Phương pháp giảng dạy Giáo lý các lớp Thêm Sức


Phương pháp giảng dạy Giáo lý các lớp Thêm Sức 
(Khối căn bản)

Lời mở đầu :

 PHẦN MỘT: Tâm lý lứa tuổi – Nội dung Giáo lý Căn bản

Chương 1   :   Sơ lược đặc tính và tâm lý lứa tuổi
Chương 2   :   Nội dung giáo lý khối Căn Bản
Chương 3   :   Những thói quen và yêu cầu cần đạt
cho học sinh ở khối Căn Bản

PHẦN HAI :  Phương pháp giảng dậy lớp Thêm sức

 MỤC I   :    Bài học Giáo lý

Chương 4   :  Diễn tiến một tiết dậy giáo lý
Chương 5   :  Dẫn vào Lời Chúa và công bố Lời Chúa
Chương 6   :  Giải thích Lời Chúa
Chương 7   :  Cầu nguyện trong bài giáo lý
Chương 8   :  Sinh hoạt giáo lý
Chương 9   :  Bài tập giáo lý
Chương 10 : Sống Lời Chúa

MỤC II  :   Bài học nhân bản

Chương 11 :  Diễn tiến một bài học nhân bản
Chương 12 :  Phương pháp giảng dậy các phần: sinh hoạt, nhận xét và giải thích của bài học nhân bản
Chương 13 :  Tổ chức lớp học
Chương 14 :  Phương pháp dự giờ và đánh giá một tiết dậy giáo lý

 PHẦN BA:  Lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức

Chương 15 :  Chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức

 
LỜI MỞ ĐẦU
 
                            Các bạn Giáo lý viên thân mến,
           Để việc dậy Giáo lý và việc học Giáo lý được sinh động hơn và hiệu quả hơn, chúng tôi gửi tới các bạn tập sách “Phương Pháp Giảng Dậy Giáo lý” này.

           Tập sách này được viết cho các bạn Giáo lý viên phụ trách giảng dậy các lớp Thêm Sức (Khối Căn Bản).

           Tập sách này gồm 15 chương, chia làm 3 phần  :

               – Phần một  : Sơ lược tâm lý lứa tuổi và nội dung chương trình Giáo lý.

               – Phần hai  : Phương pháp giảng dậy theo lứa tuổi (Khối Căn Bản).

               – Phần ba  : Chuẩn bị gần cho các em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.

          Có lẽ các bạn cũng đã biết rằng chủ đích của việc dậy Giáo lý là giáo dục đức tin, nhằm truyền thông kiến thức đức tin, khơi rộng và đào sâu đời sống đức tin, giúp người tín hữu mỗi ngày “tiếp xúc” và “thông hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô” hơn (THDGL số 5).

          Chúng tôi nghĩ rằng bất cứ công việc nào nếu có phương pháp và làm đúng phương pháp sẽ đỡ tốn công sức và sẽ đạt được kết quả nhanh hơn, tốt hơn. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn gửi tới các bạn một số hiểu biết và kinh nghiệm mà chúng tôi thu lượm được qua các hoạt động trong lãnh vực huấn giáo. Chúng tôi  hi vọng rằng nhờ sự tôn trọng và ứng dụng các quy luật tâm lý, luận lý và sự tổ chức có phương pháp, hợp lý, các bạn sẽ đạt được phần nào chủ đích của việc dậy Giáo lý.
          Tuy các bạn sẽ có các sách giáo án của các lớp Thêm Sức, nhưng nếu nắm vững phương pháp giảng dậy các lớp này, các bạn sẽ sử dụng các sách giáo án đó cách hiệu quả và sáng tạo hơn.
          Xin Chúa Thánh Thần “là căn nguyên cảm hứng mọi công cuộc dậy Giáo lý và những người thực hiện công cuộc ấy” (THDGL số 72) trợ giúp tất cả chúng ta trong công việc cao quý này. Xin Ngài “cũng biến đổi chúng ta thành những nhân chứng của Đức Kitô” (THDGL số 72), biết sống những điều chúng ta dậy.
Chúc các bạn thành công.

PHẦN MỘT: TÂM LÝ LỨA TUỔI

 NHỮNG THÓI QUEN VÀ YÊU CẦU CẦN ĐẠT

CHƯƠNG  I: SƠ LƯỢC ĐẶC TÍNH TÂM LÝ LỨA TUỔI (9-12 tuổi)

So với lứa tuổi 7 đến 8 tuổi, tâm lý của lứa tuổi 9 tới 12 tuổi quân bình hơn và tương đối ổn định, ít thay đổi. Sau đây là một số tâm lý chính yếu của lứa tuổi này  :

I. Hoạt động và hướng ngoại  :

     1. Hướng ngoại  :

Các em thích tìm hiểu ngoại vật. Những gì nghe, thấy, sờ được lôi cuốn sự chú ý và sự thích thú của các em. Tuổi này rất dễ bị thế giới bên ngoài lôi cuốn. Vì thế tuổi này được gọi là tuổi thực nghiệm.

      2. Hoạt động  :

Các em thích hoạt động hơn suy nghĩ. Vì thích hoạt động nên các em  :

a- Thích khám phá sử dụng máy móc, chế tạo đồ vật. Do đó các em rất cảm phục các nhà phát minh và các nhà thám hiểm.

b- Thích những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong chuyện. Ít lưu tâm đến các tâm tình, tình cảm, nhưng rất chú ý đến các hành động của họ.

Tuổi này không thích và không tin vào những chuyện thần tiên và giả tưởng như lứa tuổi trước nữa.
c- Chú trọng đến những quy luật hành động.

II. Óc  phán đoán và lý luận.

    1. Óc  phán đoán phát triển  :

a- Bắt đầu phát sinh tâm tình bình đẳng và liên đới. Các em nghe theo những phán đoán khác với gia đình, chịu uy quyền của người khác hơn là của cha mẹ, thích ý kiến của người khác hơn của cha mẹ. Những điều này là dấu chỉ sự phát triển bình thường của óc phê phán.

b- Lứa tuổi này hay đối chiếu cha mẹ với thầy cô, cha mẹ các em với cha mẹ của bạn khác. Nếu các em thấy cha mẹ mình không tốt hơn cha mẹ của các bạn khác thì cảm thấy xấu hổ, bất mãn và không vâng lời nữa. Vì vậy, các bậc cha mẹ, những người có trách nhiệm giáo dục không được làm ngơ trước óc phê phán này.

    2. Óc lý luận  :

Các em dần dần thay đổi từ óc mơ mộng bằng óc lý luận. Các em rất dễ hào hứng để cho mình cuốn theo các ý tưởng, các kiến thức mới lạ, không ngừng đặt ra những câu hỏi tò mò, thắc mắc.

Tuy chưa thể lý luận suy diễn theo dạng đặt vấn đề  “ vì vậy”, “cho nên”, “do đó”như người lớn, nhưng các em không còn thoả mãn với những câu hỏi “tại sao ?” mà đã chuyển dần sang câu hỏi khó hơn “làm thế nào ?” tức là có khuynh hướng khách quan hơn, sâu xa hơn.

3. Óc thực tiễn  : nhắm kết quả.

Các em có thể suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ này hướng về hành động. Suy nghĩ để hành động hữu hiệu hơn. Các em chưa hiểu nổi chính ý tưởng trừu tượng, nhưng có thể hiểu ý tưởng trừu tượng qua các hành vi cụ thể.

Ví dụ  : Các em chưa hiểu được ý niệm công lý, nhưng thấy rõ cho đứa nhiều, đứa ít là không công bằng.

III. Sự chú ý  :

Ở lứa tuổi này, các em có thể chịu đựng, cố gắng chú ý lâu hơn.

IV. Thói quen và trí nhớ.

– Hành động theo thói quen, tập quán:

Các em ưa thích những gì đều đặn, làm cùng một cách, một kiểu.

– Trí nhớ phát triển mạnh  :

Các em thu nhận lẫn lộn đủ thứ. Tuy nhớ rất dễ dàng nhưng thiếu xác tín. Vì thế thường hành động theo thói quen.

V. Tình cảm

–  Tình cảm gắn liền với hành động  : bộc trực, hồn nhiên.

–  Thích ganh đua, thích được khen.

–  Nhạy cảm, vui buồn ngắn  ngủi.

VI. Xã hội tính:

    1. Sống theo quy ước xã hội  :

Các em dễ bị xã hội ảnh hưởng. Các em thường nghĩ, nhìn, làm như mọi người.

    2. Các em thích tụ họp từng nhóm để vui chơi.

    3. Dễ hợp tác, dễ ganh đua.

Khi soạn bài, truyền đạt Giáo lý cho các em ở lứa tuổi này (khối Căn bản), chúng ta hãy nhớ tới các đặc tính tâm lý trên của các em để có thể đạt được hiệu quả tốt.

CHƯƠNG II: NỘI DUNG GIÁO LÝ KHỐI CĂN BẢN

 Chu kỳ Giáo lý Căn bản gồm 4 năm  :

1. Căn bản 1 (9 tuổi).

   a. Nội dung chính :
Cựu Ước. Chúa Cha yêu thương  : tạo nên ta và hứa ban ơn cứu độ.
   b. Phân phối chương trình :

Gồm 32 bài được chia ra :

– Giáo thuyết (mặc khải lịch sử cứu độ) : 18 bài (1-6, 10- 20, 32).
– Luân lý  : Giao ước của Thiên Chúa với dân (3 giới răn đầu)  : 10 bài (22-31).
– Cầu nguyện  : 2 bài (8, 21).
– Luyện tính tốt : 2 bài (7, 9)

2. Căn bản 2 (10 tuổi).

   a. Nội dung chính :
Chúa Giêsu yêu thương và cứu độ ta : Hiểu biết con người và sứ mạng của Chúa Giêsu.
   b. Phân phối chương trình  :
Gồm 32 bài được chia ra  :
– Hiểu biết cuộc đời Chúa Giêsu : Từ Nhập thể cho đến Lên trời  : 14 bài (1- 4, 18-21, 27-32).
– Sống như Chúa Giêsu : 7 điều răn và các nhân đức: 15 bài (6, 8-17, 23-26).
– Cầu nguyện : 1 bài (22).
– Luyện tính tốt  : 2 bài (5, 7).

3. Căn bản 3 (11 tuổi).

   a. Nội dung chương trình :
Chúa Thánh Thần làm cho ta tin yêu Chúa Giêsu và sống theo Ngài trong Hội Thánh.
   b. Phân phối chương trình  :
Gồm 32 bài được chia ra  :
– Chúa Thánh Thần và hoạt động của Ngài trong Hội Thánh  : 19 bài (1-4, 6-18, 20, 22-24).
–   Cầu nguyện  : 8 bài (25-32).
–   Luyện tính tốt  : 3 bài (5, 19, 21).

4. Căn bản 4 (12 tuổi).

   a. Nội dung chính  :
Phụng vụ và các Bí tích.
   b. Phân phối chương trình.
Gồm 32 bài được chia ra :
– Phụng vụ và lời kinh Chúa dạy  : 6 bài (1-8).
– Phụng vụ Bí tích  :  21 bài (10-15, 17-28).
– Tỉnh thức khi Chúa đến : 4 bài  (19-32).
– Luyện tính tốt  : 3 bài (5, 9, 16).

CHƯƠNG III: NHỮNG THÓI QUEN VÀ YÊU CẦU CẦN ĐẠT CHO HỌC SINH KHỐI CĂN BẢN

        Sau 4 năm học các lớp Giáo lý Căn bản, chúng ta cần giúp các em đạt được  những thói quen và các yêu cầu sau đây  :

1. Về nếp sống đạo.

–    Thuộc và hiểu nghĩa các kinh  trong SÁCH KINH NHỎ  :
. Kinh 1 đến kinh 18.
. Kinh 10 điều răn + kinh 6 điều răn Hội Thánh
. 7 bí tích
. Kinh cải tội 7 mối có 7 đức.
. Kinh 8 mối phúc thật + kinh 14 mối thương người.
. Chuỗi mân côi  : 5 sự vui, 5 sự thương, 5 sự    mừng.
–       Có thói quen đọc kinh  : tối, sáng (cá nhân, gia đình, liên gia).
–       Có ý thức và thói quen nói chuyện với Chúa trong ngày : lúc vui, lúc buồn, lúc cầu xin và lúc cần cám ơn Chúa.
–       Dự lễ tối thiểu : Chủ nhật và thứ năm trong tuần.
–       Có thói quen khi tới nhà thờ hoặc về nhà  trước tiên chào Chúa ở bàn thờ rồi mới làm việc khác.
–       Tham gia một trong các sinh hoạt của giáo xứ  :
. Thiếu nhi cung thánh (giúp lễ).
. Ca đoàn
. Đọc sách Thánh.

2. Về nhân bản.

a. Giao tế, đức dục  :
– Trong gia đình biết đi thưa về trình.
– Gặp người lớn tuổi, thầy cô giáo, cha quản xứ… biết chào hỏi một cách tự nhiên và vui vẻ, thân mật.
– Vui vẻ đoàn kết và giúp đỡ bạn bè.
– Có ý thức làm việc bác ái, tông đồ phù hợp lứa tuổi : cho người nghèo khó, dâng tiền vào giỏ chủ nhật để làm việc chung cho Giáo xứ, nhắc nhở người trong gia đình đọc kinh gia đình, liên ái.
– Có ý thức làm việc gia đình một cách tự nguyện : lau nhà, nấu cơm, rửa chén bát, ly tách, lau bàn ghế, trang hoàng bàn thờ trong gia đình.
– Không nói tục, xem tranh ảnh và sách không tốt.
b. Trí dục.
– Biết diễn đạt tư tưởng một cách mạch lạc, đủ nghĩa.
– Biết cầu nguyện tự phát qua nội dung bài học hay sự việc đang diễn biến có em tham dự.
– Giữ vở Giáo lý sạch sẽ, viết đúng chính tả và văn phạm.
– Biết họ tên, tên Thánh, ngày bổn mạng của Đức Giám mục Giáo phận và Linh mục Quản xứ.
– Biết tên các bác trong ban hành giáo và các thầy giúp xứ.
– Biết Giáo xứ có bao nhiêu Giáo họ.
-Biết ngày bổn mạng của Giáo xứ và Giáo họ nơi em ở và có ý cầu nguyện cho Giáo xứ và Giáo họ.
c. Thể mỹ.
– Hằng ngày  :
. Có thói quen tắm rửa, đánh răng sau bữa ăn, trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy.
. Tập thể dục bài của thiếu nhi.
– Biết ủi quần áo ngay ngắn, sạch sẽ.
– Có ý thức sưu tầm những điều em thích : tem, lá, hoa, bướm, sách hay.
– Đầu tóc gọn gàng, đẹp.
– Có ý thức đúng giờ khi làm việc và trong cuộc sống
– Có tinh thần kỷ luật trong cuộc sống.
*** LƯU Ý  :
Các Giáo lý viên hãy phân phối và sắp xếpcác yêu cầu này vào chương trình giảng dậy.

PHẦN HAI
 
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẬY GIÁO LÝ
CÁC LỚP THÊM SỨC
(KHỐI CĂN BẢN)

Nội dung Giáo lý của khối Căn Bản có 2 loạt bài  :

BÀI HỌC GIÁO LÝ và BÀI HỌC NHÂN BẢN.

Mỗi loại được dậy theo một diễn tiến và phương pháp khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu DIỄN TIẾN VÀO PHƯƠNG PHÁP của mỗi loại dưới đây.

MỤC I  : BÀI HỌC GIÁO LÝ      

CHƯƠNG IV:  DIỄN TIẾN MỘT TIẾT DẬY GIÁO LÝ

     I. Mục đích của khoa dậy Giáo lý.

Dậy Giáo lý là trình bày Lời Thiên Chúa một cách đơn giản, cụ thể, sống động để giúp tín hữu biết và sống đức tin. Dậy Giáo lý không chỉ là truyền đạt kiến thức đức tin nhưng còn là và nhất là truyền thông sự sống của Thiên chúa như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Trong Tông huấn “Dậy Giáo lý”(Catechesi tradendae) đã viết  : “Mục đích tối hậu của khoa dậy Giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc nhưng còn thông hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô  : chỉ một mình Người có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thần khí và làm cho ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh” (số 5).

II. Diễn tiến một tiết dậy Giáo lý.

         Để đáp ứng được mục đích của việc dậy Giáo lý, chúng ta sẽ trình bầy một tiết dậy Giáo lý theo một DIỄN TIẾN CHUNG cho tất cả các khối  : Sơ cấp, Căn bản, Kinh Thánh và Vào đời sau đây:

1. Cầu nguyện khai mạc
2. Dẫn vào Lời Chúa
3. Công bố Lời Chúa
4. Giải thích Lời Chúa
5. Cầu nguyện giữa giờ (theo đề tài Giáo lý)
6. Sinh hoạt Giáo lý
7. Bài tập Giáo lý
8. Sống Lời Chúa (dốc lòng)
9. Cầu nguyện kết thúc

III. Phân bố thời gian cho mỗi phần.

– Thời gian một tiết dậy Giáo lý khối Căn bản  : 50 phút
– Phân bố :
1. Cầu nguyện đầu giờ  : 2 phút.
2. Dẫn vào Lời Chúa  : 5 phút.
– Ôn bài cũ (3 phút).
– Dẫn vào Lời Chúa (2 phút).
3. Công bố Lời Chúa  :  2 phút.
4. Giải thích Lời Chúa  : 25 phút.
-Dẫn giải Lời Chúa  : (5 phút).
-Giải thích câu “Hỏi – Thưa”  : (20 phút).
5. Cầu nguyện giữa giờ  : 3 phút.
6. Sinh hoạt Giáo lý  : 5 phút
7. Bài tập Giáo lý  : 5 phút.
8. Quyết tâm sống  : 2 phút.
9. Cầu nguyện kết thúc  : 2 phút.

IV. Dậy Giáo lý theo lứa tuổi.

Khi dậy Giáo lý theo diễn tiến trên, chúng ta hãy lưu ý đến đối tượng học sinh của mình là lứa tuổi sơ cấp (9- 12 tuổi) để việc giảng dậy phù hợp với lứa tuổi này.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết về điều này như sau  : “Các phương pháp phải thích nghi với lứa tuổi, với văn hoá…”(THLBTM số 44)- và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viết  : “Khoa dậy Giáo lý có bổn phận thiết yếu phải tìm ngôn ngữ thích hợp với trẻ nhỏ và thanh niên thời nay nói chung và cho rất nhiều lớp người khác…”(THDGLsố 59).

Vì vậy, trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ tuần tự trình bầy các phương pháp giảng dậy theo diễn tiến một tiết dậy Giáo lý (9 bước) nói trên phù hợp với lứa tuổi khối Căn Bản (9-12 tuổi).

CHƯƠNG V: DẪN VÀO LỜI CHÚA VÀ CÔNG BỐ LỜI CHÚA

              Giáo lý trình bầy Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa chính là nội dung của Giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn mạch chủ yếu của Giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiêu. Bộ sách Giáo lý phổ thông nói chung và sách Giáo lý khối Căn Bản nói riêng luôn luôn khởi đầu bằng một đoạn Thánh Kinh liên hệ tới đề tài Giáo lý. Trong chương này chúng ta nói tới phương pháp trình bầy phần “ DẪN VÀO LỜI CHÚA” và phần “CÔNG BỐ LỜI CHÚA” trong tiết dậy Giáo lý.

I. Dẫn vào Lời Chúa

   A. Mục đích :   

Mục  “Dẫn vào Lời Chúa” có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa  sắp được công bố.

   B. Phương Pháp

Chúng ta dùng một câu chuyện, một sự kiện hay một biến cố nào đó liên quan tới đoạn Thánh Kinh sắp công bố để chuẩn bị tâm hồn các em lắng nghe Lời Chúa.

   C. Phân loại chuyện kể.

Chúng ta có thể phân chia chuyện kể thành bốn thể loại :

      1. Chuyện Thánh Kinh :

Trong Thánh Kinh Cựu và Tân Ước có rất nhiều câu chuyện để dẫn vào Lời Chúa. Những chuyện này dùng để trình bày Giáo lý thì rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất và nội dung tôn giáo của chúng. Hơn nữa, việc chuyển từ câu chuyện sang áp dụng Lời Chúa, vào đề tài Giáo lý lại rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc.
Ví dụ :
* Cựu ước : – Chuyện Cain và Aben : Thiên Chúa thấu biết mọi sự.
– Noe và đại hồng thuỷ : Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi.
* Tân ước : – Bão táp yên lặng (Mc 4, 25-31): Chúa Giêsu quyền phép. Phải có lòng tin khi gặp thử thách.
– Người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện  (Lc18) : Thiên Chúa nhận lời kẻ khiêm nhường.

      2. Chuyện lịch sử Giáo hội và hạnh các thánh :       
  
Đây cũng là kho tàng chứa đựng nhiều câu chuyện để trình bày các đề tài Giáo lý. Tuy nhiên, cần trung thực, nên tránh những chi tiết ly kỳ, huyền thoại, phi lịch sử có thể làm hại đức tin cho trẻ sau này. Nên chọn lựa kỹ lưỡng, trình bày khéo léo và ứng dụng hợp lý.
Ví dụ :
– Cuộc đời Thánh Phaolô : ơn gọi làm tông đồ.
– Cuộc đời Thánh Phanxicô Xaviê : lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn và mở rộng nước Chúa.
– Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu : tinh thần phó thác và cậy trông.

      3. Chuyện ngụ ngôn, chuyện đời xưa, chuyện cổ tích.

Đây là kho tàng kho tàng văn hóa dân gian, qua lối nói văn chương, những câu chuyện này tiềm ẩn những bài học sâu sắc. Khi chọn những câu chuyện này, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu chuyện để việc dẫn vào Lời Chúa không gượng ép lạc đề.

      4. Những chuyện đời thường hay thời sự.

Những câu chuyện xảy ra hàng ngày, những biến cố thời sự cũng có thể dùng để dẫn vào Lời Chúa. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng, cần hội đủ hai điều kiện :
–          Thích hợp với đoạn Lời Chúa sắp công bố.
–          Có thể chuyển mạch từ câu chuyện sang Lời Chúa cách dễ dàng, không gượng ép giả tạo.
Ví dụ :
–          Gương hy sinh tận tụy của một người mẹ
–          Lòng tốt của một cậu bé.
   D. Nguyên tắc chọn và sử dụng chuyện kể.
Có bốn nguyên tắc quan trọng :

      1. Lên chương trình cẩn thận.
Câu chuyện được chọn phải ăn khớp với ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố và bài học Giáo lý.
      2. Chọn chuyện phù hợp với lứa tuổi.                  
Chúng ta có thể dùng các loại chuyện trên để dẫn vào Lời Chúa, nhưng hãy chọn loại chuyện nào phù hợp, dễ hiểu với từng lứa tuổi.
Đặc tính tâm lý của các em ở lứa tuổi này thích hoạt động, cảm phục các nhà phát minh, thám hiểm, thích những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong truyện. Do đó các Giáo lý viên nên chọn các nhân vật trong Kinh Thánh, tiểu sử các thánh nhất là các thánh tử đạo, những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm để dẫn vào Lời Chúa.
Ngoài ra, Giáo lý viên có thể lấy những câu chuyện, những sự kiện trong đời sống hằng ngày, trong sách báo, truyền hình có liên quan đến bài đang dậy để minh hoạ cho bài giảng Giáo lý giúp các em dễ hiểu bài hơn.
      3. Chuẩn bị kể chuyện cẩn thận  :
Cần đọc trước câu chuyện mà chúng ta muốn sử dụng. Cố tìm cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của câu chuyện. Nếu chính chúng ta không cảm thấy hứng thú thì các em học sinh cũng sẽ cảm thấy như thế, nên đừng chọn.
      4. Đừng “lên lớp”.
Hãy kể chuyện như là chuyện, đừng vội nhấn mạnh dến những điểm chính hoặc tính cách luân lý của câu chuyện.
   E. Nghệ thuật kể chuyện.
Kể chuyện là nghệ thuật để lôi cuốn sự chú ý của các em vào Lời Chúa sắp công bố, để minh hoạ bài học Giáo lý thêm dễ hiểu, dễ nhớ. Nó là một kỹ năng cần thiết của Giáo lý viên. Vì thế, cần thiết phải nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật kể chuyện.
      1. Chuyện kể hay phải có các yếu tố sau đây :
a. Có nội dung hay và tính chất hấp dẫn : có đối thoại, mô tả, gợi cảm.
b. Cảm hứng ngay từ đầu và có kết thúc linh hoạt, không dài dòng.
c. Liên quan đến người nghe : rút được bài học, dẫn đến chân lý.
      2. Người kể chuyện hay và hấp dẫn cần phải :
a. Thích câu chuyện và muốn người khác nghe.
b. Nắm vững kết cấu câu chuyện.
c. Chuẩn bị chuyện cách chu đáo, có thể bắt chước giọng nói, điệu bộ của nhân vật trong chuyện.
d. Biết thay đổi giọng nói cho phù hợp với tình tiết, rõ ràng, nhanh, chậm, to, nhỏ, vừa.
   F. Câu chuyển mạch.
Câu chuyện có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa sắp công bố, nên từ cuối câu chuyện ta phải có một vài câu chuyển mạch để giới thiệu Lời Chúa các em sắp nghe.
Sau đây là nội dung câu chuyển mạch bao gồm :
               – Ý chính của câu chuyện.
               – Ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố.
               – Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.
   G. Một vài lưu ý :
Câu chuyện luôn luôn là và chỉ là một phương tiện giúp các em chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa và bài học Giáo lý nên :
–          Cần ngắn gọn, không nên sa đà vào câu chuyện. Hãy loại bỏ các ý phụ, chọn những ý chính liên quan.
–          Không giải thích, rút ra bài học từ câu chuyện. Chúng ta chỉ kể chuyện mà thôivà dùng một vài câu chuyển tiếp dẫn vào Lời Chúa các em sắp nghe.
 
Ví dụ   :
Sách Giáo lý Căn Bản I, Bài 28  : Điều răn I
Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức…
I Dẫn vào Lời Chúa  :
         1. Câu chuyện  :
Chuyện Thánh tử đạo Lôrensô Ngôn.
Lôrensô Ngôn sinh năm 1840 trong một gia đình đạo đức thuộc Giáo xứ Lục Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (một xứ đạo lâu đời của Địa phận Trung – Bùi Chu). Anh lập gia đình và là gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con.
Cuộc bách hại đạo thời vua Tự Đức ngày càng khốc liệt. Vào giai đoạn cao điểm này anh Lôrensô Ngôn bị bắt lần thứ  hai vào ngày 08/9/1861. Anh bị giải về phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong tù, vì lo lắng cho gia đình, anh tìm cách trốn về để trấn an và khuyến khích cha mẹ, vợ con bền chí trung thành với đức tin rồi trở lại trại giam.
Quan truyền lệnh đóng gông và giải anh sang nhà giam An Xá thuộc huyện Đông Quang.
Trong tù, anh Ngôn chịu nhiều khổ nhục vì Danh Thầy Chí Thánh. Thế mà anh vẫn chưa lấy làm đủ, anh còn ăn chay mỗi tuần ba lần. Anh luôn an ủi khích lệ các bạn tù can đảm chấp nhận mọi cực hình, đừng bao giờ xúc phạm đến Chúa, hãy bền vững kiên trì dù bị đòn đánh tra tấn dã man.
Lần kia quan án gọi anh vào dụ dỗ  : “Anh còn trẻ (22 tuổi) sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Giá, anh sẽ được tha về với gia đình”. Nhưng anh trả lời  : “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất, Thập Giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống, tôi cám ơn quan, còn không cho, tôi vẫn vui lòng chịu chết vì tin vào Chúa tôi”.
Trong một cuộc tra tấn khác, khi quân lính tìm cách bắt anh chà đạp lên  Thập Giá, (lúc đó) anh lại quỳ xuống và kính cẩn quỳ lạy Thánh Giá. Thái độ trung tín hiên ngang đó khiến các quan càng tức giận và lên án trảm quyết anh, trước sự chứng kiến của hai người thân là mẹ anh và người vợ hiền, vào ngày 22/5/ 1862.
Ngày 29/4/1951 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, người thanh niên can trường Lôrensô  Ngôn được Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn lên bậc Chân phước (Hiển Thánh ngày 19/6/1988).
           2. Câu chuyển mạch  :
Các em thân mến !  Như thế, Thánh Lôrensô Ngôn là người đã kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết cả sức lực cho đến chết. Để hiểu rõ ta phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là như thế nào, anh (chị) mời các em đứng lên để lắng nghe Lời Chúa.
II. Công bố Lời Chúa.
      1. Cách công bố Lời Chúa :
Cũng như phần Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, người đọc Lời Chúa làm như sau :
-Mở đầu bằng : “Bài trích sách …”
-Đọc Lời Chúa.
-Kết thúc bằng : “ Đó là Lời Chúa.”
      2. Người công bố Lời Chúa và người nghe Lời Chúa.
Chính Giáo lý viên hay một em học sinh công bố Lời Chúa. Để việc công bố Lời Chúa được nghiêm trang và sinh hiệu quả, người công bố phải xem trước đoạn Lời Chúa. Khi  công bố, người đọc đọc to tiếng, chậm rãi, rõ ràng. Giáo lý viên cho các em học sinh đứng nghiêm trang, yên lặng và cung kính khi nghe Lời Chúa.
      3. Giá sách để sách Thánh Kinh.
– Nên có một giá sách để sách Thánh Kinh :
Sau khi công bố xong, quay sách Thánh Kinh hướng về các em học sinh.
– Nên có một ngọn nến cháy sáng và một bình bông nhỏ ở giá sách để các em ý thức sự hiện diện của Chúa nơi Lời Chúa và chính Chúa đang nói với các em.
‡ BÀI TẬP  :
Hãy chọn một bài Giáo lý (khối Căn Bản)và soạn phần “DẪN VÀO LỜI CHÚA” bằng một câu chuyện.

CHƯƠNG VI: GIẢI THÍCH LỜI CHÚA.

I. Mục đích 
Việc giải thích Lời Chúa có mục đích giúp các em học sinh hiểu bài Giáo lý. Mục này có hai phần  :
– Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố.
– Giải thích câu hỏi thưa.
II. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố.
    1. Đặt câu hỏi.
Giáo lý viên đặt một số câu hỏi đơn giản để giúp các em hiểu và nắm bắt được ý chính của đoạn Lời Chúa vừa công bố và dẫn vào bài học Giáo lý.
Ví dụ  : Sách Giáo lý Căn Bản III, Bài 24
Hội Thánh là Thầy và là Mẹ ta.
Lời Chúa  : Lc 10, 16.
Dẫn giải Lời Chúa  :
–          Chúa Giêsu  đang nói với ai trong đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe ? (Các tông đồ).  
–          Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ điều gì ? (Ngài nói rằng ai nghe lời họ là nghe lời Ngài).
–          Trong Hội Thánh, ai là người kế vị các tông đồ?
(Đức Giáo Hoàng kế vị tông đồ trưởng là Thánh Phêrô; các vị Giám mục kế vị các tông đồ khác).
–          Tên của Đức Giáo hoàng hiện nay là gì ?
–          Và tên của Đức Cha Giáo phận chúng ta là gì ?
Đức Giáo hoàng đứng đầu Hội Thánh toàn cầu, còn Đức Cha Giáo phận chúng ta đứng đầu Hội Thánh địa phương là Giáo phận chúng ta.
Như thế, đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe nói với chúng ta là hãy nghe lời Hội Thánh giáo huấn vì nghe lời Hội Thánh là nghe Lời Chúa.
Giờ đây chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của Hội Thánh.
    2. Sử dụng sách “ CHÚA NÓI VỚI TRẺ EM “ trong phần dẫn giải Lời Chúa  :
Để giúp các em hiểu đoạn Lời Chúa vừa công bố, chúng ta sử dụng sách “CHÚA NÓI VỚI TRẺ EM”  vào phần dẫn giải Lời Chúa vì sách này được trình bầy rất đơn sơ và dễ hiểu phù hợp với trình độ của các em. Nếu bài Giáo lý nào có đoạn Lời Chúa tương tự trong sách “CHÚA NÓI VỚI TRẺ EM”, chúng ta sử dụng sách này như sau  :
–         Dựa vào đoạn Lời Chúa vừa công bố và đoạn sách “Chúa nói với trẻ em” đặt một số câu hỏi giúp các em nhận ra và hiểu ý chính của đoạn Lời Chúa đó.
–         Cho các em đọc chung đoạn sách trong sách “Chúa nói với trẻ em”.
–         Gợi vài ý dẫn vào bài học Giáo lý.
III. Giải thích câu hỏi – thưa  :
A. Lứa tuổi 9-10 tuổi  : Các lớp Căn bản I và II.
So với các em ở lứa tuổi khối Sơ Cấp (7-8 tuổi), các em 9 tới 10 tuổi (các lớp Căn bản I và II) tuy đã biết suy nghĩ, lý luận nhưng vẫn còn ở giai đoạn thực tiễn, thực nghiệm. Do đó đối với ở hai lớp Căn bản I và Căn bản II này, chúng ta vẫn theo phương pháp giảng dậy khối Sơ cấp và nâng cao lên một chút.
Các câu hỏi thưa là nội dung của bài Giáo lý. Để giúp các em lứa tuổi 9 tuổi –10 tuổi này hiểu bài Giáo lý, Giáo lý viên áp dụng các phương pháp quy nạp, đặt câu hỏi (phát vấn) và trực quan sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương pháp này.
1. PHƯƠNG PHÁP QUY NẠP.
              a. Định nghĩa :
Phương pháp quy nạp là phương pháp lý luận, khởi đầu bằng cách nghiên cứu các trường hợp riêng biệt – kế đến là rút ra kinh nghiệm – sau cùng là đưa ra định luật chung.
Ví dụ :
– Trường hợp riêng biệt : Ông A, Ông B, ông C đã chết.
–  Rút ra kinh nghiệm  :  Ông A, Ông B, Ông C là người.
–  Định luật chung  : Vậy mọi người đều phải chết.
Như thế phương pháp quy nạp đi từ một vài câu chuyện hay từ các sự kiện cụ thể trong đời sống thực tế tới trừu tượng, từ những trường hợp riêng lẻ tới tổng quát, từ dễ tới khó, từ dưới lên trên.
              b. Đức Giêsu đã theo phương pháp quy nạp khi giảng dậy :
Đức Giêsu thuật lại một câu chuyện, một dụ ngôn, rồi từ đó rút ra bài học  :
                 CÂU CHUYỆN   và   BÀI HỌC
(khởi điểm)                  (kết luận)
            Ví dụ  :
–        Người Samaritanô tốt lành – Mọi người là anh em (Lc10, 29-37).   
–        Chuyện người con phung phá – Thiên Chúa đón nhận tội nhân (Lc 15, 11-32).
        c. Áp dụng phương pháp quy nạp trong việc dạy Giáo lý
Để áp dụng phương pháp quy nạp vào việc dạy Giáo lý, ta theo 3 bước sau :
–          Giới thiệu  : Đưa ra một sự kiện, một câu chuyện làm  khởi điểm.
–          Giải thích  : Từ sự kiện, câu chuyện đó rút ra những ý tưởng, những bài học thích hợp.
–          Áp dụng  : Đem ý tưởng, bài học đó vào đề tài Giáo lý mà mình muốn trình bày.
        d. Lưu ý  :
Vì phương pháp quy nạp đi từ cái riêng biệt tới cái tổng quát, tới chân lý. Từ việc đưa ra một sự kiện làm khởi điểm, rút ra những ý tưởng và đem ý tưởng đó vào đề tài Giáo lý, nên khi dạy Giáo lý hai lớp Căn bản I và II của khối Căn bản, Giáo lý viên giải thích trước và cho các em đọc câu HỎI THƯA sau. Câu hỏi – thưa là đề tài Giáo lý mà mình muốn trình bày.
Ví dụ  : Sách Giáo lý Căn bản 1, Bài 11  :
Thiên Chúa sáng tạo nên moi vật mọi loài.
Câu 2 : H. Thiên Chúa tạo nên mọi sự bằng cách nào ?
         – Giải thích  :
Mỗi gia đình chúng ta đều có một cái nhà để ở. Người thì có nhà xây, người thì có nhà gỗ. Để làm một căn nhà xây, chúng ta cần tới các vật liệu có sẵn  : Gạch, đá, sắt xi măng…Để có một ngôi nhà gỗ chúng ta cần gỗ, đinh…
Thỉnh thoảng chúng ta ăn bánh mì, ăn kẹo… Để có một ổ bánh mì chúng ta cần bột, men. Để có một cái kẹo chúng ta cần tới những vật liệu đã có sẵn  : Bột, đường, sữa hương vị… Không ai làm một ngôi nhà hay cái kẹo, cái bánh mà không dùng các vật liệu đã có sẵn.
Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài tạo nên mọi vật, mọi loài mà không dùng vật liệu đã có sẵn. Ngài chỉ phán một lời mọi sự liền có. Như thế Thiên Chúa đã tạo nên mọi loài mọi vật từ hư không.
ð Tất cả cùng đọc :
H. Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự bằng cách nào ?
T. Thiên Chúa đã dùng lời quyền năng của Ngài mà tạo nên mọi sự từ hư không. Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được như vậy.
2. PHƯƠNG PHÁP ĐẶT CÂU HỎI (Phát vấn).
Khi dùng phương pháp quy nạp vào việc giảng dậy Giáo lý, chúng ta có thể áp dụng ba hình thức sau đây :
         ‡ Hình thức thuyết minh :
–Có lợi  :  Không mất thì giờ.
–Có hại  : Trẻ sẽ ở thế thụ động, lớp học buồn tẻ.
         ‡ Hình thức phát vấn (đặt câu hỏi).
– Có lợi : Lớp sinh động, trẻ sẽ năng động hơn khi phát biểu.
– Có hại  : Dễ mất trật tự.
         ‡ Hình hức hỗn hợp : thuyết minh + phát vấn.
– Có lợi  : Lớp học sinh động
Để lớp học sinh động, vui tươi, các em dễ hiểu và dễ tiếp thu bài, khi dậy Giáo lý cho các em hai lớp đầu của khối Căn Bản (10t -11t), chúng ta nên sử dụng hình thức phát vấn hoặc hình thức hỗn hợp : Phát vấn + thuyết minh.
        Chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp phát vấn dưới đây :
          a. Định nghĩa  :
Vấn là hỏi. Phát vấn là phương pháp dùng câu hỏi để dẫn dắt người nghe suy nghĩ và từng bước khám phá ra chân lý. Đây là một trong những phương pháp giáo dục được sử dụng rất phổ biến từ xưa tới nay.
          b. Sử dụng phương pháp phát vấn trong bài Giáo lý.
Giảng dậy Giáo lý không phải là áp đặt một chiều những giáo điều cứng nhắc vào đầu người học, nhất là người học ở đây lại là trẻ em. Đây là cả một tiến trình mời gọi cùng suy tư, khám phá và cảm nhận chân lý dưới dạng đối thoại. Như vậy, mục đích của việc đặt câu hỏi này không phải là để kiểm tra kiến thức nhưng là khơi gợi từ từ, từng lớp một, sẽ “bóc vỏ” vấn đề cho đến khi đạt được cốt lõi.
 Câu hỏi trong phát vấn vì vậy phải có tính gợi ý và tiệm tiến :
–     Gợi ý : Có nghĩa là câu hỏi vừa tầm các em, lời giải đáp đã mặc nhiên nằm trong câu hỏi. Nó khác với câu đố, vì câu đố càng khó, càng bí hiểm càng tốt. Câu hỏi gợi ý trái lại tự nó mở đường cho lời đáp.
–     Tiệm tiến : Có nghĩa là các câu hỏi đi theo hướng quy nạp : từ dễ đến khó, từ các vòng ngoài xoáy vào cốt lõi vấn đề, nối tiếp nhau cách liên tục và cùng quy hướng về vấn đề đang tìm hiểu. Câu hỏi ngày càng chuyên sâu để thu hẹp vấn đề và trở nên chính xác.
Tóm lại, thay vì hình thức thuyết minh, trực tiếp cung cấp kiến thức, thông tin, giải pháp, chúng ta đặt câu hỏi gợi mở để học sinh tự tìm ra câu trả lời cho một vấn đề. Từ kết quả thu được đó, chúng ta sẽ uốn nắn và hoàn chỉnh. Đó là cốt lõi của phương pháp phát vấn.
Ví dụ :  Chúng ta lấy ví dụ ở phần phương pháp quy nạp viết dưới dạng thuyết minh để chuyển sang dạng đặt câu hỏi.
Sách Giáo lý Căn Bản I, Bài 11 :
Thiên Chúa sáng tạo nên mọi vật mọi loài.
Câu 2 : H. Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự bằng cách nào ?
             – Giải thích :
* Gia đình các em có một mái nhà để ở không? Nhà gỗ hay nhà xây ?
* Để xây ngôi nhà các em đang ở, bố mẹ các em phải đi mua những vật liệu nào ?(Cát, đá, sắt, xi măng…).
Như vậy để có ngôi nhà xây các em đang ở các người thợ xây phải dùng đến các vật liệu có sẵn là cát, đá, xi măng, sắt thép…
– Trời đất, trăng sao, vạn vật, con người do ai tạo nên ? (Thiên Chúa).
– Để tạo nên mọi sự đó, Thiên Chúa có dùng những vật liệu có sẵn như người thợ xây nhà không ? (Không).
– Ngài dựng nên bằng cách nào ? (Ngài phán một lời mọi sự liền có và không cần một vật liệu nào có sẵn).
Vậy Thiên Chúa dựng nên mọi vật mọi loài không bằng các vật liệu có sẵn, nghĩa là gì ? (Nghĩa là từ hư không).
      ð Tất cả đọc chung câu 2 :
       H. Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự bằng cách nào ?
T. Thiên Chúa đã dùng lời quyền năng của Ngài mà tạo nên mọi sự từ hư không. Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được như vậy.
3. PHƯƠNG PHÁP TRỰC QUAN.
Để hỗ trợ cho việc dậy Giáo lý, làm cho giờ dậy Giáo lý sinh động hơn, dễ hiểu hơn và hiệu quả hơn chúng ta nên áp dụng thêm phương pháp trực quan mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
a. Định nghĩa  :
Trực quan là phương pháp giảng dậy qua việc cho học sinh tự quan sát sự việc hoặc giáo cụ. Giáo lý viên sẽ dùng phát vấn (đặt câu hỏi) để xây dựng bài học và đúc kết bài học.
Như vậy, phương pháp trực giác là quan sát cụ thể qua giác quan (sờ mó, nếm, ngửi, nghe…) để rồi suy nghĩ, rút kinh nghiệm, đúc kết thành bài học. Châm ngôn của phương pháp trực giác là  : VẬT TRƯỚC LỜI SAU.
Phương pháp này đặc biệt thu hút các em học sinh Giáo lý ở lứa tuổi này, vì các em có kinh nghiệm cảm tính (khả giác) và suy nghĩ bằng hình ảnh chứ chưa lĩnh hội được các ý niệm và chưa lý luận cách trừu tượng được.
          b. Giá trị của phương pháp trực quan.
– Người xưa nói : “ Trăm nghe không bằng mắt thấy”, ý nói học hiểu bằng quan sát trực tiếp vẫn hơn việc nghe mô tả. Ví dụ : Bản tin qua truyền thanh khó được ghi nhận hơn bản tin trên báo hoặc truyền hình.
– Việc tái hiện các nhân vật, các biến cố xa xưa trong lịch sử hoặc ở những nơi xa xôi trên thế giới sẽ dễ giúp các em cảm nghiệm, hiểu và khơi động tâm tình.
– Việc ngắm nhìn các thực tại trần thế sẽ giúp các em hình dung phần nào các thực tại cao siêu.
c. Đức Giêsu sử dụng phương pháp trực quan để giảng dậy.
Khi đi rao giảng, nhiều lần Đức Giêsu đã sử dụng phương pháp trực quan để giảng dậy.
Ø Sử dụng sự việc đang diễn ra để giảng dậy :
                – Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 4-20).
Để diễn tả cái chết của mình, để cử hành trước cái chết của mình, trong bữa tiệc ly  Chúa Giêsu đã cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ. Việc rửa chân này diễn tả Ngài hạ mình xuống trong cái chết nhục nhã trên thập giá để làm cho nhân loại được sạch, để mang ơn cứu độ đến cho loài người.
Để dậy các tông đồ bài học khiêm nhường phục vụ, Chúa Giêsu đã dùng việc Ngài rửa chân cho họ.
             – Đồng xu của bà goá nghèo (Mc 12, 41-44).
Chúa Giêsu nói các môn đệ quan sát đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng Đền Thờ. Ngài nói với họ chú ý đến bà goá nghèo đang bỏ hai xu vào thùng tiền.
    Ngài dùng hình ảnh đó để dậy các môn đệ bài học về tấm lòng hành đối với Thiên Chúa.
Ø Sử dụng giáo cụ trực quan để giảng dậy.
                      – Nộp thuế cho Cêsarê  (Mt 22) .
* Giáo cụ : đồng tiền Roma.
* Khai thác giáo cụ : Chúa Giêsu nói với những người hỏi Ngài phải nộp thuế cho ai quan sát và trả lời câu hỏi : “Hình in trên đồng tiền là hình của ai ?”
* Rút ra bài học : Điều gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.
                – Giáo huấn về phục vụ  (Mc 9, 33-37) .
Để dậy các môn đệ sống khiêm nhường, phục vụ khi họ tranh cãi với nhau ai trong họ là người lớn nhất, Đức Giêsu đã dùng một giáo cụ trực quan để giảng dậy.
*  Giáo cụ trực quan : một em bé.
* Khai thác giáo cụ : Sau khi dậy các môn đệ muốn làm lớn phải làm người phục vụ mọi người, Ngài dùng giáo cụ trực quan là đặt một em nhỏ vào giữa các môn đệ và nói : “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy thì không phải là đón tiếp Thầy nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”  (Mc 9, 37) . Chúa Giêsu muốn nói em nhỏ là tượng trưng cho người sứ giả khiêm nhường, người khiêm tốn phục vụ, người đó là người được Thiên Chúa  đồng hoá và người ấy là người lớn nhất vì giống Thiên Chúa.
* Rút ra bài học :  Hãy sống khiêm nhường phục vụ.
        d. Sử dụng phương pháp trực quan trong việc dậy Giáo lý.
            v Các sự việc :
– Các sự việc đang xảy ra : Trong Hội Thánh, xã hội, những sự kiện đời sống quanh ta, những việc các em vừa chứng kiến hoặc nghe bàn tán….
– Chương trình đang được phát sóng trên truyền hình : bộ phim đang thu hút các em, tin tức thời sự nóng bỏng.
– Các hoạt cảnh, bài hát, trò chơi.
            ð Giáo lý viên sử dụng các sự việc này để hướng dẫn các em học sinh qua phát vấn, đàm thoại và dẫn đến bài học.
            v Các giáo cụ trực quan :
– Bảng : Tập sử dụng bảng cho hiệu quả. Nếu chữ viết bảng chưa đẹp, Giáo lý viên nên luyện tập.
– Vẽ trực tiếp trên bảng : vẽ sơ đồ, vẽ các hình đơn giản để minh hoạ khi giảng bài.
– Bản đồ : Bản đồ Việt Nam  (các giáo phận) , bản đồ Đất Thánh, bản gia phả của Chúa Giêsu.
– Tranh ảnh : Chúng ta hiện có rất nhiều tranh ảnh Kinh Thánh, Giáo lý, các ảnh đạo… Giáo lý viên cố gắng tìm kiếm và sử dụng các loại tranh ảnh phù hợp với đề tài Giáo lý để dậy Giáo lý. Chúng ta có thể sử dụng tranh ảnh để : dẫn vào Lời Chúa, giải thích Lời Chúa, làm bài tập Giáo lý.
– Rối vải cầm tay, rối bằng giấy bìa.
– Các vật dụng quanh ta, trong đời sống øhằng ngày như cành hoa, nhánh cây nhỏ, quyển sách, cây đàn…
Tóm lại, trực quan là phương pháp đạt hiệu quả sư phạm cao do tính cụ thể, sống động và nguyên lý thực nghiệm của nó. Tuy nhiên đối việc sử dụng giáo cụ, không nên dùng quá nhiều nhưng cần phối hợp giáo cụ với bài giảng Giáo lý cho nhịp nhàng đúng lúc, đúng đề tài. Đặc biệt các Giáo lý viên luôn ghi nhớ rằng mục tiêu của tiết dậy Giáo lý là gặp gỡ Chúa, hiểu biết, yêu mến và sống theo lời Ngài, nên phương pháp trên chỉ mang ý nghĩa chuyển tải và hỗ trợ, đừng quá lệ thuộc.
B. Lứa tuổi 11-12 tuổi  : Các lớp Căn Bản III và IV.
            So với các em ở các lớp Căn bản I và II (9-10 tuổi), các em ở các lớp Căn bản III và IV (11-12 tuổi) có óc phán đoán và suy luận khá hơn, khách quan hơn và sâu xa hơn. Vì thế chúng ta sẽ sử dụng phương pháp diễn dịch thay thế phương pháp qui nạp để giải thích bài học Giáo lý cho lứa tuổi này.
Với lợi điểm của phương pháp diễn dịch  : lập luận chắc hơn, mở rộng chân lý hơn và đạt tới chiều sâu của chân lý hơn, chúng ta sẽ giúp các em tập suy luận, hiểu biết rộng hơn, sâu hơn chân lý đức tin.
Đồng thời, để cho việc giảng dậy vui tươi, dễ thuyết phục hơn, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp này kèm với hai phương pháp hỗ trợ là phương pháp Phát Vấn và Trực Quan mà chúng ta đã trình bầy ở phần trên.
PHƯƠNG PHÁP DIỄN DỊCH.
   1. Định nghĩa :
Phương pháp diễn dịch là phương pháp lý luận đi từ định luật, ý niệm tổng quát, cái chung đến từng trường hợp cá biệt rồi rút ra nhận định.
Ví dụ 1 :
– Ý niệm tổng quát : Mọi người đều phải chết.
– Trường hợp cá biệt : ông A, ông B, ông C, là người.
– Nhận định : Vậy ông A, ông B, ông C phải chết.
Ví dụ 2 :
–  Định luật  : kim loại đốt nóng thì phồng lên (dãn nở).
–  Trường hợp cá biệt : Sắt, đồng, vàng, bạc là kim loại.
–  Nhận định : Sắt, đồng, vàng, bạc đốt nóng thì phồng lên.
   2. Áp dụng vào Giáo lý :
– Giới thiệu : đưa ra một chân lý, một ý niệm chung.
– Giải thích : đưa ra những trường hợp cá biệt để giải thích.
– Áp dụng : đem giải thích trên vào để giải thích đề tài Giáo lý mình muốn trình bày.
Ví dụ 1 : Hiệu quả của việc rước lễ  :
– Giới thiệu  : Người ta cần để ăn để sống.
– Giải thích  :
*  Con người có hồn và xác.
* Thân xác bồi dưỡng bằng bữa ăn để lớn lên và phát triển.
– Áp dụng  : Linh hồn cũng cần bồi dưỡng, cần sống bằng tiệc Thánh thể.
   3. Áp dụng vào việc giải thích câu hỏi thưa trong sách Giáo lý.
Ví dụ  : Sách Giáo lý căn bản IV.
Bài 19  : Sống với Chúa Kitô Thánh Thể.
Câu 4. H. Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh, hình rượu thế nào ?
        ð Lưu ý  : Chúng ta xem câu Hỏi-Thưa mà chúng ta sẽ giải thích là phần giới thiệu một ý niệm tổng quát.
* Giới thiệu  :
H : Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh và hình rượu thế nào?
T : Chính Chúa Kitô phục sinh hiện diện thật sự và trọn vẹn trong hình bánh và hình rượu, cả khi bánh rượu ấy chia ra rất nhỏ thì mỗi phần vẫn có trọn Chúa Kitô là người thật và là Thiên Chúa thật.
* Giải thích  :
Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa và đang ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Người hiện diện dưới nhiều hình thức  : trong Lời Chúa, trong kinh nguyện, trong những người nghèo khổ, trong các bí tích do người thiết lập… Nhất là Người hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể dưới hai hình bánh và rượu.
* Áp dụng  :
Trong hai hình Thánh thể có sự hiện diện đích thực, thực sự của Mình và Máu Đức Kitô cùng với thân xác, linh hồn và thần tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn.
Sự hiện diện này được gọi là thực sự và trọn vẹn vì đây là cách hiện diện đầy đủ nhất. Nơi đây có Đức Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, hiện diện trọn vẹn. Ngoài ra, việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Chúa Kitô.
   4. Cách đọc câu hỏi thưa.
Khi sử dụng phương pháp diễn dịch vào việc giảng dậy Giáo lý, chúng ta cho các em đọc trước câu Hỏi – Thưa và giải thích sau. Lý do là vì như chúng ta đã nói ở trên, câu Hỏi – Thưa được xem như một chân lý, một ý niệm tổng quát.
   5. Lợi ích của phương pháp diễn dịch :
Qua ví dụ ở trên chúng ta thấy phương pháp diễn dịch đem lại các lợi ích sau :
–          Cách lập luận này vững chắc, có mạch lạc giúp các em tập suy luận, phát triển óc lý luận.
–          Mở rộng sự hiểu biết của các em về sự hiện diện của Chúa : Ngoài bí tích Thánh Thể, Chúa còn hiện diện ở trong Lời Chúa, cầu nguyện, người nghèo, Hội Thánh, các bí tích khác …
–          Giúp các em hiểu biết sâu xa hơn : Hiện diện thực sự và trọn vẹn là trọn vẹn cả Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
   6. Lưu ý :
Tuy đem lại nhiều lợi ích, nhưng phương pháp này có vẻ khô khan, trừu tượng. Do đó, để lớp học và việc giảng dậy của chúng ta sinh động và vui tươi hơn, kích thích sự học tập của các em, chúng ta kết hợp những phương pháp này với phương pháp đặt câu hỏi và dùng các tranh ảnh để giải thích.
Trong trường hợp gặp những bài quá khó và trừu tượng, nếu dùng phương pháp diễn dịch các em khó tiếp thu, chúng ta sử dụng phương pháp quy nạp để thay thế.
Hơn nữa, ngay trong một bài Giáo lý, chúng ta có thể dùng phương pháp diễn dịch cho câu hỏi thưa này và phương pháp quy nạp cho câu hỏi thưa kia vì quá khó và trừu tượng. Mục đích của chúng ta khi dậy Giáo lý là giúp các em hiểu, hiểu rộng, hiểu sâu các chân lý đức tin.
ð Sau khi giải thích xong, chúng ta nên đặt vài câu hỏi  giúp các em nhớ lại ý chính của câu Hỏi-Thưa.
‘ BÀI TẬP :
1-   Chọn một bài Giáo lý của các lớp Căn bản 1 hoặc 2 và soạn phần giải thích Lời Chúa gồm :
– Dẫn giải Lời Chúa.
– Giải thích câu Hỏi-Thưa.
2-   Chọn một bài Giáo lý của các lớp Căn bản 3 hoặc Căn bản 4 và soạn phần giải thích câu Hỏi-Thưa.

CHƯƠNG VII: CẦU NGUYỆN TRONG BÀI GIÁO LÝ

 I. Mục đích :
Dậy Giáo lý là truyền đạt đức tin, truyền thông sự sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đức tin và sự sống, nên mục đích của việc dậy Giáo lý là giúp các em học sinh gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Có thể nói, cả giờ Giáo lý phải là một cuộc gặp gỡ Chúa và cao điểm của việc gặp gỡ Thiên Chúa là giây phút cầu nguyện. Cầu nguyện vừa là phương thế giúp các em gặp gỡ Thiên Chúa trong suốt giờ học Giáo lý, vừa là cao điểm của giờ Giáo lý. Do đó, cầu nguyện có một vai trò hết sức quan trọng trong giờ học Giáo lý.
Trong diễn tiến một giờ dậy Giáo lý, gồm 9 bước, có 3 lần cầu nguyện : Cầu nguyện đầu giờ, cầu nguyện giữa giờ và cầu nguyện cuối giờ. Mỗi phần cầu nguyện đều có ý hướng, nội dung khác nhau. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần cầu nguyện.
II. Các phần cầu nguyện.                      
1. Cầu nguyện đầu giờ.
Phần cầu nguyện đầu giờ có mục đích giúp các em đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa trong giờ học Giáo lý và xin Chúa soi sáng cho mình trong giờ học Giáo lý bằng cách :
–          Đặt các em trước sự hiện diện của Chúa.
–          Giúp các em nhận ra giờ học Giáo lý chính là thời gian đến với Chúa để học cùng Chúa.
–          Xin Chúa thánh hoá giờ học Giáo lý.
2. Cầu nguyện giữa giờ.
Phần cầu nguyện giữa giờ là đỉnh cao của giờ học Giáo lý. Lý do là sau khi các em đã nghe Chúa nói qua việc công bố Lời Chúa, sau khi đã hiểu Lời Chúa qua phần giải thích Lời Chúa, sau khi đã tiếp nhận lời mời gọi của Chúa với tất cả tâm tình, các em hẳn có nhiều điều muốn nói với Chúa, muốn đi vào cuộc đối thoại trang nghiêm thân tình với Chúa.
Do đó nội dung của phần cầu nguyện giữa giờ này là ý chính, là nội dung của bài Giáo lý.
3. Cầu nguyện cuối giờ.
Phần cầu nguyện cuối giờ có hai mục đích :
–                    Cảm ơn Chúa vì Chúa đã soi sáng trong giờ học vừa xong.
–          Xin Chúa giúp các em sống điều quyết tâm đã chọn.
Nếu như phần cầu nguyện đầu giờ giúp các em từ  cuộc sống bước vào cuộc gặp gỡ với Chúa trong giờ học Giáo lý, thì phần cầu nguyện cuối giờ hướng  các em đến một cuộc gặp gỡ khác với Chúa qua việc sống Lời Chúa trong đời thường. Nhờ đó, toàn bộ cuộc sống các em sẽ là lời cầu nguyện liên lỉ.
III. Thái độ, điều kiện và các cách thức cầu nguyện
Để các giây phút cầu nguyện trong giờ Giáo lý không trở thành những thói quen không hồn, tránh được sự nhàm chán … Chúng ta cần lưu ý tới những điểm sau đây :
1. Thái độ khi cầu nguyện :
Khi giúp các em học sinh cầu nguyện, chúng ta giúp các em xác định vị trí của mình đối với Chúa.
a. Thái độ thụ tạo : Mọi sự, kể cả bản thân ta, đều do Chúa tác tạo, yêu thương, nên thái độ phải có là tôn thờ, ca tụng, biết ơn Chúa.
b. Thái độ người con : Nhờ Chúa Giêsu, ta được trở nên con Thiên Chúa. Tâm tình của người con là yêu mến, kính trọng, vâng phục, phó thác vào Cha như tâm tình của Chúa Giêsu.
c. Thái độ tội nhân : Tin vào Thiên Chúa là cha, Đấng giầu lòng thương xót, nhân từ, ta hãy khiêm tốn xin ơn tha thứ.
Để sống các thái độ này, khi cầu nguyện, ta hãy có tâm tình : thờ lạy, cám ơn, xin lỗi và xin ơn.
2. Điều kiện để cầu nguyện :
  a. Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa .
Cầu nguyện là gặp gỡ, nói chuyện với Chúa, nên cần ý thức sự hiện diện của Chúa.
  b. Có gì để nói với Chúa.
Cầu nguyện không phải là đọc vài kinh hay hát một bài cho xong nhưng cần có vài điều riêng tư trong lòng để nói với Chúa : Chúc tụng, cám ơn, xin lỗi, xin ơn.
            c. Lắng nghe tiếng Chúa nói :
Đây là điều thường bị “bỏ quên”. Cầu nguyện còn là lắng nghe Chúa nói nữa. Chúa nói với ta qua lương tâm, qua những câu Thánh Kinh …
3. Các hình thức cầu nguyện trong giờ Giáo lý.
            a. Lặp lại thầm lời cầu nguyện : Giáo lý viên đọc lớn từng câu ngắn, các em lặp lại thầm câu đó. Đây là cách tập cho các em nội tâm hoá lời cầu nguyện.
b. Học sinh âm thầm cầu nguyện theo lời nguyện của Giáo lý viên. Giáo lý viên chậm rãi đọc lời cầu nguyện, các em âm thầm cầu nguyện theo, các em cùng thưa khi kết thúc lời nguyện  : Amen.
            c. Đọc một kinh hay hát một bài hát thích hợp với nội dung bài Giáo lý.
Nhưng xin lưu ý  : Giáo lý viên hướng ý trước, gợi tâm tình trước rồi các em mới đọc kinh hay hát.
            d. Cầu nguyện tự phát  :
Giáo lý viên gợi tâm tình và đề tài, mỗi em nói to tiếng lời cầu nguyện riêng của mình. Giáo lý viên  nói lên một lời nguyện để kết thúc và các em thưa: Amen.
e. Giáo lý viên gợi tâm tình và đề tài,
Các em tự cầu nguyện âm thầm theo tâm tình và đề tài đó. Giáo lý viên kết thúc, các em thưa  : Amen.
            g. Cầu nguyện theo kiểu lời nguyện tín hữu
(lời nguyện giáo dân) trong Thánh  Lễ  :
Giáo lý viên gợi ý, một số em học sinh  xướng lên một ý nguyện có thể dọn sẵn hoặc tự phát, tất cả thưa  : Xin Chúa nhận lời chúng con – Giáo lý viên kết thúc bằng lời nguyện chung, các em thưa Amen.
IV. Giáo lý viên dậy các em cầu nguyện.
1. Chính Giáo lý viên hãy trở nên người cầu nguyện.
Cầu nguyện nhiều trong cuộc sống, nuôi dưỡng tâm tình cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc.
2. Thái độ của Giáo lý viên khi  dậy cầu nguyện.
Giáo lý viên cần có thái độ trang nghiêm “như thấy Đấng vô hình”  khi giúp các em cầu nguyện. Vì thế, Giáo lý viên không thể giúp các em cầu nguyện trong thái độ giận dữ, quát nạt, lo ra, lăng xăng … Hãy bộc lộ nét trang nghiêm, cung kính trong lúc cầu nguyện. Nếu cần sửa lỗi các em đang lo ra, chơi giỡn trong lúc cầu nguyện thì chờ đến khi đã cầu nguyện xong.
3. Tập cho các em cầu nguyện theo diễn tiến :
–           Đặt mình trước mặt Chúa.
–           Gợi tâm tình : thờ lạy, cảm ơn, xin lỗi, xin ơn.
–           Tìm lời và cử chỉ thích hợp để diễn tả tâm tình.
V. Cách soạn một lời cầu nguyện.
Khi soạn một lời cầu nguyện, ta cần nắm vững mục đích, nội dung của lời cầu nguyện : đầu giờ, giữa giờ hay cuối giờ. Phần cầu nguyện đầu và cuối giờ, ta có thể soạn cách đơn sơ dễ hiểu, đúng nội dung và mục đích. Còn phần cầu nguyện giữa giờ phút cao điểm của giờ Giáo lý, ta nên soạn kỹ hơn, phù hợp với nội dung bài Giáo lý. Sau đây là cách soạn lời cầu nguyện giữa giờ.
Ta soạn theo mẫu những lời nguyện phụng vụ của Giáo Hội, lời nguyện này có năm phần :
Nêu danh xưng : Lậy Chúa hoặc Lậy Cha, Lậy Chúa Giêsu, Lậy Chúa Thánh Thần…

Lý do xin ơn : Thường dựa vào một Lời Chúa nói, một việc Chúa làm hay từ một biến cố cuộc sống.

Diễn tả nội dung ơn xin : Muốn xin ơn gì ?

Chủ đích xin ơn : Xin ơn đó để làm gì ?

Có hai chủ đích :
–          Chủ đích 1 : ích lợi cho con người, bản thân, gia đình, xã hội, Giáo Hội.
–          Chủ đích 2 : làm vinh danh Chúa.

Kết thúc : phân biệt  2 cách :

–          Nếu phần nêu danh xưng là Lậy Chúa hay Lậy Cha, Lậy Chúa Thánh Thần, thì kết thúc bằng câu : Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
–          Nếu phần nêu danh xưng là Lậy Chúa Giêsu thì kết thúc bằng câu : Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Ví dụ :
{ Lời nguyện mẫu 1 :
1. Nêu danh xưng : Lậy Cha,
2. Lý do xin ơn : Cha không muốn kẻ có tội phải hư mất, nhưng muốn họ hối cải để được sống.
3. Nội dung ơn xin : Xin cho những người đang lìa xa Cha được nghe tiếng Cha kêu mời trở lại trong mùa Chay thánh này.
4. Chủ đích xin ơn :
-Chủ đích 1 : Để họ được hưởng nhờ ơn cứu rỗi của Cha.
-Chủ đích 2 : Và làm sáng tỏ lòng nhân hậu hay tha thứ của Cha
5. Kết thúc : Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Con Cha, Chúa chúng con – Amen
{ Lời nguyện mẫu II  :
Căn bản IV, Bài 17.
Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.
1. Nêu danh xưng  : Lậy Chúa Giêsu,
2. Lý do xin ơn  : Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang.
3. Nội dung ơn xin  : Xin cho chúng con một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này.
4. Chủ đích ơn xin.
-Chủ đích 1  : Để cảm tạ tình yêu của Chúa.
-Chủ đích 2  : và để chúng con nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc.
5. Kết thúc  : Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
BÀI TẬP
Hãy chọn một bài Giáo lý (khối  Căn bản)
và soạn một lời nguyện theo trình tự 5 phần vừa học.
CHƯƠNG VIII
 
SINH HOẠT GIÁO LÝ.
 
I. Mục đích :
      1. Thư giãn, giải trí.
Ở lứa tuổi khối Căn Bản các, em chỉ có thể cầm trí được 20 phút, tối đa là 30 phút. Do đó, sau khi các em đã gặp Chúa trong phần cầu nguyện giữa giờ, nghĩa là đã học nửa giờ Giáo lý, Giáo lý viên cho các em sinh hoạt để tâm trí các em được thư giãn, thoải mái hầu có thể tiếp tục học hỏi tốt hơn ở nửa giờ Giáo lý còn lại.
      2. Tạo bầu khí vui tươi trong giờ Giáo lý.
      3. Ghi nhớ nội dung bài Giáo lý  :
Phần sinh hoạt cũng nhằm giúp các em ghi nhớ những gì vừa học. Do đó, phần sinh hoạt này phải  được lựa chọn phù hợp với nội dung bài Giáo lý.
II. Các hình thức sinh hoạt trong giờ Giáo lý.
Vì thời gian sinh hoạt rất ngắn, khoảng 5 phút và không gian sinh hoạt là phòng học, nên chúng ta chỉ lựa chọn các hình thức sinh hoạt đơn giản sau đây  : băng reo, trò chơi nhỏ, bài hát.
      1. Băng reo.
Chúng ta sáng tác băng reo dựa theo nội dung bài Giáo lý và theo một trong các  thể loại sau đây  :
a. Các em lặp lại theo người điều khiển, thêm cử điệu.
Ví dụ :
-Người điều khiển  (NĐK)  : Chúa đã về.
-Tất cả  (TC)  lặp lại : Chúa đã về  (vỗ tay 3 cái) .
-NĐK: Trên phố phường –  TC : lặp lại  (bước vào 3 bước)
-NĐK: Trên làng quê        –  TC :  lặp lại  (bước thêm vào 3 bước) .
-NĐK: Trên quê hương Việt Nam – TC : bước ra 6 bước, vung tay và la lên : A !
b. Người điều khiển chỉ nói 1 câu, tất cả nói câu khác.
Ví dụ :
-NĐK : Chúa ở đâu ?      TC : Trong anh  (chỉ vào người bên cạnh) .
-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Trong tôi  (chỉ ngực) .
-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Trên trời  (chỉ lên trời) .
-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Khắp mọi nơi  (xoay tròn) .
c. Người điều khiển nêu nhiều ý, tất cả chỉ lặp lại một câu :
Ví dụ :
-NĐK : Ta vui             –  TC : bên nhau  (vỗ tay 2 cái) .
-NĐK : Ta múa           –  TC : bên  nhau  (vỗ lên đùi hai cái) .
-NĐK : Ta hát             –  TC : bên nhau  (hai tay lên vai) .
-NĐK : Tất cả            –  TC : bên nhau.
d. Người điều khiển nêu ý, tất cả cùng bổ túc ý.
Ví dụ :
-NĐK : Sống trên đời       –  TC : Phải có bạn  (giơ hai tay hình chữ V).
-NĐK : Không có bạn  –  TC : Buồn chết đi   (chắp tay) .
-NĐK : Nhưng phải chọn –  TC : Bạn tốt  (nắm tay người bên cạnh) .
      2- Trò chơi
a. Định nghĩa :
Trò chơi là một cuộc vận động sinh hoạt :
–          Do một người tổ chức.
–          Cho một số người tham gia.
–          Theo một quy ước có hướng dẫn.
–          Trong một thời gian nhất định.
–          Tại một nơi chốn.
b. Mục đích :
–          Giúp xây dựng bầu khí vui tươi, rèn luyện sự khéo léo và giáo dục chiều sâu nội tâm.
–          Đối với Giáo lý, trò chơi còn giúp ghi nhớ nội dung Giáo lý.
c. Yêu cầu trong giáo lý : giáo dục chiều sâu :
Trò chơi góp phần giáo dục :
–          Về nhân bản : Trò chơi giúp nhận thức kỷ luật tập thể, tính trung thực, ý chí cương quyết.
–          Về thiêng liêng : Trò chơi có tính tôn giáo hình thành ý niệm Thiên Chúa và tha nhân, thêm yêu mến Thánh Kinh, lời mời gọi của Chúa.
d. Chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi (9 -12 tuổi).
Chọn những trò chơi có tính động, nhanh, có tính ganh đua.
e. Điều khiển trò chơi.
Giáo lý viên làm người quản trò, điều khiển cuộc chơi. Để thành công nên cân nhắc chọn lựa trò chơi cho thích hợp với không gian, nội dung bài Giáo lý lứa tuổi và số người tham dự.
Quản trò lưu ý tới 4 bước sau đây  :
[1]. Chuẩn bị trò chơi  :
Nghiên cứu kỹ lưỡng  :
* Địa điểm.
* Phân công cụ thể.
* Chuẩn bị các dụng cụ chơi cho chu đáo.
[2]. Hướng dẫn trò chơi  :
* Giới thiệu tên trò chơi, phổ biến luật chơi.
* Ở từng điểm nên hỏi lại xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa.
* Đề nghị chơi thử, nháp một hai lần cho chắc chắn, cũng là tạo bầu khí lôi cuốn vào cuộc chơi hơn.
[3]. Diễn tiến trò chơi  :
Đang khi tiến hành cuộc chơi. Quản trò phải chú ý đến tính cách sau đây, liên quan đến tâm lý người chơi  :
*  Luôn nhắc nhở, nêu cao tinh thần tự giác, trung thực.
* Khéo léo khuyến khích những em nhút nhát chưa quen  sinh hoạt.
[4]. Kết thúc trò chơi :
Khi trò chơi chấm dứt, cần lưu ý đến các điểm sau đây  :
* Tuyên bố kết quả trò chơi cho công bằng, khen người thắng và khuyến khích người thua.
* Nên vắn tắt nêu ý nghĩa trò chơi vừa chơi xong, ý nghĩa nhân bản và ý nghĩa hướng về nội dung bài Giáo lý.
Ví dụ  :
Tên trò chơi  : Đôi giầy đây rồi !
– Thể loại : Vận động mạnh trong phòng hoặc ngoài trời, dành cho độ tuổi thiếu nhi (9-12 tuổi).
–  Rèn luyện : Vận động mạnh và nhận định nhanh.
–  Giáo dục : Luôn giữ nề nếp tề chỉnh trong đội ngũ.
– Luật chơi  : Chia lớp thành hai đội, mỗi người bỏ ra một chiếc giầy nếu đi giầy, hoặc một chiếc dép nếu đi dép, để trong một vòng tròn đường kính 2 mét, cách mức khởi hành 5 mét. Quản trò ra hiệu lệnh, lần lượt từng người của mỗi đội chạy lên tìm và mang giầy hay xỏ dép vào chân, chạy trở về mức, đập tay cho người lên kế tiếp. Đội nào xong trước tập họp hàng ngang trình diện để quản trò kiểm tra xem có xỏ đúng dép và cột dây giầy đàng hoàng chưa.
– Mục đích  : Gây bầu khí sôi nổi, vui nhộn.
    3. Bài hát.
         a. Giá trị bài hát  :
– Bài hát có thể dùng trong việc giảng dậy như một phương tiện sư phạm sinh động và có hiệu quả cao.
– Bài hát có khả năng chuyển tải ý nghĩa một chủ đề giáo dục nhân bản hoặc một bài Giáo lý.
– Bài hát có thể nhanh chóng gây dựng được bầu khí vui tươi cho lớp học, tập thể.
         b. Cách chọn bài hát  phù hợp với lứa tuổi (9- 12 tuổi)
– Chọn những bài hát mạnh, nhịp nhàng, phấn khởi, có tính cộng đồng.
– Phù hợp với chủ đề, nội dung bài Giáo lý.
         c. Phương pháp tập hát  :
– Hát trước bài hát 2, 3 lần cho mọi người nghe quen tai.
– Sau đó tập từng câu.
– Vừa hát vừa cắt nghĩa từng câu của bài hát một cách lý thú và sinh động.
– Với các em lứa tuổi (9 –12 tuổi), nên có cử điệu đi kèm.
v Bài tập :
Chọn một bài Giáo lý (khối Căn bản) và chọn hoặc sáng tác một băng reo, một trò chơi, một bài hát phù hợp với nội dung bài Giáo lý.

CHƯƠNG IX
BÀI TẬP GIÁO LÝ
 
I. Mục đích :
Bài tập Giáo lý có mục đích giúp các em học sinh hiểu và nhớ nội dung bài Giáo lý.
II. Các loại bài tập.
    1. Điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa.
Cách soạn : Lấy câu Hỏi-Thưa ở bài học và bỏ đi những từ quan trọng để các em tự điền vào.
    2. Chọn câu đúng với chủ đề.
Cách soạn :
 Viết ra một chủ đề.
‚ Viết ra mấy câu, trong đó có một câu hợp với chủ đề.
ƒ Và nói các em chọn câu nào hợp với chủ đề.
Ví dụ :   Sách Căn Bản 4, bài 31 :
Xác sống lại và sự thưởng phạt đời sau.
Em hãy chọn những người nào trong 3 loại người sau đây
được lên thiên đàng :
[1]. Những người chết trong tình nghĩa với Chúa nhưng vẫn còn vương vết nhơ tội lỗi.
[2]. Những người đến khi chết vẫn còn từ chối tình yêu của Chúa, còn mang trọng tội.
[3]. Những người chết trong tình nghĩa với Chúa và sạch mọi vết nhơ tội lỗi.
      3. Tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A. (1)
            Cách soạn :
Viết một số câu Giáo lý, chia đôi mỗi câu. Ở cột A ghi một nửa câu đầu và ở cột B ghi nửa câu sau nhưng đã đổi lộn xộn.
Ví dụ :
 
A                                    B
Œ – Sáng thức dậy              – Xét mình xin ngủ bình an.
- Trước khi ăn cơm     – Dâng ngày cho Chúa.
Ž- Trước khi đi ngủ             – Xin Chúa chúc lành.
 
   
4. Tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A(2).
Loại bài tập này có hình thức giống như loại bài tập trên, nhưng khác về nội dung, Nội dung của loại bài tập này nhằm huấn luyện óc phán đoán của các em vì ở lứa tuổi này (9 – 12 tuổi), óc phán đoán của các em bắt đầu phát triển.
Cách soạn : Viết một số câu :

Cột A

Cột B

Viết về đức tin hay cách sống của một người.

Đánh giá về cách sống ấy

 
Chúng ta đảo lộn các câu ở cột B để các em tìm cách ráp lại cho hợp lý.
Ví dụ :

Cột  A

Cột  B

1. Anh A thường dự các cuộc tranh tài ở trường, luyện tập thường xuyên. Anh giữ thân thể sạch sẽ và ăn mặc nhã nhặn. Dù ai cũng thích anh, nhưng anh tránh sự suồng sã của các bạn trong lớp.

a. Anh là người thiếu tư cách, anh nuông chiều bản thân thì sẽ không tiến được.

2. Anh B lịch sự nhã nhặn, nhưng anh phí nhiều thời giờ tìm vui riêng cho mình. Anh tránh bất cứ điều gì khó và không thích. Anh ăn uống không điều độ.

b. Anh là người không tốt. Cách sống của anh là một mối nguy cho bạn bè.

3. Anh C thường dùng lời nói không tốt, phân phát tranh ảnh xấu cho các bạn khác.

c. Anh là một người tốt. Anh biết kính trọng mình và được người khác kính trọng.

 
    5. Đoán Kinh Thánh theo chữ cái.
Cách soạn  : Chọn một câu Kinh Thánh trong bài học Giáo lý diễn tả được nội dung, ý chính của bài Giáo lý viết tắt bằng các chữ cái đầu mỗi từ.
Ví dụ : AECXTSĐ, CTTST, CGTSĐMC.
Đáp án : Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ được mở cho.
    
    6. Tìm câu Kinh Thánh có ý nghĩa phù hợp với bức tranh.
    7.  Câu hỏi trắc nghiệm  :
             -Tìm câu đúng sai.
Cách soạn  : Viết ra một câu Giáo lý, các em nhận xét đúng hay sai.
Ví dụ  : Cụ Abraham không vâng lời Thiên Chúa bao giờ.
                             Đúng  –  Sai
             – Chọn câu trả lời đúng nhất.
Ví dụ  : Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.
    Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua :
a. Vũ trụ
b. Lương tâm
c. Chúa Giêsu kitô
d. Tất cả đều sai
e. Tất cả đều đúng
v Bài tập :
Chọn một bài Giáo lý (khối  Căn Bản) và soạn một trong các loại bài tập trên.

CHƯƠNG X
SỐNG LỜI CHÚA
 
I. Gặp Chúa, tin Chúa, nghe Lời Chúa, dẫn tới việc thay đổi cách sống.
      1. Trường hợp ông Da-kêu   (Lc 19, 1-10) .
Ông Da-kêu là một người thu thuế giầu có. Người Do Thái xem ông cũng như những người thu thuế khác là những người tội lỗi. Sau  khi Chúa Giêsu gặp ông, ông tuyên bố “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”  (Lc 19, 8) .
      2. Trường hợp Thánh Phanxicô Xaviêâ :
Phanxicô Xaviê là một giáo sư đại học, đam mê danh vọng. Nhưng với Lời Chúa do người bạn là Thánh Ignatiô luôn nhắc nhở : “ Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”  (Lc 9, 25), thánh nhân đã đổi đời : từ bỏ tất cả, gia nhập Dòng Tên của Thánh Ignatinô và đã trở thành một người truyền giáo nổi tiếng ở Á Châu, Quan Thầy của các xứ truyền giáo.
II. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu  luôn mời gọi người nghe sống điều Người dậy.
      1. Sau mỗi bài giảng, dụ ngôn là lời mời gọi áp dụng thực hành :
– Sau dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu : “Hãy đi và làm như vậy”  (Lc 10, 37).
– Với chàng thanh niên đến hỏi : “Tôi phải làm gì để được sống”, Chúa Giêsu nói : “Hãy bán những gì ngươi có và đến đây theo Ta”  (Mc 10, 21) .
      2. Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng sống lời Người dậy.
– Sau bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa! Lậy Chúa!’ Là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy … mới được vào mà thôi”   (Mt 7, 21) .
– “Vậy ai nghe những Lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”
(Mt 7, 24) .
III. Giáo lý phải dẫn đến việc sống Lời Chúa.
      1. Giáo lý viên đề ra cho các em học sinh một quyết tâm để sống trong tuần dựa vào bài học Giáo lý.
Nguồn mạch chính của Giáo lý là Lời Chúa. Vì thế, một tiết dậy Giáo lý phải dẫn đến việc thực hành Lời Chúa dậy.
Sau khi các em học sinh đã nghe Lời Chúa, hiểu Lời Chúa qua phần giải thích Lời Chúa và gặp gỡ Chúa trong phần cầu nguyện, Giáo lý viên rút ra một quyết tâm để các em sống.
      2. Quyết tâm phải  phù hợp với Lời Chúa và nội dung bài Giáo lý :
Từ nội dung bài Giáo lý, Giáo lý viên rút ra một quyết tâm sống, nghĩa là quyết tâm sống phải phù hợp với nội dung bài Giáo lý.
      3. Quyết tâm sống phải cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh sống của các em.
Từ một bài Giáo lý, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều thực hành. Chúng ta chỉ nên chọn một điều phù hợp với hoàn cảnh sống, tình trạng, cách sống của các em. Chúng ta xem các em hay có những sai lỗi nào, thiếu sót nào, điều gì các em có thể thực hành được, để đưa một quyết tâm sống cụ thể. Chúng ta đừng bao giờ đưa ra một quyết tâmmà các em không thể làm được, chẳng hạn mỗi tuần các em hãy giúp người nghèo một trăm ngàn đồng hay mỗi tuần các em hãy đi lễ 7 ngày trong khi các em ở xa nhà thờ trên chục  cây số …
      4. Giáo lý viên giúp các em xét lại việc sống Lời Chúa.
a. Nhắc nhở sống điều quyết tâm : Vào cuối giờ Giáo lý trong lời cầu nguyện kết thúc, Giáo lý viên nhắc nhở điều đã quyết tâm qua lời nguyện xin Chúa giúp các em thực hành điều quyết tâm.
b. Xét lại việc sống điều quyết tâm : Vào giờ học Giáo lý tuần tới, Giáo lý viên hãy giúp các em xét lại việc sống quyết tâm này như thế nào, trước khi đưa ra một quyết tâm mới.
{ BÀI TẬP
Chọn một bài Giáo lý và rút ra một điều quyết tâm sống phù hợp.
 
BÀI GIÁO LÝ MẪU
BÀI MẪU 1  :

« Sử dụng các phương pháp : quy nạp, phát vấn và trực quan.
« Sách Giáo lý Căn bản I, bài 1 :
CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
– Lời Chúa : Rm 1, 19.
– Ý chính  : Em xác tín có Thiên Chúa là Đấng yêu thương em, muốn cho em được hạnh phúc đời đời.
– Học cụ  : Một bình hoa tươi cắm thật đẹp
Trình bầy  :
I. Cầu nguyện đầu giờ.
– Lạy Thiên Chúa của chúng con, trong bài học đầu tiên này, xin tỏ cho chúng con biết Chúa là ai, và xin ban cho chúng con vững tin vào Chúa.
–  Đọc kinh  “Xin Chúa sáng soi”.
II. Dẫn vào Lời Chúa.
Có một người muốn thử lòng tin của một em bé, liền hỏi những câu sau đây  :
– Cháu tin có Thiên Chúa không ?
+ Thưa ông, có.
– Vậy Thiên Chúa ở đâu ?
+ Thưa ông, Thiên Chúa  ở khắp mọi nơi.
– Thế Thiên Chúa của cháu có to lớn không ?
          + Thưa ông, rất to lớn.
– Thế Thiên Chúa của cháu có nhỏ bé không ?
          + Thưa ông, rất nhỏ bé.
– Vô lý quá! Làm sao lại vừa to lớn, vừa nhỏ bé được ?
          + Thưa ông, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài to lớn đến nỗi cả bầu trời không chứa được và Ngài cũng nhỏ bé đến nỗi ngự vào tâm hồn cháu được.
Người ấy tỏ vẻ ngạc nhiên rồi cười xoà  : “Cháu đúng là một đứa bé có lòng tin”.
Các em thân mến ! Để có được lòng tin vững chắc như cô bé ấy. Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.
III. Công Bố Lời Chúa  : (Rm 1, 19)
IV. Giải thích Lời Chúa
      1. Dẫn giải Lời Chúa.
– Lời Chúa mà các em vừa nghe là của thánh nào ? gửi cho ai ? (Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma).
– Thánh Phaolô muốn nói gì qua câu Lời Chúa này?
(Ngài nói rằng lý trí chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên).
Chúng ta thử đi tìm Thiên Chúa qua bình hoa trên bàn này nhá!
– Nhìn những bông hoa này các em có thấy đẹp không ? Do đâu mà có ? (Do anh  [chị] đem đến).
– Vậy để có bình hoa này trước hết phải có bông hoa. Muốn có hoa thì phải làm gì ? (Phải gieo trồng). Muốn gieo trồng thì phải có cái gì ?  (Cần có hạt giống). Ai làm ra hạt giống cây hoa này ? (Thiên Chúa).
Như vậy, qua thiên nhiên lý trí ta có thể nhận biết có Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn điều thánh Phaolô nói trong bài học Giáo lý hôm nay nhá !
      2. Giải thích câu hỏi-thưa.
Câu 1  : Ta sống ở đời này để làm gì ?
       a. Giải thích   :
– Các em thấy những người sống chung quanh các em hằng ngày họ làm gì ? Có người làm vườn, có người chăn nuôi súc vật, có người buôn bán, có người dậy học, có người là bác sĩ  chữa bệnh, có người là thợ xây dựng…
– Họ làm việc để làm gì ? Để kiếm tiền sinh sống, xây dựng nhà cửa, nuôi con cái ăn học, giúp người nghèo, làm việc công ích.
– Họ đã tìm điều gì khi làm như thế ? Họ đi tìm hạnh phúc.
– Liệu họ có tìm được hạnh phúc mãi mãi không? Họ có thể tìm được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này không kéo dài mãi mãi vì cái chết sẽ đến chấm dứt hạnh phúc của họ.
– Vậy làm thế nào để có được hạnh phúc mãi mãi ?
Ai có thể giúp ta tìm được hạnh phúc mãi mãi ?
– Chỉ có người không bao giờ chết mới giúp ta được, người ấy chính là Thiên Chúa. Vậy để sống hạnh phúc mãi mãi ta phải đi tìm nhận biết Ngài.
Như thế mục đích chính yếu khi ta sống ở đời này là nhận biết Thiên Chúa và tin vào tình thương của Ngài để ta được sống hạnh phúc mãi mãi.
ð Các em cùng nhau đọc câu 1 nào !
       b. Đọc chung câu 1.
             H. Ta sống ở đời này để làm gì ?
T. Để nhận biết Thiên Chúa và tình thương Ngài dành cho ta nơi Chúa Giêsu Kitô và nhờ đó mà được sống hạnh phúc đời đời.
Câu 2 : Nhờ đâu ta có thể nhận biết Thiên Chúa ?
       a. Giải thích :
– Khi các em  có xe đạp, các em muốn có chiếc xe Honda. Khi có chiếc Honda, các em muốn xe gì ? Chắc chắn là xe hơi vì đi xe hơi đỡ phải chịu nắng mưa, cảm thấy an toàn hơn, tiện nghi hơn.
Loài người chúng ta luôn ước muốn cái gì tốt hơn và chẳng bao giờ hết ước muốn.
Để thoả mãn các ước muốn này, con người dùng lý trí suy nghĩ chế tạo ra các vật dụng, các tiện nghi  : xe cộ, máy bay, máy giặt, máy tính…
– Nhưng lý trí con người có khả năng làm thoả mãn mọi ước mơ của con người không ? Chắc chắn là không vì con người không bao giờ ngừng ước mơ mà lý trí con người thì có giới hạn.
– Ai có thể thoả mãn các ước mơ của chúng ta ? Chỉ có người không bị giới hạn mới có thể thoả mãn chúng ta được. Người ấy là Thiên Chúa. Do đó con người vận dụng lý trí để tìm kiếm Thiên Chúa.
Sự ước ao, lý trí suy luận nơi chúng ta là do Chúa dựng nên để chúng ta đi tìm kiếm Ngài.
       b. Đọc chung câu 2.
                H. Nhờ đâu ta có thể nhận biết Thiên Chúa ?
T. Nhờ Thiên Chúa ban cho ta lòng ước ao khao khát và lý trí suy luận để ta kiếm tìm Ngài và lắng nghe được điều Ngài nói với ta.
Câu 3 : Với trí khôn tự nhiên,
ta dựa vào đâu mà nhận biết có Thiên Chúa ?
       a. Giải thích  :
– Phòng Giáo lý các em đang ngồi học đây có phải tự nhiên mà có không ? Chắc chắn là không, phải có người xây  nên mới có.
– Cũng vậy, nhìn núi non, sông biển, bầu trời, … chắc chắn phải có ai dựng nên mới có. Người đó là ai ? (Thiên Chúa).
Như thế, với lý trí ta dựa vào thiên nhiên mà nhận biết có Thiên Chúa.
– Có bao giờ các em định làm một điều xấu, ví dụ ăn cắp một cái gì đó, chợt nghe có tiếng nói trong tâm hồn ngăn cản ta đừng làm không ? (Có).
Tiếng nói ngăn cản ta này là tiếng nói của lương tâm và cũng chính là tiếng nói của Thiên Chúa đó.
Như thế lý trí có thể dựa vào tiếng nói của lương tâm để nhận biết có Thiên Chúa.
Do đó, lý trí của ta dựa vào thiên nhiên, tiếng nói của lương tâm để nhận biết có Thiên Chúa.
       b. Đọc chung câu 3.
               H. Với trí khôn tự  nhiên, ta dựa vào đâu mà nhận biết có Thiên Chúa ?
T. Với trí khôn tự nhiên, ta có thể dựa vào sự tốt đẹp và trật tự của vũ trụ và dựa vào tiếng nói của lương tâm mình mà nhận ra chắc chắn có Thiên Chúa.
Câu 4  : Còn những sự thật nào cần phải được
chính Thiên Chúa tỏ bầy cho ta nữa không ?
       a. Giải thích  :
Lý trí của ta dựa vào thiên nhiên, tiếng nói của lương tâm nhận ra có Thiên Chúa, nhưng ta không biết rõ Ngài là ai, Ngài có chương trình gì dành cho ta.
Chúng ta chỉ biết Ngài là ai, biết được ý định của Ngài khi chính Ngài nói ra, tỏ bầy ra cho chúng ta biết.
Việc Ngài tỏ cho chúng ta biết gọi là mạc khải. Mạc là tấm màn, khải là mở ra, ý muốn nói  : Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm của Ngài, nghĩa là những điều thuộc về Thiên Chúa mà lý trí loài người chúng ta không thể suy thấu.
       b. Đọc chung câu 4.
             H. Còn có sự thật nào cần phải đươc chính Thiên Chúa tỏ bầy cho ta nữa không ?
T. Là chính mầu nhiệmThiên Chúa và chương trình của Ngài muốn cứu vớt ta trong Chúa Giêsu Kitô, là những điều cần phải được mạc khải, tức là cần phải được chính Thiên Chúa tỏ bầy cho ta.
V. Cầu nguyện giữa giờ.
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, khi nhìn bầu trời cao xanh, núi đồi trùng điệp, chim chóc líu lo, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, con nhận ra có Chúa. Con còn nhận ra Chúa qua tiếng nói của lương tâm và qua chính Chúa Giêsu Kitô. Xin Chúa thương ban cho chúng con luôn biết vững tin vào Chúa, để được sống hạnh phúc với Chúa ở đời này và mãi mãi đời sau – Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen
VI. Sinh Hoạt
* Băng Reo.
– Chúa ở đâu ?  – Ở trên trời cao (chỉ tay phải lên trời).
– Chúa ở đâu  ? – Ở bên cạnh em (chỉ người bên phải).
– Chúa ở đâu ?  – Ở trong lòng em (đặt tay phải lên ngực).
Tất cả cùng reo  : A ! Chúa ở khắp mọi nơi, la la la (vỗ tay).
VII. Bài tập Giáo lý
    * Bài tập 1  :
Em hãy khoanh tròn vào đầu câu mà em cho là đúng, và gạch ngang vào đầu câu mà em cho là sai.
a- Ta sống ở đời này để vui chơi, muốn làm gì thì làm.
b- Ta sống ở đời này để nhận biết Thiên Chúa và sống hạnh phúc với Ngài.
* Bài tập 2 :
Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.
Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua :
a. Vũ trụ                   b. Lương tâm          c. Chúa Giêsu Kitô
d. Tất cả đều sai             e. Tất cả đều đúng
VIII. Sống Lời Chúa  :
Em  quyết tâm chăm chỉ học Giáo lý
để nhận biết Thiên Chúa.
IX. Cầu nguyện kết thúc  :
Lạy Thiên Chúa là Đấng mà chúng con tin thờ, kính mến. Chúng con cảm ơn Chúa, vì qua bài học hôm nay chúng con đã được biết Chúa. Xin Chúa thương giúp chúng con biết siêng năng chăm học Giáo lý, để càng ngày càng hiểu biết về Chúa và càng yêu mến Chúa nhiều hơn. – Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
– Đọc Kinh Sáng Danh kết thúc.
BÀI MẪU 2  :
« Sử dụng phương pháp : diễn dịch, phát vấn và trực quan.
« Lớp Căn bản 4, bài 2  :

HỘI THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA
–Lời Chúa  : Tv 94, 1-7
–Ý chính  : Phụng vụ là việc thi hành chức tư tế của Chúa Kitô, do Chúa Kitô và toàn thể Hội Thánh cử hành để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.
–Học cụ  : Tranh dân Israel rước hòm bia giao ước.
I. Cầu nguyện đầu giờ  :
Để bắt đầu giờ học ngày hôm nay, chị  mời các em hãy dâng lòng trí mình cho Chúa. Xin Chúa soi sáng,  gìn giữ và giúp chúng ta sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, để chúng ta biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Đọc kinh  “Xin Chúa sáng soi”.
II. Dẫn vào Lời Chúa  :
      1. Kiểm tra bài cũ  : 
-Hội Thánh dành ngày Chúa Nhật để làm gì ?
(Để kính nhớ Chúa Kitô phục sinh).
-Hội Thánh sắp xếp các ngày lễ trong năm như thế nào ? (Theo lịch sử cứu độ).
-Ta nên cầu nguyện theo sách kinh nào của Hội Thánh ? (Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
      2. Dẫn vào Lời Chúa  :
Vào năm – 1250, Thiên Chúa sai ông Môsê cứu dân Israel ra khỏi đất Ai Cập, về Canaan là đất Thiên Chúa đã hứa. Khi về tới Canaan, dân Israel phải chiến đấu chống lại những dân xung quanh, đặc biệt là quân Philitinh. Ngày xưa, dân Do Thái là dân du mục (GLV treo tranh và giải thích), họ ở trong các lều bằng vải, đi đến đâu họ luôn luôn mang theo Hòm Bia Giao Ước, đặt trong một mái lều, gọi là “Trướng tao phùng”. Sự hiện diện của Khám Giao Ước là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân. Các em có biết Khám Giao Ước là gì không ? Đó là một cái hòm dùng để đặt hai bia đá khắc Mười Giới Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân tại núi Sinai.
Thế rồi Israel trải qua bao nhiêu năm tháng  : từ thời các ngôn sứ, các thủ lãnh, các vua, Saolê là vị vua đầu tiên của Israel, rồi tới vua Đavít. Năm 1.000 TCN, vua Đavít lên làm vua cả hai miền Nam – Bắc. Sau khi thống nhất đất nước, ông cho toàn dân đi rước Hòm Bia Thiên Chúa vào thành Giêrusalem. Dân chúng đi rước Hòm Bia với các loại nhạc cụ  : đàn cầm, đàn sắt, não bạt, phèng la, …. Còn vua Đavít đi trước Hòm Bia mà nhảy múa, tung hô, ngợi khen Thiên Chúa.
Các em thân mến ! Ngay từ thời Cựu Ước đã có những nghi thức phụng vụ để thờ lạy, ngợi khen Thiên Chúa. Ngày nay Hội Thánh vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta hãy luôn thờ lạy Thiên Chúa trong mọi giây phút.
Bây giờ chị mời các em lắng nghe Lời Chúa qua Thánh vịnh 94. Đây là Thánh vịnh dùng để mời gọi mọi người hãy ca tụng Thiên Chúa.
III. Công bố Lời Chúa
      1. Dẫn giải Lời Chúa  :
– Lời Chúa chúng ta vừa nghe là Thánh vịnh nào ?
– Thánh vịnh 94 kêu gọi chúng ta làm gì ?
– Ai có thể nhắc lại một câu trong Thánh vịnh này không ?
Ngày xưa dân Do Thái dùng Tv 94 này để kêu gọi dân chúng hãy reo hò mừng Đức Chúa (GLV trích dẫn câu 1+ 2, câu 6 +7).
Ngày nay Hội Thánh dùng Tv 94 để mở đầu kinh sáng để thờ phượng Chúa. Việc thờ phượng Chúa trong Hội Thánh được gọi là Phụng vụ. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu việc thờ phượng Chúa của Hội Thánh.
      2. Giải thích các câu hỏi thưa :
* Đọc chung câu 1 và câu 2  :
1-  H. Phụng vụ là gì ?
T. Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người.
2- H. Phụng vụ gồm những việc nào ?
T. Phụng vụ gồm thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ.
– Vào các ngày lễ, nhất là vào ngày tết Nguyên Đán, chúng ta tới nhà ông bà để làm gì ?
(Để chúc tuổi, cầu chúc cho ông bà, ba mẹ, chú bác, cô gì,.. được bình an, mạnh khoẻ trong năm mới).
Đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta, giúp chúng ta nhớ ơn các bậc tổ tiên, ông bà đã sinh thành ra chúng ta, và giúp mọi người trong gia đình sống đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Những truyền thống văn hoá này giúp chúng ta có được đời sống phong phú hơn.
Cũng vậy đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cũng gắn liền với việc tôn thờ Thiên Chúa trong Hội Thánh được gọi là Phụng vụ.
–  Vậy phụng vụ là gì ?
Phụng là thờ phượng, vụ là việc, phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh để chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người.
Phụng vụ là hành vi thờ phượng : nhằm tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Phụng vụ là việc thờ phượng mà Hội Thánh dâng lên Chúa Cha để cảm tạ về phúc lộc Người đã ban cho loài người trong Đức Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần nhằm thánh hoá con người.
Qua phụng vụ, Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục thực hiện công trình cứu chuộc là thi ân giáng phúc cho mọi người (xem Ep 1, 9).
Để phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh đòi phải có đủ ba yếu tốsau đây  :
–Yếu tố 1  : Phải là lời kinh chính thức của Hội Thánh được ấn định trong trong sách phụng vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát.
–Yếu tố 2  : Phải do một thừa tác viên hợp pháp chủ sự cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, chứ không phải bất cứ ai cũng được.
–Yếu tố 3  : Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì phụng vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình. Ví dụ, khi một linh mục dâng lễ một mình, linh mục ấy dâng lễ nhân danh toàn thể Hội Thánh.
Như thế có ba việc sau đây được coi là phụng vụ vì có đủ ba yếu tố trên. Em nào cho biết ba việc ấy là gì ?
Thánh lễ, bảy bí tích, các giờ kinh phụng vụ.
Tóm lại, phụng vụ là gì ? (-Việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh).

Ø Khi cử hành phụng vụ, Hội Thánh nhằm mục đích gì ? (Tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người).

Phụng vụ gồm những việc nào ?

   * Đọc chung câu 3
      H. Ai cử hành phụng vụ ?
T. Mọi tín hữu, dù là linh mục hay giáo dân đều tuỳ chức phận mình mà kết hợp với Chúa Kitô là đầu để cử hành phụng vụ.
-Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của ai ? (Chúa Kitô).
-Ai là đầu của Hội Thánh? (Chúa Kitô).
-Mỗi tín hữu là gì của Chúa Kitô ?
              (Là chi thể của Chúa Kitô).
Vì thế, khi Hội Thánh cử hành phụng vụ thì mỗi người tùy theo chức phận của mình  : linh mục, tu sĩ, giáo dân, kết hợp với Chúa Kitô là đầu để cử hành phụng vụ :
– Trong thánh lễ  :
+ Xưa Chúa Giêsu đã dâng mình trên thánh giá, thì nay chính Ngài cũng dâng mình trên bàn thờ qua tay các linh mục. Vậy ai là người dâng lễ  ? (Chúa Giêsu là người dâng lễ).
+ Chúa Kitô hiện diện nơi hình bánh và rượu. Vậy của lễ được dâng trong Thánh lễ là gì ? (Là chính  Chúa Giêsu).
– Trong các bí tích  :
+ Ai ban các bí tích cho ta ?
Qua tay linh mục, Chúa Giêsu ban các bí tích cho ta.
-Trong Lời Chúa  :
Khi ta nghe Lời Chúa, đặc biệt trong Thánh lễ, ai nói với ta ? (Chính Chúa Giêsu nói với ta qua thừa tác viên đọc sách).
– Trong giờ cầu nguyện của Hội Thánh  :
Chúa Kitô hiện diện khi chúng ta cầu khẩn và hát Thánh Vịnh như chính Ngài đã hứa : “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa  họ” (Mt 18, 20).
Tóm lại, những ai được cử hành phụng vụ ?
   Ø Mọi tín hữu kết hợp với Chúa Kitô để cử hành phụng vụ.
   * Đọc chung câu 4 :
         H. Ta phải tham dự phụng vụ thế nào ?
T. Ta phải tham dự cách tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến. Muốn được vậy, ta cần tìm hiểu ý nghĩa những lời nói, cử chỉ và các dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.
– Ta phải có thái độ thế nào khi tham dự phụng vụ ?
(Phải tham dự cách tích cực, đầy ý thức và yêu mến)
– Đầy ý thức và yêu mến nghĩa là gì ?
(Nghĩa là tham dự với sự hiểu biết, tin tưởng và tâm tình yêu mến. Có hiểu biết mới gợi nên trong chúng ta lòng yêu mến.
-Muốn hiểu biết phụng vụ chúng ta phải làm gì ?
(Chúng ta phải học hiểu ý nghĩa lời đọc, cử chỉ, và dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ)ï.
– Cách tích cực, thành kính nghĩa là gì ?
(Nghĩa là cùng thưa kinh, ca hát chung với cộng đoàn, hiệp lòng hiệp ý với chủ tế, với cộng đoàn, không thụ động lười biếng).
– Cách đầy đủ nghĩa là gì ?
(Nghĩa là tham dự đầy đủ từ đầu đến cuối, không bỏ sót bất cứ phần nào).
 
Tóm lại  :
@  Khi tham dự phụng vụ ta cần có tâm tình nào ?
@  Để có những thái độ, tâm tình trên, chúng ta cần làm gì ? (Tìm hiểu học hỏi các nghi thức phụng vụ).
     * Đọc chung câu 5 :
         H. Trong phụng vụ, Lời Chúa đóng vai trò nào ?
T. Lời Chúa giúp ta thấm nhuần ý nghĩa những điều đang cử hành để đáp lại bằng đức tin.
Các em có nhớ, sau khi nghe sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã đáp lại thế nào không ? [“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”(Lc 1, 38).]
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ mới mạnh dạn rao giảng Tin Mừng cho mọi người, dân chúng nghe theo các tông đồ rất đông, ngày hôm ấy có khoảng ba ngàn người theo đạo (x. Cv 2, 14-41).
Các em thân mến ! Sau khi nghe thiên thần truyền tin, Mẹ Maria đã thưa “xin vâng”, ba ngàn người nghe các tông đồ rao giảng đã theo đạo vào ngày lễ Ngũ Tuần cho chúng ta thấy đức tin là một sự đáp lại Lời Chúa nói với mình.
Chính vì thế phụng vụ Lời Chúa là thành phần cốt yếu trong phụng vụ vì Lời Chúa giúp ta thấm nhuần ý nghĩa  những điều chúng ta đang cử hành để chúng ta đáp lại bằng đức tin.
    * Đọc chung câu 6.
     H. Trong phụng vụ, ca nhạc giúp ta thế nào ?
T. Ca nhạc giúp cho phụng vụ thêm tươi đẹp và trang trọng, đồng thời giúp ta tham dự cách tích cực và sống động.
Thánh vịnh 94, mà hôm nay chúng ta vừa nghe, là Thánh vịnh Hội Thánh dùng để khai mạc giờ kinh sáng, mời gọi ta hãy thờ phượng Chúa theo điệu hát cung đàn :
               “Vào trước thánh nhan dâng lời cảm tạ,
              cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 94, 2).
Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu  : “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem  cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, Thánh Thi và Thánh ca do thần khí linh hứng” (Ep 5, 19). Thánh Augustinô còn nói  : “Hát là cầu nguyện hai lần”.
Như vậy hát giúp cho phụng vụ thêm trang trọng và tươi đẹp, giúp ta tham dự cách tích cực và sống động hơn.
V. Cầu nguyện giữa giờ  :
      1. Gợi tâm tình cầu nguyện  :
Các em thân mến ! Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh. Trong phụng vụ ta được kết hợp với Chúa Kitô là đầu và toàn thể Hội Thánh mà tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Với tâm tình thành kính và yêu mến, chị mời các em đứng lên, chúng ta cùng với muôn loài muôn vật hát dâng Thiên Chúa lời ca ngợi.
      2. Cầu nguyện  :
(GLV phải tập trước cho học sinh bài hát)
MUÔN TẠO VẬT ƠI
ĐK : Muôn tạo vật ơi cùng tôi hát lên một bài, ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài. Hỡi người công chính hãy cất cao lên muôn lời, ngợi khen Chúa Trời chan hoà ngàn tiếng nơi nơi.
1. Ngài ban cho tôi biển khơi, núi cao, sông dài. Trời mây tinh tú, trong mát suối reo rừng sâu. Vầng dương chiếu ban ngày, vầng trăng sáng đêm dài. Xuân hạ, thu, đông chan chứa biết bao hồng ân.
VI. Sinh hoạt
VII. Bài tập :
Em hãy tìm câu ở cột B cho hợp nghĩa với câu ở cột A :

Cột A

Cột B

1.   Phụng vụ gồm những việc  :

a.    thấm nhuần ý nghĩa điều đang cử hành để đáp lại bằng đức tin.

2.    Trong Hội Thánh, Phụng vụ được cử hành để

b.   tìm hiểu ý nghĩa những lời nói cử chỉ và dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.

3.    Khi tham dự phụng vụ, ta phải có thái độ

c.    tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.

4.    Muốn tham dự phụng vụ cách thành kính và yêu mến, ta cần

d.    tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến.

5.   Trong phụng vụ, Lời Chúa giúp ta


e.    thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ và phụ tích.

VIII. Sống Lời Chúa
Tuần này mỗi khi tham dự thánh lễ, em nhớ tham dự cách tích cực  : cùng thưa kinh, ca hát chung với cộng đoàn để bày tỏ lòng thành kính, và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi.
IX. Cầu nguyện kết thúc  :
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập ra nhiều phương thế để ban ơn cho chúng con, đặc biệt là Thánh lễ. Xin Chúa giúp chúng con biết đem hết tâm tình mà thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ Chúa mỗi khi tham dự Thánh lễ. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
MỤC II  : BÀI HỌC NHÂN BẢN.
 
 
CHƯƠNG XI
DIỄN TIẾN MỘT TIẾT DẬY BÀI HỌC NHÂN BẢN
 
Trong chương trình Giáo lý các lớp của khối Căn Bản, mỗi lớp có một số bài học nhân bản  : luyện tính tốt.
Khi gặp loại bài này, chúng ta sẽ giảng dậy theo diễn tiến sau đây :
I. Diễn tiến và phân bố thời gian một tiết dậy bài học nhân bản.
1. Cầu nguyện đầu giờ (2 phút).
2. Sinh hoạt (15 phút).
3. Nhận xét phần sinh hoạt. (3 phút).
4. Giải thích bài học nhân bản. (15 phút).
5. Công bố Lời Chúa. (2 phút).
6. Cầu nguyện giữa giờ (theo đề tài bài học). (3 phút).
7. Bài tập. (6 phút).
8. Quyết tâm sống (dốc lòng). (2 phút).
9. Cầu nguyện kết thúc. (2 phút).
II. Lưu ý :
Trừ các phần :
– Sinh hoạt
– Nhận xét
– Giải thích bài học nhân bản.
Các phần còn lại được giảng dậy theo các phương pháp đã trình bầy ở MỤC I  : BÀI HỌC GIÁO LÝ
CHƯƠNG XII
 
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẬY CÁC PHẦN  :
SINH HOẠT – NHẬN XÉT
VÀ GIẢI THÍCH BÀI HỌC NHÂN BẢN

I. Cầu nguyện đầu giờ.
II. Sinh hoạt.
1. Mục đích :
Phần sinh hoạt trong bài học nhân bản được đặt ngay ở đầu giờ học nên mục đích của nó không phải là để giải trí, thư giãn như ở các bài học Giáo lý. Mục đích của phần sinh hoạt này là để dẫn vào bài học, giúp các em dễ hiểu bài học.
Từ phần sinh hoạt này, chúng ta sẽ nêu lên những nhận xét, câu hỏi, giúp các em suy nghĩ, tìm hiểu bài học.
2. Các loại sinh hoạt.
a. Các loại hình sinh hoạt  : Trò chơi, câu chuyện, bài học, hoạt cảnh, chiếu phim …
b. Nội dung : Nội dung của các loại hình sinh hoạt này phải phù hợp với đề tài, nội dung bài học.
3. Số lượng :
Chúng ta có thể chọn 1, 2 hoặc 3 loại hình này tùy vào độ ngắn, dài. Thời gian của phần sinh hoạt này là 15 phút, tối đa 20 phút.
III. Nhận xét phần sinh hoạt.
Sau khi đã cho các em sinh hoạt xong, chúng ta sẽ nhận xét về phần sinh hoạt này. Để giúp các em tự nhận xét về cách sinh hoạt này, chúng ta có thể :
– Đặt ra một số câu hỏi để các em suy nghĩ, tìm hiểu, nói lên nhận xét của mình.
– Chính chúng ta nêu lên nhận xét của mình để củng cố phần nhận xét của các em.
– Từ những nhận xét này chúng ta rút ra bài học.
IV. Giải thích bài học nhân bản.
Sau khi đã nhận xét, chúng ta rút ra bài học. Bài học này đã được trình bày trong sách Giáo lý của học sinh. Chúng ta dựa vào đó để giải thích cho các em.
Sau đây là cách thức, trình tự giải thích bài học nhân bản.
1- Giải thích từng phần bài học (nếu có nhiều phần) được ghi trong sách học sinh. Chúng ta nên sử dụng các sự kiện xảy ra hằøng ngày, các câu chuyện để minh hoạ giúp các em dễ hiểu bài học.
2- Cho các em đọc chung phần vừa giải thích.
3- Tóm ý cho các em ghi vào vở.
Sau khi làm xong phần I, ta tiếp tục làm như thế ở các phần còn lại, cũng theo cách thức này.
4- Sau khi giải thích xong tất cả các phần trong bài học, chúng ta tóm ý toàn bài, dẫn các em vào “tư thế” chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa.
V.   Công bố Lời Chúa.
VI.  Cầu nguyện theo đề tài.
– Lấy vài ý của đoạn Lời Chúa vừa công bố để gợi tâm tình chuẩn bị các em bước vào giây phút gặp gỡ Chúa trong phần cầu nguyện.
– Giúp các em cầu nguyện.
VII.  Bài tập .
VIII. Quyết tâm sống.
IX.   Cầu nguyện kết thúc.
v   BÀI TẬP  :
Chọn một bài Giáo lý luyện tính tốt của khối Căn bản và soạn phần sinh hoạt và nhận xét.
BÀI MẪU  :
LỚP  : CĂN BẢN 1
BÀI 7  : LUYỆN TÍNH TỐT 1
BẮT ĐẦU MỘT NGÀY MỚI
I. Cầu nguyện đầu giờ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con được làm người, đã cho chúng con sống đến ngày hôm nay. Xin Chúa dậy chúng con biết kính trọng thời giờ Chúa ban để mỗi ngày khi thức dậy, chúng con biết cám ơn Chúa đã  cho một ngày mới và biết hăng say vui vẻ đón nhận. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
II. Sinh hoạt
      1. Hoạt cảnh  :
« Nhân vật   : 3 người
  Trang : chị   Dũng : em trai  Bích : em gái.
Tiếng chuông reo, Dũng đi ra hai tay còn dụi mắt.
Dũng  : Chị Trang ơi, có cơm chưa, em ăn đi học ?
Trang  : (Trang đi ra) Ý ! Em dậy rồi à ?
Dũng  : Em ăn cơm đi học.
Trang  : Vội thế ? Vậy em đã đọc kinh gì chưa ?
Dũng  : Chưa, em quên.
Trang : Chết ! Không được, em xưng tội lần đầu rồi mà quên sao ?            Em nhớ mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên em làm là làm dấu Thánh giá, cám ơn Chúa đã cho em qua một đêm bình an và một ngày mới.
Dũng  : Vâng, em nhớ.
(Có tiếng gọi  : Chị Trang ! Chị Trang ! rồi một em gái đi ra, tay cũng còn dụi mắt).
Bích  : Chị Trang ơi ! anh Dũng ngủ dậy không chịu gấp chăn  mùng.
Dũng  : Để đó chị Trang vào gấp, anh không biết.
Bích  : Xí, lớp 4 rồi mà không biết xếp mùng mền, chỉ đi chơi tối ngày không à.
Dũng  : Ừ, vậy mày xếp chưa ?
Bích  : Em xếp rồi nè.
Trang  : Dũng, em Bích nói đúng đó, em lớn rồi, việc nào làm được thì làm, sao em lại nhờ người khác.
Dũng  : Xếp mùng mền khó lắm.
Bích  :  Khó sao em làm được.
Dũng  : Vì mày là con gái.
Trang  : Thôi thôi, để chị nói, Bích nói đúng, sáng dậy sau khi làm dấu Thánh giá, và cám ơn Chúa, các em tự xếp mùng mền cho gọn gàng.
Dũng  : Khó lắm, em xếp nó cứ méo xẹo.
Bích  : Khó sao em xếp được.
Trang  : Em cứ xếp, lần đầu nó méo chị giúp em sửa lại, lần sau em sẽ xếp ngay ngắn hơn như em tập viết vậy đó. Em vào xếp để Bích chỉ cho.
Dũng  : Không, chị chỉ cho em, em không nhờ Bích đâu. (đi vào).
Bích  : Xí, ai mà thèm, em đi đánh răng nghe chị Trang.
Trang  : Ừ, cẩn thận nghe em, lấy kem vừa đủ, đừng để rơi rớt.
Bích  :  Vâng (đi vào).
Dũng  : (đi ra) Xong rồi, em ăn cơm đây.
Trang  : Không được, em chưa đánh răng rửa mặt mà, đi đi.
Dũng : (lạu bạu) Lại đánh răng.
Trang  : Muốn răng không đau, miệng thơm tho, đánh răng tối không đủ, em phải đánh răng cả sáng nữa, chút xíu thôi mà.
(Dũng đi vào, Trang đứng dọn sách vở cho hai em -)
(Dũng+ Bích đi ra, Dũng ra trước)
Bích  : Anh Dũng đọc kinh đã.
Dũng  : Dũng làm dấu rồi mà.
Trang  : Chết, Dũng hư quá. Em nhớ đánh răng rửa mặt xong, em có thể đi dự lễ, nếu không được, em đọc kinh chung dâng mình cho Chúa chứ. Ngày nào em cũng ăn cơm 3 bữa, học hành, vui chơi mà em không biết cám ơn Chúa sao ?
Em nhận được một ngày mới em phải mau mắn đón nhận và cám ơn Chúa nghe không ?
Dũng  :   Nhưng lâu lắm.
Trang  : Em xem, từ lúc em dậy tới giờ mới mười phút, em đọc kinh 5 hoặc 10 phút nữa có là bao so với thời gian một ngày Chúa ban cho em. Sao em tính toán với Chúa thế ? Em không sợ em là người keo kiệt sao ?
Dũng  : Không, em không là người tính toán keo kiệt.
Trang  : Vậy hai em vào đọc kinh, nếu mỗi sáng chúng ta thức dậy vui vẻ, làm những công việc đầu tiên mau mắn, ý thức, thì cả ngày hôm đó ta sẽ thấy vui vẻ, yêu đời, yêu người hơn. Thôi vào đi, chị sửa soạn ăn sáng cho các em đây.
            (Tất cả đi vào)  Hết.
      2. Truyện kể  :
NÁO NỨC NGÀY KHAI TRƯỜNG.
– Mẹ ơi, bao tập sao cho đẹp hả mẹ ? Mẹ chỉ giùm con đi.
Nghe Điền gọi mẹ vội chạy đến  :
– Thôi để đó mẹ bao cho mà.
Điền nằn nì  :
– Sắp đi học rồi, con muốn tự tay mình bao tập hà !
Chiều ý Điền, mẹ tỉ mỉ chỉ cách cho Điền. Làm xong việc, Điền ngắm nghía quyển tập đã bao xong, nhoẻn miệng cười !
Trước ngày khai trường, bạn Lê Phước Điền (Lớp 4 phân hiệu Mỹ Phú, trường tiểu học Tân Kiên, Bình Chánh) sửa soạn cho việc khai trường của mình như vậy đó ! Suốt trong ba tháng hè, Điền đã đi đặt lợp bắt cá bống dừa, đem bán để dành tiền. Điền đã gửi mẹ được 17 ngàn để may áo mới đó nha !
Ngoài chuẩn bị sách vở, bạn ấy còn lau chùi lại chiếc cặp cũ, góc bàn học tập. Nhưng đặc biệt dễ thương nhất là Điền tự xem, ôn lại các bài học cũ. Chiều nào bạn cũng chịu khó ra ngoài dựa gốc tràm với quyển sách toán ở trên tay. Những lúc ấy, dù các bạn ở gần nhà có rủ chơi bắn bi, trốn tìm, Điền vẫn lắc đầu từ chối  : “Thôi ! Tui mắc học rồi. Chừng nào học xong tui sẽ chơi”.
Liên tục trong bốn năm liền, Điền đạt học sinh giỏi, luôn đứng đầu lớp đó các bạn! Năm học này, Điền sẽ lên lớp 5 và nhất định bạn sẽ ráng học để không thua kém những năm trước.
Lỏn lẻn cười, Điền lí nhí  : “Nghỉ hè lâu rồi bây giờ tui muốn đi học quá hà! Tui ráng sao học thiệt giỏi để cho ba má vui lòng”.
Náo nức ngày khai trường, chuẩn bị kỹ tập sách, ôn bài học cho năm học mới… bạn Điền sẽ đạt được két quả tốt trong năm học phải không các bạn !
III. Nhận xét  :
      1. Nhận xét về hoạt cảnh  :
Giáo lý viên đặt một số câu hỏi gợi ý để các em nhận xét.
a. Hoạt cảnh vừa rồi có mấy nhân vật ?
(Có 3 nhân vật  : Trang  : chị,  Dũng  : em trai, Bích  : em gái).
b. Dũng khởi đầu một ngày như thế nào ?
c. Bích khởi đầu một ngày như thế nào ?
d. Ai khởi đầu một ngày tốt nhất ?
      2. Nhận xét truyện kể  :
Khởi đầu một năm mới, bạn Điền đã làm gì ?
– Chuẩn bị rất chu đáo vở, cặp sách, bút mực…
– Xem lại các môn học trong năm vừa qua.
– Bớt chơi để thời giờ học hành.
Năm học mới của Điền chắc chắn sẽ tốt đẹp.
Qua hoạt cảnh và truyện kể trên chúng ta học được những gì ? (Có thể hỏi một hai em sau đó đúc kết).
IV. Giải thích bài học nhân bản
Người Việt ta có câu “Đầu xuôi đuôi lọt”, mỗi buổi sáng là khởi đầu cho cuộc sống mới. Nếu ngay từ đầu ta biết đón nhận, hướng những tâm tình tốt lên Chúa và chu toàn những công việc đầu tiên cách vui vẻ thì ngày đó chắc chắn chúng ta sẽ sống tốt.
Những việc đầu tiên trong ngày là :

Ø Nghe báo thức, dậy ngay vui vẻ.

Ø Làm dấu Thánh giá, cám ơn Chúa đã cho ta qua đêm bằng yên và dâng ngày mới cho Chúa. Các em đọc kinh nguyện đầu ngày  : “Lậy Cha nhân lành… yêu mến mọi người”. (Sách  GLCB 1, trang 26).

Ø Sau đó các em xếp mùng mền gọn gàng, đánh răng, rửa mặt.

Ø Nếu có thể, em đi dự thánh lễ, ôn bài, ăn sáng và đi học.

Ø Câu tâm niệm trong ngày :

Các em hãy ghi nhớ lời thánh Gioan Boscô : “Một giờ kiếm được cho ban sáng là một kho tàng cho ban chiều”.
Thời gian Chúa ban là vô giá, ta phải biết đón nhận và sử dụng cẩn thận ngay từ những phút ban đầu.
V.  Công bố Lời Chúa  : Mc 1, 35-39.
VI. Cầu nguyện giữa giờ
      1. Gợi tâm tình :
Quan sát những việc chung quanh các em thấy :
* Mỗi sáng, trước khi chuyến xe đò chạy, nó được bác tài kiểm tra, chăm sóc thật kỹ. Kết quả xe chạy đến nơi không bị trục trặc giữa đường.
* Một em học sinh ngay từ đầu năm đã biết chăm chút sách vở, học cụ, chuẩn bị bài vở tốt, kết quả năm học đó sẽ có kết quả tốt.
* Khởi đầu một ngày, Chúa Giêsu đã đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện như bài Tin mừng các em vừa nghe.
Qua đó các em thấy rằng những công việc nào ngay từ đầu ta đã biết vui vẻ, hăng say thì chắc chắn kết quả sẽ mỹ mãn.
Một ngày mới Chúa ban cho các em, ngay từ đầu, các em đã biết vội vã vui vẻ đón nhận và chuẩn bị những công việc đầu tiên cách chu đáo thì chắc chắn ngày đó các em sẽ sống tốt.
Với tâm tình đó, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
      2. Cầu nguyện  :
Lậy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian, Chúa đã khởi đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện. Xin giúp chúng con ngay khi vừa thức dậy, biết dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã gìn  giữ  chúng con một đêm ngủ bình an, biết dâng ngày sống cho Chúa, biết khiêm tốn xin Chúa gìn giữ, chúc lành cho một ngày sống mới, để mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm trong ngày của chúng con luôn đẹp lòng Chúa, mang lại lợi ích cho chúng con và cho mọi người. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
 
VII. Bài tập  :
       1. Đánh giá đúng sai.
a. Ngay khi thức dậy Dũng đã vội vã đòi  ăn cơm để đi học.
b. Vì là con út, có anh chị lớn, nên việc xếp mùng mền sau khi thức dậy, em để cho các chị làm.
c. Sáng nay, khi vừa thức dậy, em đã làm dấu Thánh giá và dâng ngày cho Chúa.
       2. Điền vào chỗ trống.
Chọn các từ sau đây điền vào chỗ trống : Thánh lễ, thức dậy ngay, đánh răng rửa mặt, xếp mùng mền, đi học, ăn sáng.
Mỗi buổi sáng, khi nghe báo thức, em……. Sau đó, em…..   và ………., rồi đến nhà thờ để tham dự ………. Lễ xong, em mau mắn về nhà…….. và ………..
VIII. Quyết tâm
Tuần này, các em cố gắng thức dậy ngay khi nghe báo thức, làm dấu Thánh giá và đọc kinh nguyện sáng (trong sách).
IX. Cầu nguyện kết thúc.
– Lậy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con một giờ học bổ ích. Xin cho chúng con biết quí trọng ngày giờ Chúa ban để chúng con sống mỗi ngày mỗi tốt hơn. Và xin Chúa thêm ơn giúp sức để chúng con thực hành điều chúng con đã quyết tâm. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
–  Đọc kinh Sáng danh
CHƯƠNG XIII: TỔ CHỨC LỚP HỌC
I. Giáo lý viên  :
Mỗi lớp Giáo lý, nên có 2 Giáo lý viên phụ trách  :
– Một Giáo lý viên chủ nhiệm.
– Một Giáo lý viên phụ trách sinh hoạt, phụ trách cơ sở vật chất.
II. Học sinh.
1. Ban cán sự lớp :
a. Ban cán sự lớp gồm : Lớp trưởng, lớp phó, đội trưởng, đội phó.
– Lớp trưởng : Chỉ đạo chung, thực hiện kế hoạch Giáo lý viên giao. Phụ trách đánh giá thi đua các đội theo nội dung thi đua của ban Giáo lý Giáo Xứ, của lớp đề ra.
– Lớp phó : phụ trách kỷ luật, vệ sinh trong lớp học, điểm danh báo cáo cho Giáo lý  viên.
– Đội trưởng, đội phó : điều khiển mọi hoạt động của đội.
    2. Đội.
a. Chia đội : Chia lớp làm 3 hay 4 đội, tối đa mỗi đội 10 em.
Khi chia đội cần lưu ý :
– Địa bàn : Nên chia vào cùng một đội những em sống trong cùng một khu, một xóm gần nhau.
– Giới tính : Chia đều nam nữ để bổ túc cho nhau.
– Trình độ Giáo lý và văn hoá : Chia đều em giỏi và em kém hơn vào một đội.
– Trình độ đạo đức : Chia các em chưa tốt vào các đội và giao cho đội trưởng, đội phó hướng dẫn.
       b. Trong việc học Giáo lý.
         – Ở lớp :
*   Đội trưởng, đội phó : Giữ  gìn trật tự trong đội khi học tập và sinh hoạt.
*   Đội trực : Mỗi tuần một đội được phân công trực lớp : Làm vệ sinh, xếp hàng vào lớp, chào Giáo lý viên khi vào lớp và ra về.
         – Ở nhà : Đội động viên nhau, nhắc nhở nhau sống điều quyết tâm trong tuần.
         – Trong sinh hoạt :
Đội là đơn vị thi đua. Mỗi đội viên phải bảo vệ danh dự cho đội. Về tâm lý, hễ có thi đua thì có khen thưởng, vì thế mỗi lớp nên  có cờ thi đua phát cho đội  đứng đầu và kèm theo hiện vật : ảnh Chúa, các Thánh, tràng hạt, cây bút, cuốn vở ….
Để việc thi đua tốt, Giáo lý viên nên soạn nội dung thi đua từng đợt, mỗi đợt có thể là một tháng và một nội dung thi đua..
Ví dụ :
-Tháng giêng : không vắng một buổi học nào khi không có lý do chính đáng.
-Tháng hai : Đề ra một nội dung khác : mỗi tuần đi lễ thêm một ngày ngoài ngày Chủ nhật. Nhưng Giáo lý viên lưu ý không bỏ nội dung thi đua tháng trước, vẫn tiếp tục giữ.
Đội trưởng là người chỉ huy các công việc.
    3. Sơ đồ lớp học :
a. Mỗi lớp phải có một sơ đồ lớp chỉ rõ chỗ ngồi của mỗi học sinh :
–  Xếp ngồi theo đội.
–  Học sinh giỏi, khá ngồi bàn trên.
–  Học sinh trung bình, yếu ngồi bàn dưới.
–  Lớp trưởng và lớp phó ngồi ở hai đầu bàn cuối lớp để quan sát lớp học về học tập và sinh hoạt.
Ví dụ : SƠ ĐỒ ĐỘI 1 CỦA LỚP GIÁO LÝ.
Bảng
Giá sách                                        Bàn GLV
* Nếu lớp học chỉ có một dãy bàn :
 

An

Bích

Cúc

Danh

Liên

Đội 1:                          Đội trưởng â                                                            Đội phó â
Bàn HS giỏi, khá ®  

Đức

Giang

Minh

Nhật

Khánh

HS trung bình, yếu ®  
(Rồi đến đội 2, 3)


ĐỘI 2 ĐỘI 1

 


ĐỘI 1 ĐỘI 1

 

* Nếu lớp học có hai dãy bàn :

ß HS giỏi à


ĐT                          ĐP


ĐT                          ĐP

â                                                          â

ß HS yếu à

 

 b. Lợi điểm :
– Điểm danh nhanh chóng chính xác.
– Đội nhắc nhở nhau học tập, giữ kỷ luật.
– Giáo lý viên nắm bắt rõ đối tượng : giỏi, khá, trung bình, yếu để có thể đặt câu hỏi phù hợp với mỗi em, dễ để mắt  theo dõi những em  cá biệt cần giúp đỡ.
III. Công việc của Giáo lý viên chủ nhiệm.
      1. Điều tra cơ bản học sinh :
a. Khi được giao một lớp Giáo lý, trong buổi học đầu tiên, Giáo lý viên nên xem :
Sổ điểm, sổ điểm danh, sổ chủ nhiệm của năm cũ. Sau đó gặp gỡ Giáo lý viên chủ nhiệm của lớp đó năm trước để hỏi về :
– Tình hình làm việc của cán sự lớp.
– Tình hình của các em học sinh : học sinh gương mẫu, những em cá biệt.
– Nhận định chung về ưu khuyết của năm trước.
Nếu là lớp mới mở, không làm bước  (a)  nữa, nhưng làm từ bước (b)  dưới đây :
           b. Trong buổi học đầu tiên, giáo lý viên nên làm các việc sau đây :
– Giới thiệu về mình : họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ.
– Cho các em chơi một trò chơi, hát chung một bài hát để gây thiện cảm, tạo một bầu khí vui tươi giữa giáo lý viên và học sinh.
– Tạm giữ cơ cấu năm trước nếu là lớp cũ. Nếu là lớp mới mở, giáo lý viên dự kiến tạm, và tổ chức lớp sau.
– Giáo lý viên hướng dẫn một số nền nếp lớp học mà học sinh cần tuân thủ, có thể thực tập ngay.
– Làm sẵn phiếu điều tra cơ bản và phát cho các em làm : Lý lịch, văn hoá, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…
      2. Soạn kế hoạch chủ nhiệm.
a. Ban Giáo lý giáo xứ chắc chắn sẽ có kế hoạch chung, nhưng Giáo lý viên cũng phải có kế hoạch riêng phù hợp với lớp học của mình.
b. Khi có kế hoạch chủ nhiệm thì chẻ nhỏ vấn đề để đưa vào áp dụng từng tuần, đan xen với kế hoạch của ban Giáo lý giáo xứ. Có làm như thế, ta mới đáp ứng được cái chung và giải quyết được cái  riêng của lớp.
      3. Triển khai kế hoạch vào sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.
a. Họp ban cán sự lớp :
–  Đối tượng : Trưởng lớp, phó lớp, đội trưởng, đội phó.
– Thời gian họp : Khoảng 10 đến 15 phút sau mỗi buổi học.
–  Nội dung buổi họp : Rút kinh nghiệm, phổ biến kế hoạch tuần tới, tháng tới, học kỳ tới.
–  Mục đích :
* Thu nhận thông tin về kết quả giáo dục và nắm bắt vấn đề mới nảy sinh để đưa vào kế hoạch trong thời gian tới.
*  Đánh giá thi đua và việc thực hiện kế hoạch tuần, tháng qua.
*  Báo cáo tình hình lớp, đội cho Giáo lý viên.
* Phổ biến kế hoạch tuần tới, tháng tới và phân công cụ thể.
*  Giải đáp các vấn đề do ban cán sự lớp yêu cầu.
b. Huấn luyện ban cán sự lớp :
Các em là nhân tố nòng cốt của lớp học, nên giáo lý viên phải :
–  Chú ý nâng cao trình độ Giáo lý của các em.
–  Hướng dẫn các em nắm vững nội dung công việc, phương pháp áp dụng.
–  Đào tạo các em có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có óc sáng tạo để làm nhanh công việc và đạt hiệu quả cao.
–  Nên tới nhà các em thăm hỏi và động viên các em.
      4. Gặp gỡ cha mẹ học sinh :
Để việc học Giáo lý và sống đạo của các em có kết quả tốt, giáo lý viên nên gặp gỡ, liên lạc với cha mẹ của các em học sinh qua các cách thế sau đây :
a. Làm phiếu liên lạc báo điểm và nhận xét hàng tháng cho các phụ huynh biết.
b. Liên lạc với phụ huynh của các em có vấn đề để kết hợp giáo dục.
CHƯƠNG XIV: PHƯƠNG PHÁP DỰ GIỜ VÀ ĐÁNH GIÁ MỘT TIẾT DẬY GIÁO LÝ
 I. Mục đích :
    1. Đối với những người phụ trách Giáo lý giáo xứ :
Tổng hợp cái hay, cái sáng tạo của các Giáo lý viên để phổ biến cho tập thể giáo lý viên. Thấy được cái yếu, khuyết điểm chung của các giáo lý viên, những người phụ trách giáo lý giáo xứ sẽ hướng dẫn, sửa chữa, tổ chức chuyên đề để khắc phục.
    2. Đối với giáo lý viên phụ trách tiết dậy Giáo lý :
Bồi dưỡng tay nghề.
    3. Đối với giáo lý viên dự giờ :
Học hỏi những cái hay, cái sáng tạo, phương pháp của bạn, tránh được những thiếu sót trong tiết dậy, nhờ đó dậy tốt hơn các tiết dậy của mình.
II. Các loại tiết dự giờ.
    1. Tiết dự giờ minh hoạ :
– Trong các khoá huấn luyện giáo lý viên : Sau khi đã học lý thuyết, nên có một tiết dậy Giáo lý minh họa để áp dụng những điều đã học. Vì thế tiết dậy Giáo lý này phải được soạn thảo kỹ lưỡng, có đầu tư, có suy nghĩ kỹ hơn từ nội  dung, phương pháp đến đồ dùng dậy học.
– Trong giáo xứ : Thỉnh thoảng nên tổ chức một tiết Giáo lý minh hoạ nhằm điều chỉnh, sưởi ấm, nâng cao phương pháp giảng dậy cho giáo lý viên và việc học hỏi tích cực của học sinh.
Vì thế, giáo lý viên đứng lớp minh hoạ này phải chuẩn bị tiết dậy thật chu đáo từ nội dung, phương pháp tới đồ dùng dậy học và chuẩn bị cho học sinh lớp của mình phương cách tham gia học hỏi cách tích cực như hăng hái tham gia phát biểu ý kiến – thảo luận sôi nổi – nghiêm trang trong cầu nguyện – nghiêm túc khi làm bài tập – hết mình trong sinh hoạt ….
    2. Tiết dự giờ đột xuất :
Kết quả mà các học sinh học hỏi được ở giáo lý là trong giờ Giáo lý hàng tuần. Giáo lý viên dậy với sự chuẩn bị bình thường, theo hoàn cảnh, thời gian và khả năng tiềm tàng mình  có. Đó mới là thực chất giảng dậy của giáo lý viên. Vì thế các ban điều hành Giáo lý cần có những buổi dự giờ đột xuất để :
– Nắm bắt năng lực qua thực tế giảng dậy của Giáo lý viên.
– Nắm bắt những yếu kém ở tiết học bình thường để lên chuyên đề bồi dưỡng, hướng dẫn, sửa chữa.
III. Phương pháp dự giờ và đánh giá một tiết dậy Giáo lý.
    A. Phương pháp dự giờ.
Khi dự một tiết dậy Giáo lý, Giáo lý viên sẽ làm hai việc này : Theo dõi bài dậy và góp ý về bài dậy đó.
         1. Theo dõi bài dậy.
a. Thời gian : Giáo lý viên dự giờ ghi  nhận :
*  Toàn bộ thời gian của tiết dậy Giáo lý : bao nhiêu phút  ?
*  Sự phân bố thời gian của mỗi bước trong 9 bước của một tiết dậy Giáo lý.
Ví dụ :
 Cầu nguyện đầu giờ mấy phút ?
‚ Dẫn vào Lời Chúa mấy phút ?
ƒ Giải thích Lời Chúa mấy phút ? …
Giáo lý viên đánh giá xem sự phân bố thời gian như thế có hợp lý chưa ?
             b. Diễn biến bài dậy :
Ghi diễn biến tóm tắt. Nếu có câu nói nào hay hoặc chưa hay ghi lại để góp ý.
             c. Ưu điểm :
Ghi những điểm hay đáng học tập.
             d. Khuyết điểm   (tồn tại) .
Ghi những khuyết điểm. Phần này nên đối chiếu với tiêu chuẩn đánh giá 1 tiết dậy Giáo lý sẽ trình bày ở phần sau, xem người dậy có khuyết điểm ở phần nào để cho điểm theo quy định.
          Điểm chỉ là một cơ sở để đánh giá, cái chính là kết quả tổng thể của bài dậy.
         2- Góp ý tổng quát :
Sau khi đã theo dõi bài dậy, giáo lý viên dự giờ góp ý cách tổng quát về : nội dung, phương pháp và kết quả giảng dậy.
B. Tiêu chuẩn đánh giá một tiết dậy Giáo lý.
(in và phát cho mỗi Giáo lý viên 1 bản khổ giấy A4)
CHƯƠNG XV: CHUẨN BỊ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC
 Sau khi học xong lớp Căn Bản 4, các em sẽ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Sau 4 năm học Giáo lý, các em đã có cái nhìn, sự hiểu biết tổng quát về Lịch sử Cứu Độ đã diễn ra trong quá khứ và đang diễn ra hôm nay dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và thế giới.
Hy vọng các em ý thức được rằng chính các em đang sống trong dòng lịch sử này.
Chính Chúa Thánh Thần mà các em sẽ lãnh nhận trong Bí tích Thêm Sức sẽ biến đổi, giúp đỡ các em sống trọn vẹn cuộc đời làm con Chúa, làm các em lớn lên, gắn bó với Hội Thánh, trở thành nhân chứng của Đức Kitô, hăng say rao giảng Nước Trời bằng lời nói, việc làm, thái độ sống và bằng chính cuộc đời của các em.
I. Thời gian chuẩn bị : ít nhất là hai tuần.
Để lãnh nhận Bí tích Thêm sức cách đúng đắn và hiệu quả, các em cần phải được chuẩn bị cách chu đáo. Vì thế, sau khi các em học xong lớp căn bản 4, chúng ta dành ra ít nhất là 2 tuần để chuẩn bị gần cho các em.
II. Những việc cần chuẩn bị.
      1. Mời gọi các em đi lễ mỗi ngày trong thời gian chuẩn bị.
      2. Ôn  tập về Bí Tích Thêm sức.
       a. Sách Giáo lý Căn Bản 4 :
– Bài 14 : Bí Tích thêm Sức : ghi ấn tín ơn Chúa  Thánh Thần.
       b. Sách Giáo lý Căn bản 3 :
– Bài 1 : Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa;
– Bài 2 : Chúa Thánh Thần trong Cựu ước.
– Bài 3 : Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Đức  Giêsu.
– Bài 4 : Chúa Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh.
– Bài 7 : Cộng đoàn Hội Thánh.
– Bài 8 : Hội Thánh theo chương trình của Thiên Chúa.
– Bài 9 : Những khía cạnh của mầu nhiệm Hội Thánh.
       c. Sách Giáo lý Căn Bản  4.
– Bài 15 : Bí tích Thêm Sức làm ta nên nhân chứng của Đức Kitô.
       d. Lưu ý : Những ý cần làm nổi bật khi ôn tập.
Khi ôn tập cho các em các đề tài trên, chúng ta cần nhấn mạnh đến các ý chính sau đây :
– Ngày nay, trong Bí tích Thêm sức, Chúa Giêsu ban cho ta chính Chúa Thánh Thần mà Ngài đã hứa và đã ban cho các tông đồ xưa.
– Chúa Thánh Thần đã hoàn toàn đổi mới các tông đồ. Ngài có thể biến đổi mọi sự nếu ta biết nghe theo Ngài.
– Chúa Thánh Thần giúp ta sống như con Thiên Chúa cách trọn vẹn. Ngài là ánh sáng soi dẫn, là sức mạnh an ủi và nâng đỡ, là lửa mến nung nấu tâm hồn.
– Chúa Thánh Thần liên kết ta với Hội Thánh, làm ta trưởng thành và làm cho cả Hội Thánh lớn lên.
– Chúa Thánh Thần biến ta thành người đi làm chứng cho Thiên Chúa và mở rộng nước Ngài.
      3. Tập nghi thức lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
         a. Chọn người đỡ đầu  :
Giáo lý viên nói với các phụ huynh và các em chọn người đỡ đầu. Cũng như  trong Bí Tích rửa tội, khi chịu Bí tích Thêm Sức, ta cần có người đỡ đầu để giúp ta trên đường theo Chúa. Nếu được, nên nhờ người đã đỡ đầu Rửa tội làm người đỡ đầu Thêm sức.
       b. Nghi thức ban Bí tích Thêm Sức.
Nghi thức ban Bí tích thường được cử hành trong thánh lễ, sau phần Phụng vụ Lời Chúa và diễn ra như sau :
–  Cha Xứ hoặc vị phụ trách giới thiệu các em với Đức giám mục và xin Đức Giám mục ban bí tích Thêm Sức cho các em : Giới thiệu con số (Nam + Nữ), thời gian học Giáo lý chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm sức.
–  Sau bài giảng, Đức Giám Mục mời gọi những người sắp lãnh nhận bí tích này lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi chịu Bí tích Rửa Tội.
–  Tiếp đó, Ngài đặt tay đọc lời nguyện xin Chúa  ban Thánh Thần cho các em.
– Sau cùng, Ngài xức dầu Thánh (Dầu Christma-SC) trên trán mỗi em và nói  : “(Tên Thánh và tên gọi em lãnh nhận Bí tích) Con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Các em thưa  : “Amen”, rồi Ngài chúc bình an cho em ấy với lời chúc  : “Bình an của Chúa ở cùng con” các em đáp : “Và ở cùng cha”.
       c- Tập các nghi thức :
– Tập cho các em các lời đáp khi tuyên xưng đức tin : Thưa, con từ bỏ  –  Thưa, con tin.
–  Tập cho các em và người đỡ đầu di chuyển có trật tự.
–  Tập cho các em các câu đáp khi Đức giám mục ban Bí tích Thêm Sức :
* Đức giám mục : ………con hãy lãnh nhận  ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.
Các em đáp  : Amen.
* Đức Giám Mục : …  Bình an của Chúa ở cùng con.
Các em đáp  : Và ở cùng cha.
– Tập cho người đỡ đầu :
Khi Đức Giám Mục xức dầu thánh, người đỡ đầu đặt tay phải trên vai phải người con mình đỡ đầu.
      4. Tĩnh tâm :
Chúng ta nên dành thời gian giúp các em tĩnh tâmgần ngày các em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
– Nội dung hướng dẫn  : Bổn phận làm chứng  cho Chúa và mở rộng nước Người.
– Giúp các em xưng tội.
      5. Tổ chức Thánh Lễ ban Bí tích Thêm Sức.
Đây là dịp rất đáng nhớ của các em, Giáo lý viên và các phụ huynh hợp tác với Cha Quản Xứ  tổ chức thánh lễ ban Bí tích Thêm sức này cách trang trọng, trật tự, sống động và sốt sắng :
–  Trang trí nhà thờ.
– Tập cho các em một số bài hát cộng đồng trong thánh lễ ban Bí tích Thêm sức. –
– Tập dâng lễ vật.
– Tập cho một em đọc lời cảm ơn Đức Cha, Quý Cha, quí thầy, quí dì, các phụ huynh, các Giáo lý viên ….
– Quà lưu niệm.
– Chụp hình, quay phim.
Lưu ý  :
Thời gian chuẩn bị cần liên tục mỗi ngày, nên tốt nhất chúng ta hãy tổ chức thánh lễ ban Bí tích Thêm sức vào mùa hè.

Nguồn: Giáo Phận Đà Lạt