HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAM


ÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAMTừ Familiaris Consortio đến Amoris Laetitia và việc Hiệp thông Bí tích
Lm. Giuse Đinh Tiến Hưng, OP

LỜI MỞ ĐẦU

Hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên từ trong một gia đình. Hai chữ gia đình quá thân thương và gắn bó đến nỗi dường như đôi khi chúng ta quên gọi tên và nhắc đến những thực tại của nó. Tuy nhiên, dẫu chúng ta có quên nhắc đến, thì gia đình vẫn ở đó, và là nền tảng căn bản cho cuộc sống của mỗi người. Gia đình bao bọc chúng ta, ở bên chúng ta, trong trái tim, hiện diện trong sâu thẳm của con người. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được cảm thức và những ký ức về gia đình mình. Một câu khuyết danh về gia đình đáng để chúng ta ghi nhớ: Gia đình là nơi sự sống bắt đầu, và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc. Trong Tông Huấn về Gia đình trong thế giới ngày nay, Đức Gioan Phaolô II, nói rằng, gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu (x. FC, 43. 64), gia đình là tế bào căn bản của xã hội (x. AA, 11; FC, 46. 79)


Tuy nhiên, gia đình đặt nền tảng căn bản của nó trên hôn nhân, vốn là sự kết hợp bởi một tình yêu không tính toán giữa một người nam và một người nữ. Tình yêu ấy mạnh đến nỗi khiến hai người lìa bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với nhau thành ‘một xương một thịt’ (x. St 2:24). Từ trong chính hôn nhân, sự sống và tình yêu bắt đầu hành trình của nó. Nói cách khác, từ gia đình, tình yêu, lòng quảng đại vị tha được nhen nhúm, sự sống có cơ hội để phát triển và thăng tiến. Như vậy, khi nói về gia đình là chúng ta, trước hết, nói về hôn nhân. Nhưng, điều làm chúng ta phải phải suy nghĩ là, cơ cấu, thể chế và những giá trị căn bản của hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) đang bị băng hoại, đang mất dần chính bản chất của nó. Đức Giáo Gioan Phaolô II đã phải thốt lên, “Hỡi gia đình, hãy trở về đúng với bản chất của mình” (FC, số 17). Quả thế, gia đình nhân loại, dẫu mang trong mình nhiều giá trị cao quý, nhưng nó đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách từ mọi phía.

HN&GĐ trong thời hiện đại đang phải đối diện với rất nhiều thách đố. Việc tự do thương mại và kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa đã thúc đẩy việc giao thương vừa nhanh hơn và cũng vừa rẻ hơn. Công nghệ tiên tiến và khoa học giúp con người dễ dàng liên lạc với mọi người trên khắp thế giới chỉ trong vài giây. Từ góc nhìn lạc quan, những phát triển này mang lại nhiều cơ may cho nhân loại. Tuy nhiên, cũng chính những tiến bộ này cũng đang ảnh hưởng đến cốt lõi của đời sống con người. Theo dõi tin tức trên báo chí và truyền hình hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp, bênh cạnh những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật là những thách đố mang tính toàn cầu, như cuộc xung đột về ý thức hệ, về tôn giáo và văn hoá, việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên không đồng đều, tình trạng khủng bố, v.v… Những thay đổi này cũng đang ảnh hưởng một cách trực tiếp cũng như gián tiếp đến xã hội, đến từng cá nhân và HN&GĐ. Nói cách khác, thế giới đương đại đang thể hiện cùng lúc hai khuôn mặt vừa sáng sủa tích cực vừa ảm đạm tiêu cực.

Thực trạng về HN&GĐ Việt Nam

Báo điện tử VnEconomy đã có bài tổng hợp về 10 nước có tỉ lệ ly hôn cao nhất thế giới, trong đó, Bỉ là nước đứng đầu, có tỉ lệ là 71%, nước đứng số 10 là Mỹ tỉ lệ 53%. Bài báo cũng cho biết thêm, vì dân số khá đông nên số vụ ly hôn ở Mỹ là rất lớn. Ước tính ra trung bình cứ 6 giây đồng hồ lại có một cặp vợ chồng ở nước này đưa nhau ra tòa.[1]

Còn tại Việt Nam, xem ra có vẻ khá hơn nhưng cũng khôn kém phần bi đát. Báo điện tử VTVonline, tin tức ngày 01/08/2017 có bài “Báo động tình trạng ly hôn ở các gia đình trẻ” cho biết, năm 2016, cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Như vậy, tỉ lệ ly hôn là 37%. Một vị thẩm phán ở Bạc liêu đưa ra một nhận xét khá chua chát rằng, “Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, dường như chưa cảm nhận được hết giá trị của hai tiếng “gia đình”, thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau” mỗi khi xảy ra mâu thuẫn…. Tìm hiểu nguyên nhân, họ chỉ nói đơn giản: giận nhau, cãi nhau thì đem đơn lên ly hôn.”[2]

Bên cạnh đó, theo các nhà chuyên môn trong lãnh vực này cho biết, tỷ lệ ly hôn ở giữa những người là viên chức, trí thức… cao hơn những gia đình công nhân, nông dân. Thông tin này cũng cho biết, khi điều kiện kinh tế phát triển, dân trí cao, cơ hội tiếp xúc xã hội càng nhiều, thì những nhu cầu cá nhân càng lớn, và đó là một trong những nguyên nhân khiến gia đình ngày càng kém bền vững. Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, các gia đình có nền giáo dục cơ bản, truyền thống, đạo đức thì ít có nguy cơ đổ vỡ trong đời sống hôn nhân. Theo đó, điều quan trọng nhất để gìn giữ HN&GD là, vợ chồng phải biết tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống, nhường nhịn lẫn nhau để cùng hướng đến xây đựng một mái nhà hòa thuận.[3]

Trong số những đôi vợ chồng đổ vỡ kể trên, có bao nhiêu cặp là người Công Giáo, và việc họ tiếp tục gắn bó với đời sống của Giáo Hội như thế nào, chưa có một thống kê nào cụ thể. Chỉ chắc chắn rằng, nhiều vợ chồng Công Giáo Việt Nam, sau khi đã ly dị và tái hôn dân sự, sẽ dần dần rời xa Giáo Hội. Hơn nữa, tại một số Giáo Hội địa phương, những chế tài mục vụ đã và đang được áp dụng không những chỉ trên chính đương sự mà còn cả trên những người thân thuộc liên hệ với họ. Và hậu quả của những chế tài đó rất khó có thể tính đếm được.

Giáo Hội đứng về phía HN&GĐ

Giáo Hội luôn trợ giúp và nâng đỡ con cái mình, đó là một chân lý. Dẫu rằng, từ sau thời của các Giáo Phụ cho đến tận cuối thế kỷ XIX, thần học về HN&GĐ không có gì đáng kể, nhưng thực tại này vẫn luôn sống động trong đời sống của Giáo hội và xã hội. Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã nhìn HN&GĐ trong một chiều hướng mới. Điều này có thể đượcấy trước nhất trong hiến 
chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium, trong đó Giáo hội tái khám phá vai trò người giáo dân trong Giáo Hội và tái khẳng định “gia đình là Hội thánh tại gia” (x. LG, số 11). Cũng kể từ thời gian đó, vai trò và sứ mạng của HN&GĐ trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội được chú ý nhiều hơn. Công đồng đã phân tích về HN&GĐ theo cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ và cả những thách đố mà nó đang đối diện.[4] Một cách cụ thể, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, đã đề cập tới sự cần thiết phải thúc đẩy sự cao quý của HN&GĐ. Hiến chế cũng khẳng định, mặc dù HN&GĐ Công giáo thật cao quý, nhưng sự cao quý này không phải lúc nào và ở đâu cũng được tôn trọng như nhau (x. GS, số 47.b). Đó chính là lý do Giáo Hội luôn nhiệt tình ủng hộ và chăm lo cho HN&GĐ.

Thật vậy, từ Công đồng Vatican II, Giáo hội luôn tha thiết cung cấp những hướng dẫn và trợ giúp cần thiết để bảo vệ sự thánh thiện và phẩm giá tự nhiên của HN&GĐ (x. GS, số 47 d.). Ngoài ra, Giáo Hội cũng chỉ ra rằng, HN&GĐ được mời gọi nên thánh nhờ tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất của Đức Kitô và Hội thánh, qua việc vợ chồng yêu thương, nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống hôn nhân, và hướng tới việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái (x. LG, số 11).

Một vài năm sau Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã thành lập một Ủy ban về Gia đình (1973). Sau đó, ủy ban này được nâng lên thành Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình dưới thời đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II (1981). Hội đồng này có nghĩa vụ thúc đẩy chăm sóc mục vụ cho HN&GĐ, bảo vệ quyền và phẩm giá của họ trong Giáo hội và trong xã hội dân sự, nhờ đó, các gia đình có thể hoàn thành sứ vụ của họ trong thế giới này.

Từ Familiaris Consortio đến Amoris Laetitia

Sự kiện đặc biệt đáng ghi nhớ là vào năm 1980, lần đầu tiên, một Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập để thảo luận đề tài HN&GD. Thành quả của thượng Hội đồng đưa tới Tông huấn Familiaris Consortio, về nhiệm vụ gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay(1981). Trong đó, phần thứ I, Tông huấn chỉ ra cuộc khủng hoảng của HN&GĐ trong thế giới ngày nay. Đức Gioan Phaolô II khuyến khích mọi người hãy nhìn gia đình dưới ánh sáng của Tin Mừng (x. FC, số 5). Kế đến, Tông huấn nói về kế hoạch của Thiên Chúa cho HN&GĐ (phần II). Phần thứ III của Tông huấn đề cập đến vai trò và sứ mạng của HN&GĐ Kitô hữu trong thế giới. Tông huấn kết thúc bằng việc chỉ ra những cách thức chăm sóc mục vụ cho HN&GĐ trong thời hiện đại. Cùng với các Nghị phụ, Đức Gioan Phaolô II kêu mời “các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh.” Tông huấn cũng đã mở ra hướng mục vụ cho những người Công giáo đã ly dị và tái hôn có thể lãnh bí tích Thánh thể trong những dịp và với những điều kiện cụ thể như là tiết dục và tránh gây gương mù gương xấu (x. FC, số 84).

Tuy nhiên, là một thực tại sống động, là tế bào của xã hội và Giáo Hội, HN&GĐ không luôn tiến triển theo dòng chảy của Giáo Hội và xã hội. Hơn nữa, tình trạng tín hữu Công giáo ly dị và sau đó tái hôn dân sự ngày càng nhiều; những hướng dẫn của Familiaris Consortio xem ra không thể đáp ứng được thực trạng những người này ngày càng rời xa Giáo Hội. Do đó, cần phải tiếp tục đào sâu, phát triển nền thần học và kế hoạch mục vụ cho HN&GĐ trong những hoàn cảnh mới của thế giới hiện nay.


Quả vậy, ngày 5/10/2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường để thảo luận về Các thách đố về Mục vụ HN&GĐ trong bối cảnh tân Phúc âm hóa; và ngày 4/10/2015, Thượng Hội đồng Giám mục thường niên lần thứ 14 đã mở rộng đề tài và tiếp tục thảo luận về Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hiện đại. Như một điều tất yếu, vào ngày 8/4/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu) là kết quả của hai thượng Hội đồng trước đó. Amoris Laetitia là một Tông huấn được cả thế giới mong đợi. Quả thực, văn kiện cho thấy rằng, Giáo hội luôn muốn cống hiến một hướng dẫn mục vụ cho HN&GĐ, nhất là trong việc giải quyết những thách đố và khó khăn của các đôi vợ chồng trong trong thế giới hiện đại.

Trong ngày ra mắt văn kiện, Đức Hồng y Christoph Schönborn đã phát biểu với báo giới rằng, không có thay đổi trong đạo lý của Giáo Hội về HN&GĐ, nhưng có một sự phát triển hữu cơ trong giáo huấn của Giáo Hội về HN&GĐĐức hồng y cũng nói, có một sự liên tục trong giáo huấn của Giáo Hội về HN&GĐ, nhưng đồng thời cũng có một điều gì đó mới mẻ nảy sinh. Điều mới ấy chính là sự phát triển chứ không phải sự thay đổi về đạo lý.[5] Đức Hồng y Schönborn dùng lại cách nói của Hồng y John Henry Newman để khẳng định rằng, sự phát triển đạo lý ở đây hiểu là sự canh tân chứ không phải sự đoạn tuyệt với giáo huấn truyền thống.[6]

Sau khi công bố Amoris Laetitia (08/4/2016), nhiều ý kiến tranh luận đã nảy sinh xung quanh việc áp dụng giáo huấn của Tông huấn. Theo một số học giả, có một sự “đứt quãng” từ Tông huấn Familiaris Consortio đến Tông huấn Amoris Laetitia. Trong khi đó, một số học giả lại cho rằng, có một số ý tưởng tối nghĩa trong văn kiện cần phải được làm sáng tỏ.[7]

Vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi ngày 19/9/2016, 4 vị hồng y đã gửi 5 nghi vấn lên Đức Giám Mục Rôma và Đức Hồng y tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (Gerhard Müller) để xin làm sáng tỏ vài vấn đề vì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Từ Vatican, sau một thời gian im lặng, ngày 9/01/2017, đức hồng y Gerhard Müller khẳng định rằng, không có gì đáng phải gì hồ nghi về đạo lý của Amoris Laetitia.[8]

Vấn đề đã trở nên phức tạp hơn khi hơn 60 linh mục, tu sĩ, giáo sư và học giả đã ký vào một tài liệu dày 25 trang có tựa đề là Correctio Filialis de Heresibus Propagatis và gửi cho đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 11/8/2017.[9] Mặc dù đây chỉ là những ý kiến của một nhóm và không có tính pháp lý nào nhưng nó cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ về đạo lý của Tông huấn Amoris Laetitia.[10] Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, cùng lúc đó, nhiều Giáo hội địa phương đã chính thức lên tiếng ủng hộ giáo huấn của Amoris Laetitia. Chẳng hạn, các Giám mục Balan cho rằng tông huấn Amoris Laetitia có chung một đường hướng với tông huấn Familiaris Consortio (9/6/2017);[11] hoặc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã có công nghị và sau đó công bố về việc tiếp nhận và thực hiện giáo huấn của Amoris Laetitia.[12]

Giữa những tranh luận sôi nổi đang diễn ra ấy, Đức Phanxicô nhận được bản văn hướng dẫn mục vụ dành cho các linh mục thuộc tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina, nơi trước đây ngài làm Giám mục. Bản văn (đề ngày 5/9/2016) đưa ra mười điểm căn bản để áp dụng chương VIII của Amoris Laetitia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết thư khen ngợi và xác nhận rằng các Giám mục Buenos Aires đã diễn giải đúng đắn ý giáo huấn trong chương VIII của Amoris Laetitia.[13]

Trọng tâm của những tranh luận

Vậy, đâu là vấn đề chính yếu gây nên tranh luận về giáo huấn của Amoris Laetitia? Vấn đề tập trung chủ yếu vào Chương VIII của tông huấn, về việc đồng hành, phân định và hội nhậpdành cho những những đôi vợ chồng trong hoàn cảnh chông chênh. Từ đó đưa đến việc hội nhập những người Công giáo đã ly dị và tái hôn vào đời sống của Giáo Hội qua các bí tích. Lập trường của những tranh luận là, một bên cho rằng, những người đã ly dị và tái hôn cần phải được tái hội nhập vào đời sống của Hội Thánh, cụ thể là qua việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể, còn bên kia cho rằng, nếu cho những người này rước lễ, đồng nghĩa với việc xem nhẹ hoặc tương đối hóa tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân.

Thực ra, những tranh luận nảy sinh sau khi công bố Tông huấn Amoris Laetitia đã được nhen nhúm từ trước hai Thượng hội đồng Giám mục. Theo đó, từ đầu năm 2014, Đức Phanxicô đã mời Đức Hồng y Walter Kasper trình bày trước các vị hồng y trong nhóm trù bị Thượng hội đồng. Bản văn của Hồng y Kasper sau này được nhắc đến dưới tên gọi Đề xuất Kasper.Đề xuất này sau đó còn được xuất bản với tựa đề Tin mừng của Gia đình (tháng 3/2014).[14]Bản đề xuất đã gây nên những tranh luận trước, trong và cả sau hai Thượng hội đồng Giám mục. Cũng phải nói thêm rằng, ngay sau khi Đề xuất Kasper được xuất bản, có một cuốn sách khác cũng được xuất bản nhằm phản bác lại lập trường của Đề xuất Kasper với tựa đề: Tin Mừng của Gia Đình: Vượt qua ‘Đề xuất Kasper’ về những Tranh luận quanh việc Kết hôn - Tái hôn và sự Hiệp thông trong Giáo Hội (tháng 8/2014).[15] Đề xuất của Đức Hồng y Walter Kasper đưa ra những lập luận và thuyết phục rằng, Giáo Hội cần phải canh tân những thực hành mục vụ liên quan đến những người Công giáo ly dị và tái hôn. Theo National Catholic Reporter,[16] ngay trong Thượng hội đồng Giám mục 2014 đã xuất hiện hai khuynh hướng, mà phần lớn ngả theo đề xuất của Đức Hồng y Walter Kasper, tuy nhiên nhóm này vẫn chưa đạt hai phần ba (2/3) số phiếu ủng hộ. Thượng hội đồng năm 2015 tiếp tục đưa đề tài này ra tranh luận, và sau đó đã đạt được hai phần ba (2/3) số Nghị phụ ủng hộ.

Chúng ta đều biết, tất cả văn bản của Thượng hội đồng Giám mục được trao lại cho Đức Giáo hoàng xem xét, từ đó sẽ có những quyết định cuối cùng. Đó là lý do đưa đến sự nóng lòng chờ đợi Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục 2015. Hầu hết các phần về giáo thuyết của tông huấn Amoris Laetitia đều được rút ra từ hai Thượng hội đồng Giám mục, dựa trên các giáo huấn truyền thống như Summa Theologiae, Công đồng Vatican II… và quả thật, đó là những phân tích, hướng dẫn quý báu, thực tế về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, dựa trên những đề xuất của đa số các Nghị phụ Thượng hội đồng, Đức Phanxicô đã đưa ra hướng mục vụ nhằm tạo điều kiện, trong mức độ có thể, cho những người Công giáo ly dị và tái hôn được hiệp thông các bí tích, điều này đã được nói đến trong Đề xuất Kasper.

Cũng phải nói thêm rằng, trong cuộc tranh luận về giáo huấn của Amoris Laetitia, ghi chú (footnote) số 351 là một trong những điểm được đề cập đến. Ghi chú này viết rằng, “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích... Tôi cũng muốn lưu ý rằng Bí tích Thánh Thể không phải là một phần thuởng cho người hoàn hảo, nhưng là phương dược đầy hiệu năng và là lương thực dưỡng nuôi cho người yếu đuối.[17] Những người theo hướng cởi mở thì cho rằng, Tông huấn mặc nhiên cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ; trong khi những người khác, chẳng hạn Hồng y Walter Brandmüller, một trong bốn Hồng y ký tên trong bản Dubia gửi lên Đức Phanxicô, cho rằng, một ghi chú không thể thay đổi được giáo huấn truyền thống của Giáo Hội.[18]

Cho đến lúc này (2018), những tranh luận về đạo lý của Amoris Laetitia dường như đã lắng xuống, tuy nhóm phản đối hướng mở của Tông huấn vẫn chưa (hoàn toàn) bị thuyết phục, và nhiều người vẫn cho rằng, nền tảng luân lý của Amoris Laetitia không vững chắc. Tuy nhiên, qua những trả lời phỏng vấn ngắn trên những chuyến tông du ngoài Rôma, hoặc những bài phát biểu đó đây, Đức Phanxicô vẫn tiếp tục khẳng định giáo thuyết của Amoris Laetitia là hoàn toàn xác thực. Đã có lần Ngài nhấn mạnh rằng cần đánh tan luận điệu cho rằng Amoris Laetitia chạy theo nền luân lý giải nố hoặc thiếu Công giáo tính. Ngài nói, nền tảng luân lý của Amoris Laetitia dựa trên thánh Tôma Aquinô. Theo Ngài, thần học của Thánh Tôma Aquinô vĩ đại rất giàu tư tưởng và tiếp tục là kim chỉ nam cho chúng ta trong thời đại này. Nhưng ngài cũng nhấn mạnh, đó là một nền thần học quỳ gối, cần phải quỳ xuống trước khi đưa ra những quyết định của mình.[19]

Điều đáng nói là, văn bản hướng dẫn dành cho các linh mục của tổng Giáo phận Buenos Aires, Argentina (đã nói đến ở trên) cùng với lá thư hồi âm của Đức giáo hoàng đã được đăng trên Công báo Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis) số ra tháng 10/2016. Điều đó có nghĩa là, mười điểm hướng dẫn của các Giám mục dành cho các linh mục thuộc miền Buenos Aires đã, một cách nào đó, phù hợp với Giáo huấn chính thức của Giáo hội.

Định hướng mục vụ của Amoris Laetitia

Trước hết, Tông huấn đề cập đến việc đào tạo lương tâm người tín hữu và dành chỗ cho lương tâm hành động. Có “hai dòng suy nghĩ vẫn lưu chuyển trong toàn bộ lịch sử của Hội Thánh đó là loại trừ và tái hòa nhập” (AL, số 306), từ đó hướng đến việc phân định và tái hòa nhập cho các những người đã ly dị và tái hôn. Tông huấn mời gọi các mục tử cần phải để dành phần quyết định cho lương tâm người tín hữu, vì đó là nơi sâu kín nhất và nơi cuối cùng con người đối diện với Thiên Chúa. Cần phải để ý đến những “hoàn cảnh mà người ta không thể hiện một cách khách quan về quan niệm hôn nhân của chúng ta được, thì trong thực hành, Hội thánh cần xét đến lương tâm của người ta nhiều hơn.” Tông huấn cũng nhắc lại, đó phải là lương tâm được huấn luyện, trưởng thành và được khai sáng nhờ việc đồng hành, phân định có trách nhiệm và nghiêm túc của các Mục tử (AL, số 303). Vì “chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm” (AL, số 37).

Kế đến, Tông huấn đề cập đến việc tiệm tiến trong mục vụ. Ở đây, văn kiện nhắc lại điều Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập đến trong Tông Huấn Familiaris Consortio (số 34) về “luật tiệm tiến”. Theo đó, Tông huấn nêu rõ, “con người hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lí theo những giai đoạn phát triển khác nhau.” Điều đó cũng có nghĩa là, trong mục vụ, phải chấp nhận một quá trình tiệm tiến “trong việc thực hiện cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật” (AL, số 295). Nói cách khác là, không nên áp dụng luật luân lý khách quan một cách cứng nhắc vào những cá nhân trong những điều kiện cụ thể của họ (x. AL, số 304). Bên cạnh đó, cũng cần phải để ý đến những yếu tố làm giảm khinh trách nhiệm trong việc phân định mục vụ (AL, số 301-303)

Sau đó, Tông huấn đi tiếp với một nguyên tắc luân lý trong thực hành mà thánh Tôma Aquinô chỉ dẫn để vận dụng vào việc phân định và đồng hành mục vụ: “Dẫu rằng có sự tất yếu nào đó trong những nguyên tắc chung, nhưng càng đi vào những trường hợp riêng biệt, càng gặp thấy điều bất tất. Trong lãnh vực thực hành, chân lí hoặc qui luật thực hành thì không như nhau đối với mọi người trong những áp dụng riêng, mà chỉ đúng cho các nguyên tắc chung thôi; và ngay cả nơi những người chấp nhận cùng một qui luật thực hành như nhau trong những trường hợp riêng, qui luật ấy cũng không phải được mọi người biết đến [...]. Và càng gia tăng điều bất định nếu càng đi sâu vào cái đặc thù.”[20] Theo thánh Tôma Aquinô, trên phương diện nhận thức, chúng ta đi từ cái phổ quát đến cái đặc thù. Tuy nhiên, trong phương diện suy tư và thực hành, người ta lại khởi đi từ cái đặc thù. Nói cách khác, trong thực hành và mục vụ, điều chúng ta phải giải quyết là những điều đặc thù giữa những bối cảnh cụ thể. Và những điều đặc thù, như thánh Tôma nói, luôn luôn có những điều bất tất, không giống nhau trong mọi trường hợp. Vì vậy cần phải thận trọng trong việc áp dụng những nguyên tắc chung lên từng trường hợp cụ thể. Trong khi đó, cách thực hành của chúng ta xưa nay thường theo khuynh hướng đem nguyên tắc chung hay phổ quát để áp dụng vào mọi trường hợp. Tông huấn nói, “Quả là hạn hẹp khi chỉ dừng lại xét xem liệu hành động của một người có phù hợp với một khoản luật hoặc một qui tắc chung hay không” (AL, số 304). Đó cũng chính là lý do mà Đức Phanxicô mời gọi các linh mục hãy dành thời gian để đồng hành, phân định những hoàn cảnh đặc thù của người tín hữu. Nói cách khác, tòa Giải tội là nơi bàn giải các vấn đề cá nhân hay đặc thù, qua đó, người ta đặt mình đối diện với Thiên Chúa (qua linh mục giải tội), từ đó mở ra một con đường cho lương tâm đối thoại với Thiên Chúa.

Sau cùng, Amoris Laetitia cũng nhắn nhủ những ai thi hành tác vụ của mình hãy chứng tỏ tấm lòng mục tử trong việc giúp đỡ đồng hành, phân định lương tâm người tín hữu, đang khi trung thành với lí tưởng trọn vẹn của hôn nhân và kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả tầm vóc cao cả của nó hầu tránh những giải thích lệch lạc (x. AL, số 307-312).

Trong bối cảnh của Giáo Hội Việt Nam

Trước hết, cần phải nhắc lại rằng, các tranh luận ở trên vốn hướng đến việc cho phép những người Công giáo ly dị và tái hôn được rước lễ công khai chứ không phải cách thực hành tiết dục và việc tránh gương mù gương xấu như truyền thống đã làm. Kế đến, những tranh luận này đề cập đến việc lãnh Bí tích Thánh Thể chứ không nói đến việc lãnh bí tích Hòa giải. Tông huấn đã nói cách minh nhiên hay mặc nhiên việc những người Công giáo ly dị và tái hôn cần đến với các linh mục để thực hành việc đồng hành, phân định và hội nhập (chương VIII). Chẳng hạn, số 300 Tông huấn Amoris Laetitia viết, “Trao đổi với linh mục, ở tòa trong, sẽ góp phần đào luyện một phán đoán đúng đắn về những gì gây cản trở cho khả năng tham dự đầy đủ hơn vào đời sống của Hội thánh, và về các bước có thể xúc tiến và phát triển khả năng đó. Như vậy, việc đến với bí tích Hòa giải (tòa trong) là điều đáng khuyến khích chứ không bị cấm cản.


Tại Việt Nam, kể từ sau khi ban hành Tông huấn Amoris Laetitiachưa có tiếng nói chính thức nào của Giáo Hội địa phương liên quan đến đề tài đang được tranh luận, ngoại trừ tài liệu hướng dẫn một Đức Giám mục trong dịp thường huấn dành cho các linh mục trong Giáo phận của ngài với tựa đề Vai Trò Của Lương Tâm Trong Những Quyết Định Luân Lý Liên Quan Đến Gia Đình.[21] Nói như thế không có nghĩa là Giáo Hội Việt Nam chưa thấy việc này là cần thiết, hoặc chưa quan tâm đủ đến con cái của Giáo Hội đang sống trong hoàn cảnh chông chênh. Trái lại, có thể hiểu Giáo Hội Việt Nam không gặp khó khăn gì trong việc áp dụng giáo huấn của Tông huấn Amoris Laetitia (mong là như vậy!). Và nếu quả thật là như vậy, thì một đàng cần phải mạnh dạn cổ võ những người ly dị và tái hôn đến với các vị chủ chăn của mình để được đồng hành và giúp phân định; đàng khác, các vị chủ chăn cũng cần được thúc đẩy để nhiệt tình, kiên nhẫn và khôn ngoan hầu giúp họ tái hội nhập vào đời sống của Giáo Hội. Trong bối cảnh ấy, có lẽ cần phải xác định một vài điểm quan trọng liên quan đến vấn đề này, để giúp các tín hữu không hiểu sai giáo huấn của Giáo Hội.

Thứ nhất, Tông huấn khẳng định, không phải tất cả mọi tranh luận về đạo lý, luân lý hay mục vụ đều cần phải được can thiệp bởi huấn quyền. Nói cách khác, đừng dập tắt tiếng nói của Thần Khí. Hơn nữa, theo tinh thần của Công đồng Vatican II, cũng cần tôn trọng những giá trị nhân văn, văn hóa của địa phương, đang khi trung thành với giáo huấn của Đức Kitô và đưa ra những giải đáp thích đáng phù hợp với Tin Mừng (x. AL, số 3. 32.). Bên cạnh đó, Tông huấn cũng khuyến khích việc mở lòng ra với ân sủng của Thiên Chúa. chính Ân sủng, đã được ban xuống cho các cặp vợ chồng khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối, sẽ nâng đỡ các gia đình và củng cố mối dây liên kết vợ chồng. Vì khi quá nhấn mạnh đến đạo lý, đạo đức và luân lý, chúng ta sẽ khó trình bày hôn nhân như một thực tại năng động thay vào đó là một gánh nặng mà đôi vợ chồng phải chịu đựng suốt đời. Hơn nữa, Tông huấn cũng nêu rõ, khi luân lý hóa và đạo đức hóa thực tại này, chúng ta sẽ khó dành chỗ cho lương tâm của người tín hữu (x. AL, số 37).

Thứ hai, Tông huấn không có ý biến một trường hợp hôn nhân bất quy tắc thành một trường hợp bình thường, nhưng đúng hơn, họ được mời gọi đến với Linh mục giải tội để từng bước thực hành việc hội nhập vào đời sống của Giáo Hội (AL, số 291-292). Cũng cần khẳng định rằng, Hội Thánh không ra vạ tuyệt thông những người Công giáo ly dị và đã tái hôn. Nói cách khác, quan niệm tuyệt thông hay loại trừ người khác không phù hợp với lập trường của Giáo Hội. Như thế, trong hoàn cảnh hiện nay, họ được mời gọi đến với Giáo Hội nhiều hơn thay vì xa rời như trước đây.

Thứ ba, trong tiến trình phân định và hội nhập, khi áp dụng những hướng dẫn của Amoris Laetitia, cũng cần phải nhắc lại rằng, việc những người sống trong tình trạng bất quy tắc đến với các Bí Tích không phải là một sự cho phép, một sự thỏa hiệp, hay làm giảm nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng là một tiến trình phân định của lương tâm của người tín hữu dưới sự hướng dẫn của mục tử. Hơn nữa, việc phân định mục vụ không phải lúc nào cũng có thể đưa đến đón nhận các bí tích, nhưng quan trọng hơn là sự tái hội nhập vào đời sống của Giáo Hội qua những cách thức khác nhau (x. AL, số 299). Điều này giả thiết có những hướng dẫn thích hợp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu.

Sau cùng, bên cạnh những hướng dẫn mục vụ của từng địa phương (nếu có), những hướng dẫn dành cho các linh mục của tổng Giáo phận Buenos Aires, Argentina có thể được và cần được phổ biến, áp dụng.[22]

KẾT LUẬN

Thánh Gioan Phaolô II không chỉ nổi tiếng với nền thần học về thân xác mà còn trong nền thần học về HN&GĐ. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã viết nhiều tài liệu về HN&GĐ. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến, Tông huấn đầu tên của ngài về gia đình là Gia đình là Familiaris Consortio (1981), cá tài liệu tiếp theo là Hiến chương về Quyền của Gia đình (1983) và Thư gửi các gia đình (1994). Familiaris Consortio không phải là một sự ngẫu nhiên hay tình cờ, mà là một lựa chọn của ngài trong những năm đầu của triều đại giáo hoàng. Mặc dù Tông huấn Familiaris Consortio là kết quả của Thượng Hội đồng Giám Mục, nhưng các suy tư của Thánh Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng đến toàn bộ Thượng Hội Đồng. Ngài là người đã triệu tập Thượng Hội đồng và đúc kết thành văn kiện. Bởi vậy, có thể nói, việc chăm sóc mục vụ cho HN&GĐ là trọng tâm những ưu tư của ngài (x. FC, số 1).

Trong bài giảng của Thánh Lễ và nghi thức phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đã đề cập đến Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng của Gia đình, ngài tuyên bố, trong thời gian phục vụ dân Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng của gia đình. Bản thân ngài đã từng nói rằng ngài muốn được nhớ đến như vị Giáo hoàng của gia đình.

Vào ngày 18/10/2015, trong thời gian đang diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng đã phong thánh cho thân phụ của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Họ là đôi vợ chồng đầu tiên được phong thánh cùng một lúc. Đó là bằng chứng và một lần nữa cho thấy ơn gọi nên thánh không loại trừ bậc sống hôn nhân và gia đình. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại nền thần học về hôn nhân và gia đình để tái khám phá những giá trị có thể đã bị che giấu trong một thời gian, nhờ đó có thể quảng diễn và áp dụng chúng vào bối cảnh của thế giới hiện nay. Đặc biệt, theo lời mời gọi của Tông Huấn Amoris Laetitia, đưa những người con cái của Giáo Hội trong những hoàn cảnh trái quy tắc, chông chênh, trở về hội nhập với Giáo Hội.


[1] Báo điện tử VnEconomy, bài đăng ngày 5/8/2016 (nguồn truy cập: http://vneconomy.vn/the-gioi/10-nuoc-co-ty-le-ly-hon-cao-nhat-the-gioi-20160805045140542.htm). Các nước còn lại theo thứ tự: số 2. Bồ Đào Nha: 68%; 3. Hungary: 67%; 4. Cộng hòa Czech: 66%; 5. Tây Ban Nha: 61%; 6. Luxembourg: 60%; 7. Estonia: 58%; 8. Cuba: 56%; 9. Pháp: 55%.

[2] Báo Điện tử Bạc Liêu, bài đăng ngày 13/10/2017 (nguồn truy cập: http://www.baobaclieu.vn/toa-soan-ban-doc/bao-dong-tinh-trang-ly-hon-tang-manh-46885.html).

[3] Báo Pháp luật Online, bài ra ngày 23/6/2017 (Nguồn truy cập: http://baophapluat.vn/ngot-ngao/vo-chong-cang-nhieu-chu-cang-de-ly-hon-340965.html).

[4] x. LG, số 11, 12, 35; X. AA, số 11; X. GE, số 3.

[5] x. Gerard O'Connell, ‘Amoris Laetitia’ Represents an Organic Development of Doctrine, Not a Rupture.’ Nguồn truy cập: https://www.americamagazine.org/faith/2016/04/08/amoris-laetitia-represents-organic-development-doctrine-not-rupture; https://press.vatican.va/content/salastampa/en/ bollettino/pubblico/2016/04/08/160408a.htmlhttps://aleteia.org/2016/04/08/true-innovations-but-not-ruptures-cardinal-christoph-schonborn-presents-amoris-laetitia/.

[6] x. Diane Montagna, True Innovations but Not Ruptures”: Cardinal Christoph Schönborn Presents “Amoris Laetitia. Nguồn truy cập: https://aleteia.org/2016/04/08/true-innovations-but-not-ruptures-cardinal-christoph-schonborn-presents-amoris-laetitia/.

[7] x. Matthew McCusker, Key Doctrinal Errors and Ambiguities of Amoris Laetitia. Nguồn truy cập: http://voiceofthefamily.com/key-doctrinal-errors-and-ambiguities-of-amoris-laetitia/.

[8] x. Elise Harris, Cardinal Mueller: There Is No Problem with Doctrine in Amoris Laetitia. Nguồn truy cập: https://www.catholicnewsagency.com/news/cardinal-mueller-theres-no-problem-with-doctrine-in-amoris-laetitia-99386.

[9]Nguồn truy cập:http://www.correctiofilialis.org/.

[10] x. Correctio Filialis de Heresibus Propagatispage 10.

[11] x. Elise Harris, Polish Bishops See Continuity between Amoris Laetitia and Familiaris Consortio. Nguồn truy cập: http://www.catholicnewsagency.com/news/polish-bishops-see-continuity-between-amoris-laetitia-familiaris-consortio-94562/.

[12] Có thể xem toàn văn tài liệu tại: http://www.usccb.org/issues-and-action/marriage-and-family/amoris-laetitia.cfm.

[13] x. Bản dịch và bình giải Việt ngữ của linh mục G.B. Lê Ngọc Dũng. Nguồn truy cập: http://giaoluatconggiao.com/che-tai/cac-giam-muc-argentina-nhung-tieu-chuan-can-ban-de-ap-dung-chuong-viii-amoris-laetitia-jb-le-ngoc-dung-110.html.

[14] Bản Anh ngữ: Cardinal Walter Kasper, The Gospel of the Family (New York: Pauline Press, 2014).

[15] Bản Anh ngữ: JuanJosePerez-SobaandStephanKampowski, The Gospel of the Family, Going Beyond Cardinal Kasper’s Proposal in the Debate on Marriage, Civil Re-Marriage, and Communion in the Church (San Francisco: Ignatius Press, 2014).

[16] Theo National Catholic Reporter Online (www.ncronline.org).

[17] AL, số 305, footnote 351.

[18] Nguồn truy cập: http://www.catholicherald.co.uk/news/2017/10/30/dubia-cardinal-a-footnote-cannot-overturn-the-tradition-of-the-church/.

[19] Theo National Catholic Register (www.ncregister.com), bài đăng ngày 28/9/2017.

[20] AL, số 304, trích ST I-II, q. 94, art. 4.

[21] Trong đó, tác giả nhắc lại giáo huấn của Familiaris Consortio về việc những người ly dị tái hôn có thể xưng tội và rước lễ khi thực hành việc tiết dục và tránh gây gương mù gương xấu. Tuy nhiên, khi lập luận như vậy, bản văn này đã không tận dụng hết giáo huấn của Amoris Laetitia được đề cập rất nhiều trong chương VIII. Và theo đó, những trường hợp không thể tiết dục trọn vẹn thì cũng không được phép lãnh bí tích Hòa giải. Thật đáng tiếc!

[22] Có thể đọc bản dịch và bình giải của Linh mục G.B. Lê Ngọc Dũng, đặc trách Tư pháp giáo phận Nha Trang (cập nhật và chỉnh sửa ngày 31/3/2018).