Vấn Đề Lương Tâm Và Vai Trò Giáo Huấn Của Giáo Hội


​​​​Phêrô Nguyễn Văn Hảo, OFM.

Lời mở

Chúng ta có thể nói được rằng; Lương tâm là một trong những nền tảng của lãnh vực đạo đức và luân lý. Vì thế, nếu hiểu sai về lương tâm hoặc lương tâm bị bóp nghẹt thì đời sống đạo đức của cá nhân cũng như của xã hội sẽ có nguy cơ chết dần chết mòn. Thế nhưng, khi chúng ta nhìn thực tế vào xã hội của chúng ta hiện nay ta thấy có rất nhiều người đang uốn nắn lương tâm của mình, bất chấp luật tự nhiên cũng như giáo huấn của giáo hội với mục đích cá nhân riêng tư.


Như việc một số người ủng hộ phá thai, siêu âm bỏ đi những thai ngoài ý muốn, thực hành cái chết êm dịu… mà họ vẫn nhân danh rằng vì lương tâm, vì yêu thương họ không muốn cho nạn nhân sống trong đau khổ, họ làm thế vì lương tâm họ mách bảo là để xã hội bớt đi gánh nặng.

Cũng có thể họ hành động theo lương tâm nhưng lương tâm của họ phán đoán có đúng không? Họ dựa vào tiêu chuẩn nào để cho rằng những việc làm trên là vì lương tâm? Lương tâm của họ có tuân theo một chỉ dẫn nào hay không? Là Kitô hữu, tôi tin chắc rằng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo sẽ giúp ta trả lời những câu hỏi trên đồng thời là bản chỉ dẫn giúp cho Lương tâm con người thời đại có được những chọn lựa những quyết định đúng đắn hơn, đem lại hạnh phúc và tự do đích thực.

Tôi tin thế, nhưng vì kiến thức còn hạn hẹp nên trong bài này tôi chỉ tìm hiểu và giới thiệu một cách khái quát về lương tâm và vai trò giáo huấn của Giáo Hội trên lương tâm.

I. GIÁO HUẤN

Khi nói đến vai trò giáo huấn của Giáo Hội thì ta nghĩ ngay đến Huấn quyền và Giáo huấn, bởi hai hạn từ này liên hệ đến công tác giảng dạy của Giáo Hội, đôi khi được sử dụng đồng nghĩa với nhau.

1. Huấn quyền

Từ masgisterium do từ Latin masgiter nghĩa là thầy dạy, và từ này được dùng để chỉ quyền giáo huấn của Giáo Hội. Giáo Hội Công Giáo tin rằng quyền và nhiệm vụ của thẩm quyền dạy dỗ Tin Mừng chân chính của Chúa Giêsu Kitô thuộc về Đức Giáo Hoàng và các giám mục hiệp nhất với Giáo Hoàng. Họ là những người kế vị các tông đồ và Chúa Giêsu đã trao cho họ nhiệm vụ giúp dân Chúa hiểu và sống sứ điệp Tin Mừng.[1] Họ cũng được trao nhiệm vụ bảo vệ nguyên tuyền giáo huấn chân thực của Chúa Giêsu Kitô.[2]

2. Giáo huấn

Theo từ điển Tiếng Việt, giáo huấn nghĩa là dạy bảo điều hay lẽ phải.[3] Đồng thời nó cũng đồng nghĩa với giáo dục và giáo hối.[4] Mà giáo dục là một trong những quyền lợi hàng đầu của con người, đi liền với phẩm giá được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là sự rèn luyện thể lý, trí tuệ và luân lý nhằm đào tạo trẻ trong viễn tượng cứu cánh sau cùng. Giáo dục một đứa trẻ là giúp nó trở thành một người tự do và có trách nhiệm trong đời sống cá nhân và xã hội. Sứ mệnh ấy là nhiệm vụ đồng bộ của cha mẹ, nhà trường và Giáo Hội.[5]

Như vậy, ta có quyền nói được rằng Giáo huấn là việc dạy dỗ, rèn luyện về chữ nghĩa cũng như đức hạnh, hay nói cách khác giáo huấn là việc giáo dục con người để con người sống đúng người hơn, đúng phẩm giá của mình.

Tóm lại Huấn quyền hay Giáo huấn là quyền lợi và nghĩa vụ giảng dạy chân lý được mạc khải đích thực, và bổn phận của người kitô hữu là phải chấp nhận với sự suy phục của tâm tư và trí tuệ trước đạo lý đã được đề cập.[6] Đôi khi chúng ta bắt gặp từ ‘quyền giáo huấn thông thường’ và ‘quyền giáo huấn ngoại thường’ thiết nghĩ sẽ tốt hơn khi ta ghi nhận vắn tắt ý nghĩa của các hạn từ này.

Quyền giáo huấn ngoại thường được thực thi khi Đức Giáo Hoàng cùng với giám mục đoàn hay một mình Đức Giáo Hoàng long trọng tuyên bố một gáo huấn nào đó có mức độ ràng buộc đức tin và phải được tin bởi toàn thể Giáo Hội.[7]

Quyền giáo huấn thông thường được thực thi trong khi thi hành trách nhiệm mục vụ bình thường của mình, dạy về những vấn đề liên quan đến đức tin hay luân lý. Và như thế, theo nghĩa hẹp, hạn từ magisterium  chỉ tới những người có quyền dạy dỗ người khác theo quyền hạn của chức vụ họ: đó là Đức giáo hoàng và các giám mục.[8]

II. LƯƠNG TÂM

- Theo Từ Điển Tiếng Việt: “Lương tâm là yếu tố nội tâm tạo cho con người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về hành vi đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình”.[9]

- Từ Điển Triết Học: “Lương tâm là khả năng phán đoán về thiện ác theo quy luật đạo đức”.[10]

- Đạo Đức Học, 12 ABCD: “Lương tâm (hay ý thức đạo đức) là khả năng giúp ta nhận biết điều Thiện, điều Ác và cũng là khả năng thúc đẩy ta phê phán và hành độnghợp với điều Thiện”.[11]

- Còn theo Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh thì “Lương tâm là một khả năng trực giác giúp con người phán đoán một hành vi đã làm hay sẽ làm. Không phải chỉ là một hiểu biết lý thuyết về điều lành điều dữ, nhưng còn là một phán đoán thực tiễn nhờ đó người ta quả quyết điều này đối với tôi là tốt hay xấu”.[12]

Như vậy, theo các định nghĩa trên thì dù người có niềm tin tôn giáo hay không có niềm tin tôn giáo đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. “Tiếng nói ấy vang lên rất đúng, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác”.[13] Ta gọi tiếng nói ấy là lương tâm, và bởi vì tất cả mọi người đều nhìn nhận sự có mặt của lương tâm, nên lương tâm trở thành nền tảng để tất cả mọi người cùng tìm kiếm và giải quyết những vấn đề luân lý và đạo đức trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống xã hội.

Đối với người Kitô hữu, lương tâm còn là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người, ở đó con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.[14] Chính vì thế khi nghe tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa. Đó là một dạng quan niệm lương tâm theo người kitô hữu. Tuy nhiên, trước khi có Kitô giáo thì đã có không ít (khái niệm) quan niệm về lương tâm rồi. Như vậy, để hiểu rõ hơn về lương tâm có lẽ chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm một số dạng lương tâm phổ biến.

III. CÁC DẠNG LƯƠNG TÂM

1. Lương Tâm trong khôn ngoan nhân loại

Nhân loại luôn có cái xác tín căn bản chung: hễ là người là đều có kinh nghiệm có một thứ tiếng nói sâu xa nơi cái tâm của con người: Hướng về sự Thiện. Điều này không phải phát sinh do ý muốn ngay lành, vì ý muốn của con người có thể có khả năng đẩy lui lí lẽ của lý trí, và chọn hẳn cái xấu, nhưng vẫn không dập tắt được tiếng lương tâm, có thể gọi tiếng vang ấy là phú bẩm. Chúng ta nói rõ: đây là tiếng, là giọng nói của ai đó, mà con người không thể thoát được. Theo văn hóa của nhiều dân tộc thì  gọi tiếng vang đó là “khả năng linh thiêng”, “con mắt thần linh”.

2. Lương Tâm theo quan điểm Kitô Giáo

Trong Kinh Thánh không gặp thấy tiếng này rõ ràng nhưng thường dùng tiếng “tâm”, “lòng” để chỉ về một thực tại sâu thẳm ở nơi con người, vừa khuyến khích cảnh giác người ta, vừa thúc đẩy người ta kêuthấu tới Thiên Chúa. Chúa dò thấu cái “tâm” người ta; tội lỗi đã phạm cứ gặm nhấm nội tâm người ta: “Này các tôi tớ Ta sẽ reo hò, lòng hớn hở, còn các ngươi sẽ kêu la, lòng đau đớn, khí lực tan vỡ, các ngươi sẽ rú lên” (x. Is 65, 54). Cái “tâm” này chuẩn y hay trách móc hành động người ta.

a. Cựu Ước


Trong Cựu Ước luôn luôn đặt hiện tượng lương tâm luân lý tương quan với lời mời gọi thiết thân của chính Thiên Chúa ngỏ với con người ta. Trong lương tâm, chính Thiên Chúa nói: “Ngươi có canh tác đất đai, đất đai sẽ chẳng còn cho ngươi sức lực của nó. Ngươi sẽ vất vả vất vưởng chạy rong trên đất…”(x. Kn 4, 12tt)Kinh Thánh nhìn cái chứng của lương tâm tốt lành và sự đau buồn của lương tâm tội lỗi dưới quan điểm là Chúa nhìn thấu. Tác giả sách Sáng thế cho thấy lương tâm lên án con người sau khi con người phạm tội, như trường hợp của Ađam và Evà sau khi ăn trái cây bị cấm (x.St 3, 7-10), hoặc như của Cain sau khi giết Aben, em mình, (x. St 4, 9-14) hoặc như của Đavít bị lương tâm dày vò vì đã kiểm tra dân số ngược với ý Thiên Chúa (x. 2 Sm). Như vậy, sự phê phán của lương tâm theo Cựu Ước đó chính là tiếng nói của Thiên Chúa.[15]

b. Tân Ước

Tân Ước đã sử dụng từ ngữ “lương tâm” của văn hóa La-Hy đương thời, nhưng để đem vào nội dung mạc khải của thời cuối cùng: khả năng “nghe” được “Lời” Thiên Chúa, và vì thế, sẽ lãnh trách nhiệm về lời nói “không”, lời khước từ Thiên Chúa. Thánh Gioan thì dùng cụm từ “lòng dạ” để nói đến lương tâm (x. 1Ga 3, 19-21). Còn đối với thánh Phaolô lương tâm được xác định như là một “chứng nhân” (x. Rm 2, 15; 9,1). Lương tâm đi theo các hành vi của chúng ta như một nhân chứng không thể hối lộ được nằm ngay trong chúng ta và ta có thể nại tới để xác nhận sự thật của những gì mình nói, mình làm. Mặt khác Ngài cũng cho thấy phán đoán của lương tâm không phải chỉ là trực giác tự nhiên, nhưng là những phán đoán được đức tin soi sáng. Theo thư thứ nhất gửi cho Timôthê, các phán đoán luân lý xuất phát vừa từ lương tâm vừa từ đức tin. “lời truyền dạy của chúng tôi nhằm đưa tới đức ái, phát xuất từ một tâm hồn trong sạch, từ lương tâm ngay thẳng và từ đức tin không dối trá” (x. 1Tm 1, 5).

Như thế, lòng tin không phá bỏ lương tâm luân lý, nhưng là nâng lên cho đến sự tinh túy nhất: “Trong Đức Kitô, tôi nói thật, tôi không nói dối; trong Thánh Thần, lương tâm tôi làm chứng cho tôi” (x. Rm 9, 1). Như vậy, đối với tín hữu, “sống theo lương tâm” hay “sống theo lòng tin” hầu như là một: “Còn phân vân mà dám ăn, tất bị lên án, bởi không do xác tín. “Phàm điều gì không do xác tín mà làm, thì có tội” (x. Rm14, 23tt). Lòng tin soi sáng cho lương tâm luân lý, và lương tâm ngay thẳng canh giữ lòng tin: “Nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong một tương lai trong trắng” (x. 1Tm 3,9). Phán đoán của lương tâm như thế là mang tính cách đòi buộc. Từ đó, ta có thể nói được rằng, toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước cho thấy không một ai trốn thoát lương tâm được. Mặt khác cũng cho thấy hiện tượng có những lương tâm tối tăm. Thánh Vịnh đã thốt lên: “Kẻ ngu si tự nhủ; làm chi có Chúa Trời”. Đức Giêsu cảnh cáo về sự chai lỳ và tối tăm của lương tâm: “Nhưng nếu mắt ngươi vày vò thì toàn thân ngươi sẽ tối tăm” (x. Mt 6, 23tt).

Hơn nữa, theo niềm tin kitô giáo chúng ta cần khẳng định rằng lương tâm không phải là một thành quả ngẫu nhiên của tương quan xã hội cũng không phải là một thứ bản năng luân lý hoàn toàn cá biệt của mỗi người. Lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí nhằm chỉ dẫn chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai trong một hành động của mình. Phán đoán ấy dựa trên khả năng của lý trí trong việc nhận biết được bản chất và cứu cánh của sự vật. Niềm tin kitô giáo xác định với chúng ta rằng bản chất và cứu cánh ấy đến từ Thiên Chúa. Dựa trên hiểu biết này lương tâm ra lệnh cho chúng ta không được tự quyết điều thiện hay điều ác, không được bóp méo bản chất và sự vật, không được tách rời sự vật ra khỏi Thiên Chúa. Dẫu biết thế nhưng khi hành động thì con người thường có những biểu hiện lương tâm sai lệch.

IV. NHỮNG DỊ DẠNG CỦA LƯƠNG TÂM

1. Lương tâm bối rối

Đây là một hình thức bệnh hoạn của lương tâm sai lạc, vì là một sự xáo trộn nhất thời trong khả năng phán đoán: Đứng trước một quyết định, người ta không thể giải quyết cho được ổn thỏa, họ cứ cảm thấy mình phạm tội. Họ bối rối hay sợ hãi một cách vô lý, nhưng âm ỷ và liên tục nghĩ rằng mình xúc phạm đến Chúa.

2. Lương tâm phóng túng

Đây là tình trạng của một lương tâm mà khả năng bị chai lỳ èo ọt. Và kèm theo một thói quen tạo ra một phán đoán sai lạc (cớ) để bào chữa thoát khỏi đòi hỏi của luân lý. Họ có xu hướng phê phán một việc tội là việc hợp pháp hay một tội nặng là tội nhẹ, dựa trên những cơ sở không đầy đủ. Ví dụ: có người mang thai “đi điều hòa kinh nguyệt” (phá thai) mà cứ cho đó là việc bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

3. Lương tâm nghi hoặc

Đây là một tình trạng bệnh hoạn của phán đoán làm cho lương tâm luôn luôn sống sợ hãi vì chỉ thấy tội. Họ không chắc chắn hành vi này hành vi nọ có hợp pháp và có buộc phải làm hay không. Cái gì họ cũng muốn kiểm chứng, tuy nhiên khi họ kiểm chứng rồi họ cũng không yên tâm họ hồ nghi điều họ vừa mới kiểm chứng. Từ đó tâm hồn họ lúc nào cũng nghi ngờ và không bình an.

4. Lương tâm sai lạc

Lương tâm như khả năng sống động gây nên sự duy nhất nội tâm, nhờ thế mà chúng ta, thụ tạo tinh thần, phản ảnh hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy vậy, lương tâm có thể yếu kém và bị mù tối. Nhưng bao lâu, nó còn là tiếng nói của chính nó, nó vẫn đòi sự duy nhất của nội tâm. Sự duy nhất này có được là nhờ ý chí tốt và lý trí thật, dẫn đến hành động tốt lành và phản ảnh một cái Tâm thật.

Nếu nhìn vào đời sống hưởng thụ thực dụng hiện naythì ta cũng dễ dàng nhìn thấy con người đang có nguy cơ xa rời đạo đức và luân lý truyền thống. Hay nói khác đi lương tâm một số người đang bị sai lạc trầm trọng; Và cũng chính từ đấy nó kéo theo biết bao nhiêu là vấn đề gây tranh cãi. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là nạn điều hòa kinh nguyệt mà thực chất là phá thai, bỏ những thai nhi ngoài ý muốn, chết êm dịu… cũng trong chiều hướng này có rất nhiều người họ đang đấu tranh cho phụ nữ được quyền chọn lựa giữa việc giữ hoặc hủy bỏ thai nhi. Chính lương tâm sai lạc đang làm cho con người muốn tự mình quyết định tính chất luân lý của mình mà không màng đến quy luật Thiên Chúa ghi khắc trong bản chất (lương tâm) của mình. Đó chính là thảm kịch và cơn cám dỗ triền miên  của con người: quả thật con người luôn bị cám dỗ thay thế Thiên Chúa và tự quyết định về tính cách tốt, xấu về hành động của mình nhưng vẫn cho đó là hành động theo lương tâm.

Vì thế, theo tôi để lương tâm con người có được sự mạnh dạn chống lại sự dối trá, đồng thời nhận ra tiếng nói đích thực của lương tâm để phân biệt thiện, ác, tốt, xấu. thì lương tâm cần phải theo một số nguyên tắc, tiêu chuẩn luân lý, hay nói khác lương tâm cần được giáo huấn để thực thi theo chân lý.

V. VAI TRÒ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

1. Vai trò Giáo huấn của Giáo Hội

Trong bản thân mỗi con người lương tâm có tính cách một quyết lệnh tối thượng. Điều đó chắc mỗi chúng ta ai cũng đồng ý. Thế nhưng, khi nại đến quyền tối thượng của lương tâm thì nhiều người đã hiểu nó như một chuẩn thuận cho bất cứ những gì mình muốn làm. Họ cho rằng lương tâm luôn có một ý thức bẩm sinh về thiện ác. Chính vì thế, nhiều người đã nại đến “tự do lương tâm” rồi dễ dàng chấp nhận những luật lệ ngược với luân lý khách quan và ngược với giáo huấn của Giáo Hội.

Đứng trước thực trạng đó Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” ngài cho rằng con người thời nay lương tâm không còn nhạy cảm trước tội ác nữa, lương tâm bị chai lỳ, mù quáng đến độ không còn khả năng để phân biệt thiện ác. Điều này cho thấy lương tâm không phải là một tiêu chuẩn tuyệt đối, tối hậu.

Như vậy, thật sai lầm cho những người cứ nại đến lương tâm và cho rằng lương tâm hoàn toàn đúng và rồi lấy quyền tự do quyết định bất chấp những luật lệ hay giáo huấn của Giáo Hội. Thật sai lầm khi một người cứ nhân danh lương tâm mà hành động không tuân theo một đường hướng luân lý nào cả. Theo niềm tin của chúng ta một khi chúng ta gần với chân lý gần với Chúa, sống theo giáo huấn của Giáo Hội, thì lương tâm của chúng ta càng được trong sáng, càng có khả năng phân định tốt xấu một cách đúng đắn thực tại xung quanh.

Do đó, Giáo Hội không ngừng cảnh tỉnh nhân loại. Giáo Hội luôn đồng hành với nhân loại như những bản chỉ dẫn trước vô số ngã rẽ, với ước mong giúp con người có được một lương tâm chân chính và có khả năng truyền đạt quyết lệnh tối thượng. Nghĩa là biết lắng nghe tiếng nói chân thật của lòng mình, nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, hiểu được chính tiếng nói của Ngài đang hiện diện trong mình. Giáo Hội đang đồng hành và giúp cho con người có được một lương tâm biết tôn trọng, vâng theo chân lý khách quan được Thiên Chúa thiết định.

2. Lương tâm phải vâng theo chân lý

Lương tâm là luật tối thượng cần được tuân theo, nhưng với những điều kiện nào?

Trước hết ta phải khẳng định rằng lương tâm không phải một thứ trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Và lương tâm cũng không phải một thứ bản năng luân lý cá biệt của mỗi người. Nhưng lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí nhằm chỉ dẫn chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai trong hành động của chúng ta.

Lý trí có khả năng biết bản chất cũng như cứu cánh của sự vật là Thiên Chúa, và dựa trên hiểu biết này, lương tâm ra lệnh cho chúng ta không được quay mặt khỏi Thiên Chúa. Như vậy, lương tâm là một nhà hướng đạo mà con người phải triệt để đi theo. Tuy nhiên, để có được giá trị tối thượng này thì lương tâm phải không ngừng tuân theo chân lý.

Lý trí có thể chấp nhận chân lý là điều khó khăn, nó có thể kháng cự lại chân lý, nhưng một khi đã nhận ra chân lý thì lý trí không có chọn lựa nào khác hơn là tuyệt đối đầu hàng trước chân lý. Trong tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Công Đồng Vatican II đã khẳng định về quyền tối thượng của chân lý như sau: “chân lý có quyền tối thượng trên lý trí, đầu hàng trước chân lý, quy phục trước chân lý không phải là một sự thất bại đối với lý trí”.

Như vậy, nói đến lương tâm là nói đến mối tương quan với Thiên Chúa. Là tiếng nói tối thượng, lương tâm không chỉ có quyền tối thượng, mà còn có những nghĩa vụ. Lương tâm có nghĩa vụ phải tìm kiếm chân lý, khám phá ra những tiêu chuẩn luân lý khách quan hướng dẫn đến điều đúng, điều thiện.[16]

Trong Hiến chế mục vụ Công Đồng Vatican II xác định: “con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo. Tiếng nói đó âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người; hãy làm điều này hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. “tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá con người” và “nhờ lương tâm lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em”.[17]

Do đó, ta có thể nói được rằng lương tâm có nhiệm vụ phải lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, học biết những luật luân lý chi phối trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Nguyên tắc luân lý truyền thống trong vấn đề này là: để hành động của ta được chính đáng, ta cần luôn luôn hành động với lương tâm xác thực thông thường (tránh hành động trong sự hoài nghi và liều lĩnh) và ngay thẳng (tâm hồn chân thành). Nói khác đi lương tâm phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu để hành động cho phù hợp với chân lý. Vậy đó, nhưng đã và đang có không ít người nại đến tự do lương tâm trong mọi hành vi “lựa chọn” của mình dẫu rằng chọn lựa đó đi ngược lại với luân lý. Mà nói đến chọn lựa nghĩa là nói đến tự do vì có tự do mới có chọn lựa. Như vậy, một quan niệm đúng về tự do là hết sức cần thiết, vì nếu khi con người có một quan niệm sai về tự do mà lại dựa trên tự do đó để chọn lựa và hành động thì thật là tệ hại.

3. Một quan niệm đúng về tự do

Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo… đó là những quyền tự do cơ bản nhất của con người được công bố trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận. Nhưng nền tảng của mọi thứ quyền cơ bản này chính là tự do lương tâm, vì lương tâm được xem là “cung thánh” thẳm sâu bất khả xâm phạm của con người. Lương tâm gắn liền với tự do: một lương tâm lành mạnh và ngay thẳng phải là một lương tâm có tự do. Như vậy, có thể nói vấn đề của lương tâm cũng chính là vấn đề của tự do. Muốn đào luyện một lương tâm lành mạnh trước hết cần phải có một quan niệm đúng đắn về tự do.


Nói đến tự do là nói đến ý chí tự do, một khả năng chọn lựa giữa nhiều khả thể khác nhau. Nói khác đi, đó là khả năng có thể nói có hoặc không. Đây chính là nền tảng của nhân phẩm con người và làm con người trở thành có trách nhiệm. Con người có tự do và trách nhiệm, bởi vì nó có thể chọn lựa. Tuy nhiên, không phải chọn lựa nào cũng làm cho con người trở thành tự do và trách nhiệm hơn: có những chọn lựa làm chúng ta nên người, nhưng cũng có những chọn lựa làm chúng ta thành những con người kém phát triển hơn.

Vì thế, điều quan trọng là biết mình phải chọn lựa những gì và những gì có thể ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của mình. Không một chọn lựa nào mà không ảnh hưởng đến đời sống con người. Cũng như khi chúng ta đi đến những con đường có nhiều lối rẽ trước mặt, những chọn lựa của chúng ta có thể đưa chúng ta đến một nơi nào đó hoặc sẽ làm chúng ta xa mục đích, hoặc có thể đưa chúng ta đến cùng đường.

Khi nhìn lại một số chọn lựa trong cuộc sống, chắc ai trong chúng ta cũng hối hận vì đã có những chọn lựa không giúp ích gì cho chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng ít ra chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm để làm cho những chọn lựa tốt hơn trong tương lai.

Trong cuộc sống ta thấy có nhiều người chỉ lựa chọn những cái dễ dãi và không bao giờ nghĩ rằng sống như thế là không có tự do; họ không còn có thể nói không với những gì họ ý thức là có thể hạ giảm nhân cách của họ. Có thể nói đó là trường hợp của những người nghiện ngập chẳng hạn, họ vốn biết hút thuốc, uống rượu nhiều có hại cho sức khỏe, nhưng họ không còn khả năng nói không với những thói quen đó nữa, họ không còn có chọn lựa, họ đã thực sự đánh mất tự do.

Như vậy, tự do là khả năng nói không với những điều xấu![18] Hay nói cách khác tự do là khả năng huy động toàn thể năng lực nhân sinh vào điều thiện hảo. Thế nhưng, khi nhìn thực tế vào xã hội mà ta đang sống ta thấy có rất nhiều người lại dị ứng với những cấm kỵ trong cuộc sống: họ cho rằng tự do là muốn làm gì là làm, vì thế bất cứ mọi giới hạn hay cấm kỵ nào cũng đều bị coi như một giới hạn tự do của họ. Họ không biết rằng; một số cấm kỵ và giới hạn là để bảo đảm cho an toàn tự do. Nhìn vào đời sống hiện tại của xã hội ta thấy lãnh vực tính dục là lãnh vực nhiều người vốn nại đến tự do nhiều nhất, chúng ta thấy rằng những kiềm chế kiêng khem không phải là những hạn chế tự do, tự do không có nghĩa là chiều theo bản năng mù quáng, vì đó không phải là tự do đích thực, mà là nô lệ.

Dẫu biết thế nhưng phản ứng tự nhiên của con người thường là đồng hóa tự do với sự vắng bóng của những ràng buộc và giới hạn. Người ta nghĩ rằng càng ít ràng buộc, giới hạn, con người càng được tự do. Thật ra, không phải bất cứ ràng buộc và giới hạn nào cũng là một cản trở tự do, bởi vì có những ràng buộc, những giới hạn cần thiết để bảo đảm cho tự do, luật đi đường (giả sử nếu ra đường mà không tuân theo một luật lệ nào cả thì chác chắn sẽ rắc rối ngay) và giới luật của Chúa được thế hiện qua giáo huấn của Giáo Hội là một bằng chứng rõ rệt nhất. Dẫu biết thế nhưng không ít người đã và đang chủ trương chống lại những giáo huấn của Giáo Hội khi nhân danh điều họ gọi là tự do lương tâm.

4. Tự do Lương Tâm và quyền Giáo huấn của Giáo Hội

Tự cho mình là người Công Giáo, nhưng chủ trương ngược lại giáo huấn của Giáo Hội công công giáo, đó là thái độ của rất nhiều người kitô hữu hiện nay. Tự xưng mình là người công giáo, nhưng lại không muốn sống phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhiều người đã hành xử như thế khi nhân danh điều được gọi là tự do lương tâm. Người ta đòi hỏi phải được tự do khi quyết định theo lương tâm cá nhân của mình. Chúng ta phải nghĩ sao về thái độ này? Trước hết cần phải khẳng định rằng người kitô hữu phải sống theo sự chọn lựa tự do của lương tâm, đây là giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội. Tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi sống trưởng thành, nghĩa là biết làm những quyết định tự do và cá nhân. Nhưng bảo rằng vì tự do lương tâm, người kitô hữu nên làm những quyết định mà không cần lắng nghe giáo huấn của Giáo Hội thì quả là một thứ lạc giáo; đó không còn là một hành động tự do nữa, mà là một sự thoái hóa và xuống cấp. Trường hợp đức cha Emmanuel Miligo, nguyên TGM giáo phận Lusaka bên Zam-bia, Phi Châu vừa bị loại khỏi hàng giáo sỹ (báo công giáo và dân tộc số 1737 từ 1.1 đến 7.1.2010. Tr 31.) có thể coi đây là một trường hợp lương tâm sai lạc và đang có những hành động đi ngược lại giáo huấn của giáo hội. Vì thế, mọi việc làm và hành động của ông cũng không có được tự do đích thực.

Để hiểu tại sao tự xưng là người Kitô hữu, nhưng lại chủ trương ngược lại giáo huấn của Giáo Hội là một hành động không tự do, chúng ta cần nhớ lại ý niệm về lương tâm.

Như đã trình bày ở trên, Lương tâm là khả năng phán đoán để phân biệt thiện, ác, tốt, xấu. Dĩ nhiên, để có thể phán đoán như thế, lương tâm cần phải theo một số nguyên tắc hay tiêu chuẩn luân lý. Do đó, nếu lương tâm bị điều khiển bởi những nguyên tắc sai lạc thì những phán đoán của nó cũng sai lạc. Khi một người phán đoán dựa theo những nguyên tắc sai lạc, người đó có thể là người thành thật, nhưng không có nghĩa là người ấy không sai lầm và không làm thiệt hại cho chính mình hay cho người khác.

Chẳng hạn một tín đồ cuồng tín của một tôn giáo nào đó dựa theo một hiểu biết sai lầm của mình về đạo lý, hoặc dựa vào chính những nguyên tắc sai lầm do tôn giáo ấy đưa ra để khủng bố, giết người, thì hành động này chỉ có thể là hành động sai lầm mà thôi. Hành động đánh bom tự sát ở các nước hồi giáo nhiều lúc được coi như là một hành động tử đạo và nhiều lúc đã được quảng bá cho các tín đồ, thì đó cũng chỉ có thể là một hành động sai lầm mà thôi. Dĩ nhiên, tự thâm tâm người đó có thành thực hay không, chỉ có Chúa biết, nhưng điều đó không biện minh được sự kiện người ấy đang hành động theo một lương tâm sai lạc. Từ đó cho ta thấy thành thật và đúng đắn là hai ý niệm hoàn toàn khác biệt nhau, một người dù có thành thật đến đâu không đương nhiên hành động đúng. Chính vì lương tâm có thể sai lầm mà nó không ngừng cần được hướng dẫn.

Hành động theo phán đoán của một lương tâm không dựa vào bất cứ nguyên tắc hay tiêu chuẩn khách quan nào, đó là một thái độ liều lĩnh, nếu không muốn nói là điên rồ. Là một người Công Giáo nhưng lại hành động chỉ dựa trên phán đoán cá nhân, mà không theo một sự chỉ đạo nào của Giáo Hội, hành động như thế chẳng khác nào lái xe mà chẳng căn cứ mọi bảng chỉ dẫn nào trên đường. Như vậy, ta có thể nói được rằng vai trò giáo huấn của Giáo Hội trên lương tâm vô cùng quan trọng trong những quyết định luân lý của người Kitô hữu. Người Kitô hữu có những quyết định tự do và cá nhân, nhưng những quyết định ấy phải dựa vào chính giáo huấn của Giáo Hội. Hay nói cách khác lương tâm chỉ thực sự được tự do khi còn có thể phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là đúng thế nào là sai về mặt luân lý.

Lương tâm không thể được xem là tự do khi mắc sai lầm khi bảo sai là đúng, khi bảo đúng là sai, khi bảo xấu là tốt. Chẳng hạn một lương tâm không thể được xem là tự do khi xem việc phá thai, tức là hành động giết người, là một điều tốt. Vì lương tâm đó đang chà đạp quyền tự do được sống, được tồn tại của người khác, vi phạm quyền căn bản con người.

Một lương tâm cũng không được xem là tự do khi chưa thoát ra khỏi nghi ngờ, vì như thế người ta có thể mắc sai lầm. Chỉ được xem là tự do, khi chắc chắn lương tâm đang hoạt động và có những phán đoán đúng đắn. Mà để có được những phán đoán đúng đắn chắc chắn lương tâm phải dựa vào những tiêu chuẩn luân lý khách quan mà đối với người Kitô hữu, tiêu chuẩn đó chính là giới luật của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, vì Thiên Chúa là chân lý đích thực và Giáo Hội giảng dạy chân lý được Thiên Chúa ủy thác. Càng tuân theo luật Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, lương tâm của người Kitô hữu càng được tự do.

Tuy nhiên, có rất nhiều người cho rằng quyền bính và giáo huấn của Giáo Hội giới hạn tự do tư tưởng và tự do lương tâm của con người. Nhưng thế nào là tự do tư tưởng? Phải chăng trí khôn con người được tự do suy nghĩ bất cứ điều gì nó biết và bằng bất cứ cách nào nó biết, mà không màng đến sự thật và những quy tắc của luân lý? Một trí khôn như thế không thể là một trí khôn tự do được. Không tôn trọng sự thật khách quan và cũng chẳng quan tâm đến những quy tắc của luân lý. Trí khôn sẽ sai lầm trong từng phút giây.

Con người có thể tự do suy nghĩ về mọi vấn đề, dù đúng hoặc sai, nhưng không vì thế mà tự do hơn. Không thể có tự do, nếu không tìm kiếm và tôn trọng sự thật. Một trí khôn suy nghĩ bên ngoài sự thật và không theo những quy cách luân lý không thể là một trí khôn tự do. Ai cũng biết rằng giáo dục được đặt nền tảng trên nguyên tắc cơ bản và vô tri hay sai lầm là kẻ thù của phát triển và tự do nơi con người. Giáo dục chính là giải phóng trí khôn con người khỏi dốt nát và sai lầm; do đó giúp cho con người có suy nghĩ có tự do hơn.

Nói tóm lại trí khôn con người được tạo dựng không phải để suy nghĩ bất cứ điều gì, nhưng là suy nghĩ về sự thật, tìm kiếm sự thật, hành động theo sự thật. Trí khôn được tự do để rơi vào sai lầm, nhưng không vì rơi vào sai lầm mà trí khôn được tự do hơn.

Như vậy, đe dọa nguy hiểm nhất đối với tự do lương tâm không đến từ bên ngoài, mà chính là từ bên trong, và điều kiện đầu tiên để có và duy trì một lương tâm tự do chính là tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay chính. Từ đó giúp ta hiểu được tại sao Giáo Hội đề ra những liên quan đến luân lý, không phải để kiểm soát hoặc để hạn chế tự do tư tưởng và tự do lương tâm. Trái lại khi trình bày và giải thích chân lý, Giáo Hội muốn giúp cho trí khôn con người được phát triển, và như vậy giúp cho lương tâm con người phán đoán hợp với tiêu chuẩn khách quan. Một lương tâm được đào luyện như thế không thể là một lương tâm nô lệ, nhưng là một lương tâm có tự do thực sự bởi vì phán đoán theo chân lý.

Đến đây, một lần nữa ta phải khẳng định rằng: Vai trò giáo huấn của Giáo Hội trên lương tâm là một điều hết sức cần thiết cho mọi thời nhất là trong hoàn cảnh xã hội “tục hóa” hiện nay, một xã hội mà lương tâm con người đang có những khuynh hướng sai lệch trầm trọng. Chẳng hạn như coi việc phá thai là quyền tự do của người mẹ,…

Nhưng trước tiên có lẽ Giáo Hội phải xác định rõ quan điểm của mình về lương tâm Kitô giáo, làm nền tảng cho những giáo huấn của mình. Trong thông điệp “sự sống con người” Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã lên án việc phá thai và phi bác cả những phương pháp ngừa thai nhân tạo. Những người chống đối thông điệp cho rằng Giáo Hội không có thẩm quyền lên tiếng trong những vấn đề liên quan đến luật tự nhiên. Một câu hỏi nảy sinh, vậy phải chăng Giáo Hội đã ra khỏi phạm vi của mình? Và phải chăng quyền giáo huấn của Giáo Hội không có giá trị đối với luật tự nhiên? Phải chăng người kitô hữu không buộc phải tuân theo giáo huấn của Giáo Hội trong những gì không thuộc luật mạc khải? Về điểm này ta thấy trong số 14 của Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Công Đồng Vatican II đã tuyên bố: “trong việc đào luyện lương tâm, các Kitô hữu phải luôn luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội. Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội công giáo là thầy dạy chân lý và có nhiệm vụ loan báo và truyền dạy chân lý là Chúa Kitô một cách chính thức, đồng thời phải lấy uy quyền của mình công bố và xác nhận những nguyên tắc thuộc lãnh vực luân lý phát sinh từ bản tính con người”.[19]

Như vậy, qua giáo huấn của Công Đồng, ta thấy đối tượng của giáo huấn Giáo Hội trước tiên là Chúa Kitô, tức là mạc khải mà Chúa Kitô là trọng tâm và tuyệt đỉnh; thứ đến là những luật luân lý phát sinh từ bản tính con người. Hiểu như thế thì bản văn Công Đồng mặc nhiên khẳng định rằng Giáo Hội có thẩm quyền trong phạm vi thuộc luật luân lý tự nhiên”. Và trong thông điệp “sự sống con người”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã tuyên bố rằng: “không một tín hữu nào phủ nhận quyền hạn của Giáo Hội trong việc giải thích luật luân lý tự nhiên. Thật thế, như các vị tiền nhiệm của tôi không thể chối cãi được rằng Chúa Giêsu Kitô ủy thác cho Phêrô và các tông đồ quyền năng thần linh của Ngài, và sai các ông đi giảng dạy giới răn của Ngài cho mọi dân tộc, đã thiết lập các ông thành những người giữ gìn và giải thích đích thực về toàn bộ luật luân lý, nghĩa là không những luật Tin Mừng, mà còn cả luật tự nhiên nữa”.[20]

Thế nhưng đâu là nền tảng để Giáo Hội dựa vào đó mà khẳng định thẩm quyền của mình đối với luật luân lý tự nhiên? Trước hết là cái nhìn về con người. Dưới ánh sáng mạc khải, con người là một thực thể duy nhất, chứ không phải là một hữu thể được chia thành hai tầng, một tầng tự nhiên và một tầng siêu nhiên. Dĩ nhiên, chúng ta phân biệt bản tính tự nhiên với ân sủng, bởi nếu: không có sự phân biệt này sẽ không có ân sủng nữa. Trong con người cụ thể, tự nhiên và ân sủng không tách biệt nhau, nhưng kết hợp với nhau. Do đó, bản tính tự nhiên và luật luân lý tự nhiên không phải là hai ý niệm nằm bên ngoài con người cụ thể đang hiện hữu trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Là tín hữu hay không, tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa trong một phần nào đó của con người mình, mà bằng cả cuộc sống, bằng cả con người mình. Trong con người không thể phân biệt một bên là hành động của luật luân lý tự nhiên, và một bên là hành động luân lý siêu nhiên. Một hành động tốt dù được thực thi bởi một người không kitô cũng đã là một hành động được thúc đẩy bởi ân sủng và cùng đích siêu nhiên. Khi tuân giữ luật luân lý tự nhiên người kitô hữu không chỉ tuân giữ luật ấy với tư cách là một con người, mà còn là tư cách một tín hữu. Con người là một thực thể duy nhất, chính cái nhìn mạc khải này là nền tảng Giáo Hội dựa vào để khẳng định quyền được giải thích và áp dụng luật luân lý tự nhiên. Mặt khác Giáo Hội được thiết lập và được ủy thác nhiệm vụ dẫn đưa mọi người về cùng Thiên Chúa.[21]

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia có luật lệ đi ngược lại luân lý tự nhiên. Họ cho phép ly dị, phá thai và biết bao nhiêu bất công khác vi phạm đến các quyền cơ bản của con người. Nhân loại sẽ đi về đâu nếu không có ai lên tiếng để chống lại những luật bất công ấy? Đến đây ta đã thấy được vai trò giáo huấn của Giáo Hội quan trọng đến mức nào.

VI. DẤN BƯỚC RA ĐI

1. Phổ biến các tài liệu về Giáo huấn của Giáo Hội

Đứng trước những trào lưu thăng tiến bản thân, thăng tiến xã hội đang dần dần xô con người rơi vào việc chạy theo vật chất, hưởng thụ, làm băng hoại xã hội, băng hoại những giá trị truyền thống, dẫn đến đánh mất định hướng cuộc đời. Cảm giác bất an trong một thế giới đầy bạo động, cũng làm cho con người ngày càng lao mình vào những tranh đua hơn thiệt, sống vội vàng tìm cách luồn lách trong mọi lãnh vực cuộc sống, kể cả tính toán lương lẹo trong đời sống luân lý.

Do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong tiêu chuẩn nhận định và trong cả các phương thức thực hiện của con người. Đa số con người ngày nay nhất là các bạn trẻ, họ mất quân bình vì quá lo lắng đến thành quả cụ thể mà lãng quên những giá trị tinh thần. Họ quan niệm “lương tâm không bằng lương tháng”. Từ đó cho ta thấy con người thời nay thường dựa vào thành quả cụ thể làm tiêu chuẩn cho luân lý, lèo lái hay hiểu sai về tiếng nói lương tâm. Họ đang lao mình vào con đường xa đọa ngược với giáo huấn của Giáo Hội đánh mất chính mình mà không hề hay biết. Không nói đâu xa ngay tại đất nước Việt Nam ta nhất là tại cái thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu chế xuất cũng chứng minh điều đó.

Từ mấy năm nay tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều người công nhân và sinh viên công giáo. Tôi đã chứng kiến cũng như được nhiều bạn chia sẻ cùng: “chúng con vào đây làm việc đồng lương không được bao nhiêu nên chúng con đành phải thuê chung một phòng vừa vừa rồi ở chung với nhau như thế này cho đỡ tốn kém và rồi… xảy ra những chuyện không hay”. Tôi càng bất ngờ hơn khi thấy nhiều cặp trai gái ở chung một phòng. Lần đầu tôi tưởng họ là anh em ruột hoặc là những cặp vợ chồng trẻ. Nhưng tôi đã lầm, họ không là anh em cũng không là vợ chồng, họ chỉ là những người mới quen biết nhau vài tháng thôi. Vậy tại sao họ lại ở chung với nhau? Họ đã sống như vậy đó mà vẫn coi là chuyện bình thường (họ lại là những người công giáo nữa chứ). Đến đây có lẽ cũng trả lời cho ta được cách sống đạo cũng như cách thực hành của các bạn trẻ đối với các giáo huấn của Giáo Hội. Với hiện tượng thực tế này cho ta thấy chúng ta đang sống trong một xã hội bị tha hóa trống rỗng chân lý, hay nói khác đi lương tâm con người đang dần dần bị bóp nghẹt.

Là thành phần của Giáo Hội hơn nữa là tu sĩ tôi bạo dạn đưa ra vài đề nghị sau hy vọng giúp cho việc giáo dục lương tâm thực sự trong sáng, lành mạnh và đúng đắn. Trước hết ta cần phổ biến các tài liệu giáo huấn của Giáo Hội (đặc biệt là các tài liệu về mặt luân lý) đến các bạn trẻ. Thiết nghĩ vì họ không được tiếp cận không được học hỏi đến nơi đến chốn từ đó họ không biết được thế nào là đúng thế nào là sai theo giáo huấn của Giáo Hội. Họ sống trong tội mà không hay biết (sống thử hay “điều hào kinh nguyệt” thực chất là phá thai mà vẫn cho là bình thường). Tuy nhiên, phổ biến các tài liệu cũng chưa đủ, chúng ta cần giúp cho họ có được sự phán đoán, phân biệt đúng sai hay nói đúng hơn là làm sao để họ có được cảm thức về tội và cảm nhận được tình yêu.

2. Xây dựng cảm thức về tội lỗi bằng đời sống đức tin


Khi nhìn vào đời sống hiện tại của đất nước tôi thấy Việt Nam ta đang có một tiến bộ rõ rệt về nền kinh tế. Có thể nói được rằng chúng ta không sợ chết vì thiếu ăn hay thiếu mặc như trước nay.[22] Tuy nhiên tôi lại cảm thấy chúng ta đang đối diện với một cái chết khác trầm trọng hơn, đó là cái chết của lương tâm con người. Hay nói cách khác lương tâm con người thời đại hôm nay xem ra không còn nhạy cảm trước tội ác nữa, lương tâm ấy mù quáng đến độ không còn khả năng để phân biệt thiện ác. Một vài số liệu phá thai sau đây một phần nào nó nói lên điều đó. “Sáu tháng đầu năm 2005 có 13733 ca phá thai, 821 ca gắp thai to (làm cho chết thai trong bụng mẹ rồi cắt từng phần cơ thể trẻ đưa ra), 843 ca đẻ non (dùng phương pháp khoa học làm cho thai chết rồi sinh hay nói cách khác kích động cho sẩy thai). Càng đau khổ hơn khi họ cho biết hầu đa những người phá thai đang ở độ tuổi từ 20-25 tuổi, họ đa phần là những người ở thôn quê lên thành phố làm công nhân và một ít là sinh viên”.[23]

Có một điều ta phải nhìn nhận rằng con người thời đại hôm nay đang đối diện với tội ác. Hàng ngày các phương tiện truyền thông đại chúng mang lại cho chúng ta biết bao nhiêu hình ảnh tội ác. Nhưng dường như trong thâm tâm con người thời đại, lại muốn xóa bỏ mọi cảm thức về tội lỗi. Tội ác diễn ra khắp nơi, thế nhưng trong suy nghĩ của con người thì ranh giới giữa thiện và ác xem chừng không còn nữa, điều xấu ngày càng được hợp thức hóa. Chẳng hạn, phá thai đang được nhiều người đấu tranh như một quyền của người phụ nữ. Họ không còn có cảm thấy một xúc động hay ray rứt nào trước những hành vi như thế. Đức cố Giáo Hoàng Piô XII đã nhận định: “ngày nay có lẽ cái tôi lớn nhất của thế giới là đánh mất ý thức về tội lỗi”. Sống trong tội lỗi, cảm nhận được sức nặng của tội lỗi, nhưng không muốn chấp nhận thực tại và ngay cả ý niệm về tội lỗi, đó là thảm cảnh của con người thời đại. Mất cảm thức về tội lỗi đã làm cho một số người ngày càng đánh mất sự trong sáng của lương tâm, dẫn đến lẫn lộn trong việc phân định điều tốt xấu, họ không còn có cái nhìn khách quan đúng với chân thực của đối tượng trong lựa chọn luân lý.

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi ngày nay có một số người quay mặt lại với những giá trị truyền thống, chà đạp lên cả nhân phẩm của tha nhân và cả chính mình. Họ không còn coi trọng những quy tắc đạo đức tối thiểu trong tương quan con người với nhau. Một phóng viên báo phụ nữ tâm sự: “khi chúng em xâm nhập hiện trường tại những quán cà phê đèn mờ, phòng Karaoke, điểm chiếu phim sex, chúng em thật buồn nản khi chứng kiến từng lớp bạn trẻ say sưa cuồng nhiệt ăn chơi xả láng, cười nói như điên… hút chích chất kích thích hêrôin và quan hệ tình dục thoải mái. Chúng em nghĩ những hình thức thông tin trên truyền hình báo chí, đưa ra những thảm họa để ngăn ngừa như bệnh AIDS… không biết có còn tác dụng nữa không vì điều căn bản là họ không sợ chết, cuộc sống không còn ý nghĩa gì đối với họ”.

Tại sao lại như vậy? Câu trả lời thật đơn giản, vì họ mất đi cảm thức về tội lỗi. Hay nói cách khác họ đang quay mặt lại với những giá trị truyền thống, chà đạp lên cả nhân phẩm của tha nhân và chính mình. Họ đã loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống họ tự đặt mình ngang hàng Thiên Chúa và có quyền sinh sát trong tay; họ tạo ra những tiêu chuẩn luân lý với chủ đích phục vụ cho tham vọng, ích kỷ và dục vọng cá nhân. Đây là một hiện trạng đang gây nhức nhối cho xã hội - Giáo Hội nói chung và cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Là công dân của đất nước là thành phần của Giáo Hội, hơn nữa là tu sĩ tôi cảm thấy mình có phần trách nhiệm trong hiện trạng này. Thiết nghĩ để có thể tạo cho con người thời nay (nhất là các bạn trẻ) có một lương tâm trong sáng, đúng đắn, chúng ta (Giáo Hội) cần có một chương trình để đào luyện cho họ có được một cảm thức về tội lỗi như bản lề để phân biệt hai thái cực tốt xấu, đúng sai là cần thiết trong xã hội chúng ta ngày nay. Hay nói cách khác việc đào luyện một ý thức bén nhạy trước tội lỗi để cho mỗi người có thể tái lập cho mình một lương tâm trong sáng lành mạnh, xứng hợp với phẩm giá con người, tức là khả năng phân định điều tốt xấu một cách đúng đắn là rất cần thiết và rất cấp bách. Tuy nhiên để họ thực thi tốt giáo huấn của Giáo Hội mà chỉ dựa vào cảm thức tội lỗi thì e rằng chưa đủ nếu như họ chưa có được một cảm nhận về Tình yêu. Đây cũng chính là một trong những điều căn bản giúp cho con người có được lương tâm trong sáng.

3. Giáo dục cho con người cảm nhận được tình yêu

Khi nói đến tình yêu thiết nghĩ ai cũng biết và đều có chút ít kinh nghiệm. Quả thật tình yêu là một điều gì đó không thể thiếu trong cuộc sống được. Thế nhưng, nhìn vào đời sống xã hội hiện nay tôi thấy hình như giá trị tình yêu đang có một cái gì đó thay đổi. Hay nói cách khác con người ngày nay dễ dàng đánh mất những giá trị cao cả mà không một vật chất nào có thể mua hay sánh được, đó là những giá trị nhân từ, thủy chung, tôn trọng, yêu thương. Phải chăng đây là nguyên nhân mà các viện mồ côi, trại dưỡng lão ngày ngày càng quá tải. Nếu ai nghe chương trình tư vấn tâm lý (hôn nhân gia đình) của đài phát thanh Thành Phố Hồ Chí Minh phát vào tối thứ sáu có lẽ cũng có một nhận định như trên. Riêng tôi, khi đi thăm các viện mồ côi, dưỡng lão hay nghe chương trình tư vấn hôn nhân. Tôi có cảm giác lương tâm con người thời nay thường bị lạm dụng để uốn nắn theo mục đích cá nhân riêng tư, thậm chí dùng những thủ đoạn để cài bẩy nhau. Khi tiếp xúc với các công nhân tôi lại thấy họ hay dùng câu châm ngôn “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, lộc lừa luồn lách lương lên lẹ”.

Với những thực trạng môi trường này tôi cho rằng con người khó có được một lương tâm trong sáng, đúng đắn lành mạnh. Vậy nguyên nhân từ đâu? Ta có cách nào để khắc phục không? Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân đó là những giá trị tinh thần ‘đánh mất’ hay nói các khác họ không có được những “cảm nhận hay thể hiện tình yêu đúng nghĩa”.

Vì thế, việc giáo dục tái lập những giá trị tinh thần nơi tâm thức của mỗi người nói chung các bạn trẻ nói riêng là vô cùng quan trọng. Mặt khác ta phải làm sao cho mọi người thấy được sự cần thiết và vị trí cao cả của yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông, thật thà là điều hết sức quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Vì chính tình yêu chân chính mới đem lại cho con người một sự nhạy cảm với những giá trị khách quan. Hơn nữa lương tâm xét cho cùng cũng chính là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là Tình Yêu” đó là tất cả chân lý mặc khải cho con người, chân lý có sức giải phóng con người. Vì yêu thương Ngài tạo dựng và cứu rỗi chúng ta. Con người chỉ có một ơn gọi là đáp trả tình yêu đó, nghĩa là sống yêu thương. Chính vì vậy nếu ai tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân cũng như tách lìa khỏi giáo huấn của Giáo Hội thì họ sẽ bị sa lầy vào trong lầm lạc, sẽ bị chôn vùi trong những phán đoán sai lạc, chủ quan và cả những hành vi không có lương tâm chút nào. Một lương tâm trong sáng lành mạnh phải dựa trên nền tảng yêu thương. Làm thế nào ta có thể hiểu được, một người mẹ lại đang tâm giết chết mầm sống của mình đang còn trong bào thai, nếu như đó không phải là sự ích kỷ, thiếu yêu thương, thiếu tôn trọng sự sống của đứa con mình?

Như vậy, việc hướng dẫn hay giúp cho người khác có được cảm nhận tình yêu cũng như khả năng yêu thương là điều rất cần thiết. Giáo huấn của Giáo Hội không phải nhằm hạn chế tự do hay luận phạt chúng ta, nhưng là để mời gọi con người sống nên người hơn. Khước từ giáo huấn của Giáo Hội là khước từ chính tình yêu và do đó cũng là hạ giảm phẩm giá con người (vì Giáo Hội được thiết lập trên Tình Yêu). Từ chối yêu thương là hủy hoại bản thân và hủy hoại người khác. Nếu cha mẹ hay các người lãnh đạo không biết yêu thương thì sớm hay muộn cũng sẽ hủy hoại những người xung quanh và nếu họ không bao giờ yêu thương mình, thì cuối cùng sẽ tạo nên các mẫu hành vi tự hủy hoại. Chúa Giêsu truyền dạy “anh em hãy yêu thương nhau” đó là lệnh truyền giúp chúng ta ngăn ngừa sự hủy hoại bản thân và phá hoại nhau. Vì yêu thương thì không khai thác hay lợi dụng người khác. Yêu thương là trao ban chứ không chiếm đoạt. Thiếu khả năng yêu thương người ta có khuynh hướng khống chế người khác.

Ở đây, tình yêu muốn ám chỉ năng lực Thần linh mà Thiên Chúa chuyển thông cho con người. Thiên Chúa tạo dựng con người để sống yêu thương, nhưng khả năng yêu thương đó được ghi khắc trong con người như một lời mời gọi mà nói đến lời mời gọi là nói đến tự do. Đối với Thiên Chúa, sống yêu thương không phải là một mệnh lệnh, nhưng thiết yếu là một đáp trả tự do, chính qua sự đáp trả tự do ấy, phẩm giá con người được thể hiện, và như thế con người càng trở nên trong sáng. Lương tâm chiếm vị trí cao cả vượt trên mọi suy lý của ích kỷ, tham vọng, đó chính là tiếng nói con tim đem con người đến gần Thiên Chúa là chân lý hơn. Theo niềm tin của chúng ta một khi chúng ta gần với chân lý gần với Chúa, sống theo giáo huấn của Giáo Hội, thì lương tâm của chúng ta càng được trong sáng, càng có khả năng phân định tốt xấu một cách đúng đắn thực tại xung quanh.[24]

TẠM KẾT

Như đã trình bày trên, vai trò giáo huấn của Giáo Hội trên lương tâm là vô cùng quan trọng, không chỉ là lãnh vực thuần túy luân lý, đạo đức, mà còn là vấn đề của mọi vấn đề, bởi vì khủng hoảng lương tâm cũng là căn nguyên của mọi khủng hoảng khác, hơn nữa lương tâm chính là phẩm giá của con người. Lương tâm biểu lộ sự tự do của con người. Hay nói cách khác lương tâm là một khả năng gắn liền với sự sống; còn sống là còn có lương tâm, nhưng thái độ của mỗi người đối với lương tâm lại khác nhau. Không ai thoát khỏi tiếng nói của lương tâm nhưng lắm khi có người cố bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, hoặc do hoàn cảnh người ta không nhận ra một cách đúng đắn tiếng nói lương tâm và tội ác phát xuất từ đó. Mặt khác ta cũng thấy lương tâm là một vấn đề phức tạp và thường bị lạm dụng để uốn nắn theo mục đích cá nhân riêng tư.

Theo văn hóa Việt Nam lương tâm mang ý nghĩa của một trái tim chân chính hay một tấm lòng tốt lành. Lương tâm cảm nghiệm điều đúng hoặc sai trái của một sự việc nào đó, và là nguyên do thúc đẩy con người chọn làm điều đúng; đó là một sự cảm nghiệm đặc biệt, ảnh hưởng đến tư cách và hành động của con người. Nói khác đi, lương tâm là cốt lõi để chỉ sự khác biệt giữa con người với các động vật khác.[25] Thế nhưng ngày nay không ít người có những hành động nó xa rời với bản tính con người (chẳng hạn phá thai) bất chấp giáo huấn của Giáo Hội nhưng họ lại cho rằng họ đang hành động theo lương tâm. Đó chính là thực trạng khủng hoảng về giá trị lương tâm mà con người ngày nay đang đối diện do tác động của những biến chuyển lớn trong xã hội. Từ đó cho thấy vai trò giáo huấn của Giáo Hội trên lương tâm là rất cần thiết và quan trọng trong xã hội “tục hóa” hiện nay.

Khi đứng trên quan điểm kitô giáo và sự tự do lương tâm đúng nghĩa, ta thấy được rằng việc Giáo huấn của Giáo Hội là nhằm giúp con người sống đúng tiếng nói lương tâm trọn vẹn với nhân phẩm của mình chứ không làm hạn chế đi sự tự do lương tâm như một số người đã nói. Thế nhưng những người biết và học hỏi các bản văn giáo huấn của Giáo Hội thì lại rất ít, chính vì không biết nên có những hành động sai mà họ cứ tưởng là đúng, chẳng hạn sống thử, sống chung và đi điều “hòa kinh nguyệt” (thực chất là hút thai) của không ít bạn trẻ. Vì vậy, việc quảng bá các tài liệu về giáo huấn của Giáo Hội, và giúp họ có được những cảm thức về tội lỗi cũng như cảm nhận được tình yêu đích thực – đào luyện khả năng yêu thương là điều vô cùng cấp bách và khẩn thiết, hầu có thể giúp cho con người thời nay có được một lương tâm trong sáng hơn, hành động đúng phẩm giá con người hơn.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Thánh Trọn Bộ, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyểnngữ, Nxb Tp.HCM, 1999.

2. Công Đồng Vatican II, Bản dịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin / HĐGMVN.

3. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin / HĐGMVN.

4. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (dành cho người trưởng thành), Nxb TP.HCM, 1997.

5. Thần Học Luân Lý dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II, thần học tổng quát Tập II.

6. Luân Lý Khai Khoa, giáo trình học tập của lớp Thần Học Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình.

7. R. VÉRITAS, Chân Lý Và Tự Do, tài liệu Giáo lý dành cho người trưởng thành.

8. MSGR. LEONARDOZ. LEGASPI, OP, DD. Giáo Hội Mến Thương, Lm Đỗ Ngọc Bảo O.P chuyển ngữ.

9. Đạo đức Kitô Giáo, tủ sách bạn trẻ.

10. Trần Văn Việt OP,  Giáo dục lương tâm trong thế giới ngày nay.

11. Hoàng Xuân Việt, Tiếng Lương Tâm, nhà sách Khai Trí.

12. Đạo Đức Học, lớp 12 ABCD (không rõ tác giả)

13. Dân Chúa Ngày Nay,  số 01, lưu hành nội bộ.

14. Jean- Louis BRUGUÈS, OPTừ Điển Luân Lý Công Giáo, cuốn thượng.

15. Từ Điển Triết Thần

16. Từ Điển Tiếng Việt.


[1]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 890.

[2]Xc. MSGR. LEONARDOZ. LEGASPI, OP, DD., Giáo Hội Mến Thương, Đỗ Ngọc Bảo, OP. chuyển ngữ, tr. 334-345.

[3]Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004, tr. 394.

[4]Việt Nam Tự Điển, NXB Khai Trí, tr. 555.

[5]Jean- Louis BRUGUÈS, OP., Từ Điển Luân Lý Công Giáo cuốn thượng, tr. 236.

[6]MSGR. LEONARDOZ. LEGASPI, OP, DD., Giáo Hội Mến Thương, Đỗ Ngọc Bảo, OP. chuyển ngữ, tr. 343.

[7] Ibid., tr. 346.

[8] Ibid., tr. 345.

[9]Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004, tr 579.

[10]Từ Điển và Danh Từ Triết Học, Trần Văn Hiến Minh, 1961, tr. 144.

[11] Đạo Đức Học, 12 ABCD, tr. 26.

[12]Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển II, tr. 437.

[13] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, số 16.

[14] Ibidem.

[15]Xc. Thần Học Luân Lý dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II, Thần Học Luân Lý Tổng Quát, tập II, tr. 23.

[16]R. VÉRITAS, Chân lý và tự do, tài liệu Giáo lý dành cho người trưởng thành, tr. 72.

[17] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, số 16.

[18]Phải hiểu tự do như là khả năng của mọi người được thật sự là mình và đạt tới sự sung mãn của mình. Tội lỗi là thử thách lớn của tự do, nghĩa là khả năng chọn lựa giữa tốt và xấu. (x. Dnl 30,19).

[19] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, số 14.

[20] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae (sự sống con ngừơi), ngày 25-07-1968.

[21]Xc. MSGR. LEONARDOZ. LEGASPI, OP, DD., Giáo Hội Mến Thương, Đỗ Ngọc Bảo, OP. chuyển ngữ, tr. 337-338.

[22]Các năm đói trong lịch sử Việt Nam. Vd: Năm 1945.

[23]Báo Tuổi Trẻ tháng 9 – 2005.

[24]Xc. Trần văn Việt, OP., Giáo dục lương tâm trong thế giới ngày nay.

[25]Dân Chúa ngày nay, số 01, tr. 181.