Đức Maria Trong Tân Ước XX
ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XX
TẬP HAI
DẪN NHẬP III
Câu hỏi đầy khôn ngoan của Đức Maria
Các bạn thân mến,
Trở lại với câu hỏi của Bà, chúng ta thấy đây quả là một câu hỏi đầy thông minh. Dĩ nhiên, câu hỏi này không giống với câu hỏi đầy nghi ngại và mang tính thách thức của Da-ca-ri-a, đến nỗi thiên thần Gáp-ri-en phải bực mình phạt nhãn tiền. Bà hoàn toàn không nghi ngờ về việc mình thụ thai nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, và sinh con nhưng vẫn còn đồng trinh. Vấn đề nan giải ở đây là: Thiên Chúa phải thuyết phục dân tộc Ít-ra-en thế nào đây, vì theo luật Mô-sê thì không chồng mà mang thai phải chịu án tử hình (Sách Đệ nhị Luật chương 22, câu 23 và 24). Vậy mang thai mà phải án chết thì làm sao sinh Con cho Thiên Chúa, làm sao hoàn tất nhiệm vụ Thiên Chúa trao! Dĩ nhiên Bà không thể hình dung được cách giải quyết đầy khôn ngoan của thượng trí Thiên Chúa. Ngài giải quyết mọi sự cách tốt đẹp mà chính Bà không ngờ đến. Thiên Chúa chẳng phải cất công thuyết phục cả dân tộc Ít-ra-en, cũng không cần phải thay đổi Lề luật hầu bảo vệ “mẹ tròn con vuông”. Ngài chỉ cần thuyết phục một người trong dòng tộc Đa-vít thì mọi việc sẽ đâu vào đó, đồng thời ứng nghiệm lời tiên báo trong Cựu Ước: Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ dòng tộc Đa-vít.
Chúng ta thấy Thiên thần trả lời chỉ trong một câu nhưng bao gồm ba phần riêng biệt. Phần thứ nhất là Chúa Giê-su sẽ được thụ thai và sinh ra bởi quyền năng Thiên Chúa qua Thần Khí của Ngài như thế nào. Trong phần thứ hai, ngài tiết lộ sự thụ thai của bà Ê-li-sa-bét cho Đức Ma-ri-a. Sự mạc khải này là một dấu hiệu bảo đảm rằng lời truyền tin về việc Mẹ thụ thai là xác thực, hoàn toàn đáng tin. Ở phần thứ ba, thiên thần xác định “không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”. Lời xác định này có vẻ quan trọng hơn cả, vì nó khẳng định nội dung của toàn câu chuyện. Đức Ma-ri-a không thể có con bởi không biết đến đàn ông, nhưng sứ thần Gabrien quả quyết rằng chuyện không thể xảy ra sẽ xảy ra thật. Thiên Chúa đang thực hiện điều không thể xảy ra đó.
Một lần nữa việc đặt song đối hai câu chuyện ‐của bà Ê-li-sa-bét và ông Da-ca-ri-a‐ đã làm nổi bật cái hoàn cảnh độc đáo của Đức Ma-ri-a. Theo suy nghĩ của Da-ca-ri-a thì việc bà Ê-li-sa-bét có thai không mấy chắc chắn, cho dù những trường hợp thụ thai lạ lùng đã xảy ra không ít lần trong lịch sử Do‐thái. Nhiều người nghĩ rằng nó “không chắc chắn”, hay là “không thể xảy ra”, như trường hợp thụ thai của bà Sa-ra (vợ A-bra -ham), của bà Ra-khen và của bà An-na (mẹ của Sa-mu-en). Một độc giả dù khá mơ hồ về lịch sử Do‐thái vẫn có thể nhận ra ‐trong biến cố truyền tin cho ông Da-ca-ri-a‐chủ đề quen thuộc này. Trong hai câu chuyện truyền tin song song này, có nhiều điểm tương đồng, và dĩ nhiên, có những điểm tương phản. Mẹ Ma-ri-a ‐không cao tuổi cũng không son sẻ và cũng không nổi tiếng vì sự tốt lành‐ sẽ cưu mang một hài nhi. Nếu ta cho rằng sự cưu mang thai nhi của bà Ê-li-sa-bét là một phép lạ, vì bà đã già và son sẻ, thì ngược lại, trường hợp của một Maria trẻ trung, khỏe mạnh và không biết người nam, cũng là một phép lạ. Chỉ khác nhau ở chỗ một bên là phép lạ chữa lành, còn bên kia, được xem là phép lạ tạo dựng!
Các bạn thân mến,
Trong Tập 2 này, chúng ta sẽ cùng nhau gặp gỡ Mẹ Ma-ri-a, qua các trình thuật của thánh sử Lu-ca, tác giả Tin mừng thứ Ba và sách Công vụ Tông Đồ. Sau khi đào sâu ‐ở chương VI‐ biến cố gặp gỡ giữa Đức Ma-ri-a và gia đình bà Ê-li-sa-bét (Thăm Viếng – Mầu Nhiệm Gặp Gỡ), chúng ta sẽ bàn đến ‐ở chương VII‐ biến cố Đức Ma-ri-a Sinh hạ Chúa Giê-su. Các biến cố quan trọng trong thời niên thiếu và trong thời gian Chúa Giê-su rao giảng sẽ được khai triển ở chương VIII: 1. Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ; 2. Lạc Mất Chúa Giê-su; 3. Thăm Chúa Giê-su Trên Đường Rao Giảng. Cũng trong chương này, Chúng ta sẽ khai triển ở mục 4 của chương những suy tư về Vai Trò Của Đức Ma-r-ia trong đời sống Giáo Hội, dựa trên trình thuật ở sách Công Vụ Tông đồ (Cv 1, 12‐14).
Trong bốn cuốn Tin Mừng (đầu tiên là của Mat-thêu, kế đến Ma-cô, rồi Lu-ca và Gio-an), sách Công Vụ Tông đồ, hoặc các văn phẩm Tân Ước khác, thì chỉ có mình thánh sử Lu-ca thuật lại biến cố Truyền tin và Thăm viếng; vì thế, trong mỗi chương, tôi sẽ bắt đầu bằng Tin Mừng Lu-ca rồi đến Mat-thêu và tuần tự. Có lẽ ít ai ngờ được rằng số 7 là con số đẹp, con số hoàn chỉnh trong Cựu Ước, và xuất hiện rất nhiều lần.
Thí dụ: Tân Ước có 27 cuốn, thì Đức Ma-ri-a được nói đến trong 7 cuốn.
Cũng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta có một cái nhìn sơ lược về một số dữ kiện đặc biệt sau đây, liên quan đến cuộc đời Chúa Giê-su và Đức Maria, Mẹ Ngài:
Việc Chúa Giê-su có một người Mẹ, được nói đến 20 lần:
*Mat-thêu 1, 18; 2, 13, 14, 20.
*Ma-cô 3, 32.
*Lu-ca 1, 43; 2, 33, 34, 48, 51; 8, 20.
*Gio-an 2, 1, 3, 5, 12; 19, 25‐27; và TĐCV 1, 14.
Người Mẹ đó có tên “Ma-ri-a”, được nhắc đến 23 lần
Mat-thêu 1, 16, 18, 20; 2, 11; 13, 5 (5 lần)
Ma-cô 6, 3 (1 lần)
Lu-ca 1, 25‐2, 34 (12 lần)
Công Vụ Tông đồ 1, 14 (1 lần)
Giống như Phao-lô, Gio-an dùng cách gọi: “Mẹ Chúa Giêsu”
1° Tin Mừng Ma-cô nhắc đến 2 lần:
1. “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra” (3, 31)
2. “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia‐cô‐bê, Giô‐xết, Giu‐đa và Si‐môn sao?” (6, 3a)
2° Tin Mừng Mat-thêu nhắc đến 6 lần:
1. Đức Ma-ri-a, mẹ của Chúa Giê-su (1, 16)
2. Sự ra đời của Chúa Giê-su con Bà Ma-ri-a (1, 18‐25)
3. Chuyến thăm của Ba Vua từ Phương Đông (2, 11)
4. Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se và Chúa Giê-su trốn sang Ai Cập (2, 13‐21)
5. Gia đình viếng thăm Chúa Giê-su khi Ngài rao giảng (12, 46‐50)
6. Chúa Giê-su bị từ chối tại Na-gia-rét (13, 53‐58)
3° Tin Mừng Lu-ca nhắc đến 6 lần:
1. Truyền Tin (1, 26‐38)
2. Đức Ma-ri-a thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (1, 39‐56)
3. Sự ra đời của Chúa Giê-su con bà Ma-ri-a (2, 1‐7)
4. Đức Ma-ri-a dâng Chúa Giê-su vào Đền thờ (2, 21‐38)
5. Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se lạc mất Chúa (2, 41‐52)
6. Gia đình viếng thăm khi Chúa Giê-su rao giảng (8, 19‐21)
4° Tin Mừng Gio-an nhắc đến 2 lần:
1. Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su tham dự tiệc cưới tại Cana (2, 1‐11)
2. Đức Maria đã chứng kiến cuộc khổ nạn của con trai Bà. Bà làm Mẹ Gio-an và Gio-an làm con của Bà (19, 25‐27)
5° Sách Công Vụ Tông đồ nhắc đến 1 lần:
Đức Ma-ri-a cầu nguyện với các Tông đồ (Cv 1, 14)
6° Thư thánh Phaolô nhắc đến 1 lần:
Sinh làm con một người đàn bà (Gl 4, 4)
7° Sách Khải Huyền nhắc đến 1 lần:
Người phụ nữ, mình khoác áo mặt trời (12, 1‐18)
Mời nghe tiếp phần sau.