Đức Maria Trong Tân Ước XVIII


            ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XVIII             
                              TẬP HAI                                
DẪN NHẬP

 

Các bạn thân mến,
“Truyền Tin” là biến cố hết sức quan trọng đối với Đức Maria cách riêng và đối với Giáo Hội nói chung, bởi lẽ chính qua biến cố này mà Thiên Chúa đã khởi đầu việc thực hiện lời hứa cứu độ từ ngàn đời, đánh dấu bằng việc Nhập thể của  Ngôi Hai Thiên Chúa. Như đã báo trước trong Lời Mở Đầu, tôi sẽ  trước khi đi vào nội dung chính  nhắc lại một số điểm nổi bật của biến cố “Truyền Tin”, do tầm vóc đặc biệt của nó.

Dĩ nhiên, tôi không lập lại những gì đã nói trong Tập 1, mà chỉ chủ yếu nêu lên một số ý tưởng độc đáo về biến cố này của thánh Giáo phụ Maximô Confessor, một nhà thần  học quan trọng bậc nhất của thế kỷ VII. Nhờ luôn suy tư và sống trong sự cung chiêm Ngôi Lời vĩnh cửu, nên tư tưởng của nhà thần học thần bí này rất thâm thúy. Hãy cùng dõi theo những suy tư của ngài. Nơi chốn sứ thần truyền tinKhi bà Êlisabét thụ thai được sáu tháng, Thiên Chúa đã sai Tổng lãnh Thiên Thần Gabrien đến thành Nagiarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, sứ thần Thiên Chúa đã thông đạt cho Trinh Nữ Maria một sứ điệp vinh hiển, tuyệt vời, không thể diễn tả hết cũng như không thể hiểu thấu!

Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường mô tả khung cảnh Truyền tin như sau: lúc thôn nữ Maria đang quỳ  gối, sốt sắng cầu nguyện trong căn phòng nhỏ của mình thì sứ thần Gabrien bất chợt xuất hiện, trong luồng ánh sáng chói chang. Maria ngước nhìn, tai chăm chú lắng nghe lời sứ thần. Giáo phụ Maximô Confessor lại hình dung biến cố Truyền tin cách khác, rất độc đáo. Theo ngài, biến cố truyền tin diễn ra lúc trinh nữ Maria đang chay tịnh và đang đứng  cầu nguyện gần vòi nước: “Cô đem bình đi lấy nước, bỗng nhiên nghe một giọng nói: “Kính chào Bà, đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa những người nữ”. Cô nhìn quanh để tìm xem giọng nói phát ra từ đâu, nhưng không thấy ai cả. Cô run rẩy đi vội về nhà. Khi bước vào cửa, đặt bình nước xuống đất và ngồi xuống ghế, cô chợt thấy sứ thần của Chúa đứng trước mặt và ngỏ lời: “Maria đừng sợ, Bà được đầy ơn phúc trước mặt Thiên Chúa, hơn tất cả mọi loài thụ tạo, và Bà sẽ thụ thai Lời của Người”. Nghe những lời đó, cô nghi ngại trong lòng và thầm nhủ: “Tôi sẽ thụ thai Chúa, Thiên Chúa hằng sống, cưu mang giống như những người đàn bà khác sao?”.

Như đã nói, lúc sứ thần Truyền tin, Mẹ đang đứng gần vòi nước, bởi lẽ  theo lời giải thích của Giáo phụ Maximô, Mẹ thụ thai chính nguồn sự sống. Biến cố này xảy ra trong tháng thứ nhất, khi Thiên Chúa dựng nên toàn thế giới, là để cho chúng ta thấy Ngài đang đổi mới lại thế giới cũ. Đó là ngày đầu tuần, ngày Chúa Nhật. Trong ngày này, Ngài xua tan  bóng tối nguyên sơ và tạo ra ánh sáng nguyên thủy; và cũng trong ngày này, sự Phục Sinh vinh quang của Vua và cũng là của Con Mẹ nơi mồ trống đã diễn ra. Và cũng từ đó mà phát xuất sự phục sinh của bản tính nhân loại chúng ta, không chỉ vào ngày đầu tuần mà còn vào giờ đầu tiên, theo lời ngôn sứ: “Ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp” (Tv 46, 6).

Các bạn thân mến,Tin mừng vui sứ thần loan báoLời của sứ thần Gabrien nói với Đức Maria khá bí ẩn. “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28). Sứ thần nói Mẹ hãy mừng vui lên, nhưng vì đâu mà mừng vui?
– Thưa,  vì chuyện đau buồn thời nguyên sơ và bản án khắc nghiệt xưa kia trong vườn địa đàng nay đã được hủy bỏ, và vì ân sủng mới đã được ban cho sự hiểu biết của loài người; và sứ thần tán tụng “Đấng đầy ân sủng” là do bởi sự giàu có đức hạnh và ân sủng của Đức Trinh nữ đã tuôn đổ trên cô. Như một thứ của hồi môn, điều thứ nhất là sự đính hôn của chàng rể bất tử cùng với sự xóa bỏ lời chúc dữ nguyên thủy đã trút xuống trên chúng ta qua sự bất tuân và sai lầm của người mẹ nguyên tổ, thì nay thay cho nỗi buồn sầu, là quà tặng của niềm vui vĩnh cửu. Và điều thứ hai là dấu chỉ về sự giàu có của cô dâu không cưới (the bride unwedded); cả hai điều này đều đã được vị Tổng lãnh thiên thần công bố.

Sau đó, sứ thần nói thêm: “Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Đây là sự rất mực giàu có của Đức Vua; là sự hoàn tất  lời hứa của Ngài. Chính Lời của Thiên Chúa  lời vượt lên‐  trên mọi từ ngữ  đã đi vào cung‐  lòng của Đức Nữ Trinh chí thánh. Chính Ngài là Đấng kết hiệp và cũng là Đấng được kết hiệp: Ngài kết hiệp hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất và được kết hiệp với nhân tính bởi ân sủng. Ngài đã xây dựng đền thờ của chính nhục thể Ngài mà Ngài thấy xứng hợp với mình. Tuy nhiên, cũng những lời “Thiên Chúa ở cùng Bà” đó  đã hủy diệt, xóa bỏ lời nguyền nguyên thủy đã từng trút  xuống trên những người phụ nữ: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ sinh con đẻ cái trong đau đớn. Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả. Nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi’ (St 3,16b).

Và sự sinh nở đã trở nên sự đau đớn, khổ sở do sự bất phục tùng nguyên thủy, như lời chứng của ngôn sứ Isaia: “Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở, phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, thì lạy Đức Chúa, chúng con cũng như vậy trước nhan Ngài” (Is 26,17). Và cứ theo diễn tiến đó thì tình trạng nô lệ, sự đau đớn và phiền não của người phụ nữ sẽ không bao giờ kết thúc.Nhưng thật diệu kỳ: khi Tổng lãnh thiên thần ngỏ lời  với Đức Trinh Nữ: “Thiên Chúa ở cùng Bà” thì điều đó có nghĩa là mọi nợ nần của khổ đau đều được xóa bỏ. “Thiên Chúa ở cùng Bà”, và sự thống trị của nam nhân sẽ không còn ở trên Bà, cũng như Bà sẽ không còn phải gánh chịu sự đau đớn khi sinh con; bởi lẽ, Bà là Trinh nữ duy nhất, được tán  tụng trên mọi trinh nữ, một trinh nữ mãi mãi không vướng  mắc nguyên tội: trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi  sinh.

Trước đó, không phụ nữ nào có thể sống trinh khiết; thế nhưng, Mẹ Thiên Chúa, người phụ nữ được sủng ái, đầy ân phúc và trọn đời đồng trinh đã trở thành nền tảng và nguyên nhân của sự trinh khiết cho những phụ nữ nào ước ao sống như thế; bởi lẽ, trong thực tế, Mẹ cũng là nguyên nhân và nguồn mạch của mọi điều thiện hảo dành cho mọi con người nam nữ, là Mẹ vinh quang, thánh thiện của Thiên  Chúa và của Chúa Giêsu Cứu Thế, là sự điểm trang của bản tính nhân loại, là bài ca và niềm vui của các thiên thần, là Đấng cầu bầu cho nhân loại và là Đấng cứu giúp mọi tín hữu. (Xin mở ngoặc ở đây để nói về người phụ nữ Do thái: Ngày xưa, người phụ nữ Do thái có hai điều tủi nhục, đau khổ nhất: một là có chồng mà không sinh con. Đó là dấu chỉ họ bị Thiên Chúa chúc dữ, nên bị cộng đoàn xa lánh; hai là người phụ nữ không được ai cưới về làm vợ. Họ bất hạnh vì không thực hiện được điều Chúa dạy: “sinh sản cho đầy mặt đất!” Vì không có chồng thì làm sao có con!).
Mời nghe tiếp phần sau.