“Người trẻ ơi! Làm ơn đừng loại trừ khả thể trở thành thừa sai”


“Người trẻ ơi! Làm ơn đừng loại trừ khả thể trở thành thừa sai”

 
Cuối tháng 11 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến tông du đến 3 quốc gia Châu Phi: Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Trở lại Rôma, trong buổi Tiếp kiến Chung đầu tiên, ngài đã chia sẻ một số suy nghĩ sâu sắc về ơn gọi truyền giáo. Đây là những suy tư của ngài. “Tôi muốn nói một lời về các thừa sai. Những người nam nữ đã bỏ tất cả: từ khi còn trẻ họ đã bỏ quê hương để đến đó, để sống một cuộc sống phải làm biết bao nhiêu công việc, đôi khi họ phải ngủ dưới đất... suốt cả đời... Vào một lúc tôi đã tìm thấy tại Bangui (Trung Phi) một nữ tu già người Ý. Tôi hỏi:
“Chị bao nhiêu tuổi”, “Thưa 81”. Không nhiều lắm, già hơn tôi hai tuổi thôi. Chị đi với một bé gái, và bé gái gọi nữ tu 81 tuổi là “bà nội” bằng tiếng Ý. Chị ấy đã sống ở đây khi mới 23-24 tuổi. Suốt cả đời. Và có biết bao nhiêu nữ tu như chị. Chị nói: “Nhưng mà con không là người ở đây, con từ nước bên cạnh là Congo, con đi canô qua đây với bé gái này... “Các thừa sai là thế: họ rất can đảm”. “Vậy chị làm gì?” “Thưa con là y tá, và con đã học một chút ở đây và trở thành bà đỡ, và con đã cho 3.280 em bé chào đời”. Chị ấy nói với tôi như thế. Tất cả một cuộc đời cho sự sống, cho sự sống của người khác. Và có biết bao nhiêu người như nữ tu này, biết bao nữ tu, biết bao linh mục, biết bao tu sĩ đã đốt cháy cuộc đời mình để loan báo Chúa Giêsu Kitô. Thật là đẹp khi trông thấy như vậy. Thật là đẹp!
 
Tôi muốn nói một lời với người trẻ. Tôi xin ngỏ lời với người trẻ: các con hãy nghĩ xem các con làm gì với cuộc đời mình. Các con hãy nghĩ tới nữ tu này và biết bao nữ tu khác như chị, những người đã trao ban cả cuộc đời, và biết bao người đã chết ở đó. Tôi xin nói với các bạn trẻ: Con hãy nghĩ tới việc làm gì với cuộc đời con. Đây là lúc suy nghĩ và xin Chúa làm cho con cảm thấy ý muốn của Ngài. Nhưng làm ơn đừng loại trừ khả thể trở thành thừa sai, để đem tình yêu thương, nhân tính,và đức tin đến cho các nước khác.
 
Cây không ăn trái của chính mình
 
Dù chúng ta chọn lối sống nào, thì chiều kích truyền giáo vẫn luôn hiện hữu. Tại sao? Vì cuộc đời của chúng ta là một sứ mệnh! Vì vậy, chúng ta phục vụ tất cả những người chúng ta yêu thương, những người xung quanh chúng ta và thậm chí cả những người sống bên ngoài biên giới đất nước chúng ta.
Một ngày nọ, khi đang đi dạo quanh thành phố, tôi thấy trên một bức tường được sơn có câu sau: “Cây không ăn quả của chính mình. Sông không uống nước của chính mình. Cuộc sống luôn vì lợi ích của người khác.”

Tôi không biết người nghệ sĩ vẽ graffiti đó là ai cũng không biết tác giả của câu đó là ai. Tuy nhiên, câu đó đã được ĐGH Phanxicô sử dụng nhiều lần. Câu đó - cho dù ban đầu có được hiểu theo nghĩa Kitô giáo hay không - dẫn tôi đến một suy tư sâu sắc hơn về cuộc sống và về ơn gọi, và đặc biệt là về ơn gọi truyền giáo.

Chúng ta thường bị cám dỗ chỉ nhìn cuộc sống của mình từ góc độ bản thân, hầu như không phụ thuộc vào thế giới xung quanh, trong một mớ những câu nói những câu hỏi mà cái “tôi” luôn là trung tâm: “Tôi muốn làm gì với cuộc sống của tôi?”; “Tôi muốn tương lai nào cho bản thân tôi?”; “Tôi muốn được hạnh phúc!”; “Tôi muốn hoàn thành những ước nguyện của bản thân.”

Không có gì là sai khi mong muốn hạnh phúc mong muốn thể hiện bản thân. Vấn đề nảy sinh khi, bằng cách lặp đi lặp lại những câu nói quá tập trung vào cái “tôi” như thế, chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống theo một quan điểm vị kỷ, như thể chúng ta có thể sống một cách trọn vẹn mà không cần đến nỗ lực bản thân, không cần trở nên quà tặng cho người khác.

Như trong bức vẽ graffiti mà tôi trông thấy trong đó những quà tặng ngụ ý sự nỗ lực, lòng quảng đại và sự từ bỏ (cây phải kết trái. Cây phải kết trái, phải từ bỏ bản thân để người khác được hưởng lợi, được mạnh mẽ hơn và đến lượt mình, cũng sinh hoa kết trái cho người khác nữa), tôi tin rằng ơn gọi truyền giáo diễn tả một cách rất rõ ràng và mạnh mẽ hơn cái quy luật sống này, cái quy luật sống đúng cho tất cả mọi người.
Tại sao? Bởi vì cuộc sống của chúng ta trở thành quà tặng thậm chí cho những người sống bên ngoài biên giới đất nước của chúng ta.

Quà tặng này rất lớn lao vì chúng ta dành tặng cho những người rất khác với chúng ta. Thật vậy, yêu thương những người có cùng quốc tịch, cùng văn hóa, cùng đức tin với chúng ta sẽ dễ dàng hơn. Cần phải có tình yêu lớn hơn mới có thể yêu được những người rất khác với chúng ta.
Vâng, ơn gọi truyền giáo làm cuộc sống trở nên trọn vẹn bằng tình yêu lớn hơn!
 
 Tác giả: Susana Vilas Boas
Nguồn: www.combonimissionaries.co.uk

Nguồn: www.dongthanhgiavn.net