Đức Maria Trong Tân Ước XXI
ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XXI
TẬP HAI
CHƯƠNG VI
THĂM VIẾNG - MẦU NHIỆM GẶP GỠ
Các bạn thân mến,
Biến cố Truyền Tin, như chúng ta đã thấy, chứa đựng nhiều điểm trùng hợp với các biến cố trong Cựu Ước. Cũng vậy, trong biến cố Thăm Viếng diệu kỳ của Đức Maria, có không ít điểm trùng hợp tương tự. Để nắm bắt được nét độc đáo của biến cố này, chúng ta trước tiên hãy cùng phân tích trình thuật Thăm viếng, dưới ngòi bút của thánh sử Luca. Thứ đến, chúng ta sẽ ‐khởi đi từ biến cố độc đáo này‐ nêu bật tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình của Mẹ; và sau cùng, chiêm ngắm hình tượng con người hòa bình của Mẹ, một hình tượng mang tính thời sự đối với con người thời đại hôm nay.
I. PHÂN TÍCH TRÌNH THUẬT
Biến cố Thăm viếng rất phong phú, sâu sắc và diễm lệ theo quan điểm Kitô Học và Thánh Mẫu Học. Nó có cùng cấu trúc, có cùng nền tảng Cựu và Tân Uớc, có cùng lối đối thoại, nhất là trong bài ca của bà Êlisabét; và dĩ nhiên cũng chứa đựng không ít khác biệt. Giờ đây, chúng ta hãy cùng phân tích bản văn: bối cảnh của trình thuật sẽ tỏ hiện khi chúng ta tìm hiểu bài ca của bà Êlisabét, và cách riêng bài Magnificat, hạt ngọc của trình thuật.
1. Bài ca của bà Êlisabét
Trong câu 43 “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”, cung giọng của bà Êlisabét xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Trong cả hai tác phẩm của mình [Tin Mừng (Lc 20,41‐44) và Sách Công Vụ Tông đồ (2,34)], thánh sử Luca đều viện đến Tv 110,1 "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con" để cho thấy Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Bà Êlisabét cũng xác nhận Đức Maria là Mẹ của “Chúa tôi”, của Đấng Thiên Sai.
Khi trích dẫn Thánh vịnh của Đavít nói về Đấng Thiên Sai nêu trên có lẽ Luca cũng nhớ đến đoạn Sách Samuel II chương 6, trong đó Đavít là nhân vật chính. Các diễn tiến của câu chuyện này giống với những gì đã diễn ra trong biến cố Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét, tại miền núi Giuđa gần Giêrusalem. Lúc Đavít chỉ huy việc đưa Hòm Bia Giao Ước từ biên giới Philistine về Giêrusalem, nhà vua đã ngần ngại không dám rước vào thành của mình (Giêrusalem), vì trước đó Hòm Bia đã gây ra cái chết cho một người, dại dột đụng đến Hòm Bia. Do vậy, Đavít tự hỏi: "Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?!" (6, 9). (ghi chú: Trong kinh Kính Mừng, phần mở đầu “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà” lấy từ Lc 1,28. Phần kế tiếp "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” lấy từ Lc 1,42. Còn lời chào ở phần hai của Kinh: ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” lại là tiếng vọng của của lời tán tụng “Mẹ Chúa tôi”, trong Lc 1,43).
Cần lưu ý ở đây sự giống nhau giữa câu hỏi của Đavít và câu hỏi của bà Êlisabét. Hai câu tự hỏi xem ra giống nhau nhưng thật ra có động cơ hoàn toàn khác nhau. Vua Đavít tự hỏi trong sợ hãi, nhưng rốt cục đã đưa Hòm Bia Giao Ước đến nhà Ôvét Êđôm, người thành Gát, và ở lại đó độ ba tháng, giống như việc Đức Maria đã ở lại nhà bà Êlisabét độ ba tháng rồi trở về nhà mình. Dĩ nhiên, cần phải biết là cuộc thăm viếng của Đức Maria tuy được thánh sử Luca nhìn như là sự vang vọng của cảnh tượng của Hòm Bia Giao Ước trong Cựu Ước, nhưng sức mạnh làm chết người của Hòm Bia (khiến Đavít phân vân) làm cho động cơ của câu hỏi hoàn toàn khác với động cơ của câu hỏi của bà Êlisabét: một bên thì sợ hãi, còn bên kia thì hoan hỉ đến ngỡ ngàng! Sự kiện Hòm Bia Giao Ước ‐sau ba tháng ở lại nhà ông Ôvet Êđom‐được di chuyển đến Giêrusalem hoàn toàn khác với việc Đức Maria trở về nhà mình.
Các bạn thân mến,
Chúng ta thấy cả hai câu chuyện đều xảy ra tại vùng đất Giuđa, đều cùng liên quan đến Hòm Bia Giao Ước, đều là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, có sự khác biệt giữa hai câu chuyện trong Cựu Ước và Tân Ước, chẳng hạn trong cách biểu lộ niềm vui và sự tung hô nhiệt liệt: Thiên Chúa đã chúc lành, và vua Đavít cũng nhân danh ĐỨC CHÚA các đạo binh chúc lành cho dân (2Sm 6,18). Cũng có sự trùng hợp đầy ý nghĩa về khoảng thời gian ba tháng mà Hòm Bia ở lại, so với ba tháng mà Đức Maria lưu lại để giúp đỡ bà chị họ mình. Qua sự song đối giữa hai câu chuyện này, thánh sử Luca muốn nói lên một chân lý tuyệt vời: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa cư ngụ và là Hòm Bia của Giao Ước Mới, có khả năng đưa cái cũ đến mức thành toàn.
Trong câu 44, bà Êlisabét diễn tả cảm nghiệm nội tâm bằng chính ngôn ngữ của mình: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. Theo nhà chú giải Raymond Brown, đây là kỹ thuật mô tả mà Luca đã sử dụng trong hai câu chuyện Truyền tin (1, 7 và 1, 18 / 1, 27 và 34). Những điểm lặp lại mà thánh sử đã chủ ý xây dựng là nhằm nêu bật việc qua hành động ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả trong dạ mình mà bà Êlisabét biết được Đức Maria là “Mẹ của Thiên Chúa tôi”. Ý tưởng về hành động của hai hài nhi –lúc đang còn trong bụng mẹ‐ nói lên sự tham dự của cả hai vào định mệnh tương lai của mình (hài nhi được đặt tên trước khi thụ thai cũng cho thấy vai trò của hài nhi trong tương lai). Có thể thấy điều này trong sách Sáng thế 25, 22‐23, khi Êsau và Giacóp nhảy đụng nhau trong bụng mẹ, là bà Rêbêca. Việc hai hài nhi đụng nhau trong dạ mẹ là hình ảnh báo trước họ và con cháu họ sẽ đấu tranh với nhau trong cuộc sống.
Luca ở đây làm đúng với những gì đã làm trong 1, 13‐17. Thánh sử đang viết câu chuyện của hài nhi Gioan Tẩy Giả dưới ánh sáng của truyền thống mục vụ của Gioan Tẩy Giả. Truyền thống mục vụ được nói ở đây tức là cách thế chuẩn bị cho mọi người tiếp nhận Đấng Mêsia: “Dân trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài;” (3, 15‐16). Truyền thống chuẩn bị đó ‐“như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho ĐỨC CHÚA, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (3, 4)‐ đã khởi đầu khi Gioan Tẩy Giả làm cho mẹ mình nhận ra Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria.
Trong cuộc gặp gỡ nhiệm mầu đầy lý thú này, chúng ta nghe bà Êlisabét chúc tụng Đức Maria: “Bà liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Có thể so sánh câu nói này với hai câu trong hai trường hợp ở Cựu Ước. Câu thứ nhất liên quan đến ông Ápram: “Sau khi đánh bại vua Cơđolaôme và các vua cùng phe, ông Ápram trở về. Bấy giờ vua thành Xơđôm ra đón ông tại thung lũng Savê, tức là thung lũng Nhà Vua. Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Ápram và nói: "Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram!” (St 14, 17‐19). Câu thứ hai liên quan đến bà Giuditha: sau khi dùng mưu chước chặt được đầu tên đại tướng của Átsua là Hôlôphecnê, bà trở về; ông Útdigia nói với bà: "Này trang nữ kiệt, con được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này. Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất; Người đã hướng dẫn con chặt đầu tướng giặc!” (Gdt 13, 18).
Mời nghe tiếp phần sau.