Thánh Augustino đã nói, Thiên Chúa là Đấng gần chúng ta hơn chúng ta gần chính chúng ta, nghĩa là mỗi giây phút trong ngày đều trở thành cơ hội để chúng ta, những người trẻ cầu nguyện, kết hợp với Chúa.

CHAY, không chỉ chú trọng đến “ăn”, nhưng là tinh thần chay, tinh thần từ bỏ: Chúng ta có thực sự cần từ bỏ một cái gì đó, hay một vài cái gì đó thật cụ thể để sống Mùa Chay giữa đại dịch này có ý nghĩa.

Bạn có thể “chay” những lời bình luận chỉ mang tính tiêu cực trên mạng xã hội, những lời cổ xúy cho bạo lực, cãi vã, nhưng thay vào đó là những lời bình luận khơi gợi cái nhìn tích cực, khích lệ người khác, mang tính hòa giải?

Bạn có thể “chay” những lời nói tục, những lời chửi thề, những lời nói gắt gỏng với người khác, để thay vào đó là những lời tử tế, những lời nói đẹp xây dựng tình yêu?

Bạn có thể “chay” giảm bớt sự tương tác với cái điện thoại, để dành thời gian tương tác với gia đình, cha mẹ, anh chị em mình?

Bạn có thể “chay” bớt tập trung vào mình, để có một con tim mở ra, nhìn rộng hơn, nhận thấy nhu cầu, nỗi khổ của người khác để quan tâm và chia sẻ với họ?

Bạn có thể “chay” việc gây nên ô nhiễm tiếng ồn bởi chương trình karaoke mà bạn hào hứng mở volume hết cỡ, gây phiền hà hàng xóm?

Bạn có thể “chay” bớt ngồi hàng quán khi đại dịch vẫn còn đang nhiều nguy cơ lây nhiễm, để thay vào đó, bạn ở nhà, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và cho những kế hoạch riêng tư của mình?

LÀM VIỆC BÁC ÁI, chẳng đi đâu xa, mà trong tầm tay, bạn có thể.

Người cần bạn thể hiện tình yêu gần nhất, đó chính là ông bà, cha mẹ, anh chị em mình. Việc bác ái chính là quan tâm, là dùng lời nói và việc làm để giúp đỡ ông bà, cha mẹ, anh chị em mình khi họ cần. Những hành động của sự tử tế mà bạn bày tỏ, có thể là lời nói thưa lễ phép, là tôn trọng ý kiến ông bà, cha mẹ…là nhạy bén để nhận ra nhu cầu của người khác để giúp đỡ.

Bên cạnh đó, trong những tiết kiệm nhỏ nhoi bạn lập ra, tích cóp sẽ trở thành những mái lá, những viên gạch cần thiết để giúp lợp lại hay xây một bức vách của căn nhà tình thương nào đó mà người nghèo đang ao ước, cần đến.

Hoặc bạn có thể mở tủ đồ của mình, can đảm lấy ra vài món đồ, gói ghém lại cẩn thận và tặng lại cho người cần, nhất là người nghèo, người vô gia cư…hay chuyển nó thành một khoản tiền để giúp đỡ ai đó.

Làm việc bác ái hướng đến người khác, đặc biệt là những người nghèo, để họ được cảm nhận tình thương của chính bạn, vơi bớt mặc cảm, sự tự ti, buồn chán, vì được tôn trọng, được xem như người thân của bạn. Chúa muốn bạn chia sẻ cho người nghèo những gì bạn đang có, chứ không phải là những gì bạn dư thừa.

Làm việc bác ái trong Mùa Chay giữa đại dịch, khi mà nhiều người đang thất nghiệp, khi mà cuộc sống kinh tế đang khó khăn, thì đâu đó, khi bạn mua một món hàng của người nghèo, đừng chỉ nghĩ đến túi tiền của mình để so kè, nhưng hãy nghĩ đến đồng tiền ít ỏi trong túi của người nghèo, để biết mình phải làm gì giúp họ có thể nuôi sống gia đình của họ.

Đó cũng là những cách mà chúng ta, những người trẻ đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2021: Làm mới lại niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu vào Thiên Chúa và dành cho tha nhân.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P

Nguồn: 
http://giaophanxuanloc.net/