Giáo Dục


GIÁO DỤC KITÔ GIÁO là một sứ mạng không chỉ quan trọng mà còn phổ cập đối với sự phát triển của xã hội và Giáo Hội. Trong diễn từ ngỏ với các nhà giáo dục 26.06.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ vai trò của công việc giáo dục đó: “Chúng ta cần phải trao tặng một linh hồn cho thế giới toàn cầu qua sự đào tạo trí tuệ và đạo đức nhằm hỗ trợ cho những điều tốt lành mà sự toàn cầu hóa mang lại và sửa chữa những điều nguy hại”. 1
 
Với tầm nhìn sâu rộng, Đức Cha Paul Seitz, ngay khi nhận trách nhiệm chủ chăn Giáo Phận Kontum, đã có một định hướng rất rõ ràng: “Giáo dục là phương thức hữu hiệu và phương sách hàng đầu trong việc chuyển tải đức tin, là cách thế giúp phát triển sự hoàn thiện con người cách toàn vẹn” […]. 
 
Với “gần một triệu người kém cỏi đang sống yên lặng trong rừng […]. Thiên Chúa đã giao phó họ cho ta lo lắng. Không lãnh nhận tất cả những đòi hỏi của sứ mệnh giáo dục họ, là phản bội mệnh lệnh minh xác của Chúa Kitô: “Chúng con hãy thương yêu nhau” (Ga 13,34)2.
 
Tiếp nối thao thức của vị tiền nhiệm, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, khi nhận trách nhiệm dẫn dắt Giáo Phận Ban Mê Thuột, cũng dành ưu tư hàng đầu cho việc giáo dục, cách riêng đối với các Anh Em Sắc tộc. Trong Thư Chung số 6 Về Nhiệm Vụ Truyền Giáo, ngài bày tỏ sự quan tâm và khơi gợi ý thức trách nhiệm đào tạo: “Xét về bất cứ khía cạnh nào, người ta cũng nhận thấy các nhu cầu tại các xứ Truyền giáo thật là bao la, cần phải có trường học, nhà thương, nhà thờ, nhà nguyện... ”
 
Hiểu được đường hướng của Đấng Sáng lập và Đấng Thiết lập trên đây, Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình luôn quan tâm đến sứ mạng giáo dục. Từ buổi đầu (1963), tại Giáo Phận Kontum, quý chị thuộc các thế hệ đầu tiên đã dạy Giáo lý tại xứ Tân Hương, dạy văn hóa tại trường Tiểu học Giáo xứ Phương Hòa. Sau đó, Dòng thành lập những cơ sở giáo dục khá đa dạng: 
- Trung tâm hướng thượng, thành lập 1967 (nay là Trường Mầm Non Tư Thục Họa Mi, 151 Phan Chu Trinh, Tp. Buôn Ma Thuột): giúp các thiếu nữ Sắc tộc học Giáo lý, học văn hóa, học nghề. 
- Trung tâm huấn nghệ của Giáo Phận: giúp các thiếu nữ kinh cũng như Sắc tộc học nghề may, đan len và gia chánh miễn phí. 
- Ký nhi viện Tuổi Ngọc, thành lập năm 1970: nuôi dạy các cháu vườn trẻ và mẫu giáo. 
- Trường Tiểu học Thánh Tâm, được thành lập năm 1968 (thuộc Giáo xứ Thánh Tâm, Ban Mê Thuột), được Cha chính xứ Giuse Trịnh Chính Trực giao cho Hội Dòng phụ trách. 
- Trường Trung học Thánh Tâm, thành lập năm 1969, do Cha tuyên úy Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm Hiệu trưởng. Trường dành riêng cho Thanh Tuyển sinh của Dòng. 
 

Nhờ sự thông thoáng sau thời kỳ đất nước “mở cửa”, hiện nay Dòng đã thành lập một số Trường Mầm Non và Nhà Nội Trú cho học sinh vùng xa. Dòng chủ yếu chăm sóc các thiếu nhi không chỉ vì hoàn cảnh hiện nay chưa cho phép mở các trường cấp cao hơn, nhưng vì tầm quan trọng của lứa tuổi này, như nhận định của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung 2007 Về Giáo Dục Kitô Giáo: “Thanh niên và thiếu nhi là những thành phần rất đáng quan tâm ở hàng ưu tiên […]. Thiếu nhi, những trang giấy trắng đang chờ in những hình ảnh tươi đẹp, cần phải được thụ hưởng một nền giáo dục chân chính về nội dung và hiệu quả về phương pháp, làm vốn liếng hành trang hữu ích cho suốt cuộc hành trình làm người và đức tin” (số 24). 
 
Chị em tận dụng những điều kiện trong tầm tay để giúp các em lớn lên về mặt nhân bản, dùng trường lớp làm nơi để loan báo Tin Mừng Hòa Bình. Nói cách khác, công tác giáo dục của Dòng không dừng lại ở việc đào tạo tri thức để sau này các em thành nhân, thành công trong đời mà còn giúp các em trở nên con cái Chúa, nhất là tông đồ giáo dân. Như thế, Dòng đã đi đúng định hướng của Hội Đồng Giám Mục: “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước Trời”3.
 

Phương tiện truyền thông xã hội (điện thoại, internet...) là một con dao hai lưỡi; vì nó đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các em theo những cách không lành mạnh. Các trường Mầm Non và Nhà Nội Trú của Dòng đã phần nào là mái ấm chở che giúp các em tránh được những tác động tiêu cực của nó; và nhờ vậy, các em vững bước hơn trên con đường hình thành nhân cách. 
 
Ý thức mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa trong sứ vụ giáo dục, chị em mau mắn bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tác nhân chính trong việc uốn nắn, đào tạo con người. Nhờ ý thức đó, chị em ngày càng xác tín hơn về lời dạy của Đấng Sáng lập:“Giáo dục là phương thức hữu hiệu và phương sách hàng đầu trong việc chuyển tải đức tin, là cách thế giúp phát triển sự hoàn thiện con người cách toàn vẹn”.
 

1 https://zenit.org/articles/category/pope-and-holy-see/.
2 Thư chung gửi anh em giáo hữu Việt Nam Về Nhiệm Vụ Truyền Giáo Đối Với Anh Em Thượng, 19.02.1958, 
(Bút Tích, tr. 11-12).
3 Thư Chung 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai, số 3.